Chất lượng cuộc sống luôn là một đòi hỏi hàng đầu của một đất nước, một dân tộc. Đất nước suy hay mạnh liên quan mật thiết đến các tiêu chí về sức khỏe, tuổi thọ, chế độ chăm sóc về y tế v.v…Ở các nước tiến tiến, vấn đề sức khỏe được chính phủ đặc biệt quan tâm, các chế tài liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, thuốc chữa bệnh được kiểm tra rất nghiêm ngặt và có chế tài mạnh.
Ở nước ta, cùng với quá trình hội nhập với thế giới, kinh tế thị trường, ngày càng hiện hữu, tuy đời sống vật chất tinh thần được nâng cao, nhưng bên cạnh đó, mặt trái của công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng xuất hiện ngày càng rõ nét, hậu quả là ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp, đe dọa từng ngày đến sức khỏe, tính mạng của mọi tầng lớp xã hội. Phải nhìn nhận rằng, trước đây trong những năm tháng đất nước còn khó khăn, cuộc sống của đại đa số nhân dân, đặc biết là nông dân còn nhiều thiếu thốn trăm bề nhưng không phải vì vậy mà sức khỏe là mối quan ngại hàng đầu. Bữa ăn tuy đạm bạc, “rau cháo” của nhiều người không làm người ta mắc phải những căn bệnh mãn tính, nan y như ung thư, tiểu đường, huyết áp, tim mạch…nhiều như bây giờ. Theo một số liệu thông kê mới đây, mỗi năm ở nước ta xuất hiện thêm hơn hai trăm ngàn ca ung thư mới và tỉ lệ đó tăng dần theo từng năm. Quả thật là một con số rất đáng suy ngẫm
Đi tìm ngọn nguồn của những căn bệnh mang tính nan y mà bây giờ không còn là bệnh hiếm nữa, cũng không khó mà nhận ra ngay cả đối với một người có trình độ thường thức trung bình cũng đều có những hiểu biết nhất định, đó là do những nguyên nhân đến từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn, môi trường không khí, môi trường nước, đất… bị ô nhiễm. Chuyện người nông dân ở đây đó dành riêng một khoảnh đất để trồng rau quả an toàn cho gia đình dùng, còn diện tích đại trà thì phun thuốc trừ sâu bệnh, chất kích thích tăng trưởng, bón phân hóa học vô tội vạ để mau cho ra sản phẩm, bất chấp biết nó là độc hại đến đâu vẫn tung ra thị trường ồ ạt, bây giờ không còn là cá biệt nữa. Đó là việc sử dụng những loại hóa chất cấm mà rất dễ mua ở bất cứ đâu để bảo quản nông sản, hải sản, thực phẩm. Những nguồn cung cấp hóa chất độc hại trôi nổi, có nguồn gốc nước ngoài được chính người Việt Nam sử dụng cho việc phù phép, “làm đẹp”, sản phẩm để bán cho chính đồng bào của mình. Rồi là sự buông lỏng quản lý trong nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh buôn bán các loại nông sản, hóa chất độc hại. Đã nhiều năm nay, ai cũng biết có những loại trái cây ngoại nhập để cả nước nửa năm mà vẫn còn tươi, những loại giá đỗ, cây quả như có “sức sống thần kỳ” sau 1 đêm đã lớn nhanh như thổi, rồi là bún phở phooc mon v.v và v.v..
Vậy việc xử phạt, chế tài ra sao? Phải chăng là quá nhẹ hoặc quá lỏng lẻo. Chỉ riêng chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm đã thấy sự chồng chéo, trong quản lý, có đến 3 bộ (Y tế, Công Thương và Nông nghiệp và PTNT) cùng “chịu trách nhiệm’ nên mới có chuyện đùn đẩy, né tránh. Cuối cùng chỉ có người tiêu dùng lãnh đủ, đến nỗi người ta ăn cái gì cũng phải dè chừng, hạn chế ăn rau, trái cây mua ngoài chợ, thậm chí cả ở siêu thị, nơi có sản phẩm rau quả có “nhãn mác” hẳn hoi, vì không biết đâu là thật là giả, là độc, là lành nữa. Việc thí điểm mô hình Ban Quản lý an toàn thực phẩm cấp tỉnh kéo dài hết lần thí điểm này đến lần thí điểm khác ở 3 địa phương là TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bắc Ninh đã cơ bản khắc phục những bất cập đã nêu, việc quy về một đầu mỗi trong quản lý an toàn thực phẩm đã phát huy hiệu quả rất rõ ràng nhưng việc tiếp tục tồn tại mô hình này một cách chính thức cho đến nay vẫn còn để ngỏ, trong khi ở Trung ương vẫn còn là sự quản lý, chỉ đạo của 3 Bộ thì liệu tương lai của cơ quan cấp tỉnh có bền vững hay không khi ở Trung ương lĩnh vực này vẫn còn chịu sự quản lý, chỉ đạo của 3 bộ!?
Sức khỏe của cộng đồng bị đe dọa nghiêm trọng, gián tiếp làm sức mạnh nội sinh của đất nước bị suy giảm. Vậy mà chế tài cho cho những vi phạm mang tính cố ý, phá hoại sức khỏe, đe dọa tính mạng của công dân một cách phổ biến như vậy chỉ chủ yếu là xử phạt hành chính, sau đó đâu lại vào đấy vì chế tài chưa làm người vi phạm phải sợ. Đơn cử như chuyện vi phạm về kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, chỉ bị xử phạt hành chính mức tối đa là… 5.000.000 đồng, như vậy là quá nhẹ. Nên chăng có những biện pháp mạnh như rút giấy phép, cấm kinh doanh vĩnh viễn hoặc phạt tù để người ta không dám tái phạm. Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm tuy mức phạt có thể lên đến cả trăm triệu đồng nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Ý thức của người sản xuất, người kinh doanh đã kém, trong khi chế tài, xử phạt lại nhẹ hoặc chưa kiên quyết triệt để, vì vậy mà những “tội ác vô hình” vô hình trung cứ được dung túng, nuôi dưỡng, làm tổn hại một cách âm ỉ, dai dẳng đến sức khỏe, tính mạng của bao người.
Thiết nghĩ, đã là những vi phạm liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người, dù là đối tượng nào thì cũng cần có những chế tài mang tính mạnh mẽ, nhất là đối với những hành vi cố ý, vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả dù biết nguy hại đến sức khỏe của cộng đồng. Không thể vì lý do mưu sinh mà nhẹ tay với những người hàng ngày cung cấp ra thị trường những nông sản, thực phẩm độc hại. Tư tưởng chỉ biết lo cho bản thân, cho gia đình mà coi thường tính mạng của cộng đồng phải bị lên án mạnh mẽ. Những kẻ tiếp tay lưu thông phân phối hoá chất độc hại, sử dụng chất cấm trong chế biến, bảo quản lương thực, thực phẩm cần bị xử lý một cách mạnh tay và triệt để, với những khung hình phạt cao hơn hiện nay. Có như vậy, hy vọng mọi người dân Việt Nam mới có thể yên tâm khi ra chợ, đến siêu thị, khi cầm đũa trước mỗi bữa ăn, không nơm nớp lo bị ngộ độc, bị ung thư, tiểu đường khi ăn uống… Không thể để sức khỏe của cả dân tộc bị đe dọa khi chúng ta đang có cả một bộ máy lập pháp, tư pháp, hành pháp hùng hậu như hiện nay. Đã đến lúc phải nhìn lại những tồn tại, bất cập từ những yếu tố liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người Việt Nam để mà nghiêm túc đưa ra nhưng biện pháp cần thiết đến đến cho đất nước một cuộc sống an toàn về nhiều nghĩa.
Diệp Dân Hùng