Núi là một trong những địa hình tự nhiên hùng vĩ và nổi bật nhất trên Trái Đất. Chúng là nơi có nhiều nguồn tài nguyên và hệ sinh thái cơ bản để hỗ trợ sự sống, có khả năng ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu, đồng thời cho ta biết nhiều điều liên quan quá khứ xa xôi của hành tinh về mặt địa chất. 5 dãy núi lâu đời nhất hình cách đây hàng tỷ năm và một số trong đó hiện đóng vai trò như khu dự trữ sinh quyển quan trọng.
1. Vành đai Đá xanh Barberton
Vành đai Đá xanh Barberton được xem là dãy núi lâu đời nhất trên thế giới, ước tính khoảng 3,6 tỷ năm tuổi. Nó có phạm vi độ cao từ 610 đến 1.800 m so với mực nước biển và diện tích xấp xỉ 16.000 km2.
Vành đai nằm ở Nam Phi-Swaziland và được biết đến với các thành tạo đá được bảo tồn tốt. Trong một danh sách xuất bản tháng 10/2022, Liên minh Khoa học Địa chất Quốc tế (IUGS) đã đưa Barberton vào tập hợp “100 di sản địa chất” của thế giới, nơi có các yếu tố địa chất và quá trình liên quan đóng góp đáng kể vào sự phát triển của khoa học địa chất thông qua lịch sử.
Dãy núi Makhonjwa, phần nhô ra chiếm 40% Vành đai Đá xanh Barberton, cũng được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
2. Dãy Hamersley
Dãy núi Hamersley ước tính khoảng 3,4 tỷ năm tuổi. Nó nằm ở Tây Australia và nổi tiếng với tài nguyên khoáng sản và địa chất độc đáo.
Dãy núi này trải dài 460 km từ sông Fortescue ở phía đông bắc về phía nam. Đỉnh cao nhất của nó là núi Meharry, với độ cao xấp xỉ 1.249 m so với mực nước biển. Một số đỉnh núi lớn khác có thể kể đến như Bruce (1.234 m), Nameless/Jarndunmunha (1.115 m), Reeder Nichols (1.109 m), Samson (1.107 m) và Truchanas (1.148 m).
Vườn quốc gia Karijini, nằm ở trung tâm của dãy núi, là một trong những vườn quốc gia lớn nhất của Australia với diện tích lên tới 6.274 km2.
3. Dãy Waterberg
Dãy núi cổ này ước tính khoảng 2,7 tỷ năm tuổi. Nó nằm ở tỉnh Limpopo của Nam Phi và có diện tích khoảng 14.500 km2.
Đỉnh cao nhất của Waterberg là Geelhoutkop, nằm trên mực nước biển 1.829 m, trong khi chiều cao trung bình của dãy núi là khoảng 600 m.
Waterberg là khu vực thứ ba ở Nam Phi được UNESCO công nhận chính thức là khu dự trữ sinh quyển vào năm 2001. Một số ngọn núi trong dãy núi này đóng vai trò là hồ chứa nước cho những vùng khô hạn.
4. Dãy Magaliesberg
Magaliesberg là một dãy núi cổ khác ở Nam Phi, ước tính 2,3 tỷ năm tuổi. Nó có độ cao trung bình chỉ khoảng 300 m, nhưng đỉnh lớn nhất Nooitgedacht cao tới 1.852 m. Dãy núi bao phủ một khu vực rộng xấp xỉ 3.580 km2.
Một số khu vực của dãy Malaliesberg cũng được UNESCO chỉ định là khu dự trữ sinh quyển, với sự đa dạng sinh học phong phú bao gồm 443 loài chim, chiếm 46,6% tổng số loài chim ở tiểu vùng phía nam châu Phi.
5. Cao nguyên Guiana
Cao nguyên Guiana, còn được gọi là Khiên Guiana, ước tính khoảng 2 tỷ năm tuổi. Nó trải dài khoảng 1.930 km ở đông bắc Nam Mỹ, bao phủ một phần của Venezuela, Brazil, Guyana và Suriname. Khu vực này chứa rất nhiều loại đá như thạch anh, đá núi lửa, đá phiến sét và đá sa thạch.
Đỉnh cao nhất của cao nguyên là ngọn núi Pico da Neblina, với độ cao 2.995 m so với mực nước biển. Đây là cũng đỉnh núi cao nhất của Brazil.
Khiên Guiana là một trong những khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao nhất hành tinh với nhiều loài đặc hữu. Khu vực này có hơn 3.000 loài động vật có xương sống và hơn 13.300 loài thực vật có mạch.
Chy Le/theo Interesting Engineering