Trải qua nhiều “chiến dịch”, dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái – “mảnh ghép” cuối cùng của trục cao tốc “xương sống” Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái sẽ đi vào khai thác cuối năm 2021. Đưa Quảng Ninh trở thành địa phương sở hữu đường cao tốc xuyên tỉnh dài nhất Việt Nam, đón nhận nhiều cơ hội mới.
Từ 15 ngày tăng tốc GPMB 80km…
Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, lợi thế các cửa khẩu quốc tế được phát huy, Quảng Ninh là tỉnh có nhiều cửa khẩu nhất Việt Nam. Do đó, nếu sở hữu tuyến cao tốc dọc tỉnh kéo dài đến Móng Cái, Quảng Ninh sẽ trở thành trung tâm kết nối thuận lợi của hai hành lang kinh tế (Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; Nam Ninh – Bằng Tường – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh) và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ trong giao thương với các nước Đông Nam Á, khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng với Trung Quốc. Đây sẽ là cơ hội để Quảng Ninh khai thác những giá trị nổi trội, khác biệt, động lực thúc đẩy kinh tế liên vùng phát triển. Trên cơ sở tranh thủ sự hỗ trợ và ủng hộ từ Trung ương, Quảng Ninh đã nhanh chóng huy động nguồn lực xã hội để đầu tư tiếp tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn dài hơn 60km, hoàn thành vào cuối năm 2018. Tỉnh cũng từ chối vốn vay ODA với các ràng buộc ngặt nghèo để huy động nguồn lực mới triển khai cao tốc Vân Đồn – Móng Cái dài gần 90km. Như vậy, tổng chiều dài đường cao tốc tại Quảng Ninh được nâng lên gần 180km chạy dọc tỉnh, kết nối các trung tâm kinh tế Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái và hàng chục KCN, KKT của tỉnh trong tương lai.
Để phù hợp với quy mô và tình hình thực tiễn, dự án này được điều chỉnh vào tháng 7/2020, nâng vận tốc thiết kế từ 100km/h lên 120km/h. Điều này dẫn đến diện tích mặt bằng cần bổ sung là 187,12ha, liên quan đến 1.168 hộ dân và 18 tổ chức thuộc các địa phương Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái. Việc GPMB số lượng lớn, thời gian ngắn để đáp ứng yêu cầu thi công dự án đã trở thành bài toán tương đối phức tạp đối với các địa phương khi thị trường bất động sản tại Quảng Ninh liên tục thay đổi. Trong bối cảnh này, Quảng Ninh đã phát động chiến dịch cao điểm “30 ngày đêm” hoàn thành công tác GPMB dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sau điều chỉnh.
Ngay trong những ngày đầu triển khai chiến dịch, vai trò người đứng đầu các địa phương đã được thể hiện rất rõ. Trực tiếp các đồng chí bí thư, chủ tịch UBND các địa phương đã xuống hiện trường, gặp gỡ, đối thoại để rà soát, đánh giá, nhận định tính đặc thù của từng hộ, có phương án tiếp xúc hiệu quả, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân.
Với sự vào cuộc tích cực, hiệu quả cùng cách làm phù hợp, chỉ sau 15 ngày kể từ thời điểm phát động chiến dịch, cả 5 địa phương có tuyến cao tốc đi qua đều tổ chức bàn giao mặt bằng, tổng số 187,12ha, liên quan đến 1.186 hộ dân và tổ chức, cho chủ đầu tư dự án. Chiến dịch GPMB “thần tốc” của tỉnh thành công chỉ trong 1/2 thời gian dự kiến, trên tinh thần đồng thuận, phấn khởi. Đây là kỳ tích mới trong GPMB của Quảng Ninh từ trước đến nay.
Đồng chí Vũ Văn Sơn, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Quảng Nghĩa (TP. Móng Cái), cho biết: Trong số các địa phương có đường cao tốc đi qua, xã Quảng Nghĩa có nhiều hộ dân nhất bị ảnh hưởng, gần 100 hộ. Để đảm bảo tính thần tốc của chiến dịch, lãnh đạo xã đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, giải thích thật rõ ràng, nhiều lần cho từng hộ dân. Đồng thời, tiếp nhận ý kiến, kiến nghị và làm rõ ngay tại cơ sở theo hướng công khai, minh bạch, áp dụng đúng, đủ các chế độ bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Từ đó đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Các hộ dân liên quan đã ký cam kết bàn giao mặt bằng sớm hơn 1/2 thời gian so với kế hoạch.
Chị Nguyễn Thị Thơm (thôn 2, xã Quảng Nghĩa) là một trong những hộ dân trong diện GPMB, chia sẻ: “Toàn bộ diện tích đất ở cùng ngôi nhà mái bằng và diện tích đất đồi trồng bạch đàn của gia đình tôi đều thuộc diện phải giải tỏa. Lúc đầu còn chút do dự vì đó là nơi mình đã gắn bó bao lâu nay, nhưng khi được chính quyền vận động, gia đình tôi đã chủ động tự nguyện bàn giao đất. Số tiền đền bù, gia đình đã xây nhà mới ở thôn 3, ổn định cuộc sống”.
Đây không phải là lần đầu tiên Quảng Ninh thực hiện GPMB một dự án quy mô lớn. Từ nhiều năm trước, Quảng Ninh đã từng mở chiến dịch Quang Trung GPMB dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cùng nhiều dự án trọng điểm khác. Kinh nghiệm và cách làm sáng tạo tỉnh có, đó là lý do vì sao tỉnh đã hoàn thành giải phóng gần 188ha trước ngày 15/8.
Đến 500 ngày đêm thần tốc và quyết liệt
Để tăng tốc thi công, nhanh chóng đưa dự án vào khai thác, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, ngay sau thành công của chiến dịch “30 ngày đêm” hoàn thành GPMB, đầu tháng 8/2020, tỉnh tiếp tục phát động chiến dịch “500 ngày đêm” hoàn thành dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Đặc biệt, để tăng thêm khí thế, nhiệt huyết cho các công trường, quyết tâm hoàn thành dự án vào cuối năm nay, dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua, tỉnh tiếp tục phát động đợt thi đua cao điểm “100 ngày đêm” hoàn thành cao tốc.
Ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Giám đốc BQL Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, cho biết: Để đảm bảo tiến độ, thực hiện các chiến dịch cao điểm thi công toàn tuyến, Ban đã xây dựng kế hoạch tiến độ cụ thể đối với từng hạng mục, từng đoạn tuyến, để đôn đốc nhà đầu tư, nhà thầu, tập trung triển khai thi công. Bên cạnh đó, duy trì chế độ báo cáo tuần; phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, nhà thầu để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.
Với tinh thần thần tốc, quyết liệt, hiện trên các công trường, nhiều mũi thi công được triển khai, thi đua để về đích trước hẹn. Hầu hết các nhà thầu tăng gấp đôi nhân lực, phương tiện, tổ chức thi công liên tục nhiều ca, nhiều kíp, đồng loạt nhiều hạng mục.
Với việc tập trung cao độ thi công hàng loạt hạng mục, đến nay đoạn cao tốc Tiên Yên – Móng Cái dài 63km, các gói thầu thi công đường dài 59,6km đã hoàn thành thi công 245/248 cống thoát nước, 46/47 hầm dân sinh, đắp nền K95 được 86%, rải cấp phối đá dăm được 16/59,6km. Các gói thầu thi công cầu cơ bản hoàn thành hạng mục hạ bộ, tổ chức lao lắp dầm được trên 70% khối lượng. Đoạn cao tốc Vân Đồn – Tiên Yên có chiều dài 16,08km, các nhà thầu đang huy động nhân lực và phương tiện, thiết bị, máy móc nhiều hơn 2 lần so với dự thầu ban đầu, tổ chức nhiều kíp thi công nối tiếp nhau trong cả 3 ca, bám sát tổng tiến độ dự án; chia thành 14 mũi thi công liên tục trong cả 3 ca tại 2 gói thầu. Trong đó, cầu Vân Tiên – cầu dài nhất tuyến với 35 nhịp, đến nay đã đạt trên 80% khối lượng công việc, dự kiến hoàn thành sau 1 năm thi công. Các nhà thầu đều đặt quyết tâm đảm bảo tiến độ, kế hoạch hoàn thành dự án cuối năm 2021 theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh.
Tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái có chiều dài hơn 80km, thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 120km/h. Đây là đoạn tuyến cuối cùng của trục cao tốc “xương sống” dọc tỉnh Quảng Ninh (Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái), điểm đầu kết nối trực tiếp với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, điểm cuối đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân II (TP Móng Cái).
Tuyến đường được đánh giá có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Quảng Ninh. Sau khi hoàn thành, thời gian di chuyển từ Vân Đồn đi Móng Cái sẽ được rút ngắn từ 2 giờ xuống còn gần 1 giờ đồng hồ; tạo thuận lợi giao thông đường bộ từ hướng Lạng Sơn đi Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái, đồng thời phát huy hiệu quả của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Đặc biệt, khi tuyến cao tốc này hoàn thành, toàn bộ không gian phát triển sẽ tạo ra động lực mới, cơ hội phát triển mới cho các huyện miền Đông của tỉnh nói riêng, trong đó có các huyện Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà tăng trưởng nhanh hơn, kéo gần khoảng cách về kinh tế – xã hội với các địa phương có tốc độ phát triển cao như Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái….
Với tinh thần thần tốc, khí thế hăng say thi đua, từ nay đến cuối năm, “mảnh ghép” cuối cùng của tuyến cao tốc dài 200km xuyên suốt tỉnh sẽ liền mạch. Điều này cũng chứng minh những chủ trương, quyết sách lớn của tỉnh đã được triển khai một cách hiệu quả, huy động được sự đồng thuận của nhân dân, mở ra cơ hội để Quảng Ninh khai thác những giá trị nổi trội, khác biệt, động lực thúc đẩy kinh tế liên vùng phát triển.
(Báo Quảng Ninh)