Tôn trọng có nghĩa là sự đánh giá đúng mực và coi trọng danh dự, phẩm giá, lợi ích của người khác. Nó còn là một đức tính quan trọng, là nền tảng cần thiết để xây dựng mối quan hệ bền vững. Một người được giáo dục tốt bao giờ cũng biết cách tôn trọng người khác.
Tôn trọng được hiểu đơn giản chính là việc bạn đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, lợi ích và phẩm giá của người khác. Đây cũng là việc bạn nhận ra những giá trị của mọi người, coi trọng giá trị của họ mà không bình phẩm hay chê bai, thể hiện lối sống văn hóa của mỗi người chúng ta.
Tuy nhiên, tôn trọng không nhất thiết phải là sự đánh giá quá cao giá trị của một người so với khả năng thực tế của họ. Đấy không phải là cách một người sử dụng lời nói để nịnh bợ thô kệch mà là sự đánh giá đúng, không thể hiện sự đánh giá một cách thái quá.
Con người sống trên đời dựa vào hai chữ “tôn trọng” để đứng vững trong xã hội. Biết đánh giá đúng về lòng tôn trọng mới là người thực sự khôn ngoan. Vì thế, bất kể yêu hay ghét, mọi người vẫn cần phải dành cho nhau đủ sự tôn trọng. Mỗi người đều có thể diện và tôn nghiêm của riêng mình.
Đặc biệt trong kinh doanh, sự tôn trọng cần được thể hiện bằng thái độ tận tâm thực sự, không phải vì nhắm đến lợi ích đằng sau đó. Vì khi đã có lòng tôn trọng khách hàng, lợi nhuận ắt tự đến. Những doanh nhân thành công nhất luôn tôn trọng từng đối thủ của mình. Vì tôn trọng không chỉ là một loại dũng khí mà còn là một loại trí tuệ.
“Có một ông lão ăn mày trang phục rách rưới, đầu tóc bù xù, cả người đều bốc mùi hôi khó chịu dừng chân trước một tiệm bánh ngọt. Sau một lúc băn khoăn, ông quyết định bước vào và xếp hàng. Nhiều vị khách đang mua hàng bên cạnh đều tỏ thái độ bực bội. Một số người cố tình bịt mũi và phàn nàn với nhân viên cửa hàng.
Thấy vậy, anh chàng nhân viên bán hàng quát to: “Ông kia, ông vào đây làm gì đấy? Đi ra ngoài đi!”
Ông lão ăn mày run rẩy đáp: “Tôi đến mua bánh ngọt mà.” Ông vừa vét trong túi những đồng tiền lẻ cáu bẩn, vừa hỏi: “Cậu ơi, loại bánh nào ở đây nhỏ nhất?”
Đúng lúc này thì ông chủ tiệm bánh bước nhanh ra ngoài. Ông ta niềm nở lấy từ trong tủ kính ra một chiếc bánh ngọt nhỏ xinh, đặt vào trong hộp, gói ghém cẩn thận rồi đưa cho ông lão. Sau khi nhận số tiền thanh toán từ ông lão ăn mày, chủ tiệm niềm nỡ tiễn ông lão ra ngoài cửa. Sau đó, ông chủ cúi gập người và nói: “Cảm ơn quý khách đã chiếu cố mua hàng! Hoan nghênh quý khách lần sau lại tới!”
Ông lão cầm chiếc bánh trên tay, nét mặt thể hiện rõ vẻ kinh ngạc. Có lẽ, rất lâu rồi ông lão chưa được ai đó đối xử tôn trọng như vậy. Ông lão cười vui vẻ rồi quay người rời đi.
Cháu trai của ông chủ tiệm bánh cũng có mặt và chứng kiến toàn bộ sự việc. Cậu vô cùng thắc mắc nên gặng hỏi: “Ông nội! Sao ông lại niềm nở với ông lão ăn mày đó như vậy ạ? Ông ta có gì đặc biệt sao?”
Ông chủ tiệm bánh mỉm cười, nói: “Điều đặc biệt nhất chính là, ông ấy là một khách hàng của chúng ta. Ông ấy đã phải chờ đợi rất lâu, chịu rất nhiều vất vả mới tích góp được những đồng tiền ấy. Sau đó, ông ấy dùng chúng để mua bánh ngọt của cửa hàng chúng ta. Sự ưu ái ấy không xứng đáng để chúng ta niềm nở với khách hàng của mình hay sao?”
Người cháu trai lại tiếp tục hỏi: “Nếu như vậy thì sao ông còn lấy tiền của ông ăn mày ấy làm gì? Nếu tặng miễn phí cho ông ấy có phải đặc biệt hơn không?”
Ông chủ tiệm cười đáp: “Hôm nay, ông ấy đến đây với tư cách là khách hàng, chứ không phải đến để ăn xin cháu ạ! Ông ấy hoàn toàn có đủ khả năng chi trả cho bản thân thì chúng ta phải tôn trọng điều đó. Nếu như cửa hàng chúng ta không lấy tiền thì chẳng phải đã làm nhục ông ấy rồi sao?”
Chy Le