Nhân loại đang tận mắt chứng kiến những tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ trung bình tăng liên tục đã gây ra các vụ cháy rừng ngày càng dữ dội, chưa kể bão và các thảm họa khác mà giờ đây chúng ta không thể lơ là được nữa. Trong khi thế giới đang chìm trong một đại dịch chết người, các nhà khoa học lại gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng biến đổi khí hậu vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người từ trước tới giờ.
Gần đây nhất, vào tháng tám – khi cháy rừng hoành hành ở Hoa Kỳ, châu Âu và Siberia – Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Đứng cạnh những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra, những nguy cơ do một bệnh đơn lẻ nào đó mang lại trông thật nhỏ bé”.
Ngay sau đó, ngày 5/9, hơn 200 tạp chí y khoa đã phát hành một bài xã luận chung chưa từng có nhằm thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới hành động. “Bằng chứng khoa học là không thể chối cãi”. Họ viết. “Nhiệt độ toàn cầu tăng trên 1,5°C so với mức trung bình thời kỳ tiền Công nghiệp, cộng với sự mất mát liên tục của đa dạng sinh học sẽ có nguy cơ gây tác hại thảm khốc đối với sức khỏe, và điều này không thể đảo ngược được”.
Bất chấp những nguy hiểm cấp bách do COVID-19 gây ra, các tác giả của bài báo cho rằng các chính phủ thế giới “không thể đợi đại dịch qua đi để nhanh chóng giảm lượng khí thải”. Thay vào đó, họ lập luận rằng mọi người phải đối phó với biến đổi khí hậu với mức độ khẩn cấp giống như khi ứng phó với COVID-19.
Ô nhiễm không khí
Biến đổi khí hậu là do sự gia tăng khí CO2 và các khí nhà kính khác trong bầu khí quyển của Trái đất, chủ yếu là do khí thải nhiên liệu hóa thạch. Nhưng việc đốt nhiên liệu hóa thạch cũng có thể gây ra những hậu quả trực tiếp đối với sức khỏe con người. Thật vậy, không khí ô nhiễm có chứa các hạt nhỏ có thể gây đột quỵ và đau tim bằng cách xâm nhập vào phổi và tim, thậm chí đi vào máu. Những hạt này có thể gây hại trực tiếp đến các cơ quan hoặc gây ra phản ứng viêm, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của chúng ta đang cố gắng chống lại chúng. Các ước tính cho thấy ô nhiễm không khí gây ra khoảng từ 3,6 triệu đến 9 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.
Andy Haines, giáo sư nghiên cứu về thay đổi môi trường và sức khỏe cộng đồng tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, đồng thời là tác giả của cuốn sách Sức khỏe Hành tinh (Planetary Health) được xuất bản gần đây, cho biết: “Các con số có khác nhau. Nhưng tất cả đều cùng chỉ ra rằng (biến đổi khí hậu) là một gánh nặng lớn cho sức khỏe cộng đồng”.
Kari Nadeau, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dị ứng và Hen suyễn tại Đại học Stanford, cho biết: những người trên 65 tuổi dễ chịu tác động của ô nhiễm không khí nhất, nhưng những người khác cũng có nguy cơ mắc bệnh. Những người hút thuốc lá hoặc vape (thuốc lá điện tử) có nhiều nguy cơ hơn, và trẻ em mắc bệnh hen suyễn cũng vậy.
Ô nhiễm không khí cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng cho những người bị dị ứng. CO2 làm tăng tính axit của không khí, khiến cho phấn hoa từ thực vật thoát ra ngoài nhiều hơn. Đối với một số người, điều này có nghĩa là họ phải đối mặt với những cơn dị ứng theo mùa dai dẳng gây khó chịu. Nhưng đối với một số người khác, nó có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Nadeau nói: “Đối với những người đã mắc bệnh đường hô hấp, đây thực sự là một vấn đề. Khi phấn hoa xâm nhập vào đường hô hấp, cơ thể sẽ tạo ra chất nhầy để tống khứ chúng ra ngoài, sau đó chất này có thể đầy và làm phổi bị ngạt thở.
Ngay cả những người khỏe mạnh cũng có thể phải chịu hậu quả tương tự nếu nồng độ phấn hoa đặc biệt cao. Vào năm 2016, tại bang Victoria của Úc, một cơn giông bão nghiêm trọng kết hợp với lượng phấn hoa lớn đã gây ra điều mà tờ báo The Lancet mô tả như “cơn dịch hen suyễn do giông bão lớn nhất và thảm khốc nhất trên thế giới.” Nhiều cư dân bị lên cơn suyễn đến nỗi các phòng cấp cứu bị quá tải – và kết quả là ít nhất 10 người đã chết.
Biến đổi khí hậu cũng đang khiến các trận cháy rừng trở nên tồi tệ hơn, và khói thoát ra từ các trận cháy đó đặc biệt độc hại. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, hỏa hoạn có thể phải chịu trách nhiệm cho 25% sự ô nhiễm không khí nguy hiểm ở Hoa Kỳ. Nadeau giải thích rằng khói từ vụ cháy có mang theo mọi thứ mà ngọn lửa chạm vào trên đường đi của nó – từ lốp xe cao su đến các hóa chất độc hại. Những hạt này rất nhỏ và có thể thâm nhập sâu hơn vào phổi và các cơ quan trong cơ thể người.
Sóng nhiệt
Sóng nhiệt (sóng nhiệt là hiện tượng thời tiết nóng bất thường diễn ra trong một khoảng thời gian kéo dài, có thể đi kèm với độ ẩm cao) có thể gây tử vong, tuy nhiên ban đầu các nhà nghiên cứu chưa tìm thấy mối liên hệ trực tiếp giữa biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực của sóng nhiệt, hay các hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Giờ đây càng ngày chúng ta càng có thêm nhiều những bằng chứng, thông qua có một số nghiên cứu đáng tin cậy cho thấy đã có thể xác định được hệ quả sức khỏe khi biến đổi khí hậu xảy ra.
Gần đây, một nghiên cứu được công bố vào đầu năm nay trên tạp chí Nature Climate Change cho thấy hơn một phần ba số ca tử vong liên quan đến nhiệt độ là do biến đổi khí hậu. Tờ National Geographic đã báo cáo vào thời điểm đó, có nghiên cứu cho thấy số người tử vong thậm chí còn cao hơn ở một số quốc gia ít sử dụng điều hòa không khí hay những yếu tố khác khiến con người dễ bị ảnh hưởng bởi sức nóng. (Biến đổi khí hậu đang làm cho các đợt nắng nóng ngày càng nguy hiểm hơn).
“Đó là bởi vì cơ thể con người không được sinh ra để chống chọi với nhiệt độ trên 98,6°F (tương đương 370C)”, Nadeau nói. Nhiệt độ cao có thể làm suy nhược cơ bắp. Cơ thể có một số cách để đối phó với cái nóng – chẳng hạn như đổ mồ hôi. “Nhưng khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, cơ thể của bạn không thể chịu đựng được, khi đó các cơ và tế bào tim của bạn bắt đầu chết dần và thoái hóa theo đúng nghĩa đen,” cô giải thích.
Mất nước do tiếp xúc với nhiệt cũng có thể gây ra những thương tổn nghiêm trọng cho thận, cơ quan rất cần nước để hoạt động bình thường. Đối với những người đã bắt đầu suy thận – đặc biệt là người lớn tuổi – Nadeau nói rằng nhiệt độ quá cao có thể là một bản án tử hình. “Điều này đang xảy ra ngày một nhiều hơn,” cô cho biết.
Các nghiên cứu cũng rút ra được mối liên hệ giữa nhiệt độ cao, sinh non và cả các biến chứng thai kỳ khác. Nguyên nhân còn chưa rõ, nhưng theo Haines có một giả thuyết cho là nhiệt độ quá cao làm giảm lưu lượng máu đến thai nhi.
An ninh lương thực
Một trong những cách gián tiếp – nhưng không kém phần nguy hại – mà biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe là gây ra sự gián đoạn nguồn cung thực phẩm của thế giới.
Biến đổi khí hậu vừa làm giảm lượng thực phẩm sẵn có vừa làm cho thực phẩm suy giảm chất dinh dưỡng. Theo báo cáo đặc biệt của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), năng suất cây trồng đã bắt đầu giảm do nhiệt độ tăng, lượng mưa thay đổi và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác. Trong khi đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng CO2 tăng lên trong khí quyển có thể làm mất đi các chất kẽm, sắt và protein của thực vật – những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người.
Suy dinh dưỡng cũng liên quan đến nhiều loại bệnh tật, bao gồm bệnh tim, ung thư và tiểu đường. Nó cũng có thể làm tăng nguy cơ còi xương hoặc suy giảm tăng trưởng, thậm chí còn có thể gây hại cho chức năng nhận thức ở trẻ em.
Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến thủy hải sản. Các nghiên cứu mới đây nhất cho thấy, nhiệt độ đại dương tăng đã khiến nhiều loài cá di cư về hai cực của Trái đất để tìm kiếm vùng nước mát mẻ hơn, dẫn đến việc giảm trữ lượng cá ở các vùng cận nhiệt đới. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu của Đại học British Columbia phát hiện ra rằng số lượng lớn trong số 968 loài cá và động vật không xương sống mà họ khảo sát đã bỏ đi khỏi vùng nước ấm.
Tiff-Annie Kenny- Giáo sư khoa y tại Đại học Laval ở Quebec, người nghiên cứu về biến đổi khí hậu và an ninh lương thực ở Bắc Cực thuộc Canada cho biết: Tác động này có khả năng gây hại đặc biệt cho các cộng đồng cư dân bản địa. Vì những cộng đồng này khó khăn hơn nhiều để tìm các nguồn protein thay thế bởi vì ngày càng thiếu thốn hoặc mua thì lại quá đắt đỏ. Một câu hỏi được đặt ra “Vậy mọi người sẽ ăn gì để thay thế?”
Sức khỏe tâm thần
Một trong những kết quả thường thấy của bất kỳ thảm họa liên quan đến khí hậu nào chính là những ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Những vấn đề tâm lý liên quan đến sự thay đổi mạnh mẽ của môi trường đáng kể đến mức chúng đã được đặt tên riêng – solastalgia.
Nadeau cho rằng những ảnh hưởng đối với sức khỏe tâm thần đã được thể hiện rõ ràng trong các nghiên cứu của bà sau những lần vào phòng cấp cứu do cháy rừng ở miền Tây Hoa Kỳ. “Một trong những vấn đề cấp bách và đang phát triển nhanh nhất chính là tâm lý. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như cháy rừng và bão gây ra rất nhiều căng thẳng và lo lắng, chúng có thể dẫn đến rối loạn căng thẳng sau chấn thương và thậm chí tự tử sau này”.
Một yếu tố phổ biến khác chính là việc biến đổi khí hậu gây ra tác hại không hề cân xứng: chính những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới là những người phải gánh chịu hậu quả nhiều nhất. Vào ngày 2/9, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đã đưa ra một phân tích cho thấy các cộng đồng thiểu số có nguy cơ bị ảnh hưởng đặc biệt. Theo báo cáo, nếu nhiệt độ tăng thêm 2°C (3,6° F), thì nguy cơ người da đen có khả năng sống ở những khu vực có số ca tử vong liên quan tới biến đổi khí hậu, tăng lên đến 40%, nguy cơ sống ở khu vực gia tăng đáng kể bệnh hen suyễn ở trẻ em tăng lên 34%.
Vấn đề là các tác động của biến đổi khí hậu không xảy ra riêng lẻ. Tại bất kỳ thời điểm nào, một cộng đồng có thể cùng một lúc phải đối mặt với ô nhiễm không khí, mất an ninh lương thực, dịch bệnh và nhiệt độ cực cao. Điều đó đặc biệt tàn khốc ở các cộng đồng nơi tỷ lệ mất an ninh lương thực và nghèo đói vốn đã ở mức cao. Tình huống này chưa được nghiên cứu đầy đủ bởi vì “rất khó để nắm bắt những cú sốc mà biến đổi khí hậu có thể mang lại”.
Vẫn còn lý do để hy vọng
Trong Thỏa thuận Paris, các quốc gia trên thế giới đã cam kết hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới 2°C (3,6°F) và tốt nhất là 1,5°C (2,7°F) bằng cách cắt giảm lượng khí thải của họ. Haines khẳng định: “Khi bạn cắt giảm lượng khí thải, cả sức khỏe của chính bạn cũng như của hành tinh này sẽ được cải thiện”.
Trong khi đó, các nhà khoa học và các nhà hoạt động môi trường đã đưa ra các giải pháp có thể giúp con người thích ứng với những tác động xấu đến sức khỏe của biến đổi khí hậu. Chúng bao gồm cảnh báo nhiệt sớm, trung tâm làm mát chuyên dụng, chuỗi cung ứng linh hoạt hơn và cuối cùng là việc giải phóng các cơ sở y tế khỏi sự phụ thuộc vào lưới điện.
Nadeau cho rằng đại dịch COVID-19 cũng tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo thế giới suy nghĩ xa hơn, có chiến lược hơn. Ví dụ, đại dịch đã đặt ra các vấn đề vốn vô cùng phức tạp về hiệu quả và công bằng, khiến nhiều quốc gia phải tái cơ cấu các cơ sở chăm sóc sức khỏe của họ. Ngoài ra trong quá trình này, họ có thể tìm kiếm những cách mới để giảm thiểu chất thải và khí thải, chẳng hạn như việc khuyến khích nhiều bệnh viện sử dụng năng lượng tái tạo.
Nadeau kết luận: “Việc này hoàn toàn do chúng ta quyết định. Nếu chúng ta không làm bất cứ điều gì, đây thực sự sẽ trở thành một trận đại hồng thủy”.
Hoàng Hạnh