Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Mâu thuẫn nội bộ EU, Ba Lan gây áp lực với Đức về bồi thường chiến tranh



ĐNA -

Sau lần gần đây nhất Đức từ chối bồi thường chiến tranh cho Ba Lan, các quan chức Ba Lan đang kêu gọi Mỹ và Liên hợp quốc hỗ trợ.  “Phản ứng của Đức gây ngạc nhiên đối với chúng tôi. Thậm chí các cuộc đàm phán hay hòa giải đều không diễn ra. Chúng tôi không chấp nhận quan điểm của Đức. Chúng tôi bác bỏ lập trường đó là hoàn toàn phi lý và sai trái. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động ở Đức và trên trường quốc tế để hối thúc người Đức và cộng đồng quốc tế thay đổi lập trường”, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Arkadiusz Mularczyk tuyên bố khi đề cập đến việc từ chối trả tiền bồi thường sau Chiến tranh Thế giới thứ hai cho Ba Lan.

Lính Đức Quốc xã tiến vào thị trấn Lodz của Ba Lan, ngày 9/10/1939. (Nguồn: AP)

Hiện nay, Ba Lan đã mời Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay tới Ba Lan. Thứ trưởng Mularczyk gần đây đã công bố sẽ thực hiện chuyến đi đến Washington, nơi ông hy vọng sẽ tìm được sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ.

Một cuộc khảo sát do Viện Ipsos thực hiện vào ngay đầu tháng 1/2023 cho thấy 75% dân số Đức phản đối các yêu cầu của Ba Lan. Nhưng kết quả này không ngăn được ông Mularczyk công bố một chiến dịch vận động ở Đức. “Chúng tôi hy vọng rằng theo thời gian, chúng tôi có thể thuyết phục người Đức rằng vấn đề này phải được giải quyết”, Mularczyk nói, lưu ý đặc biệt tin tưởng vào các thế hệ trẻ ở Đức.

Thứ trưởng Ngoại giao Arkadiusz Mularczyk là thành viên của đảng Luật pháp và Công lý ( PiS ) cầm quyền Ba Lan, đảng lớn nhất ở nước này. Ông Mularczyk đã ưu tiên yêu cầu bồi thường từ nhiều năm trước.

Kể từ năm 2017, ông Mularczyk đứng đầu một ủy ban trong quốc hội để ước tính những tổn thất mà Ba Lan phải gánh chịu trong Thế chiến II. Vào ngày 1/9/2022, kỷ niệm 73 năm ngày Đức xâm lược Ba Lan, ông Mularczyk đã công bố báo cáo mới nhất của ủy ban, trong đó khẳng định nước này cần được đền bù khoảng 1.300 tỷ euro.

Theo báo Deutsche Welle (Đức), lời từ chối mới nhất của Đức đã mở ra cơ hội cho Ba Lan tăng cường phản ứng với nước láng giềng của mình. Chỉ trích Đức dường như là một trong những mục tiêu chính của phe cánh hữu Ba Lan trước cuộc bầu cử Quốc hội vào mùa thu năm nay.

Bất kỳ đảng nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội vào mùa thu năm 2023 của Ba Lan sẽ phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại trong chiến tranh. Trong cuộc khảo sát Ipsos đã đề cập trước đây, 66% dân số Ba Lan ủng hộ Đức bồi thường thiệt hại. Trong một quyết định của quốc hội mà phe đối lập ủng hộ, Sejm (Hạ viện của Ba Lan) đã xác định rằng nước này chưa bao giờ nhận được tiền bồi thường cho những tổn thất trong Thế chiến II và rằng họ không bao giờ từ bỏ yêu sách đối với điều đó.

Đức bác bỏ yêu cầu của Ba Lan về việc bồi thường chiến tranh
Bộ Ngoại giao Ba Lan ngày 3/1/2023 cho biết phía Đức đã chính thức bác bỏ yêu cầu của Vácsava về việc bồi thường thiệt hại trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, ước tính lên tới 1.300 tỷ euro (1.400 tỷ USD)

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ba Lan, Chính phủ Đức cho rằng vấn đề bồi thường thiệt hại thời chiến đã khép lại và Berlin không có ý định đàm phán về vấn đề này. Bộ Ngoại giao Ba Lan khẳng định sẽ tiếp tục yêu cầu Đức bồi thường về “việc xâm lược và chiếm đóng” trong giai đoạn 1939-1945.

Ba Lan dựa trên số liệu thống kê cho thấy khoảng 6 triệu người Ba Lan, trong đó có 3 triệu người gốc Do Thái, đã bị sát hại trong Chiến tranh Thế giới thứ hai và thủ đô Vácsava của nước này đã bị san phẳng vào năm 1944, khiến khoảng 200.000 dân thường thiệt mạng.

Thủ đô Warsaw của Ba Lan vào cuối Thế chiến II, sau khi bị quân đội Đức phá hủy. Ảnh: AKG/DW

Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước năm 2015, đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền ở Ba Lan (PiS) đã đấu tranh cho vấn đề này, cho rằng Đức có “nghĩa vụ đạo đức” phải bồi thường cho Ba Lan. Tháng 9/2022, Ba Lan ước tính thiệt hại tài chính do Chiến tranh Thế giới thứ hai gây ra đối với nước này là 1.300 tỷ euro và đã gửi công hàm chính thức tới Berlin yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, Chính phủ Đức đã nhiều lần bác bỏ đề nghị này, cho rằng Ba Lan đã chính thức từ bỏ các yêu cầu như vậy trong một hiệp định ký năm 1953.

Trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau hồi tháng 10/2022, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock thừa nhận những nỗi đau dai dẳng mà nước này đã gây ra tại Ba Lan trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, song khẳng định vấn đề bồi thường đã khép lại.

The Cuong