Thứ năm, Tháng Một 9, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hậu siêu bão, người trẻ Philippines nỗ lực với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu



ĐNA -

Đã 8 năm trôi qua kể từ trận siêu bão kinh hoàng Haiyan khiến hàng nghìn người dân Philippines thiệt mạng, mất nhà cửa. Từ những đau thương, mất mát, nhiều người trẻ nước này đang nỗ lực từng ngày, góp những phần nhỏ bé trong cuộc chiến biến đổi khí hậu.

Hệ thống năng lượng mặt trời rất phù hợp với các khu vực vùng sâu, vùng xa của Philippines để chống biến đổi khí hậu. (Nguồn: SCMP)

Từ ký ức đau buồn…
Tháng 11/2013, khi Haiyan – một trong những siêu bão nhiệt đới mạnh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử đổ bộ và nhấn chìm nhiều khu vực của Philippines trong biển nước, anh Cyrel Bajen khi đó mới vừa tròn 16 tuổi.

Dù đã 8 năm trôi qua nhưng Cyrel Bajen vẫn nhớ như in ngày bi thảm đó, khi rất nhiều người hàng xóm đã bị chết đuối khi cơn bão ập đến, giảm tầm nhìn xuống gần 0.

“Tôi không thể nhìn thấy gì và chỉ nghe thấy tiếng họ la hét và khóc to, tay giữ chặt các cột nhà gỗ. Thảm kịch lúc đó không khác gì trong phim. Tôi đã sống sót khi bơi qua hàng rào thép gai để đến được tầng ba của nhà hàng xóm. Căn nhà gỗ của chúng tôi đã bị cuốn sạch, nhiều người nghĩ gia đình tôi đã chết”, chàng trai trẻ nhớ lại.

Trong cuộc chiến sinh tồn, anh Cyrel Bajen đã không thể cứu được bất cứ ai, kể cả người ông của mình. Anh Bajen cho biết, gia đình anh đã đánh giá thấp cơn bão vì chưa từng có cơn bão nào mạnh như vậy đổ bộ vào quê hương mình. Cơn bão đã quét sạch toàn bộ khu phố mà anh đang sinh sống.

Với tên gọi địa phương là Yolanda, siêu bão Haiyan được đánh giá là một trong những cơn bão có sức tàn phá kinh hoàng nhất trong lịch sử, với sức gió duy trì trên 150 dặm/giờ. Siêu bão đã ảnh hưởng đến khoảng 14 triệu người, làm hơn 6.000 thiệt mạng, 1.800 người mất tích và 4,1 triệu người phải di dời.

Haiyan đã được ghi vào lịch sử của đất nước Philippines và ngày 8/11 hàng năm đã được lấy làm ngày tưởng nhớ những nạn nhân đã thiệt mạng vì cơn bão.

…thành động lực mạnh mẽ
Với Cyrel Bajen, Haiyan không đơn thuần là một kỷ niệm đau buồn mà đã trở thành một động lực mạnh mẽ để anh cùng nhiều người trẻ Philippines nỗ lực phấn đấu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật, Cyrel Bajen (năm nay 24 tuổi) và người bạn học có tên Jeric Sembrero đã tình nguyện trở thành các “học giả năng lượng mặt trời”, chuyên nhận lắp ráp miễn phí các hệ thống phát điện năng lượng mặt trời di động TekPaks tại các cộng đồng dân cư có hoàn cảnh khó khăn trên khắp Philippines.

Các gói năng lượng mặt trời không chỉ thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo – điều mà các chuyên gia khí hậu cho rằng rất quan trọng để ngăn chặn tình trạng gia tăng nhiệt độ có thể khiến các siêu bão như Haiyan xảy ra thường xuyên hơn, mà còn đảm bảo khi cộng đồng bị bão tấn công có thể có nguồn điện dự phòng tiện dụng.

Bajen, người có thể nhớ các trường học địa phương đóng cửa sau Haiyan cho biết: “Điều khiến tôi rất vui vì bằng cách tập hợp TekPaks, tôi có thể giúp đỡ các nạn nhân từ các cộng đồng dễ bị tổn thương. Nhiệt độ tăng vì biến đổi khí hậu, vì vậy thay vì sử dụng xăng vốn cung cấp nhiên liệu cho ‘máy phát điện của thiên tai’, tại sao chúng ta không xây dựng một ngôi nhà mát mẻ hơn bằng cách khai thác năng lượng tái tạo?”.

Chương trình “Học giả năng lượng mặt trời” được phát động vào năm 2015 bởi Viện Khí hậu và Các thành phố bền vững (ICSC), một nhóm phi chính phủ quốc tế ủng hộ sự phát triển carbon thấp, thân thiện với khí hậu.

Hiện tại, đã có 326 học giả năng lượng mặt trời trên khắp Philippines được ICSC đào tạo để thực hiện đánh giá năng lượng trong cộng đồng cũng như vận hành và bảo trì các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời di động để cung cấp ánh sáng, sạc cơ bản và năng lượng cho thiết bị y tế.

Anh Arturo Tahup, phụ trách nghiên cứu về khả năng phục hồi của cộng đồng tại ICSC cho biết: “Một bài học mà chúng tôi học được từ cơn bão Yolanda là tích hợp năng lượng tái tạo, đặc biệt là công nghệ năng lượng mặt trời trong ứng phó nhân đạo với rủi ro thiên tai”.

Theo Arturo Tahup, các chiến lược rủi ro thiên tai của địa phương thường quá phụ thuộc vào các máy phát điện chạy bằng dầu, không những không thân thiện với môi trường mà còn dễ bị tác động khi có bão lớn.

“Việc tìm kiếm cứu nạn sẽ cần năng lượng để sạc thiết bị liên lạc, thắp sáng các trung tâm sơ tán và thực hiện các hoạt động hỗ trợ”, anh lưu ý.

Không chỉ vậy, theo Arturo Tahup, việc khai thác năng lượng mặt trời trên quy mô rộng hơn có thể giúp tránh lặp lại ngay từ đầu những sai lầm tương tự từng gây ra những cơn bão hủy diệt.

Anh Cyrel Bajen và người bạn học Jeric Sembrero bên xưởng sản xuất và lắp ráp hệ thống TekPaks. (Nguồn: SCMP).

Mang nguồn sáng đến vùng xa xôi
Anh Randy Zosa, hiện 32 tuổi, đã tham gia nhóm học giả năng lượng mặt trời từ cách đây 6 năm để giúp hỗ trợ cộng đồng nơi anh sinh sống, nơi vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn để phục hồi sau những mất mát từ cơn bão Haiyan.

Anh Zosa kể, một trong những trải nghiệm khó quên nhất là thiết lập một máy phát điện năng lượng mặt trời sau cơn bão Phanfone, hay còn biết đến với tên địa phương là Ursula. Anh đã kịp thời giúp sơ tán những người hàng xóm, sau đó dẫn họ đến nơi trú ẩn khẩn cấp gần nhất.

“Khi mất điện thì hệ thống TekPak đóng vai trò là nguồn điện và ánh sáng của chúng tôi dưới cơn mưa lớn trước khi chúng tôi di chuyển đến trung tâm sơ tán, cách đó 4 km”, anh Zosa nhớ lại.

Ông Chuck Baclagon, một nhà vận động khu vực về khí hậu, tổ chức phi chính phủ 350.org, đã ca ngợi những nỗ lực của ICSC trong việc đưa năng lượng mặt trời đến các cộng đồng vùng sâu, vùng xa của Philippines.

“TekPaks khá lý tưởng trong các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là ở các quốc gia quần đảo như Philippines, nơi nguồn điện trong các thảm họa có thể bị hạn chế rất nhiều. Năng lượng mặt trời giúp cộng đồng có nguồn điện năng riêng, sạch hơn và luôn sẵn có, miễn là họ có kiến thức về cách vận hành và bảo trì công nghệ”, ông Chuck Baclagon cho hay.

Tuy nhiên, ông Baclagon cũng thừa nhận, khả năng tiếp cận công nghệ năng lượng mặt trời của nhiều người dân Philippines đang bị hạn chế do quốc gia này ngày càng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Chy Lê/baoquocte.vn