Vấn đề điện được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm, góp ý trong phiên thảo luận sáng 30/10 về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, bất cập
ĐB trần Hữu (Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, đoàn Tây Ninh) cho rằng cần tập trung xác định những nút thắt của nền kinh tế, của ngành mình, địa phương mình. Từ đó đưa ra biện pháp cụ thể, khả thi để khơi thông và tạo động lực cho các ngành, các địa phương và nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững”.
Theo ông nếu cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải tỏa được những “nút thắt” thì cũng như xây dựng đường cao tốc mà không giải tỏa được một số điểm nghẽn.
“Cơ cấu lại nền kinh tế bắt đầu từ xác định nút thắt của mỗi ngành, mỗi địa phương và của nền kinh tế là phương thức tiếp cận từ thực tiễn. Những “nút thắt” này được khái quát lên từ những mâu thuẫn đang hiển hiện trong đời sống KTXH”, ông phân tích.
Dẫn chứng về ngành điện, ông nêu, điện là “máu” của nền kinh tế, của sinh hoạt và đời sống nhưng đã và đang có những mâu thuẫn lớn. “Cái thì đáng xót xa, cái thì đang gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp và đáng lo nhất là đang góp phần kìm hãm sự phát triển của chính ngành Điện và đất nước”, ông bày tỏ.
Ông nêu, chỉ 1 thay đổi về chính sách, đất nước từ chỗ luôn lo lắng thiếu điện bỗng dư điện, lãng phí biết bao nhiêu nguồn lực. Điện thì dư nhưng việc giảm giá hết sức khó khăn và…. chỉ khi quá khó khăn mới được giảm giá. Điện thì dư mà càng dùng nhiều thì giá lại càng tăng rất phi thị trường
Khung giờ 9 đến 11 giờ sáng là khung giờ vàng cho sản xuất, cũng là khung giờ vàng cho phát điện mặt trời nhưng cũng là khung giờ cao điểm, doanh nghiệp phải trả với mức giá cao nhất.
Nếu trong 5 năm tới, nếu ngành điện xác định được những “nút thắt” ĐBQH kỳ vọng ngành điện sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn, người dân và doanh nghiệp sẽ được sử dụng điện với giá rẻ hơn, hợp quy luật hơn.
Cũng góp ý về câu chuyện phát triển ngành điện, ĐB trần Quốc (Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh, đoàn Trà Vinh) đồng tình với quan điểm của ĐBQH Trần Hữu Hậu.
Theo ông, tái cơ cấu cần phải xây dựng chính sách cơ chế đột phá thu hút nguồn lực bên ngoài, phục vụ phát triển kinh tế trong bối cảnh nguồn lực đầu tư nhà nước có hạn. Những cơ chế chính sách đó phải được xây dựng trên cơ sở tiềm năng lợi thế để tạo sự phát triển toàn diện ở địa phương, các ngành, vùng miền…
“Tài nguyên nắng, tài nguyên gió là những tài nguyên vô hạn, có giá trị vô cùng to lớn. Nếu có cơ chế đột phá để thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả các loại tài nguyên này sẽ phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước”, ông Tuấn nhấn mạnh.
ĐB Đàng Thị Mỹ (Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Ninh Thuận, đoàn Ninh Thuận) đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các quy định của pháp luật, tăng cường quy định các cơ chế, chính sách xã hội hóa thông thoáng, thu hút được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư ngành điện.
Bà nhấn mạnh đến việc đầu tư hạ tầng truyền tải điện đồng bộ với các nhà máy điện, đảm bảo quan điểm lĩnh vực nào doanh nghiệp ngoài nhà nước làm được thì nhà nước nên giao.
Theo bà, nhà nước cần tập trung công tác quản lý và hỗ trợ về mặt pháp lý và cần sớm ban hành chính sách, pháp luật về phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo theo hình thức cạnh tranh giá điện, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ liên thông và hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị, tạo điều kiện phát triển ngành năng lượng tái tạo trong giai đoạn tới mạnh mẽ hơn nữa.
ĐB Đinh Ngọc Minh (Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ KH&ĐT, đoàn Cà Mau) cũng đề nghị ngành điện lực cần đổi mới để phát triển bền vững.
Ông đề xuất tách phần truyền tải điện và phân phối điện độc lập với nhau. Nhà nước quản lý toàn bộ phần truyền tải điện để xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh, phân phối sẽ đấu thầu quản lý để đưa công nghệ nhằm giảm chi phí cho người dân.
(Theo Vietnamnet)