Giáo dục hiện nay đang là một vấn đề thời sự nóng bỏng, khen cũng có mà chê cũng không ít. “Cải cách”, “xã hội hóa”, “đa dang hóa” v.v..là các cụm tù được đề cập rất nhiều tại nhiều diễn đàn từ Quốc hội, hội nghị, hội thảo đến thông tin đại chúng… Về chủ trương, về chính sách có lẽ còn nhiều điều để nói, ở đây xin đề cập đến yếu tố con người trong đội ngũ những người gieo ươm tương lai cho đất nước từ mẫu giáo đến đại học, trên đại học. Trong ngành y tế đã nói nhiều đến đến cụm từ “ Y đức”, thì trong ngành giáo dục không thể không đề cập đến cụm từ “ Giáo đức”. Thực tế là khi cơ chế thị trường đã hiện hữu ở mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội của nước ta thì những vấn đề liên quan đến vị thế, vai trò của người thấy người cô có những những thay đổi không thể không quan tâm, xét rộng ra nó có ảnh hưởng rất lớn đến một nền giáo dục, đến tương lai của cả thế hệ.
Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, ông bà đã nhắc nhở con cháu bằng câu: “nhất tự vi sư bán tự vi sư”. Người thấy là biểu hiện của sự thành cao, là những con người đáng quý, đáng trân trọng, là tấm gương mẫu mực để con trẻ noi theo. Đã là thầy thì phải được vị nể, được yêu kính gần như tuyệt đối chứ không như hiện nay, đã có hiện tượng trò tuy sợ nhưng không còn kính nể thầy cô nữa. Việc trò cãi lại, vô lễ, thậm chí đánh lại thầy cô không phải là cá biệt . Tuy những biểu hiện đó chưa thành hệ thống nhưng chúng ta cũng nên nhìn nhận một cách khách quan nguyên nhân dẫn đến nó. Phải chăng tất cả là do “Kinh tế thị trường”? Thiết nghĩ – tuy không phải tất cả đều xuất phát từ nguyên nhân đó- nhưng rõ ràng là nó có một tác động không thể phủ nhận. Thực tế là đồng tiền đã có sự chi phối, dẫn đến sự thay đổi nhận thức, lối sống của một bộ phận giáo viên. Có thể đi bàn đến ở một vài khía cạnh sau:
Hiện tượng giáo viên trù dập học sinh học môn học của mình vì các em không đi học thêm môn học do mình dạy thêm, giáo viên dạy không hết mình ở lớp mà “để dành” cho buổi dạy thêm tại nhà, đã xảy ra ở nhiều nơi. Đã có chuyện để đối phó, phụ huynh phải đóng tiền học thêm cho cô giáo để con mình không đi học thêm nhưng vẫn không bị “đưa vào sổ đen”. Chính các em cũng đã nói với nhau chuyện bị cô “đì” vì không chịu đi học thêm tại nhà cô. Cũng có trường hợp vì có tham gia học thêm nên trong học chính khóa, giáo viên “không nỡ nào” lại cho các em điểm kém vì sơ mất uy, và như vậy vô hình trung tiếp tay cho căn bệnh “ thành tích giả, học lực thật”.
Tác phong của giáo viên cũng là chuyện đáng bàn. Tất nhiên không thể máy móc là giáo viên đi đâu làm gì cũng phải đạo mạo, mô phạm, chuẩn mực từ lời ăn tiếng nói v.v.. nhưng ít ra, người giáo viên cũng không thể gây ra những tai tiếng không đáng có tại nhà trường cũng như tại nơi cư trú. Không thể chấp nhận cô giáo nghiêm túc trên lớp học về lại nơi cư trú lại gây gổ với hàng xóm, ăn nói thiếu văn hóa, quan hệ thiếu lành mạnh, không chấp hành quy định, chủ trương chính sách của Nhà nước, địa phương… Như vậy không thể để học trò lấy đó làm tấm gương tốt để mà soi được. Báo chí thi thoảng lại đưa tin về chuyện thầy giáo gạ tình, dâm ô với học sinh, sinh viên ở trường này, tỉnh nọ. Mới đây nhất là chuyện ở Quảng Bình, hiệu trưởng của một trường tiểu học ở huyện Lệ Thuỷ đánh thầy hiệu phó ngày vào buổi sáng, trước sự chứng kiến của đông đảo các em học sinh ngay tại cổng trường. Sau khi sự việc xảy ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã kịp thời xác minh xử lý và trong một tiết chào cờ sáng thứ hai, thầy hiệu trưởng này đã có lời xin lỗi trước tập thể giáo viên, học sinh, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh về sự việc, làm ảnh hưởng uy tín cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường và của ngành. Dù có lời xin lỗi công khai như vậy nhưng hình ảnh người thầy trong mắt các em học sinh liệu còn “cao đẹp” như các em nghĩ nữa không khi người thầy của mình phải “kiểm điểm dưới cờ” như vậy!?
Cứ mối lần đến dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, chuyện phụ huynh phải lo quà cáp, phong bì cho thầy cô đã trở thành phổ biến. Nếu đơn thuần chỉ là một bó hoa tươi hoặc một tấm thiệp chúc mừng thì ý nghĩa và đơn giản. Nhưng khi đã chuyển qua dạng vật chất, tiền bạc thì là chuyện khác. Người viết bài này đã nghe được một nhóm học sinh trao đổi với nhau là “lễ 20/11 này đi thầy A bao nhiêu, cô B bao nhiêu”, nghe rất tự nhiên. Có cô giáo, phụ huynh dẫn con đến, khi được tặng bó hoa, cô đã thản nhiên nói: “hoa có nhiều rồi, lần sau đừng mang đến nữa” ( mặc dù thủ tục tiếp theo là đưa quà, nhưng cô giáo đã vội rào trước như vậy). Đó là những chuyện ở cấp học phổ thông, còn ở cao hơn, bậc đại học, hiện tượng giảng viên đại học nhận bì thư của sinh viên để được quan tâm đến điểm thi, điểm kiểm tra của môn này môn nọ là khá phổ biến. Trước mỗi kỳ thi của các lớp tại chức, đại học từ xa, chuyên tu, cao học… hầu như đều có hiện tượng cá nhân hay tập thể lớp chung tiền lại để mời thầy cô liên hoan và trao bì bối dưỡng. Chuyện này xảy ra gần như là phổ biến và đã thành thông lệ. Đã lan truyền ở Đà Nẵng chuyện các thầy ở trường nào, Hà Nội hay Tp Hồ Chí Minh đến đây thỉnh giảng các lớp tại chức, các lớp Đại học từ xa, thậm chí các khóa chính trị cao cấp, mức bồi dưỡng ai phải nhiều hơn, ai ít hơn, ai dễ chịu ai khó tinh v.v và v.v. Chính vì những hiện tượng trên mà người ta nói: muốn đậu tại chức, đậu đại học từ xa, thậm chí đậu cao học, nếu tiền bạc dư giả thì chỉ là chuyện nhỏ.
Nêu ra những hiện tượng trên không phải là để tô vẽ màu xám cho bức tranh của một nền giáo dục. Cái tốt đẹp, cái đáng quý cái trân trọng của những “Kỹ sư tâm hồn” vẫn là bao trùm. Nhưng cũng không phải vì vậy mà không quan tâm đến hai tiếng “Giáo đức”. Chưa thể gọi là gióng lên hồi chuông về sự xuống cấp của đạo đức trong giáo giới nhưng cũng không thể cho qua hoặc coi đó chỉ là chuyện tất nhiên, tất yếu của thời buổi cơ chế thị trường. Cũng phải xem lại từ phiá bên kia, những phụ huynh, và nhất là học sinh, sinh viên, học viên… những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra những hiện tượng tiêu cực đã nêu trên. Cha mẹ thấy người khác làm, biết là sai nhưng cũng tặc lưỡi làm theo vị sợ con em mình thiệt thòi trong học tập, cứ thế lan ra thành thói quen khó bỏ hết cấp học này đến cấp học khác. Tương tự ở cấp cao hơn, sinh viên, học viên truyền cho nhau cách bối dưỡng thầy cô một cách không đàng hoàng để đạt được kết quả trong mỗi kỳ thi, kỳ kiểm tra, tốt nghiệp. Nói là giáo viên bây gìơ đời sống khó khăn, lương thấp nên việc nhận “bồi dưỡng ngoài luồng” là có thể chấp nhận nhưng thực ra đó là chuyện đã qua. Thu nhập qua lương của giáo viên không phải là thấp nếu so sánh với nhiều đối tượng khác. Việc dạy thêm của giáo viên, thiết nghĩ không nên phê phán một cách thái qua nhưng cần phải được chấn chỉnh. Đồng tiền đem lại từ việc dạy thêm sẽ là nguồn thu nhập chính đáng khi người giáo viên đó có lòng tự trọng, có “Giáo đức”, hết mình, tận tụy với các em trên bục giảng.
Còn biết bao tấm gương những người thầy, người thầy cô ngày đêm tận tụy, gắn bó, hy sinh lợi ích cá nhân và cả tính mạng của mình để đến với các em học sinh vùng cao, vùng sâu vùng xa. Ở Thành phố, đồng bằng còn biết bao thầy cô đang dồn hết tâm huyết trên bục giảng để truyền đạt kiến thức cho những tương lai của đất nước mà không đặt lợi ích cá nhân lên trên tất cả. Đó là những con người, những tấm gương cần được tôn vinh, trân trọng, phát huy để thông qua đó xóa đi, ngăn chặn và triệt tiêu những cái tiêu cực, những biểu hiện làm làm xấu đi hình ảnh cao đẹp của người giáo viên vốn đã hiện hữu trong lòng dân tộc ta từ bao đời nay. “Nghề cao quý” một danh hiệu Bác Hồ đã tặng cho nghề giáo đã, đang và mãi phải được trân trọng và giữ gìn.
Dân Hùng