Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

5 lĩnh vực công nghệ được ưu tiên ở Malaysia



ĐNA -

01 October 2001

Giáo sư Asma Ismail, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Malaysia cho rằng: Malaysia cần giải quyết tình trạng bất bình đẳng kinh tế xã hội từ khả năng sử dụng công nghệ thông tin truyền thông – cải thiện y tế, phát triển các ngành công nghiệp trên nền tảng công nghệ sinh học.

60 năm sau ngày giành độc lập, Malaysia hiện là quốc gia có GDP đứng thứ ba trong số 10 quốc gia Đông Nam Á. Thành công này có được là do Malaysia đã chuyển đổi nền sản xuất hàng hóa giá rẻ từ thiếc, nhựa cao su, cacao, gỗ, gạo… sang các loại hàng hóa có nhiều giá trị kinh tế cao, ví dụ như các chi tiết điện tử, sản phẩm từ dầu mỏ, hóa dầu, máy móc và thực phẩm.

Nhưng kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, nền kinh tế đã phát triển chậm lại và những thuận lợi mang tính lịch sử mà Malaysia có được trong việc thu hút đầu tư nước ngoài – nhân công lao động giá rẻ, tay nghề thấp, cơ sở hạ tầng tốt và ưu đãi về thuế – đã suy giảm, đồng thời nhiều thách thức mới xuất hiện, Malaysia có tỷ lệ người béo phì cao nhất Đông Nam Á, độ tuổi trung bình của dân số đang tăng nhanh hàng đầu thế giới.

Chăm sóc sức khỏe là một trong những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Malaysia

Ước tính đến năm 2050, 20% người Malaysia sẽ ở độ tuổi 60 hoặc hơn nữa (hiện nay tỷ lệ dân số ở lứa tuổi này là 8%), và cứ 10 người thì 9 người đều thích sống ở thành phố, so với năm 1999, hiện Malaysia đã nóng hơn 1 oC; đến năm 2050 nhiệt độ dự đoán sẽ tăng lên 2oC, bên cạnh đó là mực nước biển tăng và lượng mưa cũng tăng.

Để vượt qua những thách thức đó của đất nước, giáo sư Asma Ismail, chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Malaysia đã phác thảo một hệ thống KH&CN có khả năng hỗ trợ nền kinh tế và đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội với các đặc điểm: gắn kết khoa học và công nghiệp; đầu tư vào một số lĩnh vực ưu tiên; tổ chức lại hệ thống quản lý khoa học.

Gắn kết khoa học với công nghiệp

Bức tranh về hoạt động KH&CN của Malaysia hết sức đa dạng, liên quan đến 23 bộ, 14 chính quyền bang và lãnh thổ liên bang và 268 đơn vị tham gia thực hiện các chính sách và sáng kiến quốc gia. Vì vậy cần thiết có đơn vị là trung tâm điều phối và lập kế hoạch để giảm thiểu những vấn đề trùng lặp, tránh phân tán nguồn lực đầu tư.

Hiện nay tổng ngân sách chi cho R&D của Malaysia chỉ dành 70% (tương đương 10,6 tỷ ringgit hoặc 2,6 tỷ USD) cho nghiên cứu ứng dụng và 21% cho nghiên cứu cơ bản – tương tự tỷ lệ của các quốc gia phát triển như Anh và Singapore. Tuy nhiên Malaysia lại không đầu tư nhiều vào phát triển sản xuất thử nghiệm khi chỉ dành 9% ngân sách R&D cho các sáng kiến như sản xuất mẫu, gia tăng quy mô chế tạo sản phẩm…, khác biệt với Hàn Quốc, Nhật Bản hay Ireland khi các quốc gia này dành lần lượt 62%, 64% và 48% ngân sách R&D cho công việc này. 75% các nhà khoa học Malaysia làm việc trong các viện nghiên cứu, chỉ có 12% trong các doanh nghiệp và 10% trong lĩnh vực chính phủ quản lý…

Tất cả những điều này cho thấy, R&D của Malaysia không có sự dẫn dắt của ngành công nghiệp và sự thiếu hụt tài năng trong lĩnh vực kinh doanh dẫn đến hiệu quả thấp trong việc chuyển kết quả nghiên cứu thành sản phẩm ứng dụng.

Những lĩnh vực ưu tiên

Năm 2017, một nghiên cứu do Viện Hàn lâm KH&CN Malaysia thực hiện đã xác định Malaysia cần ưu tiên đầu tư 5 lĩnh công nghệ: sinh học, công nghệ số, công nghệ xanh, công nghệ nano và công nghệ thần kinh. Đây cũng là những công nghệ có tiềm năng ảnh hưởng đến cả công nghiệp lẫn đời sống xã hội. Đó là:

Công nghệ sinh học. có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp chính xác, trong lĩnh vực y tế cũng là một ưu tiên nữa. Ví dụ như tạo ra cây chuyển gene (transgenic plants) để đem lại những nguyên liệu cho ngành dược phẩm giá rẻ hơn các phương pháp thông thường.

Công nghệ số. Malaysia đang tồn tại tình trạng bất bình đẳng kinh tế xã hội trong sử dụng công nghệ số, đặc biệt giữa thành thị và nông thông. Vì vậy cải thiện truy cập băng thông rộng là giải pháp để các cộng đồng ở nông thôn chia sẻ thông tin, tạo công ăn việc làm là giúp họ có được những quyết định quan trọng trong lĩnh vực hoạt động của mình.

Công nghệ xanh. Malaysia cam kết giảm thiểu phát thải khí nhà kính tới 45% vào năm 2030, vì vậy cần phát triển năng lượng tái tạo với các công nghệ điện mặt trời, địa nhiệt đại dương… để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Công nghệ nano. Cải thiện việc chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật theo hướng áp dụng hệ thống giám sát sức khỏe thời gian thực với cảm biến nano và các thiết bị có thể mang, đeo trên người; phát triển các bộ kit chỉ thị sinh học (bộ sinh phẩm có chức năng kiểm tra nhanh một loại bệnh, một chỉ tiêu về sức khỏe) và coi đó như những công cụ chẩn đoán bệnh tật, ví dụ như ung thư giai đoạn đầu.

Công nghệ thần kinh. Các bệnh thần kinh như Alzheimer và Parkinson đã tăng lên và được cho là nguyên nhân thứ hai dẫn đến khả năng tử vong ở Malaysia, sau bệnh tim. Vì vậy điều trị các bệnh về thần kinh là cần thiết để có thể sẵn sàng cho tỷ lệ dân số già hóa trong hàng thập kỷ tới.

Tổ chức lại cơ quan quản lý

Để làm tốt việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, Malaysia cần thiết lập được một cơ quan quản lý nghiên cứu giống như Quỹ KH Mỹ (NSF) để liên kết, lập kế hoạch, kiểm tra và đánh giá KH&CN, đổi mới sáng tạo của đất nước. Bên cạnh đó cần có thêm một tổ chức quan trọng phụ trách thương mại hóa công nghệ, ví dụ như Cơ quan Đổi mới sáng tạo Anh (Innovate UK) để hướng dẫn các hoạt động đổi mới sáng tạo và thương mại hóa.

Giáo sư Asma Ismail nêu hai vấn đề thiết thực cần giải quyết: 1. Cần nhiều nguồn tài trợ để thúc đẩy sản xuất thử nghiệm, phát triển sản phẩm nghiên cứu. Các cơ quan về nghiên cứu và thương mại hóa phải thiết lập được mối liên kết với ngành công nghiệp, giới nghiên cứu và cộng đồng; 2. Mở rộng hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ giá trị của Malaysia, thay đổi nhận thức và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

   THANH NHÀN (theo Nature)