Thứ bảy, Tháng chín 14, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

24 điều đến Huế phải trải nghiệm

ĐNA -

Đến Huế không chỉ đến từ cái nhìn đẹp mắt mà còn liên quan đến những giá trị văn hóa, lịch sử, bao gồm những bài hát ca Huế, những bộ sưu tập đồ dân gian và thời trang đặc trưng. Vẻ đẹp cố đô Huế được biết đến bởi những biểu tượng lịch sử, những chùa, các địa danh đẹp mắt và những ngọn núi đẹp trong khu vực. Bằng những vần thơ, tiến sĩ Phan Thanh Hải đã đưa du khách đến những điểm nhấn của Huế.

1.Tàu du lịch Huế- Đà Nẵng- Huế
Đà Nẵng thăm Huế ngồi tàu
Núi non biển phá muôn màu đẹp xinh
Tàu du lịch còn mới tinh
Ngồi tàu ngắm cảnh tưởng mình trong mơ

Ghi chú: Chuyến tàu du lịch Huế- Đà Nẵng- Huế khai trương từ ngày 26/3/2024, mỗi ngày có 2 chuyến từ Huế vào Đà Nẵng và 2 chuyến từ Đà Nẵng ra Huế, tàu ghế ngồi sang trọng, có dịch vụ ẩm thực khá phong phú ngay trên tàu để phục vụ du khách. Thời gian từ ga Huế đến ga Đà Nẵng là 3 giờ (180 phút), có dừng tại ga Lăng Cô 10 phút. Gía vé: 150k/người.

2.Hải Vân Quan
Phóng xe lên đỉnh Hải Vân
Hùng Quan Đệ Nhất nước mình là đây
Giữa đỉnh núi hòa vào mây
Chợt nghe hồn Việt nhắc đây nước mình

Ghi chú: Đỉnh đèo Hải Vân cao 496m so với mực nước biển, là ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Đỉnh đèo có một pháo đài phòng thủ xây dựng dưới triều vua Minh Mạng, gồm 2 cổng: Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan và Hải Vân Quan; công trình này đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia năm 2017, đã được đầu tư khoảng 40 tỷ đồng để trùng tu phục hồi. Đây là một điểm tham quan rất hấp dẫn trên tuyến đường bộ từ Huế đi Đà Nẵng.

3.Vịnh Lăng Cô- Chân Mây
Từ Lăng Cô đến Chân Mây
Cá ngon vịnh đẹp sẵn bày thiên nhiên

Ghi chú: Vịnh Lăng Cô- Chân Mây là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới (được xếp hạng năm 2009), không chỉ có bãi biển đẹp mà còn có nguồn đặc sản nước lợ, nước mặn hết sức phong phú. Đây là một trong những điểm đến rất được du khách yêu thích.

4.Chùa Thánh Duyên tọa lạc trên núi Thúy Vân
Ngồi ghe qua viếng Túy Vân
Một ngôi chùa cổ hồng trần cách xa

Ghi chú: Chùa Thánh Duyên tọa lạc trên núi Thúy Vân (tục danh là Túy Vân- Mây Say) là một trong 4 ngôi Quốc tự dưới thời Nguyễn (1802-1945), cảnh quan u nhã thoát tục, dưới chân núi bao quanh 3 măt là đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, phía đông là biển Đông. Chùa từng được vua Thiệu Trị xếp hạng là 1 trong 20 thắng cảnh của kinh đô Huế, có thơ đề vịnh. Xưa có hành cung Thúy Vân nằm ngay trên phá Tam Giang, là nơi mùa hè các vua Nguyễn thường về nghỉ ngơi thăm viếng.

5.Cầu ngói Thanh Toàn
Rồi về cầu Ngói Thanh Toàn
Rủ nhau bè bạn một đoàn cho vui

Ghi chú: Cầu ngói Thanh Toàn là một công trình kiến trúc gỗ nổi tiếng, được xây dựng từ năm 1776 theo lối “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu), được công nhận là Di tích cấp quốc gia năm 1990. Cầu bắc qua một con hói (ngòi/kênh) nhỏ ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy. Đây là một điểm tham quan rất hấp dẫn đối với du khách. Vào dịp cuối tuần, tại đây có tổ chức định kỳ “Chợ quê Ngày hội”, một dạng lễ hội- chợ phiên cộng đồng để phục vụ du khách.

6.Hoàng thành- Đại Nội
Khám phá Đại Nội- Kinh thành
Sống cùng di sản hồi sinh từng ngày
Hai thế kỷ vẫn còn đây
Thành xưa điện cũ gợi ngày đã qua

Ghi chú: Kinh thành Huế, trọng tâm là khu vực Hoàng thành- Đại Nội đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1993, hơn 30 năm qua đã được đầu tư trùng tu phục hồi hơn 175 công trình di tích, danh thắng, trong đó có những công trình nổi tiếng như điện Thái Hòa, điện Kiến Trung, Thế Tổ Miếu, Triệu Tổ Miếu, Thái Bình Lâu, cung Diên Thọ, vườn Thiệu Phương…Sự hồi sinh mạnh mẽ của di sản Huế được UNESCO và các chuyên gia quốc tế đánh gia cao. Đây cũng là một trong những khu di sản thu hút du khách nhất của Việt Nam.

7.Lăng tẩm các vua Nguyễn
Thăm lăng tẩm sao bỏ qua
Mỗi khu lăng thực một tòa thiên nhiên
Là nơi trút mọi ưu phiền
Là nơi để biết cõi Tiên cõi nào

Ghi chú: Lăng tẩm các vua Nguyễn là những kỳ quan kiến trúc, được xây dựng từ đầu thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, hiện có 7 khu lăng (lăng các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Đồng Khánh, Khải Định) đã được công nhận là Di sản thế giới. Các khu lăng tẩm có phong cách kiến trúc phong phú với đặc trưng riêng nhưng đều hòa đồng gần gũi với thiên nhiên, được ví như “Những khu vườn của thế giới bên kia”. Đây đều là những điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách khi đến Huế.

8.Huế là một trong những trung tâm của Phật giáo Việt Nam
Chùa Huế mới thực đỉnh cao
Thiên Mụ, Diệu Đế chùa nào chùa vua
Từ Hiếu, Báo Quốc, Huyền Không
Chùa nào cũng đẹp đến không muốn về

Ghi chú: Huế là một trong những trung tâm của Phật giáo Việt Nam, được mệnh danh là xứ “Thiền kinh” với hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, kiến trúc đa dạng, cảnh quan tuyệt đẹp, trong đó Thiên Mụ được xem là ngôi Quốc tự số một, được chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng từ năm 1601, chùa Diệu Đế được vua Thiệu Trị cho xây dựng từ năm 1844 (cũng là Quốc tự) đều là những ngôi chùa rất nổi tiếng, còn bảo tồn nhiều pháp bảo quý giá. Chùa Huế còn gắn liền với dòng ẩm thực chay tinh tế rất hấp dẫn du khách.

9.Phố cổ Bao Vinh
Xuôi dòng Hương ngắm đôi bờ
Bao Vinh “Mắt Biếc” còn chờ người thương

Ghi chú: Phố cổ Bao Vinh nằm ở phía đông bắc Kinh thành Huế, phía hạ lưu sông Hương. Từng là nơi buôn bán nhộn nhịp trong hàng thế kỷ, đến nay Bao Vinh vẫn bảo tồn được nhiều ngôi nhà cổ có kiến trúc điển hình kiểu nhà phố thương mại thời quân chủ. Đây cũng là nơi có các di tích đặc sắc như đình Bao Vinh, chợ Bao Vinh… và có cả quán cà phê Mắt Biếc, nơi từng được chọn làm bối cảnh trong bộ phim Mắt Biếc nổi tiếng. Phố Cổ Bao Vinh là một điểm tham quan, check in rất được du khách yêu thích.

10.Phá Tam Giang
Khua mái chèo về Tam Giang
Thần Kinh “Thuận hải quy phàm” lừng danh

Ghi chú: Từ Kinh thành hay phố cổ Bao Vinh có thể đi thuyền xuôi sông Hương về phá Tam Giang, ra cửa biển Thuận An. Phá Tam Giang và cửa Thuận An đều là những thắng cảnh nổi tiếng của Huế, thời Nguyễn vua Thiệu Trị đã xếp cửa Thuận An làm một trong 20 thắng cảnh của kinh kỳ, có bài thơ “Thuận Hải quy phàm” (thuyền về của Thuận) đề vịnh và vẽ tranh minh họa. Gần cửa biển còn có một pháo đài phòng thủ xây từ năm 1813 mang tên Trấn Hải Thành, cũng là một trong các di tích nằm trong quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận từ năm 1993.

11.Đồi Vọng Cảnh
Ngược lên núi đi cùng anh
Lên đồi Vọng Cảnh ngắm quanh Huế mình

Ghi chú: Đồi Vọng Cảnh là một danh thắng nổi tiếng của Huế, tọa lạc giữa các di tích lăng vua Tự Đức, lăng vua Đồng Khánh, tẩm mộ Kiên Thái Vương. Từ trên đỉnh đồi có thể ngắm cảnh sông Hương, điện Hòn Chén, núi Kim Phụng (chủ sơn của Huế). Khu vực đồi Vọng Cảnh đã được đầu tư chỉnh trang, trở thành một điểm tham quan rất đẹp và thu hút du khách.

12.Điện Hòn Chén
Thăm Hòn Chén ôi hữu tình
Xa xa Kim Phụng bồng bềnh trong mây

Ghi chú: Điện Hòn Chén (Điện Huệ Nam) vốn là đền thờ nữ thần Ponagar của người Chăm, sau được Việt hóa thành nữ thần Thiên Y A Na, là nơi nổi tiếng linh thiêng, cũng là một điểm tham quan chiêm bái được nhiều du khách yêu thích. Năm 1993, điện Hòn Chén được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Ngôi điện được bảo tồn, trùng tu khang trang. Hàng năm, vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch, lễ hội điện Hòn Chén được tổ chức, thu hút hàng vạn người tham dự.

Núi Kim Phụng (Thương Sơn) cao 475m, là chủ sơn của vùng Huế, được khắc tên và vẽ hình tượng trên Cửu đỉnh (9 chiếc đỉnh đồng đúc năm 1835 thời vua Minh Mạng trị vì).

13.Làng hương Thủy Xuân
Muốn check in hãy về đây
Làng hương rực rỡ dưới ngay chân đồi

Ghi chú: Làng hương Thủy Xuân nằm ngay dưới chân đồi Vọng Cảnh là một ngôi làng vốn có truyền thống làm hương (nhang) từ hàng trăm năm trước, nay trở thành một điểm tham quan, check in dành cho du khách rất hấp dẫn. Sản phẩm hương thơm của làng được đánh giá là an toàn và có chất lượng cao, là sản phẩm được du khách yêu thích.

14.Ca Huế trên sông Hương
Hoàng hôn xuống hãy về thôi
Lên thuyền Ca Huế nghe lời Mười Thương

Ghi chú: Ca Huế trên sông Hương là một sản phẩm du lịch văn hóa nổi tiếng của cố đô Huế, được hầu hết du khách chọn lựa. Đi tuyền rồng nghe ca Huế trên sông Hương nghe các làn điệu ca Huế như Nam Ai, Nam Bình, nghe bài lý Mười Thương… mới cảm thụ được đời sống tinh thần phong phú, độc đáo của người Huế. Hiện nay có khoảng gần 600 nghệ nhân, nghệ sỹ, ca sỹ ca Huế cùng hàng chục chiếc thuyền hoạt động thường xuyên trên sông Hương để đảm bảo phục vụ nhu cầu của du khách.

15.Cầu Trường Tiền
Lên bờ thư thả dạo quanh
Trường Tiền sáu nhịp hiện vành nón thơ

Ghi chú: Cầu Trường Tiền (có các tên khác: cầu Thành Thái, cầu Nguyễn Hoàng, cầu Clémencau) dài 402,6m, được xây dựng từ năm 1899, khánh thành cuối năm 1900, bắc qua sông Hương ở vị trí xưởng/trường đúc tiền của triều Nguyễn ngày xưa. Cầu làm hoàn toàn bằng thép, có 12 vài, 6 nhịp, được ví như chiếc lược ngà trên mái tóc thiếu nữ là dòng sông Hương xinh đẹp. Cầu Trường Tiền cũng là một biểu tượng của cố đô Huế.

16.Chợ Đông Ba
Đông Ba nhộn nhịp từ xưa
Các o duyên dáng bán mua gọi mời

Ghi chú: Chợ Đông Ba (tên cũ là Đông Hoa, Đông Gia) là ngôi chợ lớn nhất và nổi tiếng nhất của Huế. Vốn xưa chợ nằm bên ngoài cửa Đông Ba, cuối thế kỷ 19 được dời về vị trí hiện tại. Đây là trung tâm thương mại sầm uất với nhiều mặt hàng đặc sản được bày bán. Tiểu thương chợ Đông Ba còn nối tiếng vì có truyền thống mặc áo dài và ăn nói khéo léo. Đây cũng là một điểm đến yêu thích của du khách.

17.Quan Tượng Đài
Đón bình minh ngắm mặt trời
Quan Tượng Đài đó Huế mời bạn lên
Từ đây sẽ thấy sông Hương
Ngự Bình, Kim Phụng nhớ thương mang về!

Ghi chú: Quan Tượng Đài là đài thiên văn cổ nhất Việt Nam còn tồn tại đến nay. Công trình này được xây dựng năm 1827, trên mặt thượng thành ở góc tây nam Kinh thành, ngày xưa là nơi để Khâm Thiên giám quan sát khí tượng, dự báo thời tiết hàng ngày. Đây cũng là nơi ngắm cảnh lí tưởng của Huế.

18.Áo dài là một loại hình trang phục đặc trưng của người Huế
Đã đến Huế- Áo dài thôi
Nếu không xa Huế cả đời ngẩn ngơ!

Ghi chú: Áo dài là một loại hình trang phục đặc trưng của người Huế, trong đó nổi tiếng nhất là các loại áo ngũ thân, được định hình từ đầu thế kỷ 17. Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát đã có quy định toàn dân (Đàng Trong) lấy áo dài làm quốc phục. Thời vua Minh Mạng thì quy định thành quốc phục chung của người Việt Nam. Ngày nay, Huế có hàng chục cơ sở may đo áo dài nổi tiếng để phục vụ du khách, các loại áo ngũ thân truyền thống ngày càng được yêu thích, tạo nên trào lưu ảnh hưởng, lan tỏa ra toàn quốc.

19.Làng cổ Phước Tích
Đến Huế mà có thời gian
Ra thăm Phước Tích biết làng gốm xưa
Không gian xanh đậm chất thơ
Bao ngôi nhà cổ trong mơ khó tìm

Ghi chú: Làng cổ Phước Tích thuộc huyện Phong Điền, cách thành phố Huế khoảng một giờ chạy xe (40km) là ngôi làng cổ trên 500 tuổi, được công nhận là Di tích quốc gia từ năm 2009. Hiện Phước Tích còn bảo tồn một không gian xanh tuyệt đẹp với nhiều ngôi nhà rường/nhà vườn truyền thống. Làng vốn có nghề làm gốm nổi tiếng, chuyên phục vụ đời sống cung đình và cộng đồng dân cư ở kinh đô Huế xưa. Đây là một điểm tham quan hấp dẫn đối với nhiều du khách.

20.Khu du lịch suối khoáng nóng Alba Thanh Tân
Cũng là vùng đất Phong Điền
Thanh Tân suối khoáng cả miền đều hay
Tắm ngâm uống chơi cả ngày
Thử bao đặc sản heo quay gà đồi

Ghi chú: Khu du lịch suối khoáng nóng Alba Thanh Tân thuộc huyện Phong Điền, cách Huế gần 1 giờ xe chạy (35km), là một địa chỉ du lịch nổi tiếng với dòng suối khoáng nóng tự nhiên (độ nóng cao nhất trên 60 độ), các dịch vụ du lịch phong phú đạt chuẩn 4 sao. Đây là điểm check in và nghỉ ngơi thư giãn hấp dẫn ở phía bắc Huế.

21.Ẩm thực Huế
Đến Huế đâu chỉ dạo chơi
Phải ăn phải nếm biết đời dọc ngang
Cả nước ngàn bảy món ăn
Huế mình khiêm tốn chỉ dành ngàn ba
Đến Huế thì phải la cà
Ít chi vài tháng để mà nếm quanh
Bún ngon có cả chục hàng
Mụ Rơi mụ Kéo hoặc hàng Mỹ Tâm

Ghi chú: Ẩm thực Huế vốn nổi tiếng là phong phú và tinh tế với khoảng trên 1300 món ăn, bao gồm ẩm thực cung đình, ẩm thực dân gian, ẩm thực chay. Các món ăn đường phố của Huế như các loại bánh bèo, nậm, lọc, các loại bún, các loại chè, cháo… rất được du khách yêu thích. Các quán bún nổi tiếng nhất của Huế là bún mụ Rơi (48 Nguyễn Chí Diểu), Bún mụ Kéo (20 Bạch Đằng), bún Mỹ Tâm (3 Trần Cao Vân)…

22.Bánh bèo
Bánh bèo nậm lọc nổi danh
Thì về Bà Đỏ hoặc quành Hàng Me

Ghi chú: Bánh lọc/bột lọc là một trong những loại bánh nổi tiếng nhất của Huế với hàng chục tiệm/quán khác nhau. Hiện nay nổi tiếng thu hút du khách là quán bánh lọc bà Đỏ (8 Nguyễn Bỉnh Khiêm) và quán Bột lọc Hàng Me (12 Võ Thị Sáu). Tuy gọi là quán bánh lọc nhưng thực tế quán bán nhiều loại bánh khác như bánh nậm, bánh bèo, ram ít, chả tôm…

23. Chè huế
Muốn thử cả chục món chè
Qua mệ Tôn Đích ăn lè lưỡi luôn

Ghi chú: Chè Huế vốn có hàng chục loại, bao gồm các loại chè mặn (chè bột lọc bọc heo quay, chè cá rô đồng…) và chè ngọt. Tại thành phố Huế có nhiều hàng chè nổi tiếng trong đó chè Tôn Đích (20 Đinh Tiên Hoàng), một trong những quán chè Huế phong phú và được du khách yêu thích.

24.Rượu làng Chuồn
Muốn say thử rượu Làng Chuồn

Hoặc thang Minh Mạng đã luôn đó chàng
Rượu này nổi tiếng đa mang
Chỉ một người uống cả làng lại vui!

Rượu làng Chuồn là loại rượu gạo truyền thống nổi tiếng của làng An Truyền (làng Chuồn), xưa dùng để tiến vua. Rượu làng Chuồn ngày nay được tuyển chọn, khử andehite và thường được sử dụng để ngâm với thang thuốc lừng danh của vua Minh Mạng (Minh Mạng thang) tạo nên dòng rượu cung đình độc đáo mà nổi bật là loại rượu Hoàng triều Ngự tửu rất được ưa chuộng trên thị trường.

Đến với Huế chỉ có mê
Bởi bao nhiêu thứ khó về lắm thay
Đến chơi Huế dẫu bao ngày
Ra về lòng vẫn tràn đầy  nhớ thương!

Bài viết: TS. Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ảnh trong bài: Nguyễn Tấn Anh Phong, Lê Đình Hoàng, internet.

Bạn đọc quan tâm: Thừa Thiên Huế, tổ chức Festival Huế 2024 đúng dịp nghỉ lễ và triển khai giải đua xe địa hình chinh phục thử thách – Victory Challenge Sailun Cup 2024 & Lễ hội cắm trại xe 3 miền do Tạp chí Đông Nam Á – ASEAN và Công ty CP Tập đoàn Kỷ Nguyên tổ chức.