Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Ấn Độ sẽ ưu tiên nhu cầu năng lượng của mình và tiếp tục mua dầu từ Nga.



ĐNA -

Ấn Độ đã liên tục tuyên bố ý định tiếp tục mua bất kỳ loại dầu thô nào có ý nghĩa tài chính nhất đối với quốc gia nặng về nhập khẩu này. Quan chức Bộ Dầu mỏ Ấn Độ đã nói rằng các biện pháp trừng phạt đối với dầu của Nga – cụ thể là đối với các dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm của phương Tây sẽ không áp dụng cho Ấn Độ vì họ có ý định sử dụng các dịch vụ không phải của phương Tây để vận chuyển dầu thô của Nga bằng đường biển vào Ấn Độ. Mới đây, Ấn Độ cho biết họ sẽ tiếp tục mua dầu thô của Nga ngay cả khi lệnh cấm vận và áp giá trần có hiệu lực kể từ ngày 5/12/2022, một quan chức của Bộ Dầu mỏ Ấn Độ cho biết.

Ấn Độ vẫn chưa tham gia vào kế hoạch áp trần giá bán 60 USD/thùng đối với dầu thô từ Nga. Ảnh: Reuters.

Vừa qua, với sự đồng ý cuối cùng của Ba Lan, EU đã đồng ý áp giá trần dầu thô của Nga ở mức 60 USD/thùng – cao hơn mức mà những thùng dầu của Nga đang được giao dịch. Nga cũng tuyên bố sẽ không bán hàng cho quốc gia nào áp dụng mức giá trần. Tuy nhiên giá trần chỉ áp dụng cho các quốc gia hi vọng sử dụng tàu và bảo hiểm của các công ty phương Tây.

Các nhà phân tích đưa ra nhiều dự đoán khác nhau về mức trần giá dầu thô và lệnh cấm vận sẽ ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ. Với việc Ấn Độ và có thể cả Trung Quốc tiếp tục mua dầu thô của Nga mà không có sự trợ giúp của các dịch vụ phương Tây, điều này sẽ làm giảm tác dụng của các biện pháp trừng phạt. Nhưng những người trong ngành cũng lưu ý rằng có một số lượng hạn chế các tàu và công ty bảo hiểm không thuộc phương Tây có thể đưa dầu của Nga ra thị trường. Tuần trước, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều mua dầu thô từ Nga với mức chiết khấu lớn 33,28 USD so với dầu Brent, có nghĩa là họ đã mua rất tốt dưới mức giá trần.

Mối quan hệ hợp tác thân thiết
Nga đã chuyển sang Ấn Độ để lấy nguyên liệu thô và phụ tùng thay thế cho các ngành công nghiệp đang lao đao dưới lệnh trừng phạt của phương Tây. Chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin đã gửi cho Ấn Độ danh sách hơn 500 mặt hàng, bao gồm cả phụ tùng ô tô, máy bay và tàu hỏa. Nga đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ năm của Ấn Độ sau khi xung đột diễn ra tại Ukraine bắt đầu vào đầu năm nay nhờ nhập khẩu than và dầu mỏ được chiết khấu. Từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, thương mại song phương của Ấn Độ với Nga đã tăng lên mức kỷ lục 22,6 tỷ USD.

Với việc các công ty xe hơi toàn cầu như Ford, Mercedes-Benz, Toyota, Honda, BMW, Nissan và Renault tạm dừng hoạt động tại Nga, nhu cầu về phụ tùng ô tô đang ở mức cao tại đây. Các hãng hàng không vận hành đội máy bay do nước ngoài sản xuất và các công ty khai thác mỏ cũng đang trong tình trạng khó khăn. Danh sách mong muốn của Nga dành cho Ấn Độ dài gần 14 trang. Bên cạnh các bộ phận động cơ ô tô còn bao gồm hệ thống thông tin giải trí, bộ phận hạ cánh, hệ thống nhiên liệu, áo phao và lốp máy bay,…Nga cũng đề cập đến nguyên liệu thô và thiết bị để sản xuất giấy, túi giấy, bao bì tiêu dùng, sợi, thuốc nhuộm,…

Yêu cầu phía Nga làm tăng tiềm năng xuất khẩu trị giá 10 tỷ USD cho Ấn Độ trong vài tháng tới. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu Ấn Độ đang do dự về các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Theo Ajay Sahai, Tổng giám đốc của Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ, các công ty nhỏ hơn trước đây đã giao dịch với Iran bất chấp các lệnh trừng phạt cũng đang trở nên cẩn trọng. Cơ chế thương mại bằng đồng rupee, được đưa ra vào tháng 7, cũng không giúp ích nhiều trong trường hợp này.

Theo CNBC, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho rằng các nước châu Âu ưu tiên nhu cầu năng lượng của họ, “và thật không đúng nếu bắt Ấn Độ làm khác đi”. “Châu Âu có những lựa chọn của riêng mình. Đó là quyền của họ”, ông nói với các phóng viên.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Nga và Ấn Độ qua các năm. Đồ họa: QZ

Đến nay, Ấn Độ vẫn chưa tham gia vào kế hoạch của G7 và Liên minh châu Âu (EU) nhằm áp trần giá bán 60 USD/thùng đối với dầu thô từ Nga.
Vào tháng 7, EU đã nhất trí cấm nhập khẩu dầu thô vận chuyển qua đường biển của Nga kể từ ngày 5/12. Động thái này nhằm chặn nguồn thu của Điện Kremlin sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, các lệnh cấm đối với dầu thô Nga có thể đẩy giá năng lượng toàn cầu tăng vọt. G7 do đó đã đẩy mạnh kế hoạch áp giá trần đối với dầu từ Nga. Ông Jaishankar không nhắc tới kế hoạch áp giá trần. Nhưng ông cho biết EU thậm chí nhập khẩu nhiều nhiên liệu hóa thạch từ Nga hơn Ấn Độ.

Giới chức Ấn Độ từng khẳng định nước này sẽ hưởng lợi từ việc giá dầu Nga giảm. Kể từ khi Moscow phát động cuộc chiến ở Ukraine, Ấn Độ đã tăng mua dầu thô giá rẻ từ Nga. Lượng dầu Ấn Độ mua từ Nga đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 10. Theo dữ liệu từ công ty theo dõi năng lượng Vortexa được Press Trust of India trích dẫn, xét trên số thùng dầu được nhập khẩu mỗi ngày, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu của Ấn Độ.
Huy Quang