Hiện nay, chúng ta vẫn thường xuyên nghe nhắc đến cụm từ “kết hợp giữa nhà trường-gia đình và xã hội” khi đề cập việc rèn luyện trí dục và đức dục cho học sinh, nhất là học sinh các cấp học phổ thông và cũng không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng đến từ các bậc phụ huynh trong việc giúp cho con em mình trở thành những con ngoan trò giỏi.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng cần tránh quan niệm sai lầm của một số người cho rằng việc giáo dục học sinh chủ yếu là trong môi trường học đường, từ đó có tư tưởng “khoán trắng”, phó mặc chuyện dạy dỗ con em mình cho thầy cô giáo, còn bản thân thì chỉ lo chu cấp, nhiều khi là rất đầy đủ cho mọi nhu cầu về vật chất của con cái. Ở phía ngược lại, là trường hợp những phụ huynh cưng chiều con quá mức, mọi chuyện sai quấy của con em đều bị quy trách nhiệm cho giáo viên, nhà trường còn bản thân mình và con mình luôn luôn đúng. Điển hình cho trường hợp nay là câu chuyện cách đây không lâu, một phụ huynh ở một trường của tỉnh Long An bắt cô giáo quỳ chỉ vì cô phạt học trò quỳ gây bức xúc trong dư luận.
Thực tế cho thấy, học trò ngoan hay hư không thể không đề cập đến vai trò của phụ huynh của các em. Cách nuôi dạy, cư xử giữa các thành viên và với những người xung quanh, thậm chí là loại hình kinh doanh của gia đình mỗi học sinh cũng tác động đến thái độ và hành vi của các em trong trường học. Cha mẹ thiếu sự quan tâm, giám sát nghiêm túc và chăm sóc con, nghiêm trọng hơn nữa là để các em thường xuyên chứng kiến những cách cư xử bạo lực và lời nói khiếm nhã trong gia đình, sẽ ảnh hưởng đến nếp suy nghĩ còn rất ngây thơ của các em. Nhìn chung, nếu người lớn không giám sát các em một cách cẩn thận, các em rất dễ trở thành nạn nhân hay là người gây ra các hành vi vô kỷ luật, phạm pháp…
Không khó đánh giá, nhìn nhận học sinh được cha mẹ chăm lo quan tâm đến con em mình đến mức nào. Chẳng hạn đơn giản nhất là chuyện họp phụ huynh. Một năm thường chỉ có 4 lần họp phụ huynh mà cả cha lẫn mẹ đều vắng mặt, hoặc “cố gắng” lắm thì nhờ người nhà, thậm chí “nhờ” người khác đi họp thay, thử hỏi làm sao gọi là quan tâm đến con cái học hành, học lực, hạnh kiểm ra sao!? Một hiện tượng cũng cần được quan tâm nữa là việc cha mẹ để con em mình, dù chưa đến tuổi được đi xe máy nhưng vẫn để các em đi xe máy đến trường, thậm chí còn bỏ tiền mua những chiếc xe “xịn” cho con cái. Vậy mà khi bị cảnh sát giao thông hoặc nhà trường xử lý thì lại vin vào lý do do bận làm ăn, mải công tác v.v… nên không để ý chuyện con cái mình vi phạm Luật an toàn giao thông, trong khi biết chắc rằng các em chưa đến tuổi để có được tấm bằng lái xe và tên người trong giấy chủ sở hữu xe cũng là tên của người lớn. Một hình ảnh phản cảm rất đáng lên án, không khó bắt gặp khi lưu thông trên đường, là hình ảnh phụ huynh không đội mũ bảo hiểm chở con cũng không đội mũ bảo hiểm (hoặc phụ huynh đội mà con không đội) đi đến trường, đã thế còn còn có người vô tư vượt đèn đỏ!?
Một chuyện nhỏ mà không nhỏ nữa là vào mùa đông, mưa lạnh căm căm mà có em vẫn phong phanh đến trường; đó là hiện tượng các em nữ sinh lớp cuối cấp phổ thông cơ sở và nhất là các lớp khối PTTH trang điểm khá kỹ càng khi đến trường. Ở lứa tuổi đáng ra là biểu hiện của sự hồn nhiên, trong trắng lại có những em được cha mẹ “bật đèn xanh” cho việc nhuộm tóc đủ màu, tỉa lông mày, đánh phấn, tô son, xức nước hoa… Rõ ràng là các em thiếu sự bảo ban, sự giáo dục nghiêm khắc của cha mẹ. Tuy nhà trường nào cũng có biện pháp giáo dục nhưng vai trò của phụ huynh là rất quan trọng. Có những vị phụ huynh nghĩ đơn giản là con mình đã lớn, nên để nó tự do, cho “bằng chị bằng em”. Điều đó thật là sai lầm, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những “mối tình học trò”, là chuyện rủ nhau dùng thuốc lắc, đi vũ trường, đánh nhau, trấn lột, vi phạm luật giao thông, rủ nhau vào nhà nghỉ của những cô cậu còn đang ngồi dưới mái trường phổ thông.
Qua đây, rút ra một bài học là, biện pháp giáo dục, ngăn ngừa các em sa ngã, hư hỏng, hữu hiệu nhất là phụ huynh phải thường xuyên liên lạc với giáo viên chủ nhiệm, giám thị và nhà trường để theo dõi quá trình học tập và sinh hoạt của con em mình tại trường, thậm chí cả khi các em không có biểu hiện gì khác lạ. Thông thường, nếu phát hiện ra những trường hợp học sinh vi phạm kỷ luật, chểnh mảng trong học tập, nhà trường sẽ lập tức liên hệ với gia đình để tiến hành các cách giải quyết liên kết hợp lý. Riêng đối với gia đình, phụ huynh cần lưu ý các biểu hiện khác lạ của con em mình. Không thể dựa hoàn toàn vào giáo viên chủ nhiệm, vào giám thị, vào hiệu trưởng và các thầy cô khác mà phó mặc hết con em mình cho họ, vì không phải tất cả giáo viên chủ nhiệm đều có thể thường xuyên quan tâm, sâu sát với các em được, nhất là khi các em đã ra khỏi cổng trường.
Có thể khẳng định, phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng trong việc dạy bảo, giáo dục để các em nên người. Đã đến lúc cùng với nhà trường, các bậc phụ huynh phải cùng vào cuộc để tham gia giáo dục, định hướng cho các em trở thành những con ngoan trò giỏi, những công dân tốt của đất nước, hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả tiêu cực do thiếu sự uốn nắn, chỉ bảo kịp thời của người lớn.
Dân Hùng