Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Ấn Độ tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp trên thị trường thế giới



ĐNA -

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên toàn cầu đã tác động mạnh đến nền kinh tế Ấn Độ, thúc đẩy nước này tập trung đầu tư, phát triển mạnh lĩnh vực sản xuất nhằm mở rộng quy mô cũng như tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp của Ấn Độ trên thị trường thế giới.

 Ấn Độ hiện nay đang trên con đường trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao
Những nhà sản xuất hàng đầu toàn cầu như GE, Siemens, HTC, Toshiba và Boeing đã thành lập hoặc đang trong quá trình thiết lập sản xuất các nhà máy ở Ấn Độ. Theo Cơ quan xúc tiến xuất nhập khẩu của Ấn Độ, lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ có tiềm năng đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2025. Việc thực hiện Thuế Hàng hóa và Dịch vụ (GST) sẽ đưa Ấn Độ trở thành thị trường với GDP là 2,5 nghìn tỷ USD cùng với dân số 1,32 tỷ người, đây sẽ là một điểm thu hút lớn cho các nhà đầu tư. Hiệp hội Điện tử và Di động Ấn Độ (ICEA) dự đoán rằng Ấn Độ có tiềm năng mở rộng năng lực sản xuất máy tính xách tay và máy tính bảng tích lũy lên 100 tỷ USD vào năm 2025 thông qua các biện pháp can thiệp chính sách…Để định vị Ấn Độ là trung tâm toàn cầu về Thiết kế và Sản xuất Hệ thống Điện tử (ESDM) và thúc đẩy tầm nhìn xa hơn của Chính sách Quốc gia về Điện tử (NPE) năm 2019, ba kế hoạch cụ thể đã được Ấn Độ đưa ra là: Đề án Khuyến khích Liên kết Sản xuất (PLI); Đề án Thúc đẩy Sản xuất linh kiện điện tử và chất bán dẫn (SPECS) và Đề án cụm sản xuất điện tử sửa đổi (EMC 2.0) đã được thông báo vào tháng 4/2020. Kế hoạch thứ tư là Đề án khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) cho Phần cứng công nghệ thông tin đã được thông báo vào tháng 3/2021.

Một dây chuyền sản xuất lắp ráp ô tô ở Ấn Độ. (Nguồn: Reuters)

Để đạt được các kế hoạch phát triển trên, Ấn Độ đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Một số khoản đầu tư và phát triển trong lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ trong thời gian gần đây là: Tháng 5/2020, Chính phủ Ấn Độ đã tăng FDI vào lĩnh vực sản xuất quốc phòng theo lộ trình tự động từ 49% lên 74%; Trong năm tài chính 2020-2021, Ấn Độ nhận được tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 81,72 tỷ USD, tăng 10% so với năm tài chính 2019-2020; Tháng 2/2021, Amazon Ấn Độ thông báo bắt đầu sản xuất các sản phẩm điện tử tại Ấn Độ, khởi đầu là sản xuất thanh truyền hình Amazon Fire TV.

Các công ty Ấn Độ có kế hoạch bắt đầu sản xuất với nhà sản xuất theo hợp đồng Cloud Network Technology, một công ty con của Foxconn ở Chennai vào cuối năm 2021; Đáng chú ý, trong tháng 4/2021, nhiều công ty đã thực hiện kế hoạch đầu tư sản xuất tại Ấn Độ như: Samsung Display Noida- công ty sản xuất điện thoại thông minh của Hàn Quốc đã đầu tư Rs. 4.825 crore (650,42 triệu USD) để chuyển nhà máy sản xuất màn hình di động và công nghệ thông tin từ Trung Quốc đến Uttar Pradesh, và công ty đã nhận được nhiều ưu đãi của Chính phủ Ấn Độ; Bharti Enterprises Ltd. và Dixon Technologies (India) Ltd., đã thành lập một liên doanh để tận dụng kế hoạch Liên kết sản xuất (PLI) của Chính phủ Ấn Độ để sản xuất các sản phẩm mạng và viễn thông; Tháng 4/2021, Godrej Appliances cũng đưa ra một loạt máy điều hòa không khí Made in India (AC). Công ty có kế hoạch đầu tư Rs. 100 crore (13,48 triệu USD) trong các đơn vị sản xuất (đặt tại Shirwal và Mohali) để nâng công suất sản xuất AC lên 8 vạn đơn vị vào năm 2025.

Ngoài ra, để hỗ trợ cho mục tiêu phát triển sản xuất công nghệ cao, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra một loạt các sáng kiến như: Chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt kế hoạch PLI cho 16 nhà máy làm nguyên liệu chính ban đầu (KSM)/thuốc trung gian và dược phẩm hoạt tính (API). Việc thành lập 16 nhà máy này sẽ dẫn đến tổng vốn đầu tư là Rs. 348,70 crore (47,01 triệu USD) và tạo ra gần 3.042 việc làm.

Việc phát triển thương mại của những nhà máy này dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 4/2023; Tháng 3/2021, Chính phủ Ấn Độ đã công bố các khoản tài trợ trị giá 1 tỷ USD tiền mặt cho mỗi công ty bán dẫn thành lập các đơn vị sản xuất trong nước. Đây là một phần trong nỗ lực mở rộng ngành lắp ráp điện thoại thông minh và cải thiện chuỗi cung ứng thiết bị điện tử của Ấn Độ; Ngân sách Liên minh năm tài chính 2021-2022 được kỳ vọng sẽ nâng cao tăng trưởng của Ấn Độ trong lĩnh vực sản xuất, thương mại và các lĩnh vực khác. Trong đó, phát triển cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, môi trường hậu cần và tiện ích cho lĩnh vực sản xuất là lĩnh vực trọng tâm hàng đầu…

Với những chương trình, kế hoạch đã đặt ra, cùng với đó là nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành sản xuất công nghiệp, hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Ấn Độ đã tăng liên tục trong những năm gần đây. Theo thống kê từ Bộ Thống kê và Thực thi Chương trình Ấn Độ (MOSPI), chỉ số sản xuất công nghiệp của Ấn Độ đã tăng từ mức 119,2 điểm chỉ số trong năm tài chính 2016-2017 lên 114,5 điểm chỉ số năm 2020-2021.

Trong các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực sản xuất hàng công nghiệp là hàng tiêu dùng lâu bền vừa là lĩnh vực có chỉ số sản xuất cao nhất, vừa là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong 5 năm qua, từ mức 126,5 điểm chỉ số năm tài chính 2016-2017 lên 145,3 điểm chỉ số trong năm tài chính 2019-2020.

Trong năm tài chính 2020-2021, cũng như 4 tháng đầu năm tài chính 2021-2022, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 khiến chỉ số sản xuất nhiều lĩnh vực của Ấn Độ đều tăng chậm lại, theo đó các lĩnh vực sản xuất công nghiệp chủ lực của Ấn Độ như sản xuất ô tô, máy tính, điện tử, ô tô… đều bị ảnh hưởng, thay vào đó, Ấn Độ lại đẩy mạnh sản xuất hàng hóa là hàng thiết yếu như thực phẩm, dược phẩm… Kết quả là chỉ số sản xuất hàng hóa vốn và hàng tiêu dùng lâu bền của Ấn Độ giảm đáng kể, trái lại, chỉ số sản xuất lĩnh vực hàng hóa thiết yếu và hàng hóa trung gian vẫn tăng.

Trong năm tài chính 2020-2021, do tác động của đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất của các nhóm ngành thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Ấn Độ đều giảm, chỉ có 3 nhóm ngành hàng có chỉ số sản xuất tăng là nhóm ngành sản xuất thực phẩm, sản xuất dược phẩm, hóa dược và các sản phẩm từ thực vật; sản xuất máy tính, điện tử và sản phẩm quang học.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) Christine Lagarde (T) phát biểu tại hội nghị “Châu Á tiến bước: Đầu tư cho tương lai”, New Delhi, Ấn Độ, 13/03/2016 REUTERS/Anindito Mukherjee

Đáng chú ý, àn sóng dịch Covid-19 mới tại Ấn Độ vào tháng 4/2021 với biến chủng Delta mới, đã làm ngưng trệ tất cả các hoạt động sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Ấn Độ, điều này khiến chỉ số sản xuất nhiều nhóm ngành sản xuất thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Ấn Độ đã giảm mạnh trong quý đầu năm tài chính 2021-2022 so với cả năm tài chính 2020-2021 như sản xuất các sản phẩm thuốc lá; sản xuất da và các sản phẩm liên quan; sản xuất gỗ và các sản phẩm bằng gỗ; sản xuất các sản phẩm bằng kim loại đã được chế tạo, trừ máy móc và thiết bị; sản xuất thiết bị điện; sản xuất máy móc và thiết bị khác; sản xuất thiết bị vận tải khác. Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất của nhiều nhóm ngành thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Ấn Độ lại tăng như ngành sản xuất hàng dệt, may mặc; ngành sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; ngành sản xuất kim loại cơ bản; ngành sản xuất máy tính, điện tử và sản phẩm quang học.

Đi đôi với đẩy mạnh sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Ấn Độ cũng tăng cường nhập khẩu các nhóm hàng hóa là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và và hàng hóa là tư liệu sản xuất… Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, năm tài chính 2019-2020 và năm 2020-2021, Ấn Độ đã tăng mạnh nhập khẩu các nhóm hàng như vật liệu và sản phẩm hóa học; sản phẩm cao su; sản phẩm khoáng phi kim loại; kim loại màu; máy móc thiết bị vận tải; máy móc thiết bị phát điện; máy văn phòng và xử lý dữ liệu tự động; máy móc thiết bị điện…

Với quyết tâm trở thành trung tâm công nghệ cao của thế giới, lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ đặc biệt là lĩnh vực sản xuất công nghệ cao được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, kéo theo nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cũng như các sản phẩm dùng làm tư liệu sản xuất của Ấn Độ sẽ tăng lên, đây sẽ là cơ sở để cho các quốc gia đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng này vào Ấn Độ, trong đó có Việt Nam.

Các mặt hàng Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ thời gian tới phải kể đến là sắt thép; kim loại màu; máy móc và thiết bị vận tải; máy móc và thiết bị điện; đồ nội thất và các bộ phận của chúng, bộ đồ giường, đệm, giá đỡ đệm, đệm và đồ nội thất nhồi bông tương tự; hàng du lịch, túi xách và các vật chứa tương tự; các mặt hàng may mặc và phụ kiện quần áo.

Foxconn chính thức chuyển sản xuất iPhone  từ Trung quốc sang Ấn Độ  
Foxconn (có trụ sở tại Đài Loan) là nhà cung ứng cho Apple và chuyên sản xuất các thiết bị điện tử theo hợp đồng. Foxconn Hon Hai – chi nhánh tại Ấn Độ của công ty này đang triển khai xây dựng nhiều khu ký túc xá mới để đáp ứng chỗ ở cho một lượng lớn nhân viên sản xuất iPhone.

Apple tăng sản xuất iPhone ở Ấn Độ

Ban đầu, Ấn Độ chỉ sản xuất các dòng iPhone cũ như iPhone 12, 13 nhưng hiện tại Apple đã cho phép nhà máy sản xuất tại đây lắp ráp cả iPhone 14. Việc mở rộng sản xuất tại quốc gia này sẽ giúp Foxconn có đủ sản lượng iPhone xuất khẩu toàn cầu trong bối cảnh Trung Quốc đang khó khăn vì dịch bệnh. Hiện nay, Ấn Độ trở thành điểm đến lý tưởng và là một trong những khu vực sản xuất iPhone trọng tâm với tham vọng tạo ra gần 50% sản lượng iPhone xuất khẩu.

Foxconn Hon Hai hiện có 15.000 lao động, trong đó phần lớn là nữ giới. Theo một nhân viên cấp cao, Foxconn có kế hoạch chiêu mộ thêm công nhân để tổng số nhân viên tại chi nhánh Ấn Độ vượt ngưỡng 70.000 người trong 18 tháng tới. Vì vậy, để tiện cho hoạt động sản xuất cũng như nâng cao hiệu quả lao động, việc các công nhân cư trú trong khu công nghiệp là một điều “tất lẽ dĩ ngẫu”.

Muốn đáp ứng mục tiêu này, Foxconn Ấn Độ đã xây dựng một ký túc xá 20.000 giường và sẽ hoàn thiện trong 10 tháng tới. Hai ký túc xá khác cũng đang được xây dựng với sức chứa lên tới 60.000 người. Khu ký túc xá quy mô lớn như vậy bao gồm phòng ở, nhà ăn, khu khám bệnh – một mô hình tương tự tại nhà máy Foxconn ở Trung Quốc. Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng khu ký túc xá cho công nhân tại Foxconn Ấn Độ chỉ là sự tham khảo về chiến lược và không hề sao chép mô hình từ những nơi khác.

Các nhà sản xuất toàn cầu thường đưa ra các chiến lược dành riêng cho từng quốc gia khi họ mở rộng nhà máy sản xuất ra ngoài phạm vi địa lý quê hương của mình. Tuy nhiên vẫn phải có sự phù hợp với luật lao động, văn hóa làm việc và tập quán của con người tại địa phương đó.

Đầu tháng này, Foxconn đã thông báo rót 500 triệu USD (hơn 11 nghìn tỷ đồng) vào chi nhánh Ấn Độ để chuyển rời một phần sản xuất sang quốc gia này. May mắn, các giám đốc điều hành của Apple cho biết doanh thu gần nhất của iPhone đã đạt mức đỉnh mới, chạm mốc 42,6 tỷ USD. Công ty đã lập kỷ lục, trong đó sản lượng iPhone sản xuất tại Ấn Độ cũng tăng gấp đôi so với quý trước.

Một dây chuyền lắp ráp sản phẩm Apple của Foxconn ở Trung Quốc. Ảnh: AP.

Đối với Apple, việc có nhiều nhà máy theo hợp đồng tại Ấn Độ như Foxconn, Wistron và Pegatron là một phần trong kế hoạch từng bước chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Bang Tamil Nadu đang được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những “thành phố iPhone” mới tại quốc gia này. Apple cũng đang hợp tác với Tata Electronics – công ty có nhà máy tại Hosur để gia công vỏ iPhone.

Ấn Độ đang có kế hoạch thay đổi các quy định lao động của mình để tạo điều kiện cho nhà nhiều nhà đầu tư toàn cầu tới thành lập các nhà máy lớn có quy mô từ 40.000 đến 100.000 nhân viên.

Ngoài Ấn Độ, Việt Nam cũng đang là điểm đến tiềm năng cho dây chuyền sản xuất của Apple. Nếu công ty đẩy mạnh hoạt động này hơn nữa, có thể vào năm 2025-2026, sản lượng iPhone do Ấn Độ và Việt Nam sản xuất sẽ đạt mức hơn 50%.
Chy Le/Tổng hợp