Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết trong 6 tháng (từ tháng 10-2022 đến hết tháng 3-2023), đã có 22 công chức tòa án bị kỷ luật, gồm khiển trách 13 người, cảnh cáo 8 người, khai trừ Đảng 1 người.Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có báo cáo về công tác của các tòa án trong 6 tháng (tính từ ngày 1-10-2022 đến 31-3-2023) gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Xử lý nghiêm một số vụ án thiệt hại lớn, gây bức xúc
Theo đó, trong 6 tháng, các tòa án đã thụ lý hơn 369.000 vụ việc, đã giải quyết được hơn 199.000 vụ việc, đạt tỉ lệ 54%. So với cùng kỳ năm 2022, vụ việc đã thụ lý tăng hơn 24.000 vụ, đã giải quyết tăng hơn 7.100 vụ.
Tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 0,95%, đáp ứng yêu cầu mà nghị quyết Quốc hội đề ra (không quá 1,5%).
Liên quan các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, theo báo cáo, tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm với 2.021 vụ, hơn 4.500 bị cáo, đã xét xử 1.215 vụ với 2.360 bị cáo.
Trong đó, đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm đối với 384 vụ với 917 bị cáo phạm các tội tham nhũng, đã xét xử 190 vụ với 406 bị cáo.
Các tòa án đã tuyên phạt tù chung thân với 3 bị cáo, phạt tù 15 – 20 năm với 21 bị cáo, 7 – 15 năm với 40 bị cáo, 3 – 7 năm với 100 bị cáo, từ 3 năm trở xuống với 120 bị cáo…
Các tòa án đã tuyên thu hồi tài sản đối với 87 vụ, 310 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, với số tiền và tài sản trên 736 tỉ đồng, có 62 vụ với 257 bị cáo đã khắc phục hậu quả, nộp lại tài sản chiếm đoạt gần 338 tỉ đồng.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các tòa án tổ chức xét xử nghiêm túc, đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ, đúng pháp luật đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, các vụ án được dư luận quan tâm.
Các tòa đã thụ lý sơ thẩm 21 vụ án, xét xử 14 vụ, thụ lý phúc thẩm 12 vụ, đã xét xử 5 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 1 vụ án. Đã xử lý nghiêm một số vụ án gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, gây bức xúc trong xã hội.
Báo cáo dẫn các vụ như vụ AIC liên quan bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, vụ án cựu thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cùng đồng phạm, vụ án Bùi Lệ Phi và đồng phạm xảy ra tại Sở Y tế Cần Thơ.
Vụ án Trần Phương Bình cùng đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Đông Á, Công ty cổ phần M&C và các đơn vị liên quan…
Kiểm tra 863 bản án, quyết định của thẩm phán bị hủy, sửa nghiêm trọng
Tính đến ngày 31-3-2023, hệ thống tòa án nhân dân có 13.298 biên chế, gồm 6.398 thẩm phán, 6.584 thẩm tra viên, thư ký tòa án và tương đương, 316 chức danh khác.
Trong 6 tháng qua, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã trình Chủ tịch nước bổ nhiệm mới 29 thẩm phán cao cấp, 4 thẩm phán trung cấp. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức vụ lãnh đạo, quản lý được quan tâm…
Hoạt động giám sát đối với thẩm phán được tăng cường theo hướng thực chất. Tòa án nhân dân tối cao đã kiểm tra, nghiên cứu, thẩm tra đối với 555 hồ sơ đề nghị bổ nhiệm thẩm phán, 4 hồ sơ đề nghị miễn nhiệm thẩm phán.
Kiểm tra 863 bản án, quyết định của thẩm phán bị hủy, sửa nghiêm trọng và 750 bản án hình sự có kết quả xét xử cho bị cáo hưởng án treo, cảnh cáo… Thẩm tra hồ sơ đối với 4 thẩm phán bị xem xét, xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong tòa án nhân dân.
Báo cáo cũng nêu rõ 6 tháng qua, có 22 công chức tòa án bị xử lý kỷ luật gồm 13 người bị khiển trách, 8 người bị cảnh cáo, 1 người bị khai trừ khỏi Đảng. Báo cáo cũng chỉ rõ một số mặt hạn chế, nguyên nhân và định hướng công tác của tòa án nhân dân trong thời gian tới. Như vậy, án oan sai, bỏ lọt người, lọt tội của các vị thấm phán này sẽ được Tòa án xử lý như thế nào?
Thụy Văn