Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Siết chặt quản lý trước thông tin nhiễu loạn về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói



ĐNA -

Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu cơ quan chuyên môn địa phương giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Theo Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), trong thời gian vừa qua, công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc cần được giải quyết như công tác giám sát còn chưa được thực hiện đồng bộ.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, tập huấn còn chưa được sâu rộng; nhiều địa phương còn chưa thực sự quan tâm đến nhiệm vụ này; thông tin nhiễu loạn gây hiểu nhầm cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, xuất khẩu nông sản.

Để việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng được thực hiện có hiệu quả, công khai, minh bạch trong thời gian tới, Cục BVTV đề nghị Sở NN-PTNT các địa phương tiếp tục thực hiện tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thực tế và gửi các hồ sơ đạt yêu cầu về Cục để chuyển nước nhập khẩu xem xét, phê duyệt, cấp mã số.

Toàn bộ các thông tin về diện tích, sản lượng, sự đồng thuận các hộ nông dân tham gia vào vùng trồng cũng như các điều kiện kỹ thuật khác phải được các cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương kiểm tra, xem xét đầy đủ trước khi gửi hồ sơ về Cục. Cơ quan chuyên môn địa phương chịu trách nhiệm về tính chính xác và phù hợp của hồ sơ.

Ngoài ra, giải quyết ngay các hồ sơ đề nghị của chủ sở hữu hoặc người đại diện vùng trồng, cơ sở đóng gói trên cơ sở tuân thủ đúng quy định, minh bạch, trách nhiệm. Trường hợp, chưa đạt yêu cầu phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng tránh để người dân, doanh nghiệp đi lại nhiều lần.

Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn địa phương phải thực hiện giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số theo đúng hướng dẫn và quy định của nước nhập khẩu, đảm bảo các vùng trồng, cơ sở này luôn luôn duy trì được tình trạng đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Một nhiệm vụ nữa của các cơ quan chuyên môn địa phương là hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng phần mềm Nhật ký đồng ruộng, phần mềm Quản lý cơ sở đóng gói để cập nhật đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Cục BVTV cũng yêu cầu các Sở NN-PTNT bố trí nguồn lực đảm bảo thực hiện tốt công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng. Tùy thuộc vào tình hình cụ thể của địa phương để chủ động tổ chức thực hiện công tác thiết lập, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên cơ sở cơ quan chuyên ngành về bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp tỉnh là cơ quan đầu mối triển khai.

Về vấn đề tuyên truyền, Cục đã gửi các video về quy trình thiết lập, giám sát, xử lý các trường hợp không tuân thủ liên quan đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, đề nghị các Sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông tại địa phương phát trên các đài truyền thanh, truyền hình địa phương, báo địa phương để người dân, doanh nghiệp nắm rõ và tuân thủ đúng.

Thêm một yêu cầu nữa là các Sở phải có kế hoạch hàng năm về việc tập huấn tổ chức, cá nhân liên quan đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại địa phương.
Quy trình thiết lập và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói:
1. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch tại địa phương (sau đây gọi là chung là cơ quan chuyên môn địa phương) tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính đầy đủ, phù hợp của hồ sơ và tiến hành kiểm tra thực tế.
2. Trên cơ sở kiểm tra thực tế, cơ quan chuyên môn địa phương hoàn thiện biên bản và hồ sơ vùng trồng, cơ sở đóng gọi theo quy định của từng thị trường để gửi về Cục Bảo vệ thực vật. Danh sách hồ sơ cần thiết tham khảo tại Phụ lục của văn bản này.
3. Cục Bảo vệ thực vật soát xét lại hồ sơ và phản hồi lại cho cơ quan chuyên môn địa phương đồng thời gửi hồ sơ hoặc danh sách cho các nước nhập khẩu để được phê duyệt hoặc cấp mã số. Thời điểm gửi danh sách/hồ sơ này có thể là gửi ngay sau khi nhận được từng bộ hồ sơ hoặc định kỳ tùy thuộc vào yêu cầu của nước nhập khẩu (ví dụ với Hoa Kỳ thì gửi ngay sau khi soát xét hồ sơ đạt yêu cầu, với Trung Quốc thì định kỳ là 3 tháng/lần hoặc theo yêu cầu của phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc…)
4. Sau khi nhận được thông tin phê duyệt hoặc mã số được cấp của nước nhập khẩu, Cục BVTV thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn địa phương trong đó đề nghị rõ cơ quan chuyên môn địa phương phải thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu hoặc người đại diện vùng trồng, cơ sở đóng gói đồng thời tiến hành giám sát việc đảm bảo tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu.

Tùng Đinh