(Đà Nẵng) . Chiều ngày 25/10/2024, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng phối hợp với Viện Công nghệ thông tin (ITI), Đại học Quốc gia Hà Nội, đã tổ chức trao chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo đầu tiên, bồi dưỡng ngắn hạn về “Thiết kế vi mạch bán dẫn”.
Khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn về “Thiết kế vi mạch bán dẫn”, dành cho sinh viên, được tuyển sinh từ tháng 1/2024 và chính thức khai giảng vào ngày 23/3/2024 với 15 học viên. Các em trước đó đã theo học các ngành liên quan, ngành gần, như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật điện tử, Điện tử viễn thông, Điện, Cơ điện tử, và Tự động hóa, …
Khóa bồi dưỡng có hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (3 tháng đầu), tập trung vào giảng dạy lý thuyết và thực hành cơ bản về thiết kế vi mạch. Giai đoạn 2 (3 tháng sau), học viên bắt đầu tham gia các dự án thực tế, giúp củng cố kiến thức và kỹ năng thông qua các bài tập và thử thách thực tiễn. Chương trình đào tạo bao gồm 4 module chính: VLSI Design; Basic Digital Design & Hardware Description Language (SystemVerilog / Verilog / VHDL); Thực thi mạch tích hợp số cơ bản; và Thiết kế mạch tương tự cơ bản.
Khóa bồi dưỡng được triển khai trên hệ thống phần mềm (có bản quyền) của Synopsys, một trong những công ty hàng đầu về giải pháp thiết kế vi mạch, đảm bảo tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong quá trình học tập và thực hành của học viên. Một chương trình đào tạo có cấu trúc hoàn chỉnh, trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.
GS.TS Trần Xuân Tú – Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (ITI), Đại học Quốc gia Hà Nội,chia sẻ: Ban đầu chúng tôi rất lo, không biết có tìm được người học hay không ? Nhưng khi đã có học viên rồi, điều bất ngờ là các em sinh viên VKU, với khí chất của con người miền Trung, chịu khó và rất đam mê, lao vào việc học, nghiên cứu một chuyên ngành, mà cả thầy và trò đều xác định là khó và rất khó.
Qua thời gian học tập, các em cũng chứng minh được năng lực nền tảng về kiến thức chuyên môn, chuyên ngành, tiếp cận nhanh và chắc với nội dung bài giảng, thể hiện quyết tâm sẽ theo đuổi đến cùng công việc của một kỹ sư thiết kế vi mạch.
Cá nhân tôi cho rằng, thành công này, khẳng định tính quyết liệt vào cuộc, từ lãnh đạo chính quyền, đến Đại học Đà Nẵng, lãnh đạo và tập thể VKU. Chính quyết tâm rất cao, nói đi đôi với làm, chúng ta đã có được lứa học viên thiết kế vi mạch đầu tiên, hoàn thành chương trình đào tạo ngắn hạn. ITI sẽ đồng hành cùng VKU góp phần đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho Đà Nẵng, cho miền Trung, cho cả nước và vươn ra thị trường lao động toàn cầu”.
Sau khi kết thúc khóa học, nhóm sinh viên gồm các bạn: Lý Hữu Lộc, Lê Trọng Quyền, Đặng Anh Cường, Lưu Quang Vũ (Khóa 21 – Ngành Công nghệ Kỹ thuật máy tính) và sinh viên Hồ Minh Phi (Khóa 21 – Chuyên ngành IoT Robotics) với sự hướng dẫn từ các Giảng viên Khoa Kỹ thuật máy tính và Điện tử và các chuyên gia từ Viện Công nghệ thông tin (ITI) – ĐHQG Hà Nội, đã không ngừng nghiên cứu và đã đưa ra bản đề xuất ý tưởng thiết kế IC với đề tài “High-Speed Implementation of Ascon for Image Encryption and Decryption”.
Đề tài đã tham gia chương trình về thiết kế vi mạch The Universalization of IC Design from CASS (UNIC-CASS 2024) do Hiệp hội IEEE Circuits and Systems Society (CASS) tổ chức, và đã được Hội đồng giám khảo UNIC-CASS 2024 xét duyệt và chấp thuận. Dự kiến tháng 4/2025 sẽ công bố kết quả sản phẩm Chip thực tế được chế tạo.
“Các em sinh viên VKU tham gia khóa đào tạo upskill về vi mạch bán dẫn nêu trên, đã được chọn là 1 trong 4 nhóm sinh viên Việt Nam, được vào vòng tiếp theo triển khai thực hiện ý tưởng, với sự hỗ trợ của các chuyên gia IEEE. Những thành công ban đầu của các em là dấu hiệu khởi sắc và là nền tảng vững chắc cho chặng đường phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn của các em sinh viên thời gian đến, TS.Huỳnh Ngọc Thọ – Phó Hiệu trưởng VKU chia sẻ.
Còn theo GS.TS Trần Xuân Tú ““Phải nói mới 6 tháng mà các em đã là 1 trong 4 đội của Việt Nam, được Hội đồng giám khảo UNIC-CASS 2024 xét chọn sản phẩm được đề cử là điều rất tuyệt vời. Bởi làm được điều này rất khó”.
“Thiết kế vi mạch có thể nói là một ngành học đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu, sự cần cù và năng lực sáng tạo để tạo ra những sản phẩm mang giá trị đột phá. Điều đó cũng được thể hiện qua điểm chuẩn đầu vào rất cao của Chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn lên đến 27 điểm.
Vi mạch bán dẫn – một cụm từ được đông đảo thế hệ học sinh, sinh viên quan tâm trong thời gian qua., nhiều sinh viên đang học tại trường cũng quan tâm đến chương trình và đăng ký chuyên ngành Thiết kế vi mạch của Trường trong học kỳ vừa qua.
Chương trình Upskill thiết kế vi mạch bán dẫn mà chúng em đã được học, có thiết kế nội dung rất phù hợp với năng lực chúng em, từ lý thuyết đến thực hành và làm dự án thực tế. Với chương trình này, chúng em đã hiểu và vận hành được các quy trình thiết kế để tạo ra những sản phẩm thực tế.Chúng em cũng được học tập thực hành trên hệ thống phần mềm công nghiệp hiện đại, hệ thống máy chủ khá mạnh. Đây là nền tảng đầu tiên giúp cho chúng em tiếp tục phát triển trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn đầy mới mẻ.
Vừa qua, sinh viên lớp đã tham gia chương trình thiết kế vi mạch do Hiệp hội IEEE Circuits and Systems Society (CASS) tổ chức và là 1 trong 4 đội xuất sắc nhất Việt Nam qua vòng đề xuất được đánh giá bởi các chuyên gia của IEEE. Hiện các bạn đang triển khai thực hiện và hoàn thiện sản phẩm. Đây có thể xem là một thành công ban đầu của chúng em trong lĩnh vực này”.
Được biết, thời gian qua, VKU đã rất tích cực triển khai nhiều hoạt động, là đơn vị tiên phong hoàn thành thủ tục và công bố tuyển sinh Kỹ sư thiết kế Vi mạch bán dẫn năm 2024, với tổng chỉ tiêu dự kiến đào tạo từ 600 – 1.000 kỹ sư đến năm 2028. Trường cũng đồng thời điều chỉnh chương trình đào tạo các ngành gần, trong đó có thêm định hướng ngành
“Vi mạch bán dẫn” để đào tạo chuyển đổi (đối với sinh viên từ năm 1/khóa 2023, đến năm 3/khóa 2021). VKU cũng đã mở chương trình đào tạo thạc sỹ, phát triển nhóm nghiên cứu về vi mạch bán dẫn; xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực về đóng gói, kiểm thử Vi mạch bán dẫn.
Tuyển sinh khóa đầu tiên năm 2024, chuyên ngành Kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn của VKU có 60 chỉ tiêu, đã thu hút sự quan tâm rất lớn của thí sinh, phụ huynh với hơn 1.500 hồ sơ tổng các nguyện vọng. Kết quả có 71 thí sinh có điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào (theo phương thức học bạ và THPT) từ 27 điểm trở lên, thuộc top đầu cả nước./.
Trần Ngọc