Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

20 thắng cảnh của đất thần kinh xưa

ĐNA -

Huế từng là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất đưới thời Nguyễn (1802-1945), nổi danh với 20 thắng cảnh tuyệt đẹp được đích thân Hoàng đế Thiệu Trị bình chọn và làm thơ đề vịnh. Tuy nhiên, trải qua thời gian, chiến tranh cùng bao biến động lịch sử, 20 thắng cảnh ấy không còn được nhiều người biết bởi phần lớn trong số chúng đã bị hủy hoại hoặc biến đổi rất nhiều. Tạp chí Đông Nam Á xin giới thiệu bài viết của Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế về 20 thắng cảnh này.

Thần Kinh Nhị Thập Cảnh, tức 20 thắng cảnh của kinh đô Huế đã từng được vua Thiệu Trị xếp hạng và vịnh thơ hồi giữa thế kỷ XIX. Trải qua bao cuộc dâu bể, đến nay phần lớn trong số 20 thắng cảnh này hoặc đã không còn, hoặc nếu còn thì cũng đã biến đổi rất nhiều. Trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của tiền nhân, ngoài công tác trùng tu phục hồi di tích, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có nỗ lực đáng kể qua việc sưu tầm, dịch thuật và giới thiệu về 20 thắng cảnh này qua công trình “Thần Kinh Nhị Thập Cảnh-Thơ Vua Thiệu Trị” (Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997). Tuy nhiên, sự giới thiệu về Thần Kinh Nhị Thập Cảnh trong công trình trên chủ yếu mới nằm ở khâu khai thác tư liệu và phần dịch, giới thiệu các bài thơ; những thông tin về tình trạng hiện nay của 20 thắng cảnh ấy cùng những dấu tích còn lại vẫn còn thiếu khá nhiều. Đây cũng chính là phần mà tôi muốn bổ khuyết trong bài viết nhỏ này.

Theo sự bình chọn, sắp xếp của Hoàng đế Thiệu Trị, 20 thắng cảnh của đất Thần kinh gồm những cảnh được sắp xếp theo thứ tự sau:

1.Trùng Minh Viễn Chiếu (cảnh lầu Minh Viễn, trong Tử Cấm Thành).

2.Vĩnh Thiệu Phương Văn (cảnh vườn Thiệu Phương, trong Tử Cấm Thành).

3.Tịnh Hồ Hạ Hứng (cảnh hồ Tịnh Tâm, trong Kinh Thành).

4.Thư Uyển Xuân Quang (cảnh vườn Thư Quang, trong Kinh Thành).

Bản vẽ của bộ Công triều Nguyễn từ năm 1845 minh họa cho các cảnh: Lầu Minh Viễn- kinh thành Huế; vườn Thiệu Phương; hồ Tịnh Tâm và Ngự Viên.

5.Ngự Viên Đắc Nguyệt (cảnh vườn Ngự Viên, trong Tử Cấm Thành).

6.Cao Các Sinh Lương (cảnh hồ Nội Kim thủy, trong Hoàng thành).

7.Trường Ninh Thùy Điếu (cảnh cung Trường Ninh/Trường Sanh, trong Hoàng thành).

8.Thường Mậu Quan Canh (cảnh vườn Thường Mậu, trong Kinh thành).

Tranh vẽ của bộ Công năm 1845 minh họa cho các cảnh vườn Thư Quang, cung Trường Ninh, Hậu Hồ và vườn Thường Mậu.

9.Vân Sơn Thắng Tích (cảnh chùa Thánh Duyên trên núi Thúy Vân, huyện Phú Lộc).

10.Thuận Hải Qui Phàm (cảnh thuyền về cửa biển Thuận An).

11.Hương Giang Hiểu Phiếm (cảnh sông Hương buổi sáng).

12.Bình Lãnh Đăng Cao (cảnh núi Ngự Bình).

Tranh vẽ của bộ Công năm 1845 vẽ minh họa các cảnh núi Ngự Bình, cửa Thuận An, sông Hương buổi sáng và cảnh chùa Thiên Mụ.

Tranh gương (1845) vẽ cảnh vườn Thiệu Phương, Hậu Hồ và vườn Thường Mậu.

13.Linh Quán Khánh Vận (cảnh quán Linh Hựu, trong Kinh thành).

14.Thiên Mụ Chung Thanh (cảnh chùa Thiên Mụ).

15.Trạch Nguyên Tiếu Lộc (cảnh săn nai đầu nguồn sông Hương).

16.Hải Nhi Quan Ngư (cảnh phá Hà Trung).

Tranh vẽ của bộ Công năm 1845 minh họa các cảnh Hành cung Thúy Vân, Văn Miếu, chùa Giác Hoàng và rừng đầu nguồn sông Hương.

Một số hình ảnh về cung Trường Sanh (Trường Ninh), vườn Thiệu Phương, vườn Cơ Hạ và Hậu Hồ hiện nay.

17.Giác Hoàng Phạm Ngữ (cảnh chùa Gíac Hoàng, trong Kinh thành).

18.Huỳnh Tự Thư Thanh (cảnh trường Quốc Tử Gíam).

19.Đông Lâm Dực Điểu (cảnh rừng Đông Lâm, thị xã Hương Thủy).

20.Tây Lãnh Thang Hoằng (cảnh suối nước nóng, thị xã Hương Trà).

Tranh của bộ Công vẽ 1845 minh họa các cảnh Đầm Hà Trung, rừng Đông Lâm, suối nước nóng đầu nguồn sông Hương và trường Quốc Tử giám.

 Một số hình ảnh trong Hoàng cung và sông Hương hiện nay

Trong 20 cảnh trên có 7 thắng cảnh tự nhiên và 13 thắng cảnh nhân tạo hoặc là sự kết hợp giữa nhân tạo với tự nhiên. Và để tôn vinh Thần Kinh Nhị Thập Cảnh, năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), nhà vua đã sai Nội Các “cố định hóa” sự bình chọn của mình bằng những phương pháp sau:

– In thành sách có kèm tranh minh họa (thành một phần trong bộ Ngự đề Đồ Hội Thi Tập);

– Vẽ trên tranh gương để treo tại các cung điện (1).

– Vẽ trên một số đồ sứ kí kiểu đặt làm tại Trung Quốc.

– Cho khắc chùm thơ Thần Kinh Nhị Thập Cảnh vào bia đá, bảng đồng để dựng/treo tại các thắng cảnh được bình chọn.

Nhờ việc “cố định hóa” nói trên, đến nay dù trải qua bao biến động, Thần Kinh Nhị Thập Cảnh vẫn giữ được rất đáng kể trên phương diện tư liệu. Toàn bộ các bức tranh vẽ minh họa về 20 thắng cảnh cùng các bài thơ đề vịnh về chúng vẫn được lưu lại trong bộ Ngự Đề Đồ Hội Thi Tập. Về tình trạng của các bức tranh gương, các đồ sứ kí kiểu và các bia đá, bảng đồng thì kém hơn nhiều và đây cũng là vấn đề mà chúng tôi muốn tập trung đề cập.

– Những bài thơ được khắc vào bảng đồng gồm 8 cảnh đầu tiên, từ Thần kinh Đệ nhất cảnh Trùng Minh Viễn Chiếu đến Đệ bát cảnh Thường Mậu Quan Canh. Cả 8 thắng cảnh này đều là những thắng cảnh nhân tạo và đều nằm bên trong Kinh thành (bao gồm cả Hoàng thành và Tử cấm thành). Sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ của Nội Các triều Nguyễn, phần bộ Công, quyển 221, có ghi rõ về quy cách làm các tấm bảng đồng này như sau:

Cả 8 bảng đồng đều làm bằng nhau, có hình chữ nhật, dài 1 thước 1 tấc (khoảng 46,6cm), cao 1 thước 4 tấc ( khoảng 60cm), dày 5 phân (khoảng 21cm). Trên mỗi tấm bảng, một mặt khắc bài thơ vua làm, mặt kia khắc tên bài thơ (2).

Bức hoành bằng đồng khảm bạc bài thơ ngự chế của vua Thiệu Trị và cảnh quốc tự Diệu Đế hiện nay.

Điều hết sức đáng tiếc là đến nay không một tấm bảng đồng nào còn lại trên các di tích vốn là thắng cảnh xưa. Chúng tôi cũng chưa tìm được thêm thông tin khả dĩ nào về những tấm bảng đồng này. Tuy nhiên, gần đây, tình cờ trong một lần về thăm chùa Diệu Đế, tôi đã được thầy Thích Minh Đức cho biết, hiện nhà chùa vẫn còn giữ được 2 tấm biển đồng khắc thơ ngự chế của Hoàng đế Thiệu Trị. Sau khi trực tiếp xem xét mới biết đây là 2 tấm bảng đồng khắc 2 bài thơ ngự chế “Đạo Nguyên Các” và “Cát Tường Từ Thất” của vua Thiệu Trị (xem ảnh). Quy cách và kích thước của 2 tấm bảng đồng này rất phù hợp với mô tả của sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ về những tấm bảng đồng khắc thơ ngự chế trong Thần Kinh Nhị Thập Cảnh. Chùa Diệu Đế là một ngôi chùa rất đặc biệt, đất chùa vốn là phủ đệ cũ của vua Minh Mạng, vào năm 1807, hoàng tử Miên Tông (tức vua Thiệu Trị) được sinh ra tại đây. Đến năm 1844, trên nền của đất phủ, vua Thiệu Trị đã cho dựng chùa Diệu Đế với quy mô to lớn để kỷ niệm nơi mình sinh ra, và ngôi chùa cũng được đưa lên hàng Quốc tự. Hiện nay trong chùa vẫn thờ Long vị của vua Thiệu Trị. Vì vậy, thời vua Thiệu Trị, chùa Diệu Đế được hưởng những ân sủng đặc biệt. Các công trình của chùa đều được vị hoàng đế này đặt tên và “ngự chế” thơ để đề vịnh, ca ngợi; mỗi bài thơ đều được khắc trên một tấm bảng đồng để đặt ngay trên công trình (một mặt khắc tên công trình, một mặt khắc bài thơ ngự chế). Có lẽ ngày xưa chùa Diệu Đế có không ít những tấm bảng đồng tương tự, đáng tiếc nay chỉ còn giữ được 2 tấm nêu trên mà thôi. Tuy vậy, đây là những cổ vật rất quý trên nhiều phương diện. Tôi cho rằng, các bài thơ đề vịnh 8 cảnh đầu tiên trong Thần Kinh Nhị Thập Cảnh cũng được Nội Các triều Nguyễn thực hiện theo cách tương tự.

– Những bài thơ được khắc vào bia đá, gồm 12 bài còn lại, từ Thần kinh Đệ cửu cảnh Vân Sơn Thắng Tích đến Đệ nhị thập cảnh Tây Lãnh Thang Hoàng. Quy cách làm các tấm bia này cũng được quy định rất cụ thể. Mỗi tấm bia đều có 2 phần: thân bia và đế bia. Thân bia cao 2 thước (84,8cm), rộng 1thước 2 tấc (50,8cm), dày 4 tấc(17cm). Đế bia dài 1 thước 7 tấc (72cm), rộng 1 thước 1 tấc 3 phân (48cm), dày 6 tấc (25,4cm). Tất cả các tấm bia đều được khắc trên một mặt, có nhà bia che chở (3).

Về các tấm bia này, đến nay chúng tôi đã tìm thấy 7/12 tấm, đó là các bia:

–         Vân Sơn Thắng Tích

–         Bình Lãnh Đăng Cao

–         Hương Giang Hiểu Phiếm

–         Thiên Mụ Chung Thanh

–         Trạch Nguyên Tiếu Lộc

–         Huỳnh Tự Thư Thanh

–         Đông Lâm Dực Điểu

Trong số các tấm bia đã tìm được, đa phần tình trạng còn khá tốt (chỉ trừ 2 tấm Đông Lâm Dực Điểu và Trạch Nguyên Tiếu Lộc là không còn nhà che bia). Tất cả chữ khắc trên các tấm bia đến nay vẫn còn rõ, đẹp với nét chạm khắc sắc sảo; văn bia cũng đã được làm thác bản để lưu trữ, nghiên cứu lâu dài.

Ngoài ra, hiện nay tại vườn Cơ Hạ, bên trong Hoàng thành vẫn còn lưu giữ được 03 tấm bia khắc 3 bài thơ ngự chế của vua Thiệu Trị đề vịnh các cảnh của khu vườn này, đó là: Tiên Động Phương Tung, Hồ Tân Liễu Lãng và Vũ Giang Thắng Tích. Tuy nhiên, đây là loại bia đá có kích thước nhỏ hơn. Có lẽ đây chính là loại bia khắc các bài thơ ngự chế về các “tiểu cảnh” chứ không phải là cảnh chính như quy cách bia khắc thơ Thần Kinh Nhị Thập Cảnh mà trên đã nói.

– Về các bức tranh gương, dưới thời vua Thiệu Trị, toàn bộ các cảnh trong chùm thơ trên đều được gửi sang Trung Quốc để vẽ thành các bức tranh độc lập, nhưng không chỉ có 20 cảnh chính mà còn có thêm hàng chục bức tranh vẽ các tiểu cảnh của Thần kinh nhị thập cảnh. Đáng tiếc là đến nay, trải qua bao nhiêu biến động lịch sử, Huế chỉ còn giữ được một số lượng tranh không lớn lắm, chừng hơn 50 bức. Riêng về loại tranh vẽ Thần Kinh Nhị Thập Cảnh đến nay Trung tâm Bảo tồn Di tích còn giữ được 5 bức sau đây:

1- Trùng Minh Viễn Chiếu

2- Vĩnh Thiệu Phương Văn (Bức tranh này còn khá nguyên vẹn, hiện vẫn được treo tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

3- Thiên Mụ Chung Thanh

4- Thường Mậu Quan Canh

5- Cao Các Sinh Lương

Ba bức tranh sau (3,4,5) vốn cất trong kho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, sau được đưa ra treo tại điện chính cung Diên Thọ, còn bức đầu tiên (số 1) đã bị vỡ nát do bị một viên đạn bắn trong chiến tranh, nay vẫn cất trong kho của Bảo tàng).

 Ngoài ra, theo 2 nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hòe và L.Cadière trong bài viết “Quelques coins de la Citadel de Hué” (một vài nơi trong Kinh thành Huế) đăng trên tập san B.A.V.H, số 3/1922, trước đây, trong điện Cần Chánh có treo 2 bức tranh gương vẽ cảnh hồ Tịnh Tâm. Khi xem trong ảnh in kèm bài viết trên, chúng tôi thấy trong nhất nhiều tranh gương treo trong ngôi điện này có một bức vẽ Thần kinh Đệ tam cảnh Tịnh Hồ Hạ Hứng, còn bức kia cũng vẽ một tiểu cảnh về hồ này (bức minh họa bài thơ Oanh Đê Xuân Sắc, một trong chùm 15 bài thơ của vua Thiệu Trị gắn liền với cảnh hồ Tịnh Tâm). Nhưng thật đáng tiếc, hai bức tranh này cũng như toàn bộ tranh gương treo tại đây đã chịu chung số phận cùng điện Cần Chánh, chúng đã bị tiêu hủy hoàn toàn vào đầu năm 1947.

– Về các đồ sứ kí kiểu tại Trung Hoa có vẽ tranh minh họa kèm thơ về 20 thắng cảnh trên, đến nay chúng tôi cũng mới biết có một chiếc dĩa sứ vẽ cảnh chùa Thánh Duyên trên núi Thúy Vân (trên dĩa có viết 4 câu trong bài Vân Sơn Thắng Tích). Hiện nay chiếc dĩa sứ này đang được lưu giữ trong bộ sưu tập đồ sứ kí kiểu của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (Thành phố Hồ Chí Minh).

Trước điện Kiến Trung (xưa là lầu Minh Viễn)- đệ nhất thắng cảnh đất Thần Kinh.

Trong 20 thắng cảnh đất Thần Kinh, đến nay chỉ có chùa Thiên Mụ và chùa Thánh Duyên là ít thay đổi, bia ngự chế của vua Thiệu Trị vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn tại các chùa này, tuy nhiên, trái với chùa Thiên Mụ ngày càng nổi tiếng, chùa Thánh Duyên lại là một địa danh không nhiều người biết đến.

Với 4 khu vườn ngự dạng “cung uyển” trong Hoàng thành là vườn Thiệu Phương, Ngự Viên, Hậu Hồ và cung Trường Ninh thì có nhiều biến động. Cung Trường Ninh đã thay đổi chức năng, cải tạo thành nơi dành cho các bà Thái hoàng thái hậu ăn ở từ đầu thế kỷ XX và cũng đổi tên thành cung Trường Sanh/Sinh; Hậu Hồ thì các công trình kiến trúc đều bị triệt giải và trở nên hoang hóa; Ngự Viên cũng chịu chung số phận, trừ một phần dùng để xây dựng tòa Ngự Tiền Văn Phòng vào đầu thập niên 1930; riêng vườn Thiệu Phương đã được nghiên cứu và trùng tu phục hồi sau hơn 100 năm hoang phế, và đây là ngự viên duy nhất được phục hồi cho đến thời điểm này.

Một di tích nổi tiếng khác là lầu Minh Viễn (đệ nhất cảnh) thì cuối thế kỷ XIX đã bị triệt giải, sau đó tại đây triều Nguyễn cho xây một công trình khác mang tên là lầu Du Cửu (thời Duy Tân), rồi lại xây điện Kiến Trung để thay thế (thời Khải Định). Năm 1947, công trình này bị chiến tranh hủy hoại toàn bộ, chỉ còn phần nền móng. Đầu năm 2019, dự án trùng tu phục hồi điện Kiến Trung đã được khởi công, và đến đầu năm 2024, công trình đã hoàn thành, góp phần trả lại cho không gian hoàng cung vẻ huy hoàng tráng lệ như đã từng có.

Với hồ Tịnh Tâm, một ngự uyến nổi tiếng khác, đến nay chỉ còn lại một số dấu tích, tuy nhiên, khả năng phục hồi công trình này khá cao vì diện tích hồ còn khá nguyên vẹn, các nguồn tư liệu về công trình cũng khá phong phú, khó khăn nhất vẫn là nguồn lực đầu tư.

Với 5 di tích khác là vườn Thường Mậu, vườn Thư Quang, quán Linh Hựu, chùa Giác Hoàng và Quốc Tử Giám thì không còn khả năng phục hồi vì các công trình nguyên thủy đều đã bị triệt giải, thay thế bằng các công trình mới với chức năng mới từ hàng chục, thậm chí cả trăm năm trước. Riêng Quốc Tử Giám thì vẫn còn nhưng đã thay đổi vị trí và quy cách cũng rất khác xưa (4).

Trong các thắng cảnh tự nhiên thì sông Hương, núi Ngự, cửa Thuận An, phá Hà Trung vẫn cơ bản như xưa, nếu biết giữ gìn tôn tạo thì vẫn là những danh thắng tuyệt đẹp. Nhưng suối nước nóng (Tây Lãnh Thang Hoàng) thì đã chìm sâu trong lòng hồ thủy điện Tả Trạch; rừng đầu nguồn gần lăng vua Minh Mạng (Trạch Nguyên Tiếu Lộc) cũng đã không còn. Chỉ có rừng Đông Lâm hiện thuộc phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy thì vẫn có khả năng phục hồi được, nhưng đòi hỏi phải có quy hoạch tốt và quyết tâm rất lớn (5).

Trên đây là một vài thông tin thêm về Thần Kinh Nhị Thập Cảnh. người viết bài này rất mong được các nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm, bổ khuyết các thông tin về 20 thắng cảnh này. Hiện nay, Cố đô Huế đang nỗ lực điều tra, sưu tầm nghiên cứu nhằm phục hồi, tôn tạo hệ thống các di sản, trong đó chú trọng đến những vườn cảnh/danh thắng gắn liền với 20 thắng cảnh Thần kinh xưa. Vì vậy, việc bổ sung các thông tin về lịch sử, văn hóa và cảnh quan môi trường của các di tích, danh thắng trên là vô cùng cần thiết và trân quý./.

TS. Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ảnh trong bài: Bảo Minh, Nguyễn Tấn Anh Phong, Lê Đình Hoàng.

Chú thích:
Dưới thời Nguyễn, các vua Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1848-1883) đã cho vẽ rất nhiều tranh gương (kính) để treo trang trí tại các cung điện. Ngoài đề tài về Thần Kinh nhị thập cảnh còn rất nhiều đề tài khác về phong cảnh, con người … Một số bức tranh gương còn vẽ tĩnh vật và không đề thơ. Hiện nay Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế còn giữ được khoảng trên 50 bức tranh gương các loại (tham khảo bài viết Tổng quan về gương cung đình thời Nguyễn của cùng tác giả).
Nội Các triều Nguyễn (1993) Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr 473-474.
Quốc Tử Giám nguyên thủy nằm ở phía tây Văn Miếu, đến năm 1908 mới được dời về vị trí hiện tại, ở phía đông Hoàng thành, nhưng quy cách đã thay đổi.
Một phần của rừng Đông Lâm đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định công nhận là di tích cấp tỉnh với tên gọi là “Lùm Chánh Đông”. Đây chính là cơ hội tốt để bảo tồn, tái quy hoạch và phục hồi thắng cảnh Rừng Đông Lâm xưa.

Tham Khảo:
Phan Thuận An, Phạm Đức Thành Dũng, Phan Thanh Hải, Nguyễn Phước Hải Trung (1997), Thần Kinh Nhị Thập Cảnh -Thơ vua Thiệu Trị. Nxb Thuận Hóa, Huế.
Thiệu Trị -Ngự Đề Đồ hội thi tập, bản chữ Hán. Trung tâm BTDTCĐ Huế.
Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, Bộ Công, quyển 221, phần Bia bảng. Bản dịch. Nxb Thuận Hóa, Huế.
Nguyễn Đình Hòe & L.Cadière (1922), “Quelques coins de la Citadel de Hué”(một vài nơi trong Kinh thành Huế), B.A.V.H, số 3/1922.