Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”



ĐNA -

Ngày 22/11/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương thông cáo báo chí Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” sẽ diễn vào ngày 29/11/2022. Ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng BTC Hội thảo chủ trì buổi gặp mặt.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 58-KH/BTGTW, Ban Tuyên giáo trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận trung ương, Bộ VHTT&DL, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và một số cơ quan liên quan tổ chức hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” vào ngày 29/11/2022 tại Hà Nội.

Toàn cảnh gặp gỡ báo chí thông tin về hội thảo “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Tại buổi thông cáo báo chí thông tin về Hội thảo , ông Nguyễn Minh Nhựt – Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo trung ương, Thường trực BTC Hội thảo cho biết, mục tiêu của Hội thảo nhằm tập trung làm rõ các nội dung, nội hàm và thành tố cơ bản của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xác định những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, Đảng viên, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, trí thức và quần chúng nhân dân thực hiện trong việc nghiên cứu, xác định và tổ chức thực hiện các hệ giá trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xác định các định hướng, quan điểm, giải pháp xây dựng các hệ giá trị và từng giá trị cụ thể, để thúc đẩy sự phát triển đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội nước ta ở giai đoạn hiện nay.

Các tham luận hội thảo có góc độ tiếp cận, kiến giải khác nhau nhưng về cơ bản thống nhất nêu bật các thành tố căn bản của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Hệ giá trị quốc gia là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Hệ giá trị văn hóa là dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Hệ giá trị gia đình là ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Hệ giá trị con người là yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo…, ông Nguyễn Minh Nhựt thông tin.

Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người là những vấn đề rất hệ trọng mà quốc gia nào cũng quan tâm xây dựng. Sinh thời Bác Hồ cũng đã rất quan tâm, chú trọng đến vấn đề này. Các Văn kiện đại hội, Nghị quyết của Đảng cũng đã đề cập đến và chỉ ra khá rõ về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam.

Tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, những vấn đề này đã được đề cập ở tầm nhận thức mới. Nghị quyết Đại hội XIII xác định, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới là vấn đề tất yếu để bảo đảm sự đoàn kết, đồng thuận của dân tộc, của đất nước trong tiến trình hội nhập và phát triển bền vững, đồng thời là nhu cầu khách quan trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh, cũng đã định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người đặt lên hàng đầu là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người gắn với việc phát huy, gìn giữ giá trị gia đình; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ cơ bản trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cho hay: “Hội thảo quốc gia là hoạt động rất quan trọng. Ở đó, chúng ta thu nhặt lại những ý kiến, những “viên ngọc” để đánh giá về quá trình hình thành, quá trình xác định, quá trình hoàn thiện 4 hệ giá trị này”.

Cũng theo ông Lê Hải Bình, hội thảo quốc gia sắp tới chỉ là một phần trong việc hoàn thiện 4 hệ giá trị, cùng với rất nhiều hoạt động khác như nghiên cứu các đề tài khoa học lớn để hình thành thêm các luận cứ khoa học, luận cứ thực tiễn.

Được biết, Hội thảo sẽ diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Hà Nội) và trực tuyến tới hai điểm cầu Thừa Thiên- Huế, TP Hồ Chí Minh vào ngày 29/11. Tại Hà Nội dự kiến có sự tham dự của 250 đại biểu, các nhà khoa học. Hiện BTC đã nhận được 79 tham luận từ các nhà quản lý, nhà khoa học gửi đến Hội thảo.

Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” được tổ chức để hiện thực hóa chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; thực hiện Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan đặt ra về văn hóa, văn học, nghệ thuật. Thông qua hội thảo để xây dựng những hệ giá trị trong thời gian sắp tới cũng như khẳng định, làm rõ, làm sâu sắc hơn nữa những vấn đề mà những hệ giá trị trên nêu ra…” – ông Trần Thanh Lâm – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết.

Ảnh: Ông Trần Thanh Lâm – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại cuộc gặp gỡ.

Thông qua hội thảo để xây dựng những hệ giá trị trong thời gian sắp tới cũng như khẳng định, làm rõ, làm sâu sắc hơn nữa những vấn đề mà những hệ giá trị trên nêu ra. Các hệ giá trị, chuẩn mực con người Việt Nam tồn tại trong nghìn năm dựng nước và giữ nước, tuy nhiên cần phải xem xét việc bảo tồn, phát huy trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, trước những cơ hội và thách thức mới.

Chính vì thế, hội thảo sẽ khẳng định tầm quan trọng phải xây dựng được các hệ giá trị Việt Nam. Những hệ giá trị hình thành, phát triển và ngày càng hoàn thiện nhưng phải được xác định rõ, có trọng tâm, có hình hài cụ thể trong thời gian tới.

Các nhà khoa học, ban ngành có cơ sở để sau hội thảo tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với Đảng và Nhà nước các giải pháp xây dựng và hoàn thiện các hệ giá trị. Hội thảo dự kiến được tổ chức hai phiên với hình thức mới. Ở phiên buổi sáng, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đầu ngành sẽ dẫn dắt và điều hành phiên thảo luận về hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Phiên buổi chiều sẽ bàn về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia.
Tiến Chí