Sáng 5/2/2022, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.
Miền Trung phát triển chưa tương xứng do thiếu kết nối giao thông
Thông tin được Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tại hội nghị tổng kết Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, tại TP Quy Nhơn, sáng 5/2. Dự hội nghị có lãnh đạo các bộ ngành và 14 tỉnh miền Trung.
Thủ tướng nói miền Trung có tiềm năng phong phú, đường bờ biển dài, cơ hội cạnh tranh so với các khu vực khác, con người cần cù chịu khó, thông minh. Đặc biệt khu vực này có 5 di sản văn hóa thiên nhiên thế giới, 6 di sản phi vật thể được UNESCO công nhận.
Thủ tướng Chính phủ băn khoăn sự phát triển của miền Trung chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là lĩnh vực hạ tầng. Cụ thể, miền Trung có đường bộ, cao tốc, đường sắt, đường thủy, một số tỉnh có sân bay… Tuy nhiên, hệ thống giao thông kết nối giữa vùng với cả nước còn rời rạc, không liên kết.
Thủ tướng cho rằng, các bộ ngành địa phương cần đẩy mạnh cơ chế kết nối vùng, phải phối hợp để tháo gỡ các khó khăn về thể chế để đưa miền Trung “cất cánh”. Hạ tầng giao thông ngoài nguồn vốn ngân sách cần đa dạng việc huy động nguồn lực bằng các hình thức PPP (đối tác công tư), BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), BT (xây dựng – chuyển giao).
“Đừng sợ BOT. Đây là mô hình mà nhiều nơi trên thế giới áp dụng. Chẳng qua chúng ta điều hành chưa tốt, quản lý chưa tốt”, ông nói. Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh tiến độ dự án cao tốc Bắc – Nam, đồng thời làm các cao tốc theo trục đông tây kết nối Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với vùng Tây Nguyên.
Tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết giai đoạn 2005- 2020, ngân sách Trung ương, địa phương và huy động ngoài ngân sách để đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng lên đến khoảng 246.000 tỷ đồng. Nhờ đó, diện mạo hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Vùng đã có sự thay đổi rõ rệt, nhiều công trình quan trọng đã được đầu tư đưa vào khai thác.
Về đường bộ
Đã đưa vào khai thác đường Hồ Chí Minh và mở rộng toàn tuyến Quốc lộ 1; 2 dự án thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông, tổng chiều dài 193 km (đoạn La Sơn – Hòa Liên, đoạn Đà Nẵng – Quảng Ngãi), nâng cấp các tuyến quốc lộ trục ngang trọng yếu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng vẫn còn một số tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới, như chưa hình thành được hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, các tuyến vận tải có lưu lượng lớn. Giao thông kết nối vùng, liên vùng, kết nối trục ngang theo hướng Đông – Tây còn hạn chế; kết nối đường sắt với các cảng biển chưa được chú trọng; thị phần vận tải chưa hợp lý; một số cảng biển, cảng hàng không khai thác chưa hiệu quả; chưa phát huy được vai trò đầu mối trung chuyển, quá cảnh hàng hóa cho khu vực Tây Nguyên và ASEAN.
Nguyên nhân chủ yếu do công tác lập quy hoạch thiếu tính liên kết, chưa đồng bộ; kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giữa các địa phương trong vùng còn thiếu đồng bộ, chưa chú trọng đến kết nối vùng, liên vùng; nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có các cơ chế, chính sách đủ mạnh để huy động nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách; hệ thống thể chế, chính sách còn bất cập.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định quyết tâm đến năm 2025 hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông, đưa tổng chiều dài đường cao tốc trong vùng từ 193 km lên 1.390 km; hoàn thành tuyến đường bộ ven biển.
Quán triệt các quan điểm, mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 26-NQ/TW với mục tiêu đến năm 2030, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ “có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại”, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Vùng.
Quyết tâm đến năm 2025 hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông, đưa tổng chiều dài đường cao tốc trong vùng từ 193 km lên 1.390 km; hoàn thành tuyến đường bộ ven biển, cải tạo nâng cấp các tuyến quốc lộ đã có trong danh mục đầu tư công trung hạn.
Đến năm 2030, hoàn thành các tuyến cao tốc trục ngang có lưu lượng lớn như Vinh – Thanh Thủy, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, kêu gọi đầu tư tuyến cao tốc từ Cam Lộ – Lao Bảo, Đà Nẵng – Thạch Mỹ – Ngọc Hồi – Bờ Y, Quy Nhơn – Pleiku; nâng cấp các tuyến quốc lộ trọng yếu kết nối Đông Tây, đặc biệt là kết nối với các cảng biển lớn.
Về đường sắt
Phấn đấu khởi công các đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Đã và đang cải tạo, nâng cấp duy trì khai thác 1.462 km đường sắt hiện có để kết nối tất cả các địa phương trong vùng.
Tiếp tục nâng cấp để khai thác hiệu quả tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện tại, chuẩn bị đầu tư để phấn đấu khởi công các đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam; nghiên cứu kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt kết nối vùng với khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng – Kon Tum – Gia Lai – Đắk Lắk – Đắk Nông – Bình Phước) và cửa khẩu quốc tế (Vũng Áng – Mụ Giạ; Mỹ Thủy – Lao Bảo), khôi phục tuyến đường sắt phục vụ du lịch Tháp Chàm – Đà Lạt.
Về hàng hải, đã đầu tư để hình thành 9 cảng biển loại I, 4 cảng biển loại II và 1 cảng biển loại III.
Đường thủy nội địa đang khai thác 11 tuyến, tổng chiều dài 670 km; đưa vào khai thác có hiệu quả tuyến vận tải thủy ven biển, vận tải từ bờ ra đảo.
Nâng cao hiệu quả khai thác các hàng lang vận tải thủy ven biển và các tuyến vận tải thủy kết nối với các cảng biển; phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa phục vụ du lịch và kết nối từ bờ ra đảo; huy động nguồn lực đầu tư các bến cảng thuộc các cảng biển có tiềm năng phát triển thành cảng đặc biệt như Nghi Sơn, Cửa Lò, Liên Chiểu, Vân Phong.
Về hàng không, là vùng có mật độ cảng hàng không lớn nhất so với cả nước, trong đó có 5 cảng hàng không quốc tế, 4 cảng hàng không nội địa.
Nâng cấp, cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác 9 cảng hàng không hiện có trong vùng; đầu tư xây dựng cảng hàng không Phan Thiết, Quảng Trị, nghiên cứu khai thác lưỡng dụng sân bay Thành Sơn và đầu tư một số sân bay chuyên dụng.
Phát triển đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, khu vực và quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các hành lang kinh tế trọng điểm.
Đến năm 2045, phát triển mạng lưới giao thông vận tải của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Để đạt được các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo động lực tăng trưởng cho Vùng, Bộ GTVT đề xuất một số giải pháp.
Một là, cần đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Vùng. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, tăng năng lực cạnh tranh vùng; đầu tư kết cấu hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế biển, mở rộng quan hệ đối ngoại, nhất là với nước bạn Lào và các nước trong Tiểu vùng sông Mekong.
Hai là, cần đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh/thành phố, đặc biệt là các công trình đường bộ, đường thủy nội địa, hàng không để phát huy tính chủ động của các địa phương trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Ba là, đa dạng nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để huy động vốn tư nhân, vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các nguồn lực để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có vai trò động lực, lan toả, liên kết vùng, kết nối các cảng biển và cửa khẩu quốc tế; kết hợp hiệu quả nguồn vốn Trung ương và địa phương với nguồn vốn huy động ngoài ngân sách.
Bốn là, các địa phương sớm hoàn thành quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng, khai thác có hiệu quả quỹ đất sau khi các dự án kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư; kiện toàn bộ máy đủ năng lực để làm cơ quan chủ quản và chủ đầu tư các dự án đường bộ cao tốc; chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng và quản lý chặt chẽ hành lang an toàn giao thông.
Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, logistics triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; ứng dụng công nghệ trong tổ chức, điều hành giao thông, giảm ùn tắc tại khu vực ra vào đầu mối vận tải lớn (cảng biển, cảng hàng không).
Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước cùng với sự nỗ lực, quyết liệt, năng động, sáng tạo của các địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, Bộ GTVT tin tưởng rằng Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ sẽ có một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng và hạ tầng kinh tế xã hội nói chung đồng bộ, hiện đại, hoàn thành mục tiêu Bộ Chính trị đặt ra tại Nghị quyết số 26-NQ/TW.
Thanh Hoàn