Vòng sơ khảo Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học toàn quốc năm 2023, đã chính thức diễn ra hôm nay (ngày 26/8/2023) tại Đại học Đà Nẵng – đơn vị đăng cai tổ chức cả 2 vòng sơ khảo và chung khảo (dự kiến vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12/2023), trao thưởng năm nay.
Chủ trì thực hiện (phản biện, đánh giá, chấm chọn) là Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giải thưởng năm nay thu hút 481 đề tài từ các sinh viên/nhóm sinh viên đến từ 103 cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc tham gia.
“Số lượng đăng ký tham gia tăng dần, bởi đây là Giải thưởng uy tín cấp Bộ ,kỳ vọng lớn của giải thưởng là thiết thực góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; tạo động lực thúc đẩy phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học ngày càng lan rộng, ngày càng nhiều đề tài hiệu quả” – TS. Vũ Thanh Bình-Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.
Được biết, nhằm biểu dương thành tích xuất sắc và khuyến khích giảng viên trẻ, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển kinh tế – xã hội, phát hiện và bồi dưỡng tài năng khoa học trẻ trong cơ sở giáo dục đại học (bao gồm đại học, trường đại học, học viện của hệ thống giáo dục quốc dân), trên cả nước; năm 2020, Bộ Giáo dục đã ban hành thông tư 45/2020/TT-BGDĐT “Quy chế xét tặng Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho giảng viên (không quá 35 tuổi tại thời điểm nộp hồ sơ tham gia xét Giải thưởng) và sinh viên”.
Các lĩnh vực khoa học và công nghệ của Giải thưởng gồm:
1.Khoa học tự nhiên: Toán học và thống kê, Khoa học máy tính và thông tin, Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Vật lý, Hóa học, Khoa học trái đất, Khoa học môi trường, Sinh học, Khoa học tự nhiên khác.
2.Khoa học kỹ thuật và công nghệ: Kỹ thuật dân dụng, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điện tử và viễn thông, Kỹ thuật thông tin, Kỹ thuật cơ khí, chế tạo máy, cơ khí động lực, Kỹ thuật hóa học, Kỹ thuật vật liệu và luyện kim, Kỹ thuật y học, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ sinh học môi trường, Công nghệ sinh học công nghiệp, Công nghệ nano, Kỹ thuật chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống, Khoa học kỹ thuật và công nghệ khác.
3.Khoa học y, dược: Y học cơ sở, Y học lâm sàng, Dược học, Công nghệ sinh học trong y học, Khoa học y, dược khác.
4.Khoa học nông nghiệp: Trồng trọt, Chăn nuôi, Thú y, Lâm nghiệp, Thủy sản, Công nghệ sinh học nông nghiệp, Khoa học nông nghiệp khác.
5.Khoa học xã hội: Tâm lý học, Kinh tế và kinh doanh, Khoa học giáo dục, Xã hội học, Pháp luật, Khoa học chính trị, Địa lý kinh tế và xã hội, Thông tin đại chúng và truyền thông, Khoa học xã hội khác.
6.Khoa học nhân văn: Lịch sử và khảo cổ học, Ngôn ngữ học, văn học và văn hoá, Triết học, Báo chí và thông tin, Đạo đức học và tôn giáo, Nghệ thuật, Khoa học nhân văn khác.
Trong đó, đề tài của sinh viên tham gia xét Giải thưởng phải đáp ứng các điều kiện: Mỗi đề tài phải do 1 sinh viên chịu trách nhiệm thực hiện chính, số lượng thành viên tham gia không quá 5 sinh viên và tối đa có 2 người hướng dẫn, trong đó có 1 người hướng dẫn chính. Sản phẩm của đề tài được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn ít nhất 1 năm (tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng).
Quy chế cũng nêu rõ các hình thức (Tác giả/Nhóm tác giả) công bố: Sách chuyên khảo, sách tham khảo được cấp giấy phép xuất bản; bài báo (đăng trên các tạp chí khoa học), báo cáo trình bày hoặc đăng trong kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học (trong nước, quốc tế); báo cáo hoặc trưng bày, trình diễn sản phẩm tại hội nghị, hội thảo, seminar từ cấp khoa trở lên.Nếu là đề tài đã ứng dụng trong thực tiễn, có xác nhận của tổ chức, đơn vị đã sử dụng sản phẩm của đề tài.
Để chấm và trao giải, Ban Tổ chức giải thưởng đã thành lập các Hội đồng đánh giá quy tụ các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên có uy tín, trình độ cao trong các lĩnh vực bao gồm: Khoa học Tự nhiên (giải thưởng năm nay có 58 đề tài gửi về dự thi); Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ (103 đề tài); Khoa học Y, Dược (42 đề tài); (4) Khoa học Nông nghiệp (24 đề tài); (5) Khoa học Xã hội (234 đề tài); (6) Khoa học Nhân văn (20 đề tài).
Phát biểu trong phiên khai mạc vòng sơ khảo sáng nay (25/8/2023), PGS.TS. Vũ Thanh Bình-Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh yêu cầu làm việc khoa học, khách quan, công tâm và rất nghiêm túc của mỗi Hội đồng.
Theo đó, ở mỗi Hội đồng, số lượng đề tài vào chung khảo sẽ không vượt quá 20%, đề tài giành giải cao trong cùng một lĩnh vực sẽ không quá 3%. Điều này nhằm bảo đảm giải thưởng được chọn trao cho những đề tài khoa học công nghệ, công trình của các tác giả là thực sự xuất sắc, thiết thực, tính hiệu quả cao.
Từ giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Đại học Đà Nẵng, đến giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên toàn quốc
Năm 2023, Đại học Đà Nẵng vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn là đơn vị phối hợp tổ chức vòng sơ khảo và chung khảo (Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học năm 2023).
“Là một đại học vùng trọng điểm quốc gia, đa ngành, đa lĩnh vực gồm 6 trường đại học thành viên và 5 đơn vị đào tạo trực thuộc, hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của sinh viên Đại học Đà Nẵng trong thời gian gần đây, phát triển mạnh.
Trong năm học 2022-2023, sinh viên Đại học Đà Nẵng giành 1 giải quốc tế, 55 giải cấp quốc gia, cấp bộ và 24 giải cấp tỉnh thành phố. Đặc biệt các sản phẩm nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học (của sinh viên Đại học Đà Nẵng) đã được các doanh nghiệp đầu tư, phát triển thành sản phẩm thương mại. Bên cạnh đó còn có nhiều (đề tài, công trình) có tính điển hình, thể hiện năng lực tự học, tự nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của sinh viên. Một số đề tài tiêu biểu nhất, đã chính thức góp mặt tại giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học năm nay”, PGS.TS Lê Thành Bắc – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết.
Đại học Đà Nẵng, các cơ sở giáo dục thành viên, luôn quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ và khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học. Ngoài hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học được duy trì đều đặn, tổ chức từ cấp Khoa đến cấp Trường; còn có các phiên trình diễn công nghệ. Ở cấp Đại học vùng, có Festival Sinh viên nghiên cứu khoa học và Sáng tạo trẻ; Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Đại học Đà Nẵng.
Phần lớn các đề tài xuất sắc ở nhiều lĩnh vực, chuyên ngành (được ghi nhận khách quan, tuyển chọn từ các đại học thành viên, cơ sở đào tạo trực thuộc), đều có sự tham gia đánh giá của giới chuyên gia, đại diện tổ chức, doanh nghiệp. Giải thưởng đã trao có giá trị cao, trân trọng ghi nhận và khuyến khích sinh viên tích cực trong nghiên cứu khoa học, mạnh dạn có những ý tưởng đổi mới, sáng tạo.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Đại học Đà Nẵng đã góp phần giải quyết yêu cầu lý thuyết – kiến thức chuyên môn phải gắn với thực hành, nghiên cứu, trải nghiệm; giải quyết đòi hỏi giữa nghiên cứu gắn với ứng dụng, tính hiệu quả. Đặc biệt, nghiên cứu phải góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết từ thực tiễn cuộc sống, chuyển giao công nghệ phải đóng góp cho sản xuất, cho yêu cầu phát triển của địa phương, đáp ứng yêu cầu của chính cộng đồng./.
T.Ngọc