(Đà Nẵng). Ngày 28/11/2023, Đại học Đà Nẵng, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) đã tổ chức trao học bổng của Keidanren – JCCI cho 40 sinh viên. mỗi suất trị giá 7 triệu đồng. Đây là lần thứ 23 liên tiếp, sinh viên Đại học Đà Nẵng được trao học bổng này.
“Theo nhiều khảo sát khác nhau của JETRO hay Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), có thể nói, đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam là điểm đến kinh doanh có tiềm năng đầy hứa hẹn nhất, trong khu vực Đông Nam Á.
Một trong những lý do mà các doanh nghiệp Nhật chú ý tới Việt Nam, có thể kể đến, đó là yếu tố “nhân tài đầy triển vọng” như các em sinh viên có mặt tại đây ngày hôm nay. Mong rằng nhân dịp trao học bổng lần này các em sẽ có hứng thú tìm hiểu các chương trình thực tập hay cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp Nhật Bản.
Đặc biệt năm nay là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Hy vọng rằng các em sẽ quan tâm tìm hiểu về Nhật Bản hơn nữa, và sẽ trở thành cầu nối quan hệ hữu hảo với Nhật Bản trong tương lai”, ông Katayama Eiji, Trưởng Ủy ban JCCI vì Cống hiến xã hội và Phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam-JCCI), Giám đốc điều hành cao cấp Chi nhánh Hà Nội – Ngân hàng Mizuho gửi gắm.
Được biết, các trường đại học thành viên và đơn vị trực thuộc Đại học Đà Nẵng, đều có đại diện xuất sắc được trao học bổng lần này: Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm (mỗi Trường có 6 sinh viên), Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (mỗi đơn vị có 5 sinh viên), Khoa Y – Dược (3 sinh viên) Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kontum (mỗi đơn vị 2 đại diện).
“Học bổng không chỉ là nguồn động viên cho chúng em về mặt vật chất mà nó còn mang lại giá trị tinh thần to lớn. Nó giúp chúng em rất nhiều trong việc chi trả học phí đại học cũng như tạo động lực, thúc đẩy chúng em học tập và làm việc không ngừng, phát triển bản thân và theo đuổi ước mơ của mình”, bạn Phạm Thị Mỹ Phương (Trường Đại học Ngoại ngữ), chia sẻ cảm xúc.
“Trong hơn 20 năm qua, Keidanren và JCCI đã hợp tác, có những giúp đỡ, động viên hết sức quý báu đối với sinh viên Đại học Đà Nẵng. Các em được xét chọn nhận học bổng, cũng đã có thêm điều kiện để tập trung học tập, đạt thành tích xuất sắc, sau khi ra trường đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của nhà trường và cho xã hội. Chúng tôi luôn đánh giá cao nghĩa cử cao quý này của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và mong muốn, tinh thần hợp tác này được duy trì », trong tương lai”, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, PGS. TS. Lê Quang Sơn chia sẻ.
Chăm lo cho thế hệ tương lai, vun xới quan hệ hai quốc gia Nhật – Việt
Phó Giám đốc Lê Quang Sơn cũng bày tỏ niềm vui, khi Học bổng Keidanren và JCCI đã quyết định tăng số lượng từ 20 suất lên 40 suất. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Keidanren, của JCCI đối với sự nghiệp giáo dục của Đại học Đà Nẵng nói riêng, giáo dục đại học của Việt Nam nói chung. Và quyết định tăng suất học bổng hỗ trợ sinh viên vượt khó cũng diễn ra vào năm tròn, đánh dấu nửa thế kỷ, Việt Nam – Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 – 2023).
Một cột mốc đầy ý nghĩa, đáng ghi nhớ, là trong dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, ngày 27/11/2023, tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã cùng nhất trí, nâng cấp quan hệ hai nước lên ‘Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới’.
“Mối quan hệ song phương tốt đẹp và ổn định giữa hai nước là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động kinh tế trong khu vực tư nhân, và đối với lĩnh vực kinh tế nói riêng, chúng tôi hoan nghênh điều này cũng như hy vọng rằng hai nước sẽ liên kết và hợp tác phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bên cạnh đó, để hai nước tiếp tục hợp tác và phát triển bền vững trong tương lai thì không thể thiếu được việc đào tạo nhân tài làm cầu nối giữa hai nước.
Uỷ ban Kinh tế Nhật – Việt thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, từ năm 2002 tới nay, đã và đang cấp học bổng cho các sinh viên đại học ở Việt Nam. Trong 20 năm qua, chúng tôi đã tiến hành trao học bổng cho khoảng 2.000 sinh viên, và năm nay nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chúng tôi đã tăng gấp đôi số lượng sinh viên nhận học bổng.
Thời gian tới, thông qua những chương trình như thế này, chúng tôi hy vọng có thể hỗ trợ các sinh viên trẻ tài năng đầy nhiệt huyết gánh vác tương lai đất nước Việt Nam, những người không ngừng nỗ lực tìm tòi trau dồi kiến thức và kỹ thuật, cũng như có thể thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước chúng ta”, ông Fujikawa Eita – đại diện Keidanren, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sumitomo Việt Nam, khẳng định.
“Các doanh nghiệp Nhật Bản coi Việt Nam là đất nước hấp dẫn với nguồn nhân lực trẻ, có trình độ cao, thị trường lớn”, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt, Trưởng Đoàn công tác của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren), ông Ichikawa Hide, từng nhấn mạnh như trên, trong lần được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp (nhân Đoàn công tác của Keidanren, sang thăm, làm việc tại Việt Nam, đồng thời tham dự Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam – Nhật Bản nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước).
“Học bổng được trao, vừa thiết thực giúp các em sinh viên vượt khó, vừa thể hiện cao cả trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đồng thời, góp phần vun xới cho quan hệ bền chặt giữa hai nước. Trong bối cảnh hiện nay, Đại học Đà Nẵng rất coi trọng quan hệ hợp tác, kết nối doanh nghiệp, bởi thông qua đó, chúng tôi đón nhận sự hỗ trợ cho chính sinh viên của mình và quan trọng hơn, chúng tôi tìm hiểu, nắm bắt được nhu cầu của các doanh nghiệp về nguồn nhân lực, bổ sung cho nội dung, phương pháp đào tạo.
Chúng tôi cũng mong muốn, các doanh nghiệp sẽ tham gia sâu hơn vào quy trình đào tạo, nghiên cứu, học tập của giảng viên và sinh viên, đặc biệt tạo điều kiện để giảng viên và sinh viên được tiếp cận, trải nghiệm thực tế của chính doanh nghiệp. Điều này, giúp nhà trường, giúp sinh viên, hiểu biết sớm, chủ động có sự chuẩn bị thích nghi với nhu cầu về nguồn nhân lực mà doanh nghiệp đang mong đợi”, PGS. TS. Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh./.
Trung Đức