Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Thách thức chuyển đổi số, chuyện không chỉ riêng Đà Nẵng

ĐNA -

Phát biểu tại hội thảo “Chuyển đổi số và phát triển công nghiệp công nghệ số thành phố Đà Nẵng”, diễn ra chiều nay 16/3/2023, ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố nhấn mạnh “ Đến năm 2025, Đà Nẵng có thể đạt được vị trí Top 3 trong số các danh nghiệp công nghệ số, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP, cũng như đóng góp của ngành (công nghệ số – kinh tế số) trong GRDP. Tuy nhiên, yêu cầu chuyển đổi số theo hướng “toàn diện, thực chất, hiệu quả và bền vững” đã và đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế “.

Đồng chủ tọa hội thảo, từ trái sang: ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (đang phát biểu) ; Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, ông Nguyễn Long, và Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Đà Nẵng, ông Vy Văn Việt. – Ảnh trong bài: T.Ngọc

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, đơn cử như số đông doanh nghiệp hiện nay (trên địa bàn Đà Nẵng) vẫn còn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nhưng chưa có hướng dẫn, chưa có đề xuất và cũng chưa có mô hình chuyển đổi số phù hợp cho đối tượng doanh nghiệp này.

Trên bình diện chung, có nhiều nền tảng số chỉ nghe giới thiệu từ Trung ương, hoặc qua truyền hình, xuất hiện trên phương tiện truyền thông, chưa hề truyền thông đầy đủ đến cơ sở, đến địa phương – những cái nôi quyết định ứng dụng công nghệ số. Người dùng, hoặc tổ chức quan tâm sản phẩm dường như không biết, không nghe tường tận về các nền tảng. Một số nền tảng tốt nhưng thiếu tương tác 2 chiều, dẫn đến quá trình sử dụng, gặp những vấn đề phát sinh, đơn cử như quá trình học máy của trợ lý ảo (Chatbot), không biết trao đổi, giải quyết thế nào để hệ thống làm việc trơn tru, hữu dụng.

Về chính sách hỗ trợ phát triển công triển công nghệ thông tin trên địa bàn Đà Nẵng, từ năm 2019, HĐND thành phố đã có Nghị quyết số 270/2019/NQ-HĐND (ngày 12/12/2019). Tuy nhiên, chỉ có 2 doanh nghiệp đáp ứng được hồ sơ.
Ở lĩnh vực chế biến, chế tạo, yêu cầu chuyển đổi số theo hướng chú trọng sản xuất thông minh – nhà máy thông minh – tạo ra sản phẩm thông minh; cho đến nay, Đà Nẵng vẫn chưa có.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu và được đánh giá sôi động, thực chất; có nhiều ý kiến tham gia thẳng thắn, đề xuất trực diện từ thực trạng với quyết tâm hành động chuyển đổi số hiệu quả.

Các sản phẩm của các doanh nghiệp công nghệ số (trên địa bàn Đà Nẵng) còn thiếu phương pháp tiếp cận (đa kênh) để sản phẩm vươn tầm ra khỏi địa phương, hay xuất khẩu. Trong 3 năm gần đây, chỉ ghi nhận có 7 doanh nghiệp (có sản phẩm) tham gia các cuộc thi Sao Khuê, hay Nhân tài Đất Việt, …

Mối quan hệ thiết lập giữa Nhà nước – Doanh nghiệp và Nhà trường còn thiếu cơ chế duy trì (và hoạt động tích cực, mang lại hiệu quả), vẫn còn “mang tính chất nhớ đâu làm đó”, thiếu lộ trình và thiếu khung hợp tác. Một số sản phẩm của các Trường đại học vẫn chưa được đưa vào áp dụng, ứng dụng. Hỗ trợ đẩy ứng dụng công nghệ số của các trường đại học chưa phát huy tốt.

Được biết, năm 2023, chủ đề chuyển đổi số của thành phố Đà Nẵng là “Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, kế hoạch hành động chuyển đổi số của thành phố đề ra 40 chỉ tiêu và 35 nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên triển khai.

“Trong đó, với chủ đề “Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, có 8 nhiệm vụ thuộc chỉ tiêu dữ liệu số; 13 nhiệm vụ thuộc Nhóm đặc thù theo đề án chuyển đổi số của địa phương; 1 tiêu chí do Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số giao (Mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình năm 2023) với 10 nhiệm vụ thực hiện trong năm 2023”, ông Thái Thanh Hải – Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng), cho biết.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất nhiều ý kiến, hiến kế cho nhiệm vụ chuyển đổi số của năm. Trong đó, ưu tiên vẫn là chuẩn bị tốt nguồn lực con người phục vụ và đáp ứng cho quá trình chuyển đổi số của thành phố. Đà Nẵng cần có chính sách riêng thu hút nhân tài từ địa phương khác về Đà Nẵng làm việc (trong lĩnh vực công nghệ số) và giữ được nhân tài, giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao (là con em của Đà Nẵng) ở lại làm việc. Đà Nẵng hiện còn thiếu doanh nghiệp công nghệ số “đầu đàn, đảm nhận vai trò dẫn dắt”, nhiều tập đoàn, công ty lớn đã đến khảo sát nhiều lần, song, vẫn chưa đi đến quyết định đầu tư vào Đà Nẵng. Một trong những lý do là còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các đại biểu cũng cho rằng, Đà Nẵng cần có một Quỹ riêng cho vấn đề công nghệ số, bao gồm cả đầu tư cho nguồn nhân lực, cho doanh nghiệp vay, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp công nghệ số. Đối với chính sách hỗ trợ phát triển công triển công nghệ thông tin trên địa bàn Đà Nẵng, đối với Nghị quyết số 270/2019/NQ-HĐND, để khai thông, đưa kênh vốn về doanh nghiệp đang cần, rất cần những đề xuất từ chính cộng đồng doanh nghiệp, phải xác định đâu là giải pháp cụ thể nhất (tháo cho được điểm nghẽn) để doanh nghiệp tiếp cận được chính sách của thành phố. Đây cũng là cách gắn kết doanh nghiệp công nghệ số với các chương trình, đề án, kế hoạch hành động chuyển đổi số theo đúng luật định. Tạo môi trường để doanh nghiệp công nghệ số (trên địa bàn Đà Nẵng) đồng hành cùng chính quyền, xây dựng những nền tảng số quan trọng cho thành phố, cũng như mở rộng phạm vi ứng dụng/áp dụng trên cả nước.

Về truyền thông chuyển đổi số, đại biểu tham dự cho rằng cần có cách truyền thông phù hợp “đơn giản – thiết thực – hiệu quả” với nhiều nhóm đối tượng, đặc biệt là cộng đồng dân cư, đi từ chỗ không hiểu gì về chuyển đổi số đến nhận thức được vấn đề, cùng tham gia hành động theo khả năng của mình.

Vấn đề dữ liệu cũng được nhiều ý kiến quan tâm, khi tình hình chung, còn vướng các quy định mang tính nghiệp vụ chuyên ngành, dẫn đến chuyển đổi số nhưng vẫn phải vận dụng trở lại những nguyên tắc làm việc đã cũ. Đơn cử là bỏ hộ khẩu, lại phát sinh xác nhận nơi cư trú.

“Văn bản pháp luật đã ban hành trước đây chưa có quy định áp dụng công nghệ số/thông minh, do đó đã trở thành rào cản, điểm nghẽn trong triển khai chuyển đổi số” – ông Trần Ngọc Thạch.

Theo ông Trần Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Chánh văn phòng Chuyển đổi số thành phố, hạ tầng dữ liệu còn rời rạc, chưa được kết nối, liên thông, chia sẻ sử dụng chung. Hệ cơ sở dữ liệu nền quốc gia, một số ứng dụng của một số Bộ ngành Trung ương, được triển khai ở địa phương vẫn đóng kín, chưa chia sẻ lại cho địa phương sử dụng. Đến nay, Chính phủ chưa có quy định, hướng dẫn chi tiết về xác định dữ liệu mở, mức độ mở của dữ liệu, chưa có quy định về tài chính, phí, lệ phí đối với hoạt động khai thác, sử dụng dữ liệu mở, dịch vụ dữ liệu của các cơ quan nhà nước,…

Tại thành phố Đà Nẵng, một số cơ sở dữ liệu của các ngành (camera an ninh, thuế, bảo hiểm, thống kê,…) chưa được chia sẻ một cách đầy đủ để sử dụng chung do vướng các quy định của pháp luật chuyên ngành.

Cũng theo ông Thạch, các văn bản pháp luật đã ban hành trước đây chưa có quy định áp dụng công nghệ số/thông minh, do đó đã trở thành rào cản, điểm nghẽn trong triển khai chuyển đổi số. Tương tự, theo quy định đã cũ, chức năng quản lý nhà nước thường được phân công cho nhiều cơ quan, trong khi đó, sản phẩm công nghệ số có xu hướng là tích hợp đa chức năng, điều này gây khó khăn khi lựa chọn đơn vị quản lý các sản phẩm công nghệ số.

Bên cạnh đó, định mức chi phí tư vấn lập dự án đầu tư/hồ sơ thiết kế công nghệ thông tin (trước đây, và vẫn còn áp dụng) quá thấp (tỷ lệ hơn 3,3% chi phí thiết bị), nhưng công việc (theo xu hướng chuyển đổi số) lại phức tạp, đồng thời lại là sản phẩm trí tuệ, hàm lượng tri thức cao, việc lựa chọn đơn vị tư vấn chất lượng rất khó khó khăn (và đã là đơn vị tư vấn thì không thể tham gia thi công).

Chuyển đổi số là quá trình đầu tư và hành động lâu dài, trong đó, tình đồng bộ – đồng hành của tất cả các ngành liên quan, các lĩnh vực, thậm chí phải hình thành các ứng dụng dùng chung trên tinh thần “quản trị đồng hành”, tạo tiền đề thay đổi căn bản lề lối cũ./.
T.Ngọc