Chủ Nhật, Tháng mười 13, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

4 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đạt kiểm định (chu kỳ 2) theo tiêu chuẩn HCÉRES

ĐNA -

(Đà Nẵng). Chiều nay (14/6/2024), tại Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, đã diễn ra Lễ trao chứng nhận đạt kiểm định cơ sở Giáo dục Đại học (chu kỳ 2), theo tiêu chuẩn châu  u của Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (Le Haut Conseil de l’évaluation de la recherche et de l’enseignement supérieur (HCÉRES)*, Cộng hòa Pháp.

4 cơ sở giáo dục đại học gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Denis Fourmeau – Tùy viên hợp tác khoa học và đào tạo, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam (bìa trái ảnh) và PGS.TS. Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo 4 cơ sở giáo dục đại học đạt kiểm định (chu kỳ 2) theo tiêu chuẩn HCÉRES. Ảnh:T.Ngọc.

Từ 4 cơ sở đại học đầu tiên của Việt Nam tham gia PFIEV, đến cột mốc đạt chuẩn HCÉRES năm 2017
Chương trình Đào tạo Kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV) được ghi nhận đã mở đầu cho hành trình của 4 cơ sở giáo dục đại học nêu trên –cũng là đại học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam – vươn đến chuẩn HCÉRES.

Bởi PFIEV có mục tiêu là đào tạo các kỹ sư nắm vững lý thuyết, giỏi thực hành, có năng lực quản lý và chuyên môn giỏi. Được đào tạo với kiến thức cơ bản vững chắc, có kiến thức liên ngành, kỹ sư từ chương trình PFIEV có tầm nhìn và có phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề tổng hợp, thích ứng với môi trường hoạt động liên ngành, đa văn hóa và những thay đổi nhanh chóng của công nghệ.

“Đây là cả một quá trình, một hành trình, bắt đầu từ chương trình đào tạo “Kỹ sư chất lượng cao Việt – Pháp (PFIEV), một chương trình hợp tác giữa 2 chính phủ Pháp và Việt Nam, tuyển sinh khóa đầu tiên từ 1999, mà 4 cơ sở giáo dục đại học tham gia cũng là 4 cơ sở hôm nay đón nhận chứng nhận.

Sinh viên tốt nghiệp chương trình (PFIEV) này ở các Trường, không chỉ có chứng nhận uy tín, mà có trường hợp còn hội đủ điều kiện, được công nhận trình độ Thạc sỹ. Điều đáng tự hào, các em xứng đáng là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Denis Fourmeau – Tùy viên hợp tác khoa học và đào tạo, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam (bên trái) và PGS.TS. Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trao chứng nhận đến PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh : T.Ngọc.

Từ  PFIEV, các Trường hôm nay đón nhận chứng nhận đạt kiểm định cơ sở giáo dục Đại học (chu kỳ 2), đã nỗ lực rất lớn, đáp ứng và thỏa mãn tốt các tiêu chí chất lượng đào tạo trình độ đại học. Các Trường hôm nay đón nhận chứng nhận đạt kiểm định chu kỳ 2 của HCÉRES cũng đã hợp tác rất chặt chẽ, song hành cũng các Đại học Pháp (trong chương trình PFIEV, có đến 9 trường đại học tại Pháp tham gia), đi tiên phong trong đào tạo nhiều ngành kỹ thuật, công nghệ, cung ứng cho thị trường lao động nguồn nhân lực đáng quý.

 HCÉRES cũng là tổ chức kiểm định quốc tế đầu tiên được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoạt động tại Việt Nam, trong tổng số 10 tổ chức kiểm định quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo khuyến cáo từ HCÉRES, 4 trường đại học đón nhận chứng nhận đạt kiểm định cơ sở giáo dục Đại học (chu kỳ 2), đã tái cấu trúc, nâng cao năng lực quản trị đại học, … tất cả đều hướng đến bảo đảm các tiêu chí chất lượng đào tạo, từ nâng cao chất lượng giảng dạy, đến chất lượng nghiên cứu, cũng như các hoạt động khác, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cao”, PGS.TS. Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

Năm 2016, 4 trường đại học đã tham gia PFIEV (chương trình kỹ sư CLC Việt – Pháp) gồm Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TP. HCM được đề nghị đánh giá bởi HCÉRES. Vào tháng 6/2017, cả 4 trường được HCÉRES đánh giá đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học với hiệu lực 5 năm, từ 2017 đến 2022 (sau đó được gia hạn đến cuối năm 2023).

Ông Denis Fourmeau – Tùy viên hợp tác khoa học và đào tạo, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam (bên trái) và PGS.TS. Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trao chứng nhận đến PGS.TS Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.. Ảnh : T.Ngọc.

Đây là cột mốc có ý nghĩa quan trọng, ghi nhận lần đầu tiên trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, khâu kiểm định (trường đại học) được tiến hành và triển khai bởi một tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín hàng đầu châu Âu.

Theo ông Pierre Courtellemont – Phó Giám đốc Ban Châu  u và Quốc tế – Tổ chức HCERES, phương pháp tiếp cận chất lượng luôn là trọng tâm của Chương trình PFIEV.

Sau khi được HECRES công nhận lần đầu (vào năm 2017), 4 cơ sở giáo dục đại học (Việt Nam) đã tiếp tục chọn đánh giá từ HCÉRES. Việc chuyển đổi từ đánh giá chương trình đào tạo sang đánh giá cơ sở giáo dục cho phép cơ sở đó có những đánh giá từ bên ngoài về chiến lược, làm cơ sở để triển khai chương trình đào tạo và phát triển nghiên cứu của cơ sở đó.

Mục tiêu (của chúng tôi) là xác định những điểm mạnh mà quản trị phải dựa vào, để khắc phục những điểm yếu và tiếp tục phát triển. Trong mọi trường hợp, báo cáo đánh giá không nhằm mục đích thay thế dự án chiến lược do cơ sở thực hiện. Nó tôn trọng quyền tự chủ và trách nhiệm của tổ chức được đánh giá và phải hỗ trợ cho sự phát triển của tổ chức đó.

Việc đánh giá không phải là một cuộc kiểm toán gắn liền với các tiêu chuẩn chất lượng và trong mọi trường hợp không phải là một cuộc kiểm tra bao gồm việc xác minh việc tuân thủ các quy định. Những nguyên tắc phổ biến đối với các đánh giá được HCÉRES thực hiện phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời là cách tiếp cận bền vững hướng tới “cải tiến liên tục”.

Ông Denis Fourmeau – Tùy viên hợp tác khoa học và đào tạo, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam (bên trái) và PGS.TS. Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trao chứng nhận đến PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng.Ảnh : T.Ngọc.

Thước đo mức độ hội nhập quốc tế của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam
Được biết, chuẩn bị cho công tác tái kiểm định sau 5 năm, cả 4 cơ sở giáo dục đại học (nói trên)  phải có báo cáo tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn của HCERES phiên bản mới năm 2022 gồm 3 lĩnh vực, 17 tiêu chuẩn, 122 tiêu chí: Lĩnh vực 1: Quản trị và điều hành; Lĩnh vực 2: Chính sách nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; và lĩnh vực 3: Chính sách giáo dục, người học và môi trường học tập.

Kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế được xem là thước đo mức độ hội nhập quốc tế của cơ sở giáo dục đại học. Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận đạt chất lượng giáo dục chu kỳ 2 theo tiêu chuẩn HCÉRES cũng đã khẳng định minh chứng cho cam kết “đã phấn đấu liên tục trong xây dựng văn hóa chất lượng của nhà trường. Trong đó, đặc biệt là thực hiện cam kết đã nêu trong đã, đang và luôn sẵn sàng tiếp thu, nghiên cứu thực hiện tốt những khuyến nghị của tổ chức kiểm định quốc tế (HCÉRES), đã khuyến nghị”.

PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng. Ảnh : T.Ngọc

“Chúng tôi luôn nhận thức rằng, công tác cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo chất lượng đào tạo luôn là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng đối với một cơ sở giáo dục đại học.

Đảm bảo chất lượng không bao giờ có điểm kết thúc, mà là một hành trình đổi mới, cải tiến liên tục. Vì vậy với các khuyến nghị của đoàn đánh giá lần này, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục rà soát, cải tiến, đảm bảo và nâng cao chất lượng toàn bộ hệ thống; hướng tới thực hiện được mục tiêu, sứ mệnh của Nhà trường”, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa ĐH Đà Nẵng, chia sẻ.

Ông Denis Fourmeau – Tùy viên hợp tác khoa học và đào tạo, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam (bên trái) và PGS.TS. Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trao chứng nhận đến PGS.TS Hoàng Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh : T.Ngọc.

Kết quả này cũng khẳng định uy tín, chất lượng của cơ sở giáo dục đại học ở phạm vi trong nước, khu vực lẫn giáo dục đại học quốc tế. Chứng nhận đạt chuẩn HCÉRES giúp cơ sở giáo dục đại học có thêm nhiều môi trường và cơ hội hợp tác với giáo dục đại học trên thế giới, thu hút sinh viên các quốc gia khác đến Việt Nam nước học tập, nghiên cứu, tiến tới quốc tế hóa chương trình đào tạo.

 4 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam lần thứ hai, cùng đạt chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn Châu  u HCERES, được cấp chứng nhận trong thời hạn 5 năm (10/4/2024 -10/4/2029), là minh chứng, sự trân trọng ghi nhận cả một quá trình phấn đấu bền bỉ.

Chứng nhận từ HCERES chính là sự công nhận “đã đáp ứng đầy đủ và chặt chẽ các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục quốc tế bao gồm: Quản lý chiến lược và điều hành; Chính sách về nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và đưa khoa học vào cuộc sống; Chính sách về giáo dục, người học và học tập và nghiên cứu đạt tiêu chuẩn tốt nhất.

Ông Denis Fourmeau – Tùy viên hợp tác khoa học và đào tạo, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam: Hôm nay, là điểm bắt đầu cho một hành trình mới. Ảnh: T.Ngọc.

Ông Denis Fourmeau – Tùy viên hợp tác khoa học và đào tạo, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh rằng: Sự kiện trao chứng nhận ngày hôm nay đánh dấu cột mốc một hành trình đã kéo dài 25 năm (từ 1999, năm bắt đầu tuyển sinh của chương trình PFIEV đến nay, năm 2024), đặc biệt, đã minh chứng cho những cam kết của cơ sở giáo dục đại học (luôn lấy chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học làm mục tiêu hàng đầu trong mọi cả hoạt động). Và hôm nay, là điểm bắt đầu cho một hành trình mới./.

Trần Ngọc

* HCERES (viết tắt theo tên tiếng Anh: High Council for Evaluation of Research and Higher Education) là tổ chức kiểm định uy tín được công nhận bởi Hiệp hội đảm bảo chất lượng châu  u – ENQA (European Association for Quality Assurance in Higher Education) và Bộ tiêu chuẩn và hướng dẫn về đảm bảo chất lượng (ESG) trong hệ thống giáo dục đại học châu  u (EHEA).

HCERES được thành lập theo luật số 2013-660 ngày 22/7/2013 trên cơ sở Cơ quan đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (AERES), là tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học độc lập có nhiệm vụ đánh giá  các cơ sở giáo dục đại học, tổ chức nghiên cứu và các chương trình đào tạo.

HCERES là thành viên chính thức của Hiệp hội đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Châu  u (ENQA) và Bộ tiêu chuẩn và Hướng dẫn về đảm bảo chất lượng (ESG) trong hệ giáo dục đại học Châu  u (EHEA). Ngoài các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Pháp, HCERES còn tham gia đánh giá các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của các quốc gia thuộc EHEA. Trung bình hàng năm HCERES đánh giá và kiểm định 50 cơ sở đào tạo, tổ chức nghiên cứu; 630 đơn vị nghiên cứu; 600 chương trình đào tạo đại học; 300 chương trình đào tạo thạc sĩ và 70 chương trình đào tạo tiến sĩ.