Thứ Ba, Tháng 7 22, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

30 năm, Việt Nam gia nhập ASEAN



ĐNA -

Từ một tổ chức chỉ có 5 thành viên, với một hành trình khó nhọc, có thời điểm thăng trầm, đầy rẫy những biến động của tình hình khu vực và quốc tế, đối mặt với cả những điểm nóng ngay tại khu vực, cũng như toàn cầu. Đến nay, ASEAN đã trở thành ngôi nhà chung đầy “Thân thiện và Hợp tác” (1), của 10 quốc gia Đông Nam Á (2).

Việt Nam gia nhập ASEAN (tháng 12/2015), trong bối cảnh đất nước tiếp tục công cuộc tái thiết sau 30 năm bị chiến tranh tàn phá nặng nề (1945-1975). Sau 1975, Việt Nam phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới, còn bị bao vây, cấm vận, song, Việt Nam mạnh mẽ và kiên định với chủ trương đổi mới, từ 1986, từng bước chủ động hội nhập quốc tế, đóng góp cho thời kỳ mới của toàn khu vực Đông Nam Á: Đoàn kết và hợp tác. Góp phần củng cố vững chắc nền tảng liên kết, khẳng định vai trò không thể thiếu của Cộng đồng ASEAN đối với hòa bình, an ninh, hợp tác, phát triển ở khu vực.

Nhân kỷ niệm 30 năm, Việt Nam gia nhập ASEAN, Tạp chí Đông Nam Á có bài viết về sự chủ động gia nhập Cộng đồng ASEAN ở một địa phương là cửa ngõ chiến lược của đất nước.

Nhịp cầu kết nối đầu tiên Đà Nẵng – ASEAN: Hành lang kinh tế Đông-Tây.
Cùng với Quảng Trị, Huế; Đà Nẵng là địa phương sớm kết nối với các quốc gia Đông Nam Á thông qua dự án mang tầm chiến lược, lần đầu tiên triển khai ở địa bàn miền Trung: Hành lang kinh tế Đông-Tây (East-West Economic Corridor – EWEC).

EWEC là một dự án lớn, đi qua 13 tỉnh của 4 nước Việt Nam, Lào, Thái-lan, Myanmar. Dự án hợp tác này có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt kinh tế – xã hội, hợp tác phát triển và xóa đói, giảm nghèo. Các vùng, địa phương dọc tuyến hành lang của Lào, Thái-lan và Việt Nam, thời điểm đó (những năm 2000), đều là khu vực nghèo, điều kiện kinh tế – xã hội còn khó khăn. Dự án ở đường giúp xóa đói, giảm nghèo cho hàng triệu người ở cả 4 quốc gia, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng cường liên kết giữa vùng này với những khu vực khác trong ASEAN cũng như với các nước trong khu vực và trên thế giới.

 Dự án này cho phép khai thác tiềm năng hợp tác và sự bổ sung lợi thế giữa các nước về tài nguyên, điều kiện tự nhiên, con người và mở rộng thị trường nhất là tiềm năng biển, di sản văn hóa… Dự án này còn góp phần mở rộng kinh tế đối ngoại, phát triển thương mại, đầu tư và du lịch, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ trong và ngoài khu vực thông qua việc kết nối với thị trường quốc tế trong khu vực Ðông Á”, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm, nhấn mạnh tại Tuần Hành lang kinh tế Ðông – Tây 2007 (diễn ra từ ngày 27/8 đến 1/9 tại Ðà Nẵng). Đây cũng là lần đầu tiên, một sự kiện EWEC diễn ra ở Việt Nam.

Cảng Tiên Sa – Đà Nẵng là cửa ngõ hướng Đông của toàn tuyến EWEC. Trong ảnh (được chụp vào năm 2004) tàu vận tải neo đậu trả hàng, tàu du lịch đường biển vừa cập bờ (để du khách lên đất liền). Ảnh: Trần Ngọc.

Trước đó, EWEC chính thức đi vào hoạt động và thông tuyến vào ngày 20/12/2006 với sự kiện khánh thành cầu Hữu nghị 2 bắc qua sông Mê-Công, nối Savannakhet (Lào) với Mukdahan (Thái Lan). Thời điểm này các cơ quan truyền thông quốc tế và giới quan sát chính thức nhìn nhận: Tỉnh này (Mukdahan) đã được nối thông với Savannakhet của Lào và Quảng Trị của Việt Nam qua cầu Hữu Nghị Lào-Thái 2, được hoàn thành năm 2006 nằm trên Hành lang kinh tế Đông – Tây. Tại Việt Nam, điểm đầu của EWEC (từ Tây sang Đông) bắt đầu từ cửa khẩu chạy Lao Bảo qua Quốc lộ 9 xuyên suốt địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhập vào Quốc lộ 1A đến Huế và điểm cuối hành lang là Cảng Tiên Sa Đà Nẵng.

Lần đầu tiên, một tuyến hành lang dài đến 1.450km, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine (bang Mon) đến cửa khẩu Myawaddy (bang Kayin) ở biên giới Myanmar – Thái Lan. Trên lãnh thổ Thái Lan, EWEC được bắt đầu từ Mae Sot, chạy qua 7 tỉnh. Đến Lào, tuyến hành lang này chạy từ tỉnh Savannakhet  đến cửa khẩu Dansavanh, giáp ranh với  cửa khẩu Lao Bảo – tỉnh Quảng Trị- Việt Nam.

“Hạ tầng cứng” của EWEC trước khi toàn tuyến thông suốt, nhận được sự quan tâm đầu tư rất lớn của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và chính phủ Nhật Bản.

“Là 1 trong 5 Hành lang Kinh tế thuộc Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), EWC đã được thảo luận và được Bộ trưởng các quốc gia GMS VIII (trong phiên hội nghị vào tháng 10/1998, tại tại trụ sở của ADB, Manila, Philippines) nhất trí thông qua. Với sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á và Chính phủ Nhật Bản, nhiều hạng mục hạ tầng giao thông chủ chốt trên hành lang đã được đầu tư nâng cấp.

Đó là dự án nâng cấp cảng Tiên Sa (đạt công suất 4 triệu tấn/năm), Ðà Nẵng; dự án đường hầm xuyên đèo Hải Vân; nâng cấp Quốc lộ 9 (với tổng chiều dài 83,5km) cùng Trạm kiểm soát liên ngành tại của khẩu Lao Bảo giáp Dansavanh (Lào)”, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh thêm.

Trung tâm thương mại cửa khẩu Lao Bảo giáp tỉnh Dansavanh (Lào), đầu tuyến phía Tây của Việt Nam trên hành lang Đông-Tây. Ảnh: T.Ngọc.

 Đây cũng là 3 dự án lớn, đánh dấu những những chuyển động mạnh mẽ trên hành lang. Trước những chuyển động này, dự án tiếp tục được Hội nghị cấp cao ASEAN VI (tháng 12/1998) chính thức đưa vào Chương trình Hành động Hà Nội, thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2020.

Lúc này, EWEC còn được nhìn nhận là con đường huyết mạch nối liền GMS với không gian kinh tế sông Hằng (Ấn Độ), góp phần rút ngắn khoảng cách và phí tổn cho việc mở rộng giao lưu kinh tế giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; đồng thời, nằm trên tuyến đường xuyên Á, cầu nối giữa thị trường Trung Quốc rộng lớn với khu vực ASEAN.

Với cực Đông là thành phố Đà Nẵng, EWEC kết nối trực tiếp Tiểu vùng ra Thái Bình Dương, mở ra cơ hội rất lớn cho các quốc gia trong việc rút ngắn quãng đường trung chuyển hàng hóa xuất khẩu đi các nước Đông Bắc Á và châu Mỹ.

Sau 10 năm, EWEC đi vào vận hành, một báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, “điều đáng mừng là hiện tại, tuyến đường vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo đa dạng hơn trước đây. Có thể thấy như hàng hóa từ các tỉnh, thành phố trong nước vận chuyển đến làm thủ tục ở Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo để qua Lào, Thái Lan; những mặt hàng tiêu dùng từ Thái Lan, Lào về các tỉnh, thành phố khác trong nước cũng qua cửa khẩu này. Còn tuyến đường quá cảnh chuyên chở các nguyên liệu như giấy từ Canada, Mỹ, Trung Quốc qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo đi Lào; và ngược lại, sản phẩm bột giấy từ Lào quá cảnh qua cửa khẩu này để đến cảng Đà Nẵng, Chu Lai, Vũng Áng đi Trung Quốc, châu Âu.

Nạo vét luồng lạch cảng Tiên Sa –Đà Nẵng (hạng mục thuộc dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Tiên Sa – mộ trong các dự án lớn trên tuyến EWEC). Ảnh: T.Ngọc.

“Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Tiên Sa trước đây (tức giai đoạn 1, từ 1994 đến 2004) do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ cho Đà Nẵng, cùng với dự án xây dựng Hầm đường bộ Hải Vân (trong khuôn khổ các dự án lớn trên tuyến EWEC), đều là những dự án được chính phủ Nhật Bản đánh giá cao về tính hiệu quả. Việc đầu tư mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 (2016-2018) tiếp tục góp phần thúc đẩy sự phát triển của Đà Nẵng và của cả tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây, bởi do Cảng Tiên Sa đóng vai trò là điểm cuối và là cửa ngõ chính ra biển Đông cho hàng hóa quá cảnh giữa các nước trên EWEC.

Những năm gần đây (2015-2018), sự tăng trưởng nhanh chóng, phát triển mạnh mẽ của cảng Đà Nẵng đã và đang chứng tỏ được vai trò đầu mối giao thông chiến lược quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội không chỉ riêng của thành phố Đà Nẵng.

Bởi đây còn là đầu mối giao thông chiến lược cho cả khu vực Trung Trung bộ – Tây Nguyên và là điểm đầu (từ phía Đông) của hành lang kinh tế Đông – Tây từ Việt Nam sang Lào, Thái-lan và Myanmar. Cảng Đà Nẵng đang dần khẳng định vị trí cảng biển hàng đầu tại miền trung, thúc đẩy giao thương hoàng hóa, tạo ra chuỗi cung ứng dịch vụ logistics, tối ưu hóa chi phí cho khách hàng”, Phó Chủ tịch UVBND thành phố Đà Nẵng, o0ong Hồ Kỳ Minh cho biết hôm diễn ra lễ khánh thành dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn II (Ngày 28/7/2018) (3).

Thành phố Đà Nẵng mở rộng và cải tạo lớn đường Ngô Quyền, dẫn về Cảng Tiên Sa (ảnh chụp giai đoạn 2002-2004). Ảnh: T.Ngọc

EWEC còn góp phần kết nối các di sản văn hóa thế giới của các nước trong khu vực. Ở 3 địa phương của Việt Nam (Quảng Trị-Huế-Đà Nẵng), di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quá phong phú. Từ di tích cố đô, Nhã nhạc Cung đình (Huế), Bảo tàng điêu khắc Chăm (Đà Nẵng), Đô thị cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn ( Quảng Nam), hòa quyện thành con đường Di sản miền Trung nổi tiếng. EWEC đã tạo ra những điều kiện thuận lợi từ du lịch của thế giới vào EWEC nói riêng và ASEAN nói chung, đến thu hút đầu tư, thương mại. Sẽ thiếu sót nêu không nói đến tiềm năng rất to lớn của Quảng Trị trong phân khúc du lịch về chiến trường xưa. Du khách Mỹ và châu Âu, nhất là những cựu binh từng có mặt ở Quảng Trị trong 2 cuộc chiến tranh, cùng người thân, bạn bè của họ, đều khao khát trở lại nơi, mà một thời trai trẻ họ đã phải dấn thân.

Đà Nẵng với vị trí nối liền một hành lang phía tây ra tận cửa ngõ biển Đông , đã khiến  EWEC không chỉ gắn kết các nền kinh tế các quốc gia Tiểu vùng Mê Công, mà còn là cầu nối hợp tác, liên kết kinh tế và phát triển dịch vụ giữa các nước bên bờ Thái Bình Dương với các nước bên bờ Ấn Ðộ Dương, vươn xa tới khu vực Tây bán cầu.

Điều này đã góp phần thiết thực cho các giêng mối hợp tác hữu nghị giữa các nước, hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2025. Khi phát triển mạnh hơn về kinh tế, rõ ràng các  yếu tố văn hóa, xã hội, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực và giáo dục – đào tạo của mỗi vùng và địa phương trên hành lang cũng được bồi đắp thêm nguồn lực, tạo thêm cơ hội khai phá hết tiềm năng, lợi thế.

Trần Ngọc

(1). Đây cũng là tên của một Hiệp ước (Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á / TAC), và là một trong những đóng góp mang đậm dấu ấn của Việt Nam, phát huy và lan tỏa các giá trị và nguyên tắc nền tảng của ASEAN: Hài hòa hóa thể chế, kết nối hạ tầng chiến lược, liên kết nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, “Kết nối và Tự cường” (khẩu hiệu hành động của ASEAN  năm 2024);  thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác, tạo nền tảng vững chắc cho việc định hình cấu trúc khu vực đa tiến trình, đa tầng nấc và đa lĩnh vực với ASEAN ở vị trí trung tâm.

(2) Hiện nay “rơi rớt” có tình trạng dùng từ sai khi diễn đạt khái niệm: Đông Nam Á – danh từ riêng chỉ một khu vực địa lý (tiếng Pháp/Fr: Asie du Sud-Est ; tiếng Anh/En: Southeast Asia) với danh xưng tổ chức: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Fr: Association des pays de l’asie du sud est, viết tắt: ANASE ; En: Association of Southeast Asian Nations, từ viết tắt phổ biến/được sử dụng rộng rãi, kể cả trong ngữ cảnh tiếng Pháp: là ASEAN).

Việc dùng từ sai bắt đầu từ hiểu nhầm ASEAN (tên một tổ chức) cũng có nghĩa (?) là Đông Nam Á (tên một khu vực, định danh chỉ dẫn địa lý). Thời gian gần đây (2023-2025), “hiểu nhầm” này đã giảm bớt trên nhiều tài liệu, văn vản, trên báo chí, kể cả phát ngôn. Trước đây, bất cứ cái gì (liên quan, thuộc về) Đông Nam Á đều quy về ASEAN. Ví dụ: “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN”, câu này viết đúng phải “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực Đông Nam Á” (không thể có “khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á” – nhấn mạnh” câu tối nghĩa. Bởi hai từ “khu vực” là một khái niệm địa lý.).

(3) Thành phố Đà Nẵng cũng triển khai đồng loạt một số dự án liên quan đến EWEC trong giai đoạn này, như nạo vét (quy mô lớn) luồng lạch cảng Tiên Sa (bảo đảm thông thuyền tàu hàng, tàu container trọng tải cao), xây dựng cầu Tiên Sơn (thông tuyến ra hành lang hướng Đông là đường Ngô Quyền, dẫn về Cảng Tiên Sa, …).

Cùng chủ đề:
Hội nhập quốc tế từ hội nhập giáo dục Đông Nam Á
“Điểm đến” của các trường Đại học mạng lưới AUN
P2A và hành trình từ Bangkok đến Đà Nẵng Việt Nam.