Thứ bảy, Tháng Một 4, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Liên minh châu Âu (EU) xây cáp ngầm qua Biển Đen mua điện từ Azerbaijan



ĐNA -

Liên minh châu Âu (EU) chấp thuận xây tuyến cáp ngầm dài gần 1.200 km qua Biển Đen để mua điện từ Azerbaijan, trong nỗ lực nhằm thoát phụ thuộc năng lượng Nga.  Dự án sẽ bắt đầu triển khai từ đầu năm 2023, kết nối Azerbaijan và Hungary thông qua Romania và Gruzia, dự kiến hoàn thành trong 6 năm.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngồi phía trước màn hình có vị trí Hungary, Romania, Gruzia và Azerbaijan tại lễ ký thỏa thuận đối tác năng lượng chiến lược giữa 4 quốc gia ở dinh tổng thống Cotroceni, Bucharest, Romania, ngày 17/12. Ảnh: AP

Lãnh đạo các nước Hungary, Romania, Gruzia và Azerbaijan hôm nay ký thỏa thuận về việc thiết lập một hệ thống cáp điện dưới biển. Thỏa thuận góp phần giúp Liên minh châu Âu (EU) có thêm nguồn cung năng lượng trong bối cảnh châu lục này đang chật vật trước những tác động từ cuộc khủng hoảng Ukraine.

“Cáp điện Biển Đen là tuyến truyền tải mới chứa đầy cơ hội”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen viết trên Twitter. “Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, chúng tôi đã quyết định quay lưng lại với nhiên liệu hóa thạch từ Nga và đa dạng hóa hướng đến các đối tác năng lượng đáng tin cậy”.

Tổng thống Romania Klaus Iohannis mô tả dự án là “quan trọng” và “tham vọng”. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hoan nghênh cái ông gọi là “sự đóng góp của Baku cho an ninh năng lượng châu Âu” và “cầu nối mới giữa EU với Azerbaijan”.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói Ủy ban châu Âu đã dành 2,3 tỷ euro (2,4 tỷ USD) để hỗ trợ dự án và Azerbaijan đang chào mời các nhà đầu tư tham gia. Ông kỳ vọng quá trình nghiên cứu tính khả thi hoàn tất vào cuối năm 2023 và dự án khởi công sau đó.

Bà Von der Leyen nói dự án còn mang đến cho Gruzia cơ hội để trở thành một cửa ngõ năng lượng của khu vực. Dự án cũng cho phép vận chuyển điện đến các nước láng giềng như Moldova, Ukraine, hỗ trợ cho việc hiện đại hóa mạng lưới năng lượng sau này.

Châu Âu đang tìm cách giảm phụ thuộc năng lượng Nga, sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cuối tháng 2. EU cáo buộc Nga vũ khí hóa năng lượng để đáp trả các lệnh trừng phạt. Moskva cho rằng chính các lệnh trừng phạt từ phương Tây ảnh hưởng đến dòng chảy năng lượng từ Nga sang châu Âu.

Hungary đang nhập khẩu 85% nhu cầu khí đốt và 60% nhu cầu dầu mỏ từ Nga. Dù là thành viên EU nhưng do phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung Nga, Hungary phản đối các lệnh trừng phạt của khối với Moskva. Nước này cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, ông Szijjarto tuần này đã gặp giới chức Qatar và Oman để bàn về các thỏa thuận nhập khẩu dầu và khí đốt trong tương lai.
Trần Việt/Theo AFP