Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hướng nghiệp trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo: Bao giờ ? nội dung gì là phù hợp ?



ĐNA -

Ngày 25/2/2023, Hội thảo do Hệ thống Giáo dục Sky-Line phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng tổ chức  đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.
“Lựa chọn con đường nghề nghiệp tương lai” là chủ đề hội thảo hướng nghiệp, bàn sâu về những câu chuyện thời sự đã và đang được xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là hướng nghiệp cho các em ở độ tuổi, hay bậc học nào là phù hợp ?; trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo – AI – và các xu thế công nghệ mới, nở rộ từ thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lao động trẻ sẽ gặp thuận lợi cũng như thách thức gì ? vai trò của nhà trường, của phụ huynh sẽ như thế nào để trở thành động lực, điểm tựa cho con trẻ ?

Từ phải sang: Tiến sĩ Võ Quang Trí (Trưởng khoa Thương mại điện tử – Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng); Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương (Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng); bà Trương Lý Hoàng Phi (Chuyên gia tư vấn khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.Hồ Chí Minh), ông Nguyễn Hữu Hùng (Giám đốc Công ty CP Phần mềm FAST, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng), và MC của chương trình tọa đàm.

Từ cảm nhận lan truyền thông tin đến gợi ý hướng nghiệp
“Câu chuyện bắt đầu khi quê con, nhiều cửa biển rất đẹp của Hội An bị tàn phá nặng nề. Thậm chí, bị xóa sạch. Thông tin lan tỏa qua nhiều kênh, từ báo chí chính thức đến các nền tảng mạng xã hội, gây sự chú ý ngày càng rộng . Và rồi chính quyền, người dân, những nhà hoạt động môi trường trên cả nước bắt đầu hướng sự quan tâm của mình đến những vùng biển bị tàn phá. Đâu là giải pháp bền vững khi thiên tai trở nên cực đoan hơn, mức độ tàn phá ngày một nặng nề hơn; khảo sát, xây kè chắn cho bờ biển ? hay giúp người dân ứng phó và ứng xử như thế nào trước tình trạng xâm thực nặng nề này …

Con nhận ra rằng, thông tin không chỉ để đọc, để biết về một chuyện gì đó, xảy ra ở một nơi nào đó ! Thông tin có tầm quan trọng là tác động đến nhận thức và hành vi rất rõ rệt. Con liền nghĩ đến khái niệm thông tin cũng là tài nguyên, thông tin chính là cái khơi nguồn cho nhiều vấn đề khác.

Con bắt đầu hướng đến mục tiêu sử dụng thông tin để đưa ra ý tưởng, dự án, sử dụng và lan tỏa thông tin vào những việc có ích. Từ mô hình này, con nghĩ thêm đến sử dụng các nền tảng mạng xã hội để chia sẻ thông tin cho nhiều việc khác, kể cả mục tiêu kinh doanh hướng cộng đồng”. Đây là chia sẻ chân thật “mở đầu cho những ý tưởng khởi nghiệp trên nền tảng thông tin”, của bạn Trần Thiện Quốc Huy, học sinh lớp 12/2, trường THPT, thuộc hệ thống Giáo dục chất lượng cao Skyline.

Theo bà Trương Lý Hoàng Phi (Chủ tịch HĐQT & CEO IBP, Chuyên gia tư vấn khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; Nhà sáng lập kiêm Giám đốc chiến lược BSSC, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.Hồ Chí Minh), “chính sự phát triển đầy bất ngờ, với tốc độ quá nhanh và sự đa dạng của công nghệ, cũng như kinh tế số, đã khiến chúng ta không lường trước được yêu cầu định hướng nghề nghiệp. 10 năm trước, không ai nghĩ sẽ có nghề Youtuber, Tiktoker, hay chuyên gia, người thành thạo trong lĩnh vực thương mại điện tử…”.

Các bạn trẻ được cung cấp nhiều thông tin mới về nghề nghiệp của tương lai.

Hội thảo hướng nghiệp “Lựa chọn con đường nghề nghiệp tương lai” được tổ chức, đã bắt đúng mạch nhu cầu của cả học sinh, phụ huynh cũng như các thầy, cô giáo. Một tầm nhìn toàn cảnh về thị trường lao động trong kỷ nguyên số, đã mang đến nhận thức sâu sắc hơn, thay đổi cách hướng nghiệp, và nâng cao tình thương – trách nhiệm trong hướng nghiệp sớm cho học sinh trong bối cảnh hiện nay.

“Tại hệ thống giáo dục chất lượng cao Sky-line, chúng tôi thực hành hướng nghiệp sớm, người thầy phải chú ý các chuyển động và ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ AI, để vận dụng vào giờ lên lớp một cách tối ưu nhất.
Thầy cô giáo phải ở vai trò người cố vấn học tập, tư vấn cho học sinh những ngành nghề phù hợp với năng lực của học sinh, trong bối cảnh tiến bộ khoa học kỹ thuật đã can thiệp và tác động sâu vào mọi mặt của đời sống. Sẽ có những ngành nghề mất đi, và lại có những ngành mới, nghề mới xuaastb hiện. Vậy các em cần chuẩn bị năng lực chuyên môn gì, nên học ở đâu ? cách học sẽ phải như thế nào… Từ đó giúp học sinh xác định được hướng đi phù hợp trong tương lai”, Cô Lê Thị Nam Phương – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hệ thống Giáo dục Sky-Line cho biết.

Lắng nghe và ủng hộ con trẻ
4 diễn giả cùng bàn luận và chia sẻ về chủ đề này gồm bà Trương Lý Hoàng Phi, ông Nguyễn Hữu Hùng (Giám đốc Công ty CP Phần mềm FAST, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng), Tiến sĩ Võ Quang Trí (Trưởng khoa Thương mại điện tử – Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) và Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương (Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng).

“Trước sự biến đổi liên tục (của tiến bộ công nghệ) ấy, không ai trong số người lớn chúng ta lường được thế giới nghề nghiệp tương lai sẽ ra sao. Chính vì vậy, phụ huynh, giáo viên nên là người cố vấn cho học sinh, chứ không nên là người vẽ đường trong việc hướng nghiệp, ông Nguyễn Hữu Hùng lưu ý.

Ở góc độ vừa là nhà quản lý giáo dục, vừa ở trọng trách giảng viên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương và Tiến sĩ Võ Quang Trí đều có nhìn nhận chung: Nhà trường và cả phụ huynh nên định hướng sớm hơn (nghề nghiệp) cho con trẻ. Hẳn nhiên, các em học sinh phải tự mình biết cách trau dồi nhiều hơn, phát huy quá trình tự học, tự nghiên cứu nâng cao kiến thức, kỹ năng trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo.

Chuyên gia tư vấn khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Trương Lý Hoàng Phi giao lưu cùng các bạn học sinh.

Thông qua những câu chuyện “đời thực – đời thường”, các diễn giả cũng đưa những nhận định khả quan về năng lực của học sinh, sinh viên Việt Nam, và khả năng dón đầu những cơ hội nghề nghiệp trong thời đại công nghệ số, nhất là những lĩnh vực sẽ trở nên phổ biến trong tương lai, nhờ sự phát triển của AI, của khả năng phân tích và xử lý dữ liệu thông minh. Chính những dẫn chứng thực tế tại hội thảo, đã giúp học sinh, phụ huynh tham dự dễ dàng hình dung về sự biến động đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ của thị trường việc làm trong thời đại công nghệ số.

Câu chuyện “hãy mạnh dạn trải nghiệm” vừa học – vừa thử sức kinh doanh online được bà Trương Lý Hoàng Phi “thử mở ra” khi xuống tận hàng ghế của các bạn học sinh để trao đổi. Thật bất ngờ khi câu hỏi “Các con đã thử kinh doanh online chưa?”, lại nhận được câu trả lời (của một bạn nữ sinh đến từ một trường bạn) “Dạ, con đã thử sức rồi”. “Vậy làm sao con có thời gian để học tập ?”, “Dạ, con biết cách thu xếp, nên con vừa bảo đảm việc học tập, thi cử, vừa làm quen với công việc kinh doanh online !”. Và câu hỏi cuối cùng, “Nếu con muốn nhắn gửi gì với các bậc phụ huynh đang có mặt ở đây, con sẽ nói gì ạ?” , “Dạ, con luôn mong ba, mẹ luôn ủng hộ tụi con !”.

Tại hội thảo, đại diện hơn 10 trường đại học và tổ chức giáo dục uy tín trong và ngoài nước, đã mang đến cho phụ huynh và học sinh góc nhìn sâu hơn về giáo dục đại học trước sự đổi mới của công nghệ, định hướng học tập cùng thông tin hỗ trợ tài chính, bí quyết tìm kiếm học bổng tại các trường đại học hàng đầu thế giới.

Hàng trăm lượt học sinh, phụ huynh, giáo viên các trường trung học trên địa bàn Đà Nẵng đã buổi gặp gỡ đầy thú vị, cởi mở, khi cùng nhau bàn luận câu chuyện: Trong kỷ nguyên AI, trách nhiệm định hướng nghề nghiệp cho con trẻ, sẽ phải thay đổi nhiều. Phương pháp tốt nhất là gợi ý cho con trẻ biết cách làm giàu kiến thức sau mỗi giờ lên lớp, biết tích lũy kinh nghiệm (làm giàu kỹ năng sống) từ môi trường thực tiễn mà các con có cơ hội, hay mạnh dạn trải nghiệm.

“Sky-Line chúng tôi hướng đến mục tiêu xây dựng cho học sinh những năng lực cần thiết của thế kỷ 21, bao gồm năng lực tự chủ, tự học. Trong đó, chúng tôi chú trọng đến cá nhân hóa việc học tập, khai phóng năng lực của từng học sinh. Khi các em đã được định hướng sớm dựa trên trên năng lực cá nhân, điều kiện và hoàn cảnh gia đình, nhu cầu của xã hội tương lai, thì từ đó, quá trình học của học sinh chính là quá trình các em thực hiện tối ưu kế hoạch mà mình được xác định, theo hướng cá nhân hóa quá trình học tập đó.

Nhà trường, giáo viên phụ huynh và đặc biệt là học sinh sẽ cùng đồng hành, phối hợp, thúc đẩy, tích lũy năng lực cho từng học sinh. Đây là mục tiêu mà Sky-Line cho là có ý nghĩa nhất. Và kim chỉ nam của mọi hoạt giáo dục là phải rõ đích đến, mang lại giá trị cho các em, cho gia đình và xã hội”, Cô Lê Thị Nam Phương nhấn mạnh thêm./.

T. Ngọc & chia sẻ từ Sky-line

Bài viết về Al: Ra mắt cuốn sách Al trong kỷ nguyên khai sáng toàn cầu