Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

UNESCO kêu gọi đầu tư cho khoa học trong bối cảnh đại dịch

ĐNA -

Từ năm 2014 đến năm 2018, khoản ngân sách đầu tư cho khoa học trên toàn thế giới đã tăng 19%, đồng thời số lượng các nhà khoa học cũng tăng thêm 13,7%. Theo một báo cáo khoa học mới của UNESCO có tiêu đề “Cuộc chạy đua với thời gian hướng đến sự phát triển thông minh hơn”, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng gia tăng đầu tư này.

Các nhà nghiên cứu trường Đại học Indiana, Mỹ (nguồn: Indiana Uni).

Tuy nhiên, những con số ở phía trên lại ẩn chứa sự chênh lệch đáng kể: chỉ với Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia này đã chiếm đến gần 2/3 tổng số lượng gia tăng (63%) trong khi 4/5 quốc gia bị tụt lại phía sau, đầu tư dưới 1% GDP cho nghiên cứu khoa học. Do đó, bức tranh về khoa học hầu như vẫn là một bức tranh về quyền lực.

Được công bố mỗi năm năm một lần, báo cáo mới của UNESCO đã cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về khoa học cũng như các chính sách về khoa học. Theo báo cáo, robot và trí tuệ nhân tạo là hai lĩnh vực đặc biệt năng động khi chỉ riêng trong năm 2019, đã có gần 150,000 bài báo nghiên cứu được xuất bản. Nghiên cứu về robot và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng tăng mạnh ở các nước thu nhập trung bình thấp khi các nước này đóng góp 25,3% số lượng công bố (lĩnh vực AI và robot) vào năm 2019, trong khi con số này chỉ là 12,8% trong năm 2015. Trong 5 năm qua, hơn 30 quốc gia đã thông qua các chiến lược cụ thể về AI và robot, trong số đó có Việt Nam, Trung Quốc, Liên bang Nga, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Ấn Độ, Mauritius.

Tuy nhiên, các lĩnh vực nghiên cứu khác thiết yếu cho tương lai của chúng ta lại thu hút những khoản đầu tư thấp hơn đáng kể. Chẳng hạn, năm 2019, chỉ có 2.500 bài báo về nghiên cứu thu hồi và lưu trữ carbon, thấp hơn 60 lần so với nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, lĩnh vực năng lượng bền vững cũng chưa được nghiên cứu đúng mức khi số lượng công bố chỉ chiếm 2,5% lượng công bố toàn cầu trong năm 2019.

Có thể nói, còn một chặng đường dài để khoa học có thể đóng góp toàn bộ tiềm năng của mình cho sự phát triển bền vững.

Và thế giới cần phải tập trung vào việc trang bị cho khoa học những công cụ cần thiết để thực hiện việc này. Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO, chỉ ra: “Khoa học cần phải trở nên ít bất bình đẳng hơn, tăng tính hợp tác hơn và cởi mở hơn. Những thách thức hiện nay, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, suy giảm sức khỏe đại dương và vấn đề đại dịch, đều là những thách thức toàn cầu. Đó là lý do tại sao chúng ta phải huy động các nhà khoa học và nhà nghiên cứu đến từ khắp mọi nơi trên thế giới”.

Mặc dù hợp tác quốc tế trong khoa học đã tăng lên trong năm năm qua, tuy nhiên vẫn chỉ có một trên bốn công bố được áp dụng truy cập mở. Không chỉ vậy, mặc dù cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã tạo ra động lực chung cho toàn thế giới, song vẫn đang có rất nhiều rào cản cản trở truy cập mở trong nghiên cứu khoa học trên toàn cầu.

Chẳng hạn, đa phần các nhà nghiên cứu vẫn không thể tiếp cận được hơn 70% các ấn phẩm khoa học. Báo cáo của UNESCO đã ghi lại những nỗ lực trong việc phá bỏ các rào cản này – vốn là những nguyên nhân gây ra bất bình đẳng và giảm hiệu quả trong nghiên cứu. 

Báo cáo cũng nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sự đa dạng trong khoa học. Hiện chỉ có 1/3 trong số các nhà khoa học trên thế giới là phụ nữ. Mặc dù lĩnh vực khoa học đời sống đã gần như đạt được sự cân bằng, song đây vẫn là một chặng đường dài đối với nhiều lĩnh vực khoa học quan trọng khác. Chẳng hạn, phụ nữ chỉ chiếm 22% lực lượng lao động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Báo cáo của UNESCO kêu gọi phải khôi phục lại niềm tin của công chúng vào khoa học, và nhắc nhở chúng ta rằng khoa học của ngày hôm nay sẽ đóng góp vào việc định hình thế giới của ngày mai. Đó là lý do tại sao việc ưu tiên các mục tiêu chung của nhân loại về phát triển bền vững thông qua các chính sách khoa học tham vọng là điều vô cùng quan trọng.

Nguyễn Phương