Thứ tư, Tháng Một 15, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hợp tác Đại học Đà Nẵng – Đại học Bách khoa Hà Nội: Huy động nguồn lực trí tuệ, cùng giải quyết những vấn đề nóng của phát triển



ĐNA -

Chiều ngày 20/4/2023, tại Đại học Đà Nẵng, đã chính thức diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong khuôn khổ lễ ký kết giữa Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội, chương trình tọa đàm xoay quanh các vấn đề đề xuất nội dung, khả năng hợp tác và sản phẩm cụ thể của tinh thần hợp tác; tính chủ động và sáng tạo tham gia hợp tác của các cơ sở giáo dục thành viên ở hai đại học; chia sẻ kinh nghiệm từ Đại học Bách khoa Hà Nội về phương thức giáo dục tăng cường tinh thần tự chủ, tính năng động cho người học, nhất là tinh thần mạnh dạn đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; mô hình doanh nghiệp và quỹ đổi mới sáng tạo trong đại học; vấn đề chuyển giao công nghệ từ nhà trường vào đời sống, vào doanh nghiệp, … đã diễn ra với nhiều ý kiến thẳng thắn và rất thiết thực.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng (bên trái) và PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội chính thức ký hợp tác. Ảnh trong bài: T.Ngọc.

“Giữa Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội đã có nền tảng quan hệ từ rất lâu. Vào những năm 1975, 1976, sau ngày đất nước giải phóng, trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã kịp thời chi viện đội ngũ cán bộ giảng dạy, quản lý, hỗ trợ thiết bị thí nghiệm thực hành cho trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và sau đó còn tiếp tục đồng hành, giúp đỡ rất nhiều một đại học, sau này, là thành viên Đại học Đà Nẵng.

Cùng với Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội là 3 trường đại học bách khoa có bề dày truyền thống và lớn mạnh ở 3 miền đất nước, và cả 3 trường đều là thành viên trong khối cộng đồng 7 trường đại học kỹ thuật trọng điểm của Việt Nam, và cũng đã có những hợp tác ở cấp Trường, cấp Khoa, cấp bộ môn.

Trên tinh thần “Muốn đi xa phải đi cùng nhau”, hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mỗi đại học, đa dạng loại hình đào tạo (3+1 hay 2+2); xây dựng các chương trình đào tạo chung, hướng đến công nhận tín chỉ lẫn nhau; tranh thủ nguồn lực chất xám, bổ sung và hỗ trợ cho nhau đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, có khả năng dẫn dắt nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ, tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và chuyển giao công nghệ. Hai đại học sẽ bổ sung cho nhau cái hay, cái đặc sắc của văn hóa vùng miền, tận dụng nguồn lực chung về đội ngũ, phòng thí nghiệm, cùng giải quyết những vấn đề của địa phương, của khu vực, khẳng định trách nhiệm của đại học với cộng đồng”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng khẳng định.

Nội dung hợp tác của hai Đại học được triển khai trên 4 trọng tâm:
Tuyển sinh và đào tạo: Trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác tuyển sinh, tư vấn và truyền thông tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp; Phối hợp, hỗ trợ tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy, tham gia nhóm tuyển sinh chung, sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển; Trao đổi sinh viên giữa các trường đại học, các đơn vị đào tạo (thuộc và trực thuộc), trong học tập, thực tập, liên kết đào tạo; Mời giảng viên của hai bên thỉnh giảng, tham gia các hội đồng và phối hợp tổ chức các khóa học, hội thảo, chuyên đề; Chia sẻ, khai thác chung cơ sở dữ liệu, tài liệu số phục vụ tuyển sinh, và giảng dạy; Chia sẻ, giới thiệu doanh nghiệp hợp tác của hai bên để sinh viên thực tập, làm đồ án tốt nghiệp; Phối hợp đề xuất phát triển chương trình đào tạo mới phù hợp với yêu cầu của khối giáo dục nghề nghiệp.

Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục: Thực hiện tự đánh giá, đánh giá đồng cấp, đánh giá ngoài nhằm đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo; Chia sẻ kinh nghiệm trong kiểm định chất lượng cấp chương trình đào tạo và cấp cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trong nước, quốc tế; Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong và quản trị đại học; Tham gia/phối hợp tổ chức các tọa đàm, hội nghị, hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến đảm bảo và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo; quản trịđại học, cũng như xếp hạng và đối sánh chất lượng giáo dục; Đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ về quản lý chất lượng, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng các chính sách đảm bảo chất lượng giáo dục; phát triển và thúc đẩy văn hóa chất lượng.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng phát biểu tại sự kiện.

Về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: Thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng chuyển đổi số trong: quản trị đại học; đào tạo (dạy, học, kiểm tra, đánh giá); nghiên cứu khoa học, quản trị và cung ứng nguồn nhân lực. Phối hợp triển khai các chương trình chuyển đổi số trong đào tạo đại học và sau đại học (trên nền tảng MOOC); Phối hợp đề xuất và thực hiện các nghiên cứu liên quan đến đổi mới phương pháp sư phạm trong giáo dục kỹ thuật trong bối cảnh chuyển đổi số; Ứng dụng công nghệ giáo dục trong giáo dục nghề nghiệp.

Đối với các ngành/lĩnh vực mũi nhọn khác: Chuyển đổi số trong quản lý du lịch; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bản sao số trong quản lý đô thị, nhà máy thông minh;; Lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới (vật liệu nano, graphene, kim loại chuyển tiếp họ dichalcogenides…) ứng dụng trong cảm biến môi trường, an toàn thực phẩm, sinh học…; các đề tài (công trình nghiên cứu cụ thể, theo đề xuất từ Đại học Đà Nẵng): Nghiên cứu áp dụng công nghệ blockchain trong sản xuất và tiêu thụ sâm Ngọc Linh, tỏi Lý Sơn; Nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm chế biến thủy sản; Triển khai kinh tế tuần hoàn trong chế biến thủy sản…

Hai bên phối hợp tổ chức hội nghị khoa học trong nước và quốc tế; Xây dựng và cùng triển khai các chương trình nghiên cứu liên ngành, liên đại học, hợp tác quốc tế , tăng cường công bố quốc tế; Xây dựng, triển khai hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Chia sẻ kinh nghiệm hình thành/vận hành các doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off), doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học và hợp tác giải quyết các vấn đề liên quan đến tư vấn chính sách theo đặt hàng của các doanh nghiệp và địa phương.

Về quốc tế hóa: Hợp tác trao đổi sinh viên quốc tế/chương trình quốc tế nhằm gia tăng tính trải nghiệm, góp phần quốc tế hóa giáo dục; Xây dựng và chia sẻ mạng lưới học giả/chuyên gia quốc tế nhằm đẩy mạnh quốc tế hóa trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; Phối hợp hoạt động trong các Mạng lưới, Hiệp hội quốc tế mà hai bên là thành viên để tăng cường hoạt động hợp tác, phát triển quốc tế hóa.

Chia sẻ của PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội.

Khẳng định nội lực của đại học Việt Nam trong bối cảnh mới
“Từ năm 2021, Đại học Bách khoa Hà Nội bước vào giai đoạn tái cấu trúc với định hướng chung là tối ưu hóa để phát huy được nội lực, họach định phát triển đại học phù hợp với xu thế của tiến bộ khoa học kỹ thuật, của công nghệ mới. Trong đó, Đại học Bách khoa Hà Nội xác định 4 lĩnh vực ưu tiên tập trung nghiên cứu là Công nghệ thông tin (mũi nhọn là AI, dữ liệu); Năng lượng mới; Khoa học sức khỏe và Vật liệu mới.
Hợp tác liên kết cùng Đại học Đà Nẵng sẽ mở ra tầm nhìn mới, khơi dậy khả năng đổi mới sáng tạo của mỗi bên, phát huy hết thế mạnh của mỗi bên, cùng đáp ứng nhu cầu mà mỗi bên đang hướng tới, chia sẻ bài học kinh nghiệm, cùng nhau khẳng định nội lực của đại học Việt Nam trong bối cảnh mới, góp phần phát triển giáo dục đại học Việt Nam khi đã xuất hiện cạnh tranh, đặc biệt, khẳng định đóng góp của đại học Việt Nam trong phát triển bền vững đất nước”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh.

GS.TSKH Bùi Văn Ga – Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo cho rằng:
“Hợp tác Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội không đơn thuần là một hợp tác song phương như nhiều hợp tác khác. Mà hợp tác này mở ra rất nhiều cơ hội phát triển cho mỗi đại học khi tranh thủ, khi đã tận dụng được hết nguồn lực của nhau.
Hiện có nhiều ngành xã hội, thị trường lao động đang rất cần, nhưng để mở ngành đó, phải đáp ứng trước tiên về đội ngũ giảng viên (là Tiến sỹ). Mà không thể nói là có ngay tiến sỹ, phải qua đào tạo, phải qua nghiên cứu, phải qua quy trình bảo vệ. Đại học Bách khoa Hà Nội có thể bổ sung đội ngũ cho Đại học Đà Nẵng để không bỏ lỡ thời cơ, lại đáp ứng kịp thời nguồn lực cho xã hội.

GS.TSKH Bùi Văn Ga: Hợp tác Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội không đơn thuần là một hợp tác song phương như nhiều hợp tác khác.

Ngược lại, thành phố Đà Nẵng nói riêng, duyên hải miền Trung nói chung cũng đang nổi lên những vấn đề rất rất bức xúc cần được giải quyết. Đơn cử như tình trạng sạt lở nghiêm trọng diễn ra trong những năm gần đây. Vấn đề này rất cần một nghiên cứu chung sớm, giải quyết vấn đề, để ổn định dân sinh. Đại học Bách khoa Hà Nội có thể thông qua Đại học Đà Nẵng, cùng triển khai, phối hợp trong một công trình, đề tài nghiên cứu chung, kể cả huy động nguồn lực nghiên cứu quốc tế mà Đại học Bách khoa Hà Nội đã có sẵn kết nối, cũng như kinh nghiệm mời chuyên gia đầu ngành.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai triển khai các nội dung hợp tác, hai Đại học càn tổng kết các bài học kinh nghiệm, đưa những ý tưởng mới, gợi ý dẫn dắt, đóng góp cho sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam”.

Trong khuôn khổ lễ ký kết giữa Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội, chương trình tọa đàm xoay quanh các vấn đề đề xuất nội dung, khả năng hợp tác và sản phẩm cụ thể của tinh thần hợp tác; tính chủ động và sáng tạo tham gia hợp tác của các cơ sở giáo dục thành viên ở hai đại học; chia sẻ kinh nghiệm từ Đại học Bách khoa Hà Nội về phương thức giáo dục tăng cường tinh thần tự chủ, tính năng động cho người học, nhất là tinh thần mạnh dạn đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; mô hình doanh nghiệp và quỹ đổi mới sáng tạo trong đại học; vấn đề chuyển giao công nghệ từ nhà trường vào đời sống, vào doanh nghiệp, … đã diễn ra với nhiều ý kiến thẳng thắn và rất thiết thực./.
T.Ngọc