Chuyển đổi số có dẫn đến rủi ro khi nhân sự không đáp ứng hoặc dư thừa sau chuyển đổi số, buột phải nghỉ việc ? Chuyển đổi số có ảnh hưởng đến cơ cấu việc làm trong các ngành kinh tế, có làm tăng tỷ lệ thất nghiệp không ? Hiện nay có nhiều tổ chức, đoàn thể hô hào chuyển đổi số nhưng lại chưa cho thấy hiệu quả từ chuyển đổi số trong hoạt động. Liệu chúng ta cần thực hiện chuyển đổi số thế nào là đúng nghĩa và thiết thực ?. Cơ quan doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung và tại thành phố Đà Nẵng nói riêng cần thực hiện biện pháp gì, cách thức nào để tăng cường an toàn an ninh mạng trong bối cảnh phải tăng cường Chuyển đổi số hiện nay? ….
Trên đây là những câu hỏi (và còn nhiều câu hỏi khác) được các đại diện của Cộng đồng tuổi trẻ Quận Hải Châu – thành phố Đà Nẵng đưa ra (theo góc nhìn và sự quan tâm của mình) về chuyển đổi số. Buổi tọa đàm vừa diễn ra sáng nay (5/11/2022) tại Công viên APEC, do UBND quận Hải Châu phối hợp với Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng tổ chức, với chủ đề “Chuyển đổi số-Thanh niên Hải Châu, Cơ hội và Thách thức”, cũng là dịp để các bạn trẻ bày tỏ và học hỏi thêm nhiều điều thú vị.
TS. Nguyễn Hà Huy Cường – Phó Giám đốc Trung tâm Phần mềm (SDC), Đại học Đà Nẵng – Giảng viên Khoa Khoa học máy tính VKU với tham luận “Chuyển đổi số – Cơ hội và thách thức cho Thanh niên thành phố Đà Nẵng”, Thạc sỹ Nguyễn Văn Hưng, Bí thư Đoàn VKU, với tham luận “Chuyển đổi số – Vai trò của Thanh niên”; cùng với phần trả lời trực tiếp các câu hỏi trong chương trình giao lưu của Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, anh Trần Ngọc Thạch, đã vừa truyền cảm hứng, vừa định hình câu chuyện “Chuyển đổi số, cụ thể là cái gì? Cần phải làm gì để chuyển đổi số thành công ? Lực lượng Thanh niên giữ vai trò gì và có thể tham gia những gì trong kịch bản chuyển đổi số ?
Chuyển đổi số trong nhận thức và hành động của Người trẻ Hải Châu – Đà Nẵng
Bạn Trương Nữ Hoàng Ngọc – học sinh lớp 10/12 trường THPT Phan Châu Trinh chia sẻ: Theo em, chuyển đổi số có thể bắt đầu bằng cách thay đổi những thói quen trong học tập, tìm hiểu mở rộng kiến thức, tham gia các hoạt động cộng đồng. Nếu chỉ học qua sách giáo khoa, đọc lại nội dung ghi chép những bài giảng của thầy cô, theo em vẫn chưa đủ … Trên lớp thầy cô vẫn luôn khuyến khích chúng em mở rộng kiến thức. Và internet chính là môi trường, là phương tiện, là công cụ để học hỏi, phát hiện thêm nhiều điều rất bổ ích. Bởi phần lớn dữ liệu và thông tin đều được số hóa, việc khai thác, mở rộng tìm kiếm, lưu trữ, hoặc chia sẻ đều rất dễ dàng.
Trong đại dịch COVID-19, em và các bạn đã từng có những ngày dài học online. Đây chính là thời điểm em bắt đầu có những nhận thức đầu tiên về chuyển đổi số. Chuyển đổi số rõ ràng đã làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và tương tác với nhau. Sử dụng các phần mềm, tận dụng tiện ích các ứng dụng, em đã học tốt các môn học dù không được lên lớp, gặp thầy cô, gặp các bạn. Nhưng em vẫn có thể hỏi, hay trao đổi khi gặp phải vấn đề khó, yêu cầu khó.
Khi đã quen và cảm nhận được những tiện ích, ứng dụng tích cực mà chuyển đổi số mang lại, em cũng xác lập cho mình phương pháp, cách thức sử dụng mạng internet, nói cách khác, khi lên mạng, em luôn có chủ đích rõ ràng, quản lý tốt thời gian làm việc trên mạng. Cũng trong quá trình đó, nếu cũng từ chuyển đổi số, thêm một điều gì đó tốt đẹp, hay một lời kêu gọi vì cộng đồng, nhất định em sẽ hưởng ứng. Em thường quan tâm đến các trang Mạng xã hội kêu gọi hành động vì môi trường, và em luôn ủng hộ, sẵn sàng tham gia mọi hoạt động giữ gìn, bảo vệ môi trường cho Đà Nẵng quê hương em.
Còn theo bạn Huỳnh Đức – Ủy viên BCH Đoàn Phường Hòa Cường Bắc, Quận Hải Châu , “Những nhận thức đầu tiên về chuyển đổi số mà em có được là khi tham gia hỗ trợ bà con Phường nhà, đến UBND Phường giải quyết các thủ tục. Khi những giao dịch hành chính được thực hiện qua cách thức trực tuyến, với mức độ phục vụ người dân ngày một nâng cao, nhiều thủ tục có thể thực hiện trực tuyến , thì em cho rằng đó biểu hiện rõ nét của chuyển đổi số. Chuyển đổi số thay đổi và tác động làm cho cuộc sống chúng ta trở nên tiện lợi, mọi nhu cầu được giải quyết dễ dàng hơn.
Buổi tọa đàm hôm nay có chủ đề “Chuyển đổi số-Thanh niên Hải Châu, Cơ hội và Thách thức”, em rất tâm đắc.Hiện nay, vẫn có ý kiến cho rằng, cộng đồng trẻ chúng em vẫn còn chưa biết tận dụng hết lợi thế từ chuyển đổi số, chưa biết sử dụng internet vào những việc có ích, mà sa vào những hành vi không lành mạnh, hay giải trí vô bổ, lên mạng phát ngôn thế này, thế khác hay chia sẻ những điều không chuẩn mực.
Thực ra, vẫn có một bộ phận trẻ đã và đang tích cực tham gia vào những công việc chuyển đổi số rất có ý nghĩa. Đơn cử như Tổ Thanh niên hỗ trợ công nghệ thông tin cho cộng đồng của Phường Hòa Cường Bắc, Quận Hải Châu, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 28/10/2022. Hoạt động trợ giúp bà con khi đến giao dịch hành chính, tụi em đã làm nhiều năm nay, nhưng thành lập hẳn một lực lượng xung kích thì là mới. Đã là xung kích thì tụi em chia nhau đi về từng tổ dân phố, từng khu dân cư để phổ biến. Tranh thủ và xin phép Ban cán sự Tổ Dân phố trong các buổi họp, tụi em phổ biến cho bà con hiểu thế nào là quy trình giao dịch hành chính trực tuyến, cách thức số hóa hồ sơ (hoặc là dùng điện thoại chụp lại, hoặc scan) và cuối cùng là tạo lập một tài khoản công dân số để tương tác với Bộ phận 1 cửa gửi hồ sơ.
Tổ hiện có 15 bạn tình nguyện viên luân phiên nhau tham gia các hoạt động, biên chế theo nhóm. Mỗi nhóm có 2 bạn, các bạn học sinh THPT thì thường là tuyên truyền, còn lại các bạn sinh viên, nhất là sinh viên công nghệ thông tin, thì hướng dẫn các kỹ năng thao tác trên máy tính, trên điện thoại thông minh. Chuyển đổi số làm mới phương thức tương tác và giao dịch trực tuyến chính là những dịch vụ công rất tiện ích cho người dân, cộng đồng trẻ chúng em sẵn sàng làm cầu nối để mọi người dân đều sử dụng được ứng dụng từ chuyển đổi số.
Theo TS. Nguyễn Hà Huy Cường – Phó Giám đốc Trung tâm Phần mềm (SDC), Đại học Đà Nẵng – Giảng viên Khoa Khoa học máy tính Trường ĐH CNTT&TT Việt – Hàn, thì “ Ở giai đoạn tin học hóa, hay ứng dụng công nghệ thông tin, chúng ta mới chỉ số hóa quy trình đã có hoặc theo mô hình (hoạt động) đã có và cung cấp (loại hình) dịch vụ đã có. Còn với chuyển đổi số, chúng ta vừa số hóa toàn bộ cả một tổ chức, thay đổi quy trình, để có một mô hình tổ chức mới và mô hình này đi đến cung cấp (sản phẩm) dịch vụ mới, với một phương thức cung cấp (chia sẻ) dịch vụ cũng hoàn toàn mới”. Do vậy điều thật đáng mừng là cộng đồng trẻ Hải Châu – Đà Nẵng đã nhận thức rất đúng về chuyển đổi số, và chính họ, cũng đang giữ vai trò xúc tác – dẫn dắt cộng đồng cùng chuyển đổi số, cùng thay đổi cách chúng ta sống, học tập, làm việc và sinh hoạt.
Chuyển đổi số: Còn nhiều khó khăn và thách thức
Theo bà Phan Thị Thắng Lợi – Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, là một lĩnh vực mới, công tác và yêu cầu chuyển đổi số trên địa bàn Quận vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Và điều rất cần hiện nay là những ý kiến “gợi mở, kích thích sự sáng tạo, mạnh dạn đề xuất các ý tưởng mới, đồng hành và góp phần thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số tại địa bàn quận Hải Châu”.
Được biết, quận Hải Châu đã sớm hoàn thiện đồng bộ (làm sạch) dữ liệu thông tin công dân trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 100% người dân của Quận được cấp mã ID y tế, mỗi công dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân; 100% học sinh có mã ID và hồ sơ học bạ điện tử; 100% người/tổ chức nộp thuế đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Nhân sự kiện “Ngày không tiền mặt” (16/6/2022), UBND Quận đã ra mắt “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt – Hải Châu 2022”, đến nay, chương trình đã lan tỏa và 100% trường học trên địa bàn cũng đã triển khai thanh toán học phí trực tuyến không dùng tiền mặt. Đây là những thu hoạch đầu mùa của quận Hải Châu với mục tiêu hành động chuyển đổi số được triển khai trên nhiều mặt của đời sống.
Theo TS. Nguyễn Hà Huy Cường, “Chuyển đổi số là cuộc chuyển đổi có tính toàn diện rất cao. Có một khái niệm được nhắc đến nhiều đó là dùng công nghệ để giải quyết nỗi đau của xã hội, ở đây, có thể hiểu là giải quyết các vấn đề lớn của quốc gia, mà ở đó Người Dân là trung tâm của nhiều vấn đề phải được giải quyết, phải được thụ hưởng những dịch vụ tốt hơn, kịp thời hơn. Các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và nhiều mặt được hoạch định tốt hơn. Và hẳn nhiên các nguồn lực cũng phải được tối ưu hơn. Đây cũng là câu chuyện “Chính phủ điện tử là Chính phủ của 4 hơn”. Bên cạnh đó, còn có “Chính phủ điện tử là Chính phủ thực hiện 4 “không”: Một nền hành chính không văn bảngiấy – Các phiên họp không gặp mặt – Giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và Thanh toán dịch vụ không sử dụng tiền mặt. Các bước đi của Quận Hải Châu đã đáp ứng nhiều yêu cầu của buổi đầu chuyển đổi số”.
Đồng hành cùng quận Hải Châu trong chuyển đổi số, đại diện Chi nhánh Viettel Đà Nẵng, khẳng định, sẽ nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng thanh toán số (VietQr, cho ứng dụng Viettel Money, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt). Đến quý 1/2023, sẽ hoàn thành để ứng dụng được khai thác tại các chợ và các tuyến phố còn lại trên địa bàn Quận. Cũng với ứng dụng Viettel money, Viettel Đà Nẵng sẽ phối hợp với Phòng Giáo dục Quận triển khai thí điểm trong quý 4/2022 về kết nối nộp học phí qua…
“Chuyển đổi số quan trọng là chuyển đổi tư duy, nhận thức, thói quen. Muốn thành công chúng ta phải xây dựng “Năng lực số”, đó là: Đào tạo nhân lực số; hình thành văn hóa đổi mới với mô hình hoạt động mới và thay đổi thói quen, tạo động lực chuyển đổi mạnh mẽ. Viettel Money là một phần của ứng dụng làm thay đổi thói quen trong đời sống. Chúng tôi cũng đã hoàn thành kết nối Viettel money với Cổng hành chính công Đà Nẵng, tạo thuận lợi cho người dân thanh toán trực tuyến, hoàn tất nghĩa vụ trong giao dịch hành chính” – ông Phạm Ngọc Kim Đồng – Phó Giám đốc Chi nhánh Viettel Đà Nẵng, chia sẻ thêm.
T.Ngọc