Thứ Năm, Tháng Bảy 4, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

6 tháng đầu năm 2024, Du lịch phục hồi mạnh mẽ, kinh tế Đà Nẵng chuyển biến khá hơn

ĐNA -

(Đà Nẵng). Hôm nay, 28/6/2024, Cục Thống kê Đà Nẵng đã chính thức công bố tình hình kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn thành phố.

“Nhịp độ tăng trưởng trong quý I năm 2024 có phần yếu đi so với mức tăng khá cao của cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, bước sang quý II, kinh tế thành phố Đà Nẵng đã có những chuyển biến tích cực, lĩnh vực du lịch tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ kể từ sau đại dịch Covid-19, tạo sự tăng trưởng bứt phá cho một số ngành dịch vụ như: lưu trú, ăn uống, thương mại, vận tải, vui chơi, giải trí…; lĩnh vực sản xuất cũng có những tín hiệu khả quan hơn, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2024.

Với mức tăng 8,35% trong quý II/2024, tốc độ tăng GRDP của Đà Nẵng xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, GRDP của thành phố ước tăng 5,00%, cao hơn mức tăng 3,48% của cùng kỳ năm 2023 và cao hơn mức tăng bình quân 3,54% của 6 tháng đầu năm giai đoạn 2020-2024”, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng, ông Trần Văn Vũ cho biết.

Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng, ông Trần Văn Vũ và bà Nguyễn Thị Kiều Liên – Trưởng phòng, Phòng Thống kê tổng hợp, chủ trì buổi họp báo công bố số liệu. Ảnh: T.Ngọc.

Xét trên phạm vi cả nước, quy mô GRDP của Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục duy trì vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành phố và dẫn đầu các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung bộ. Kinh tế thành phố Đà Nẵng quý II năm 2024 đạt mức tăng trưởng khá 8,35% và 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,0%, đây không phải là mức tăng trưởng cao nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận.

Trong mức tăng 5,00% toàn nền kinh tế trong 6 tháng qua, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng nhẹ 0,85%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 1,70%, đóng góp 0,32 điểm; khu vực dịch vụ tăng 5,99%, đóng góp 4,17 điểm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,17%, đóng góp 0,49 điểm phần trăm của mức tăng GRDP chung.

Khách quốc tế đã đạt mức tăng ấn tượng!
Cục trưởng Trần Văn Vũ khẳng định khu  vực thương mại và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của thành phố. Đặc biệt, thu hút khách quốc tế đã đạt mức tăng ấn tượng và vượt xa so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa xảyra dịch bệnh Covid-19.

Tổng số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ trong tháng 6 năm 2024 ước đạt 1,0 triệu lượt, tăng 11,3% so với tháng trước và tăng 20,2% so với tháng cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 407,6 nghìn lượt, tăng 9,9% so với tháng trước và tăng 41,2% so với cùng kỳ; khách du lịch trong nước ước đạt 593,9 nghìn lượt, tăng 12,3% so với tháng trước và tăng 9,0% so với cùng kỳ năm 2023.

6 tháng đầu năm 2024, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 5,1triệu lượt, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt 2,0 triệu lượt, tăng 40,3%; khách trong nước đạt 3,1 triệu lượt, tăng 17,7% so với cùng kỳ. Số ngày lưu trú bình quân của khách ngủ qua đêm tính chung 6 tháng là 1,38 ngày/lượt, trong đó khách quốc tế là 1,45 ngày/lượt; khách trong nước là 1,31 ngày/lượt (cùng kỳ năm 2023: 1,33 ngày/lượt đối với khách chung; 1,546 ngày/lượt đối với quốc tế và 1,16 ngày/lượt đối với khách trong nước).

Tàu du lịch biển cập bờ Cảng Tiên Sa Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc.

Hoạt động lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch vẫn do vậy có đà tăng trưởng tốt. Ước tính tháng 6/2024, doanh thu thuộc nhóm ngành này đạt 703 tỷ đồng, tăng 20,5% so với tháng trước và tăng gần 23,2% so với cùng kỳ năm 2023. Quý II năm 2024, doanh thu lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch ước đạt 1.984 tỷ đồng, tăng 38,8% quý trước và tăng 38,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch ước đạt 3.412 tỷ đồng, tăng 59,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số lượt khách du lịch do các cơ sở lữ hành phục vụ 6 tháng ước đạt 636 nghìn lượt, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế đạt 222 nghìn lượt, tăng 37,3%; khách trong nước đạt 383 nghìn lượt, giảm 9,3%.

Tăng trưởng cả khu vực dịch vụ quý II ước đạt 9,86% so với cùng kỳ năm 2023; cao hơn mức tăng 2,01% của quý I và mức tăng 0,72% của cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm, VA khu vực dịch vụ ước tăng 5,99% so với cùng kỳ, đóng góp 4,17 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP chung toàn nền kinh tế thành phố.

Quy mô nền kinh tế thành phố trong 6 tháng theo giá hiện hành ước đạt hơn 72.303 tỷ đồng, mở rộng hơn 7.050 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, theo đà tăng trưởng, quy mô VA khu vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất với hơn 5.837 tỷ đồng. Trong khi đó, khu vực công nghiệp – xây dựng mở rộng hơn 525 tỷ đồng; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 690 tỷ đồng.

Cơ cấu trong quy mô nền kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng cũng mở rộng ở khu vực dịch vụ từ 69,26% của 6 tháng đầu năm 2023 lên 70,58% trong 6 tháng đầu năm 2024; khu vực công nghiệp – xây dựng thu hẹp từ 19,21% xuống 18,06%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thu hẹp từ 2,14% xuống 1,93%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,43% trong cơ cấu GRDP, tăng 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.

Trong khu vực dịch vụ, một số ngành có VA tăng khá cao phải kể đến như: dịch vụ lưu trú và ăn uống (+20,14%).

Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 6/2024 ước đạt 2.523 tỷ đồng, tăng 14,4% so với tháng trước và tăng 27,0% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu lĩnh vực lưu trú ước đạt 973 tỷ đồng, tăng 22,6% so với tháng trước và tăng 35,3% so với cùng kỳ; lĩnh vực ăn uống ước đạt 1.549 tỷ đồng, tăng 9,8% so với tháng trước và tăng 22,3% so với cùng kỳ. Tính chung quý II năm 2024, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt gần 6.519 tỷ đồng, tăng 14,9% so với quý trước và tăng 22,1% so với quý cùng kỳ.

Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 2.555 tỷ đồng tăng lần lượt 20,0% và 29,2% so với quý trước và so với cùng kỳ; lĩnh vực ăn uống ước đạt 4.360 tỷ đồng tăng tương ứng 12,2% và 11,9%. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt gần 12.932 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu lĩnh vực lưu trú ước đạt 4.684 tỷ đồng, tăng 36,4%; lĩnh vực ăn uống đạt 8.248 tỷ đồng, tăng 15,4%.

Du khách quốc tế luôn chọn Đà Nẵng là điểm đến. Ảnh: T.Ngọc.

Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (cao nhất theo ngành), 6 tháng đầu năm 2024, các dự án đăng ký mới chủ yếu tập trung ở 2 lĩnh vực này (9/34 dự án, chiếm 26,5% tổng số dự án).

Các hoạt động dịch vụ khác như nghệ thuật, vui chơi và giải trí (+16,87%); hoạt động hành chính và hỗ trợ (+9,99%); bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (+8,99%); thông tin và truyền thông (+6,77%)… Ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh bất động sản giảm sâu (-30,34%) làm giảm 1,95 điểm phần trăm của tốc độ tăng VA toàn khu vực dịch vụ.

Hoạt động thương mại tháng Sáu tại thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt và sôi động trong mùa du lịch hè. Nhiều lễ hội hội chợ, sự kiện thương mại và du lịch được tổ chức góp phần thu hút khách du lịch đến thành phố. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 66.843 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ (tăng 10,7% sau khi trừ trượt giá), trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 14,6%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 22,2%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 59,2%, là một trong những nhóm ngành có mức tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ tiêu dùng.

Cục Thống kê thành phố cho rằng, khách du lịch tăng cao nhưng số ngày lưu trú giảm, xu hướng thắt chặt chi tiêu của du khách trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn chưa thoát khỏi suy thoái. Doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn về nguồn vốn tái đầu tư, tiền thuê đất…Việc đầu tư nâng cấp sản phẩm dịch vụ hiện có, cũng như đầu tư sản phẩm dịch vụ du lịch mới còn hạn chế. Giá vé máy bay nội địa tuy có giảm nhưng vẫn còn khá cao so với các nước nên người dân lựa chọn du lịch các điểm đến gần hoặc du lịch nước ngoài, ảnh hưởng đến thu hút khách du lịch nội địa.

Xuất khẩu phần mềm đạt 81 triệu USD
Doanh thu hoạt động thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 8.307 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó doanh thu dịch vụ viễn thông ước tăng 6,3%; lập trình máy tính và các dịch vụ liên quan ước tăng 12,0%; hoạt động dịch vụ thông tin ước tăng 25,6%. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 81 triệu USD, tăng 11,0% so với cùng kỳ năm 2023.

Quy mô giá trị tăng thêm toàn ngành theo giá hiện hành ước đạt 4.675 tỷ đồng, mở rộng gần 340 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 6,5% trong cơ cấu GRDP toàn nền kinh tế. Tăng trưởng giá trị tăng thêm toàn ngành theo giá so sánh 2010 ước đạt 6,8% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 0,74 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP toàn nền kinh tế thành phố.

Đà Nẵng đầu tư hệ các cung đường vành đai quan trọng khu vực phía Tây thành phố. Ảnh: T.Ngọc

Những lĩnh vực còn phục hồi chậm do tác động lớn toàn cầu
Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, tính chung quý II, doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 6.750 tỷ đồng, tăng 7,7% so với quý trước và tăng 3,6% so với quý cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 doanh thu nhóm ngành này ước đạt 13.016 giảm 2,0% so với cùng kỳ năm 2023.

Nguyên nhân chủ yếu làm cho nhóm ngành này giảm là do ngành hoạt động bất động sản nói chung và dịch vụ bất động sản tính cho tiêu dùng nói riêng vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, doanh thu của hoạt động kinh doanh bất động sản tính cho tiêu dùng tuy có cải thiện hơn quý I nhưng vẫn tiếp tục duy trì xu hướng giảm. Dự ước quý II doanh thu kinh doanh bất động sản tính cho tiêu dùng đạt 609 tỷ đồng, tăng 3,6% so với quý trước và tăng 1,7% so với quý cùng kỳ năm 2023. Cộng dồn 6 tháng hoạt động này đạt 1.197 tỷ đồng giảm 46,0% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngoài bất động sản, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp cũng được phản ảnh qua hoạt động cho vay trên địa bàn. Dư nợ cho vay trong 6 tháng qua tăng trưởng chậm, xuất phát từ nhu cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp khi chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra và đơn hàng của doanh nghiệp suy giảm, doanh thu khách hàng suy giảm, hồ sơ không đủ điều kiện để xét duyệt vay vốn, không còn tài sản thế chấp để mở rộng nguồn vốn vay…

“Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, không có đơn hàng nên không có nhu cầu vay vốn; nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không đủ các điều kiện đảm bảo, chưa có phương án kinh doanh hợp lý nên chưa thể vay vốn; thị trường bất động sản tiếp cận tín dụng khó khăn…”, đại diện Cục Thống kê thành phố phân tích thêm.

Mặc dù kinh tế đã ghi nhận những tín hiệu lạc quan ở một số lĩnh vực, tuy nhiên số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả xin tạm ngừng và doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn không ngừng tăng lên; ngược lại, số doanh nghiệp mới gia nhập có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng 6 năm 2024 (tính từ ngày 16/5/2024 đến 15/6/2024), thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 216 doanh nghiệp, 27 chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 425 tỷ đồng, giảm 49% về số doanh nghiệp và tổng vốn đăng ký mới giảm 80% so với cùng kỳ 2023.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2024 (tính đến 15/6/2024), toàn thành phố có 1.798 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện thành lập mới với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 5.591 tỷ đồng; giảm 12,5% về số doanh nghiệp và giảm 36,9% về số vốn so với cùng kỳ năm 2023. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng vẫn còn tăng 11,7% so với cùng kỳ (tương đương với 3.200 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc).

Trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã hoàn tất thủ tục giải thể cho 321 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, giảm 0,9% số giải thể so với cùng kỳ năm 2023; tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và xóa tên đối với 459 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc với số vốn giảm là 3.038 tỷ đồng; tổng số hồ sơ liên quan đến đăng ký doanh nghiệp tiếp nhận và xử lý trong 06 tháng là 12.008 hồ sơ, trong đó có 9.126 hồ sơ trực tuyến (chiếm tỷ lệ 76%).

Đại diện ngành, cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí rất quan tâm đến các công bố định kỳ của Cục Thống kê Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc.

Đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu, hiện tại vẫn đối mặt với khó khăn về đơn hàng; sản xuất, xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu. Nhìn chung, sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn do kinh tế thế giới phục hồi chậm, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm tổng cầu yếu đi khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm

Trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo ngành, 6 tháng đầu năm 2024, các dự án đăng ký mới ở các ngành thể hiện: Thông tin và truyền thông (8/34 dự án, chiếm 23,5%); ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (7/34 dự án, chiếm 20,6%).

Một vấn đề đặt ra không riêng với Đà Nẵng, đó là bối cảnh chung về mất cân đối trong cơ cấu cung – cầu lao động vẫn chưa được khắc phục. Doanh nghiệp (đang hoạt động) thực sự gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng, nhà tuyển dụng thiếu lao động trong khi lao động vẫn còn thiếu việc làm.

“Chúng tôi cho rằng, cần phải triển khai kế hoạch phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; thực hiện hiệu quả các chương trình đào tạo nghề, dạy nghề gắn với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của doanh nghiệp thành phố.

Bên cạnh đó, đầu tư tổ chức các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp về kỹ năng thâm nhập vào thị trường mục tiêu, khai thác các cam kết ưu đãi trong các Hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường nước ngoài, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, đồng thời giữ vững và duy trì ổn định thị trường tiêu thụ trong nước”, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng chia sẻ./.

Trần Ngọc