Ngày 3/1/2023, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Phó thủ tướng Lê Minh Khái trình bày dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023.
Theo Phó thủ tướng, Năm 2023, Chính phủ sẽ tập trung giải pháp để phát triển an toàn, lành mạnh các thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản; bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Dự thảo Nghị quyết xác định 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp, với trọng tâm là ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác.
Ngoài đẩy nhanh thực hiện phương án xử lý các ngân hàng yếu kém, năm 2023, Chính phủ quyết tâm làm lành mạnh, phát triển bền vững thị trường vốn, như tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản.
Năm 2022, các biện pháp rà soát xử lý để lành mạnh hoá thị trường vốn đã được các cơ quan quản lý tiến hành. Nhiều sai phạm trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán được cơ quan chức năng phanh phui, như vụ Tân Hoàng Minh, FLC… Việc cơ cấu lại thị trường vốn, lãnh đạo Chính phủ từng nhiều lần khẳng định, nhằm để tránh rủi ro, thao túng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, đến 30/12, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành khoảng 333.400 tỷ đồng, có xu hướng giảm dần qua các quý.
Với thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index chốt phiên 30/12 ở 1.007,09 điểm, giảm gần 4% so với tháng trước và xấp xỉ 33% so với cuối năm 2021. Quy mô vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tương đương 55% GDP ước tính năm 2022. Giá trị giao dịch bình quân là 20.200 tỷ đồng một phiên, giảm hơn 24% so với năm ngoái.
Cũng theo dự thảo Nghị quyết, các mặt hàng do Nhà nước định giá, nhất là giá điện, xăng dầu… sẽ được quản lý, điều hành chặt chẽ trong năm sau.
Giải pháp trọng tâm nữa được Chính phủ xác định, là đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Động thái này sẽ nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025, có giải pháp phù hợp huy động hiệu quả nguồn lực của khu vực này vào phát triển kinh tế đất nước.
Dự thảo Nghị quyết cũng đưa ra nhiệm vụ tiếp tục cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ gắn với đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt khoảng 15,5%.
Với lĩnh vực cơ cấu hạ tầng, Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên kết vùng và hạ tầng đô thị lớn.
Cùng đó, cơ quan quản lý sẽ rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về hạ tầng thương mại điện tử; cơ chế quản lý tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Chính phủ cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ; gắn đào tạo nghề với thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và cạnh tranh của nền kinh tế.
Ban Biên tập