Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Chuyện về giáo viên cắm bản và chất lượng giáo dục được nâng cao nơi ‘đỉnh trời’ Nầm Pồ



ĐNA -

Chất lượng giáo dục mầm non của ngành ngành huyện Nậm Pồ đang được nâng lên nhờ vào sự phát huy tính tích cực, sáng tạo tại các trường mầm non.

Na Cô Sa là xã vùng sâu thuộc huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, Việt Nam. Với hơn 17km đường biên giáp Lào, trải rộng trên diện tích tự nhiên hơn 12.000ha, dân cư trên địa bàn 98% là người Mông, trình độ dân trí còn thấp. Người dân nơi đây sống kinh tế chủ yếu tự cung tự cấp, phụ thuộc vào cây ngô, củ sắn và hạt thóc trên nương. Cuộc sống khó khăn cái đói, cái nghèo đeo bám bản làng là vậy nhưng con chữ vẫn được ươm mầm bởi có những giáo viên cắm bản luôn nặng lòng, tâm huyết với nghề.

Cô và trò ở lớp mầm non tại bản Huổi Thủng 2 trường Tiểu học Na Cô Sa, huyện Nầm Pồ (Điện Biên)

Giáo viên cắm bản có lẽ là bộ phận vất vả nhất. Phần lớn trong số này có tuổi đời còn rẩt trẻ, đến với bản xa vì lòng yêu nghề và cũng cả vì tình thương đến với các em nhỏ. Giờ lên lớp đầu tiên trong nghề giáo cũng thường là buổi đầu vào bản, ngỡ ngàng với nghề khi mà giữa thầy và trò thường có bất đồng ngôn ngữ. Vật lộn với cung đường, con dốc, với rau rừng, cá mắm, nhà tạm để thực hiện sự nghiệp trồng người, cũng là để nuôi, giữ ước mơ đứng trên bục giảng cho chính họ.

Đứng trước những thách thức đó, tập thể cán bộ đội ngũ giáo viên ngành giáo dục huyện Nậm Pồ với lòng yêu nghề và nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người đã và đang từng bước cố gắng lao động để đạt được những kết quả tích cực. Đồng thời, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước tận dụng tối đa sự giúp đỡ của các sở ban ngành của cấp ủy, chính quyền hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành giáo dục huyện Nậm Pồ đã được đầu tư, mạng lưới hệ thống trường phát triển trải rộng đến khắp tận các thôn bản cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học toàn diện. Đến nay, toàn huyện đã có đầy đủ hệ thống giáo dục: từ hệ đào tạo mẫu giáo đến phổ thông trung học; ngành giáo dục Nậm Pồ đã chú trọng quan tâm phổ cập đối với bậc học mầm non.

Sản phẩm sáng tạo đồ dùng dạy học, đồ chơi tự tạo” của cô giáo Lèng Thị Dương – Trường mầm non Chà Cang

Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ có 15 trường mầm non, 293 lớp với 6983 học sinh. Toàn ngành mới đáp ứng được cơ bản bộ đồ dùng, đồ chơi theo quy định, theo nhu cầu còn thiếu nhiều đồ dùng, đồ chơi, chủ yếu là các đồ chơi ngoài trời tại các điểm trường lẻ xa trung tâm. Ngoài ra, đồ chơi ngoài trời còn ít về số lượng và chủng loại.

Chính vì vậy, phong trào làm dụng cụ học tập, đồ chơi là hết sức cần thiết để phục vụ đắc lực trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ tại các trường mầm non. Trước thực tế trên, đòi hỏi mỗi giáo viên mầm non phải chủ động trong việc vận dụng những đồ dùng, đồ chơi được cấp phát, đồng thời còn bổ xung bằng cách làm thêm đồ dùng, đồ chơi tự tạo để đảm bảo các hoạt động chăm sóc, giáo dục cho trẻ tại cơ sở.

Đây là một phong trào đã và đang được đông đảo giáo viên mầm non tham gia hưởng ứng; phong trào này sẽ phát huy tính tích cực và tiềm năng sáng tạo của mỗi giáo viên mầm non. Góp phần phục vụ thiết thực cho các hoạt động giáo dục theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm”, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non trên phạm vi toàn huyện.

UBND huyện Nậm Pồ tổ chức Lễ phát động Phong trào tiết kiệm “Hai nghìn đồng mỗi ngày cho Giáo dục

Phát động Phong trào tiết kiệm “Hai nghìn đồng mỗi ngày cho Giáo dục”
Ngày 21/11/2022, UBND huyện Nậm Pồ tổ chức Lễ phát động Phong trào tiết kiệm “Hai nghìn đồng mỗi ngày cho Giáo dục” bằng hình thức “nuôi lợn đất” tiết kiệm với tổng số 342 con lợn đất.

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ chiến sĩ và các hộ gia đình trên địa bàn huyện (trên cơ sở tự nguyện) thực hiện nuôi một con lợn đất, mỗi ngày tiết kiệm tối thiểu hai nghìn đồng để ủng hộ cho công tác giáo dục và đào tạo huyện Nậm Pồ.

Hằng năm, vào ngày khai giảng năm học mới sẽ thực hiện tổng kết phong trào: Các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang thực hiện “mổ lợn” và ủng hộ số tiền tiết kiệm được cho Hội Khuyến học huyện và các trường học trên địa bàn huyện.

Phong trào này nhằm tuyên truyền, lan tỏa tấm lòng nhân ái và tạo sự đồng thuận của xã hội, góp phần cải thiện cơ sở vật chất trường lớp học, hỗ trợ học sinh vươn lên trong học tập.
Tiến Chí