Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Công nhận Ba Lòng là xã an toàn khu của Trung ương đặt tại Quảng Trị



ĐNA -

Ngày 21/4/2023, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận xã Ba Lòng là xã an toàn khu của Trung ương, đặt tại tỉnh Quảng Trị trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngày 6/2/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 49/QĐ-TTg, công nhận Ba Lòng là xã an toàn khu của Trung ương đặt tại tỉnh Quảng Trị trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Quảng Trị tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ba Lòng là xã an toàn khu

Nằm ở thượng nguồn sông Thạch Hãn, xã Ba Lòng ngày nay thuộc huyện miền núi Đakrông. 76 năm trước, vào ngày 14/4/1947, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc họp tại địa điểm Teng Teng thuộc miền núi huyện Triệu Phong, quyết định chọn vùng đất phía tây của các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, từ các vị trí Hòn Linh, Bợc Lở, qua Khe Su, Khe Cau, Ba Lòng kéo dài xuống Bơng; phía Hòn Linh kéo dài xuống Hải Đạo để xây dựng căn cứ cách mạng, có tên gọi Chiến khu Ba Lòng.

Năm 1947, Tỉnh ủy Quảng Trị quyết định rút toàn bộ lực lượng vào Chiến khu Ba Lòng hoạt động để được an toàn trước sự lùng sục của thực dân Pháp. Ba Lòng có vị trí đặc biệt, bảo đảm các điều kiện để xây dựng một căn cứ kháng chiến lâu dài.

Vừa mới ra đời, Chiến khu Ba Lòng nhanh chóng trở thành trung tâm lãnh đạo kháng chiến, trụ sở của bộ đội chủ lực, cơ quan Đảng, Ủy ban Hành chính kháng chiến, đoàn thể, quân dân và các công xưởng sản xuất vũ khí… Tại đây, đã diễn ra các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, hội nghị, cuộc họp có tính chất quyết định đến công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại địa bàn Quảng Trị.

Chiến khu Ba Lòng cũng là nơi diễn ra các cuộc chiến đấu ác liệt giữa ta và địch; là nơi ra đời của các đơn vị bộ đội chủ lực của khu vực Trị-Thiên Huế; là trạm dừng chân an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, các đoàn cán bộ của các Liên khu ra bắc vào nam. Tiêu biểu như Đoàn công tác của đồng chí Lê Đức Thọ dừng chân tại Chiến khu Ba Lòng năm 1949, Đoàn công tác của đồng chí Phạm Văn Đồng đến Chiến khu Ba Lòng năm 1951.

Trải qua thời gian, mỗi dấu ấn lịch sử ở chiến khu Ba Lòng là những sự kiện vô cùng quan trọng gắn liền với sự tồn tại, trưởng thành, phát triển của lịch sử kháng chiến quê hương, đất nước. Ở đó, cùng với những chiến công vang dội, là những đau thương mất mát, là máu thịt của đồng bào, đồng chí đã ngã xuống cho mục đích thiêng liêng cao cả là giữ vững nền độc lập dân tộc.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam nhấn mạnh: Thủ tướng Chính phủ công nhận Ba Lòng là xã an toàn khu là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là niềm vui, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.

Đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương đến vùng căn cứ địa cách mạng, ghi nhận sự đóng góp to lớn của quân và dân địa phương trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Đây thực sự là niềm động viên cổ vũ to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng căn cứ địa cách mạng.

Để xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh, trở thành “địa chỉ đỏ” trong giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước kiên cường và triển khai thực hiện tốt Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị UBND huyện Đakrông huy động các nguồn lực để bảo tồn, tu bổ, phục hồi quần thể di tích trên địa bàn xã, chỉ đạo địa phương tập trung thực hiện nội dung các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, đầu tư phát triển KT-XH, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Quân đoàn 2 và huyện Đakrông đã trao 25 suất quà (trị giá mỗi suất 1 triệu đồng) cho 25 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Đường vào Ba Lòng ngày nay

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ bố trí nguồn lực, đồng thời kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ ngân sách đầu tư cho xã Ba Lòng nhằm tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong vùng căn cứ cách mạng.
Chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu đưa quần thể di tích lịch sử trên địa bàn xã Ba Lòng vào chương trình giáo dục địa phương để giảng dạy trong các trường phổ thông;
Tăng cường tuyên truyền, quảng bá về các di tích lịch sử, nhằm thu hút khách du lịch đến với Ba Lòng;
Kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án, trang trại gia súc quy mô lớn, đầu tư trồng rừng lấy gỗ và đầu ra cho sản phẩm để tạo sinh kế cho người dân;
Tiếp tục khai thác các tiềm năng, lợi thế để giúp xây dựng Ba Lòng đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025 theo mục tiêu đề ra…

Chy Le