Để làm rõ vụ việc, Cơ quan chức năng chỉ cần thanh tra các Công ty bảo hiểm, thấy khách nào mua một năm rồi bỏ thì họ chính là khách hàng bị ngân hàng ép mua bảo hiểm khi vay tín dụng. Thường để được vay, khách hàng phải huỷ ngang gói bảo hiểm mua qua ngân hàng sau khi đóng phí năm đầu tiên (Khoản vay của khách hàng không ảnh hưởng gì từ việc huỷ này. Đây cũng là cách nhân viên ngân hàng gợi ý khi khách hàng cần vay tín dụng). Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải chế tài hình sự việc ngân hàng ép buộc khách vay tín dụng phải mua bảo hiểm.
Ngày 20/2/2023, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc có văn bản về việc tăng cường công tác thanh tra, giám sát trên thị trường bảo hiểm . Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu thanh, kiểm tra các công ty bảo hiểm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn và việc giới thiệu người gửi tiết kiệm đầu tư sản phẩm bảo hiểm liên kết trái quy định.
Theo phản ánh của báo chí, trong thời gian dài, có tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi gửi tiền tiết kiệm hoặc vay vốn. Việc này có thể do áp lực của lãnh đạo ngân hàng. Vừa qua, Ngân hàng SCB đã kết hợp với Bảo hiểm Manulife lừa khách hàng chuyển tiền tiết kiệm sang hợp đồng bảo hiểm. Sau khi người dân gửi đơn khiếu nại, Cục quản lý giám sát bảo hiểm đã chuyển đơn của người dân sang cơ quan điều tra của Bộ Công an.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm. Tiến hành thanh tra, kiểm tra các công ty bảo hiểm (bao gồm đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm); không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn hay giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào sản phẩm bảo hiểm liên kết trái với quy định pháp luật liên quan.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm có trách nhiệm công bố đường dây nóng (số điện thoại, email) để tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân và doanh nghiệp về sản phẩm bảo hiểm biến tướng nêu trên. Phân công cán bộ trực 24/7, kịp thời kiểm tra xác minh thông tin để có biện pháp thanh tra, phối hợp với cơ quan công an và thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định.
Phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng để xảy ra tình trạng nhân viên ép buộc khách hàng mua bảo hiểm. Thường để được vay, khách hàng phải huỷ ngang gói bảo hiểm mua qua ngân hàng sau khi đóng phí năm đầu tiên (khoản vay của khách hàng không ảnh hưởng gì từ việc huỷ này). Đây cũng là cách nhân viên ngân hàng gợi ý khi khách hàng nói rằng “không có nhu cầu và không có khả năng tài chính tham gia thêm bảo hiểm”. Ai được hưởng lợi tiền mua bảo hiểm một năm của khách hàng?
“Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm rà soát và báo cáo đánh giá rủi ro tình hình thị trường bảo hiểm Việt Nam. Đánh giá về thực trạng số lượng, hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, tái bảo hiểm so với quy mô thị trường. Đặc biệt việc tuân thủ quy định trong hoạt động huy động, đầu tư vốn (nếu có) của doanh nghiệp bảo hiểm tại một số lĩnh vực có hệ số rủi ro cao. Đề nghị Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm khẩn trương tổ chức thực hiện và kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính kết quả triển khai”, Bộ trưởng Phớc yêu cầu.
Năm 2022, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã nhiều lần có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, công ty môi giới bảo hiểm nhằm hạn chế tối đa tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm cũng như đảm bảo tối đa quyền lợi của người mua bảo hiểm.
Tại cuộc họp giao ban Bộ Tài chính tháng 9/2022, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã giao Cục Quản lý giám sát bảo hiểm chủ động giám sát chặt chẽ thị trường bảo hiểm, không để xảy ra tình trạng nhân viên ngân hàng chèo kéo, gợi ý, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm cùng với các sản phẩm tài chính khác khi vay vốn, tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm. Nhưng các ngân hàng và công ty bảo hiểm vẫn không thực hiện và đi vào hoạt động kín kẽ hơn.
Ngày 15/2/2023, NHNN đã ban hành Công văn số 506/NHNN-TTGSNH về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm, trong đó tiếp tục chỉ đạo các TCTD nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của NHNN về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm; Cùng với đó, khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp cán bộ/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm qu định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.
NHNN khẳng định, sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện nhân viên/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm và TCTD chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này. Đồng thời, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phối hợp với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD. Lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cũng đã trao đổi, làm việc, thống nhất thiết lập đường dây nóng của cả hai cơ quan để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của TCTD (trong giờ hành chính).
Ngân hàng Nhà nước đã thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý phản ảnh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng. Do đó, người dân có thể gọi cho hotline của NHNN như sau để phản ánh tình trạng ngân hàng ép khách hàng đi vay vốn mua bảo hiểm:
* Số điện thoại cố định: (024) 3936.1017
* Số điện thoại di động: 0942.966.854
* Email: duongdaynong.cqttgsnh@sbv.gov.vn.
Chy Le