Tin VPCP, sáng ngày 7/3/2023, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, với chủ đề “Khả năng mới của mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản hướng tới tương lai”.
Cùng dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ngài Yamada Takio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, Lãnh đạo Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Ủy ban Kinh tế Nhật Bản – Việt Nam, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam.
Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Nhật Bản và Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) đồng tổ chức và được phát trực tuyến với sự theo dõi của hàng nghìn doanh nghiệp trên toàn Nhật Bản.
Thủ tướng gửi tới các đại biểu lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Đồng thời, Thủ tướng một lần nữa gửi lời cảm ơn chân thành đến Chính phủ Nhật Bản và toàn thể các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhân dân Nhật Bản đã hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả, thiết thực đối với cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong thời gian qua.
Phát triển mạnh mẽ trên nền tảng chân thành, tin cậy
Thủ tướng nhắc lại, kế thừa và phát huy quan hệ lâu đời trước đây, cách đây 50 năm, ngày 21/9/1973, Việt Nam và Nhật Bản đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó tới nay, trải qua nhiều thăng trầm, thay đổi của tình hình thế giới, khu vực và của mỗi nước, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ chính trị, ngoại giao; hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng ngày càng được tăng cường, củng cố, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Hoạt động văn hóa, giao lưu nhân dân đã trở thành một nền tảng quan trọng cho mối quan hệ ngày càng gắn bó và tin cậy giữa hai nước.
Đặc biệt, hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư luôn được đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh toàn diện. Hai bên đã xây dựng nhiều khuôn khổ pháp lý quan trọng cho quan hệ song phương; đồng thời cùng là thành viên của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây chính là những hành lang quan trọng thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước trên tinh thần hai bên cùng có lợi, bổ trợ lẫn nhau.
Thủ tướng chia sẻ, Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng chia sẻ thêm, Việt Nam và Nhật Bản đã có nhiều nỗ lực với quyết tâm cao, kiên trì để có được CPTPP và đến nay thực tế đã chứng minh điều này là đúng, phù hợp với lợi ích của hai nước, cộng đồng doanh nghiệp hai nước và phù hợp với mục tiêu hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới, nhiều nước, kể cả các nước lớn, muốn tham gia hiệp định này.
Về hợp tác phát triển (ODA), sau hơn 30 năm, Nhật Bản trở thành quốc gia viện trợ ODA hàng đầu của Việt Nam với trên 2.700 tỷ Yên vốn vay, gần 100 tỷ Yên viện trợ không hoàn lại và 180 tỷ Yên hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật; góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững; hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam…
Về đầu tư, đến nay Nhật Bản có hơn 5 nghìn dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ USD, đứng thứ 3/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Và Việt Nam có 104 dự án đầu tư sang Nhật Bản với vốn đầu tư đăng ký đạt 19,2 triệu USD, đứng thứ 36 trong tổng số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Về thương mại, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam; trong đó: Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 25 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 24 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, cơ chế hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ, qua 20 năm thực hiện với 8 giai đoạn, đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng.
“Chúng tôi đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc, hiệu quả của các nhà đầu tư Nhật Bản khi hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, tôi cảm nhận được sự chia sẻ, tin tưởng và cam kết đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Chúng ta đến với nhau và cảm nhận được sự tin cậy, chân thành, đây là điều có ý nghĩa rất quyết định để hợp tác thành công; khi chúng ta chân thành và tin cậy lẫn nhau thì các khó khăn giải quyết dễ dàng hơn và hiệu quả cao hơn”, Thủ tướng chia sẻ.
Những trụ cột trong đường lối đối ngoại, phát triển của Việt Nam
Theo Thủ tướng, là một trong những cường quốc trong ngành công nghiệp, dịch vụ của thế giới, Nhật Bản đã đạt được những thành tựu to lớn với nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số.
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, đang duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh, sở hữu nguồn nhân lực trẻ dồi dào và có nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất công nghiệp.
Từ một nước trải qua nhiều năm chiến tranh và cấm vận, sau gần 40 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 409 tỷ USD, GDP bình quân đầu người tăng 25 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng đạt trên 4.100 USD. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với trên 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.
Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các nước. Với những vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân, cần cách tiếp cận đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, dựa trên luật lệ.
Việt Nam quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực (với 3 thành tố chính là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử-văn hóa), là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.
Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện: (i) Nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN (tuân thủ quy luật thị trường, cạnh tranh, cung cầu nhưng có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết); (ii) Nhà nước pháp quyền XHCN; (iii) Nền dân chủ XHCN. Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, là nguồn lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Năm 2022, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm (thu-chi, xuất nhập khẩu, bảo đảm lương thực thực phẩm, cân đối năng lượng, cung cầu lao động). Tăng trưởng GDP 2022 đạt trên 8%; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 732 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 22,4 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh, được người dân và các nhà đầu tư ủng hộ, đánh giá cao. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; chính trị được duy trì ổn định; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đây cũng là yếu tố rất then chốt để các nhà đầu tư yên tâm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư. Đối ngoại và hội nhập được mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Có được những thành tựu đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có sự hỗ trợ của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đang có quan hệ kinh tế với Việt Nam.
“Nếu đi đúng hướng thì mới tranh thủ được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, sự vào cuộc của người dân cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước. Quan điểm của chúng tôi là với bạn bè phải chân thành, nói điều gì phải xuất phát từ trái tim mình”, Thủ tướng chia sẻ.
Ông nói thêm, theo khảo sát của Jetro, trong 1-2 năm tới, có 60% số doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Điều này đúng với câu nói của người Việt Nam “đất lành, chim đậu”. Mặt khác, số người Việt Nam tại Nhật Bản đã lên tới gần 500 nghìn người và đang tăng rất nhanh.
Thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược tin cậy, thân thiết giữa Việt Nam và Nhật Bản
Theo Thủ tướng, bước sang thập kỷ thứ năm của quan hệ song phương, trên nền tảng quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng, tin cậy vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á”, tiềm năng hợp tác của hai nước chúng ta còn rất phong phú, còn nhiều dư địa hợp tác.
Trên cơ sở đó, Hội thảo là sự kiện có ý nghĩa quan trọng để hai bên phân tích thời cơ, vận hội cũng như những khó khăn, thử thách mới; chia sẻ những bài học kinh nghiệm để từ đó đề ra những phương hướng, nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới; giúp chúng ta đạt được mục tiêu, khát vọng phát triển bền vững ở mỗi nước, và góp phần thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược tin cậy, thân thiết giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Với mục tiêu đó, tại Hội thảo, Thủ tướng chia sẻ một số suy nghĩ với các đại biểu.
Thứ nhất, về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, Việt Nam đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể để huy động các nguồn tài chính, đặc biệt là nguồn tài chính từ khu vực tư nhân để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, Việt Nam đã ban hành Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, đã xây dựng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi tài chính, phát triển thị trường vốn và tín dụng để thu hút các dự án đầu tư sử dụng hiệu quả năng lượng, trong đó ưu tiên năng lượng tái tạo, khuyến khích dự án sử dụng và ứng dụng công nghệ sạch, hiện đại, thúc đẩy phát triển nhanh các ngành kinh tế xanh.
Thứ hai, về chuyển đổi số, đây là xu thế tất yếu và là một quá trình thay đổi sâu sắc các hoạt động kinh tế – xã hội. Trong chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam, hợp tác công – tư cần được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi. Chính phủ dẫn dắt và doanh nghiệp đồng hành trong nỗ lực chung thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số; trong đó lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển.
Thứ ba, về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách tạo hành lang pháp lý và các ưu đãi đầu tư để khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đã đạt được những tiến bộ, xếp vị trí 48/132 quốc gia, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, đã có nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn trên thế giới có hoạt động đầu tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thành lập những trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.
Đây là những nội dung có ý nghĩa quan trọng, góp phần để Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra: Đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Vì vậy, tại Hội thảo, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản và Việt Nam cùng nhau thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm để tham mưu giúp Chính phủ những giải pháp thiết thực để hướng đến sự phát triển bền vững và thịnh vượng của hai bên.
Đồng thời, Việt Nam kỳ vọng các doanh nghiệp FDI nói chung và Nhật Bản nói riêng sẽ tăng cường hơn nữa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vận dụng khoa học quản lý tiên tiến, hiệu quả; đẩy mạnh nghiên cứu – phát triển, đổi mới sáng tạo và đóng góp đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Thủ tướng nêu rõ: Trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, hài hòa lợi ích giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Nhật Bản tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.
Theo Thủ tướng, dựa trên truyền thống lâu đời, 50 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã không ngừng được củng cố, tăng cường và phát triển. Là hai nước Đông Á, hai quốc gia biển, hai nền kinh tế Việt – Nhật có tính bổ sung cao, còn nhiều dư địa và nhiều tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng chuỗi cung ứng và phát triển xanh.
Thời gian tới, phát huy mạnh mẽ truyền thống hợp tác, kết quả toàn diện và lòng chân thành, sự tin cậy lẫn nhau, Thủ tướng tin tưởng rằng quan hệ giữa hai nước chúng ta sẽ tiếp tục được củng cố, tăng cường bền chặt và hiệu quả, thực chất hơn nữa, mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân Nhật Bản đầu tư nhiều hơn nữa, hỗ trợ nhiều hơn nữa, tích cực hơn nữa với Việt Nam vì lợi ích chung của hai nước, của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Tại Hội thảo, hai bên đã trao đổi tập trung vào các nội dung: (i) Chuyển đổi xanh; (ii) Chuyển đổi số; (iii) Hợp tác về năng lượng; (iv) Đánh giá về hợp tác phát triển; (v) Quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản và định hướng cho tương lai; (vi) Đánh giá về Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn 8 và định hướng giai đoạn 9.
Các diễn giả của phía Nhật Bản và Việt Nam đã có nhiều chia sẻ sâu sắc đối với những khả năng mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến tương lai, trong bối cảnh thế giới đang có những thay đổi vượt bậc trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, đó là những thách thức đặt ra đối với một nước còn ít kinh nghiệm như Việt Nam.
Ông Hideo Ichikawa, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt của KEIDANREN cho rằng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là bước ngoặt lịch sử. Việc giao lưu kinh tế giữa hai nước đã bắt đầu từ thế kỷ 16 và sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 50 năm, quan hệ hai nước đã phát triển rực rỡ trên cơ sở quan hệ hữu hảo, mật thiết.
Ngày nay, Việt Nam là đất nước đã đạt thành tựu kinh tế vững chắc, có chính trị- xã hội ổn định, dân số 100 triệu người, người dân cần cù, thành thật, chân thành, cửa ngõ quan trọng của ASEAN với thế giới, một thị trường hấp dẫn. Hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư 65 tỷ USD trên nhiều lĩnh vực. Điều này có được nhờ sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, đã luôn lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản.
Thay mặt các doanh nghiệp Nhật Bản, ông bày tỏ chân thành cảm ơn Chính phủ Việt Nam và cho biết sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng phát triển thời gian tới.
Nhân dịp này, 3 Đồng Chủ tịch Sáng kiến chung Việt Nhật, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký Biên bản về Báo cáo đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn 8 để đánh dấu 20 năm triển khai cũng như các định hướng triển khai thời gian tới.
Thanh Hoàn