Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước ta từ năm 1986 đến nay do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước vẫn không ngừng bóp méo, xuyên tạc thành quả ấy với nhiều luận điệu, chiêu thức ngày càng tinh vi và xảo huyệt. Bài viết đưa ra một số luận cứ xác đáng có tính khoa học, thực tiễn góp phần phản bác lại một số lập luận sai trái, chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch về chính sách an sinh xã hội ở nước ta.
Trước năm 1986, Việt Nam là quốc gia nghèo, chịu tổn thất nặng nề về người, về của và môi trường do các chiến tranh khốc liệt. Năm 1975, đất nước thống nhất. Tuy nhiên, sự phức tạp của cục diện chính trị thế giới cuối những năm 80 – đầu những 90 thế kỷ XX ở Đông Âu và Liên Xô cùng với việc bị Mỹ và các nước phương Tây bao vây, cấm vận hàng gần 20 năm khiến Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất, khủng hoảng nghiêm trọng về kinh tế – xã hội. Trong bối cảnh đó, với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986), Đảng ta đã phân tích nghiêm túc, đánh giá sâu sắc cả những thành tựu và khuyết điểm, sai lầm trong chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện. Từ đó, Đại hội đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, tạo ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc, đưa đất nước từng bước thoát khỏi trì trệ, khủng hoảng và phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Tuy vậy, các thế lực thù địch, chống phá trong và ngoài nước vì nhiều lý do vẫn cố tình bóp méo sự thật, chủ ý đánh giá thiếu công tâm, có cái nhìn không thiện chí, khách quan về thành tựu toàn diện, những nỗ lực to lớn mà toàn Đảng, toàn quân và nhân dân ta trong 37 năm kiên trì, kiên định thực hiện đường lối Đổi mới, trong đó có chính sách an sinh xã hội. Trước và sau Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp; đặc biệt lợi dụng bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua cũng như việc triển khai chính sách phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt” với đại dịch hiện nay, các thế lực thù địch, phản động ở các nước phương Tây, đốpi tượng cực đoan, cùng những phần tử về cơ hội chính trị, bất mãn đã lợi dụng mạng xã hội gia tăng các hoạt động tuyên truyền, chống phá Đảng và Nhà nước ta bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” một cách toàn diện, trên nhiều lĩnh vực.
Vài luận cứ phê phán quan điểm sai trái, xuyên tạc và phản động của các thế lực thù địch về chính sách an sinh xã hội của Việt Nam
Luận điệu đổi trắng thay đen, hạ thấp hay phủ nhận thành tựu chính sách an sinh xã hội của Việt Nam là một trong thủ đoạn và luận điệu thường thấy của các thế lực thù địch, phản động. Về vấn đề này, các thế lực phản động, thù địch thời gian gần đây thường đưa ra quan điểm rằng thành tựu chính sách an sinh xã hội là do Đảng, Nhà nước Việt Nam “tự vẽ lên”, “tự mình khen mình”, chứ thực chất theo họ là “không có thật”, đất nước vẫn trong cảnh nghèo nàn, tụt hậu, nhân dân đói nghèo….
Đối với các luận điểm trên, một số lập luận và luận cứ cần được chúng ta cần bàn luận thấu đáo. Sự nghiệp đổi mới đất nước được Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo bắt đầu từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Mục tiêu lớn lao nhất của công cuộc đổi mới là đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng. Trong bài viết quan trọng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế”. Trong Văn kiện của mình, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”. Tất cả được minh chứng thuyết phục thông qua các chỉ số, số liệu phát triển toàn diện kinh tế – xã hội của Việt Nam và các tổ chức quốc tế công bố.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 7%/ năm trong suốt 35 năm đổi mới, riêng năm 2020 tăng GDP là 2,91% dù thấp nhất trong giai đoạn 2011 – 2020 nhưng là quốc gia có mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và được thế giới đánh giá là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới). Quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt 342,7 tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.512 USD/người/ năm (tăng 17 lần so với năm 1986). Kết quả này giúp Việt Nam được xếp vào nền kinh tế top thứ 40 thế giới, đứng thứ 4 khu vực ASEAN.
Dự trữ ngoại hối quốc gia tăng kỷ lục: 100 tỉ USD vào năm 2020. Bội chi ngân sách giảm từ 5,4% giai đoạn 2011 – 2015 còn 3,5% giai đoạn 2016 – 2020; nợ công so với GDP giảm mạnh còn 55,3% (trần nợ công của Quốc hội đặt ra là 65% GDP).
Năng lực cạnh tranh quốc gia do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố năm 2019, Việt Nam xếp 67/141 quốc gia, năng suất lao động tăng từ 4,3%/ năm giai đoạn 2011 – 2015 lên 6,0%/ năm giai đoạn 2016 – 2020; Chỉ số đổi mới sáng tạo Việt Nam tăng vượt bậc, xếp 41/131 quốc gia, vùng lãnh thổ (dẫn đầu các nước có nền kinh tế cùng mức thu nhập). Theo Brand Finance (Anh), hãng chuyên định giá thương hiệu quốc tế, năm 2020, giá trị thương hiệu Việt Nam đạt 319 tỉ USD, tăng 29% so với 2019 – mức tăng nhanh nhất thế giới.
Các chỉ số xã hội, an sinh, Việt Nam đang cho thấy là hình mẫu của sự phát triển toàn diện, bền vững. Tỉ lệ lao đạo qua đào tạo tăng từ 40% lên 64,5%, lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 14,6% lên 24,4%; tỉ lệ hộ nghèo còn khoảng 2,7% theo cách tiếp cận nghèo đa chiều, đến nay có 62% xã và 173 huyện đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới; giải quyết cho hơn 9,2 triệu người có công các chế độ chính sách. Mức độ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 60,9% lên đến 90,7%. Chỉ số phát triển tổng hợp con người HDI mới nhất năm 2019 do Liên hợp quốc công bố, lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm cao của thế giới với 0,704 điểm, hạng 117/189 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển; là điểm sáng của thế giới về thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc; chỉ số hạnh phúc quốc gia do Liên hợp quốc và các tổ chức nghiên cứu quốc tế công bố liên tục cải thiện tích cực (theo World Happiness Report, Liên hợp quốc: lấy mốc từ năm 2018 xếp: 95/156 quốc gia, năm 2019: 94/156 quốc gia, năm 2020: 83/156 quốc gia; theo đánh giá của Quỹ Kinh tế mới, năm 2012, chỉ số HPI – Happy Planet Index, Việt Nam xếp thứ 2 thế giới; năm 2018 theo đánh giá của NEF – New Economics Foundation tại Anh, Việt Nam xếp thứ 5 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, năm 2019, Việt Nam xếp thứ 10 quốc gia tốt nhất cho người nước ngoài sống và làm việc theo báo cáo HSBC Expat công bố).
Một số chỉ số và thành tựu khác: Chỉ số chính phủ điện tử năm 2020 do Liên hợp quốc công bố, Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 2 bậc so với năm 2018, trong đó, chỉ số hạ tầng viễn thông tăng mạnh đến 31 bậc, chiến lược chuyển đổi số quốc gia với xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ ban hành, triển khai thực hiện; đặc biệt, chỉ số quyền lực châu Á (Asian Power Index) năm 2020 do Viện Lowy công bố, nước ta xếp 12/26 quốc gia, vùng lãnh thổ, thậm chí vượt cả New Zeland,… Việt Nam đảm bảo tốt ổn định chính trị – xã hội; quốc phòng – an ninh được giữ vững, củng cố, kiên quyết, kiên trì giữa vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả; thế và lực đất nước, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín đất nước được nâng cao.
Đặc biệt, gần đây, trong khi thế giới và nhiều quốc gia ở các thể chế chính trị khác nhau đang vật lộn chống lại COVID-19 và phục hồi sau đại dịch, Việt Nam được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ca ngợi như điểm sáng và hình mẫu về đất nước Việt Nam nhân văn, bản lĩnh, trách nhiệm với nhân dân và cộng đồng quốc tế; có nhiều kinh nghiệm quý giá trong phòng, chống và kiểm soát đại dịch và thực hiện tốt các mục tiêu kép. Việt Nam lần đầu tiên đã chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy để Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 thông qua Nghị quyết lấy ngày 27/12 hàng năm là “Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh”. Thành tựu của Việt Nam trong kiểm soát dịch COVID-19 đã khiến cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong đàm phán và thông qua văn kiện này. Đến nay, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là quốc gia tuy “đi sau nhưng về trước” trong việc tiếp cận và tổ chức tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19 miễn phí cho toàn dân đạt tỉ lệ vào loại cao nhất thế giới, vượt qua cả nhiều nước phát triển và bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt và trạng thái “bình thường mới”, thực hiện các gói hỗ trợ tái thiết, phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch; đang nghiên cứu, chuẩn bị tiến đến thời khắc tuyên bố kết thúc đại dịch này ở Việt Nam.
Rõ ràng, những thành tựu chính sách an sinh xã hội trên là hiện thực, được thế giới thừa nhận, đánh giá cao; và cũng không phải là câu chuyện Việt Nam tự vẽ lên, tự khen mình, tự “tô hồng” như các lực lượng cực đoan đã cố tính rêu rao. Đây là những nỗ lực to lớn, vượt bậc, khẳng định vị thế, vai trò là lực lượng lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta; khẳng định tính “chính đáng chính trị” của Đảng trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng suốt hơn 93 năm qua; giúp củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, vào mục tiêu xây dựng Việt Nam hùng cường vào năm 2045 và trở thành nước phát triển hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa đến giữa thế kỷ XXI; đồng thời cũng khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sự vận hành hiệu quả của cả hệ thống chính trị. Trong bối cảnh cục diện chính trị thế giới khó đoán định như hiện nay cùng với muôn vàn khó khăn, thử thách mà Việt Nam cần tiếp tục giải quyết, việc phủ nhận một cách thiếu thiện ý, sạch trơn, chưa bằng cái nhìn toàn diện cũng như bởi quan điểm “lịch sử – cụ thể” phải chăng là sự phán xét thiếu công tâm và cố tình vì động cơ chính trị thiếu trong sáng?
Luận điệu cho rằng, thành tựu giải quyết một số vấn đề xã hội lớn, phức tạp của Việt Nam hơn 35 năm là hoàn toàn bịa đặt và sai sự thật, nhất là vấn đề dân chủ xã hội chủ nghĩa và đảm bảo quyền con người.
Về vấn đề tự do, dân chủ xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện các quan điểm về dân chủ, nhân quyền và coi việc thể chế hoá, luật hoá quan điểm về dân chủ, nhân quyền là yêu cầu bức thiết của phát triển.
Năm 1998, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, khẳng định “phải phát huy quyền làm của dân, thu hút nhân dân tham gia quản lý nhà nước, tham gia kiểm kê, kiểm soát nhà nước, khắc phục tình trạng suy thoái, quan liêu, mất dân chủ và nạn tham nhũng”; sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/1998/NĐ-CP (đến năm 2003 thay thế bằng Nghị định 79/2003/NĐ-CP) về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã; năm 2007, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XI thông qua Pháp lệnh thực hiện Dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, trong huy động sức dân, phát huy dân chủ xã hội còn được thể hiện ở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” và trong Văn kiện Đại hội XIII lần đầu tiên nội dung “dân thụ hưởng” được bổ sung vào nguyên tắc ấy thành “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc quan điểm: “dân là gốc”. Phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”, dân chủ (xã hội chủ nghĩa) không chỉ là khát vọng mà còn là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tất cả luận cứ trên đều cho thấy sự thống nhất, đồng bộ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát huy cao độ dân chủ xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều này một lần nữa bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch cho rằng thành tựu đổi mới của Việt Nam không đi kèm dân chủ.
Về vấn đề quyền con người, Chỉ thị số 12-CT/TW của Ban Bí thư ngày 12/7/1992 về vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta đều khẳng định: Quyền con người là giá trị chung của nhân loại. Đó là thành quả đấu tranh lâu dài của nhân dân lao động và các dân tộc trên thế giới chống lại mọi áp bức, bóc lột và giải phóng con người; chỉ có dưới tiền đề độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thì quyền con người mới có điều kiện được đảm bảo rộng rãi, đầy đủ và trọn vẹn nhất. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện Đại hội XI, XII, XIII của Đảng đều nhất quán nhấn mạnh đến quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam ký kết.
Đáng chú ý, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên đã dành trọn Chương II (chỉ sau Chương I bàn về chế độ chính trị) để hiến định “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” với 36 điều được hiến định. Từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 05/9/2017 về phê duyệt Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”. Đặc biệt, một trong số điểm mới đáng chú ý của Văn kiện XIII khi lần đầu tiên đề cập nhiều và nhấn mạnh đến đến yếu tố “hạnh phúc”, “ấm no” của nhân dân, đến nâng cao “phúc lợi xã hội” cho người dân bên cạnh việc đảm bảo cơ bản “an sinh xã hội”,… như là trách nhiệm cao cả của Đảng và hệ thống chính trị đối với nhân dân; khẳng định tính chính đáng trong quá trình lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo nhân quyền của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việt Nam trở thành thành viên chính thức (14 thành viên) Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2014 – 2016 với 184/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc ủng hộ, tuyên bố tham gia ứng cử vào vị trí thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 – 2025. Đặc biệt, tại khoá họp lần thứ 50 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra vào đầu tháng 7/2022, với sự nỗ lực đề xuất, soạn thảo và vận động của Việt Nam cùng các phái đoàn của Banngladesh, Philipines, Hội đồng Nhân quyền đã thông qua Nghị quyết 2022 về biến đổi khí hâu và quyền con người, tập trung vào quyền lương thực và biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng đang nỗ lực vận động các nước ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 – 2025.
Không thể phủ nhận rằng, trong quá trình quản lý xã hội, nước ta còn những khiếm khuyết, hạn chế trong đảm bảo quyền dân chủ, ở địa phương này địa phương kia vẫn còn hiện tượng lợi ích của người dân chưa được tôn trọng, đảm bảo, việc triển khai chính sách đảm bảo quyền con người chưa theo kịp yêu cầu xã hội. Tuy nhiên, thành quả trong chống dịch COVID-19, đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân vừa qua và nỗ lực trong thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhân quyền suốt thời gian qua được cộng đồng quốc tế ghi nhận là minh chứng sống động để bác bỏ luận điệu sai trái, xuyên tạc, phiến diện, cực đoan về tình hình nhân quyền của Việt Nam. Dân chủ là chân giá trị, là mục tiêu và khát vọng của nhân loại, là hiện thân của văn minh và tiến bộ. Tuy vậy, chúng ta không được phép quên bài học đắt giá về việc thực hiện dân chủ xã hội quá trớn, quá nhanh, dân chủ xã hội “vô tội vạ” dẫn đến sự nổi dậy của chủ nghĩa xét lại như là một trong số nguyên nhân khiến Liên Xô bất ổn và sụp đổ.
Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn. Việc cung cấp luận cứ, lập luận trên nền khoa học lý luận và thực tiễn để bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với thành tựu của quá trình đổi đất nước nói chung và thành tựu chính sách an sinh xã hội Việt Nam nói riêng có tính cần thiết và quan trọng. Bài viết chỉ ra một số quan điểm thiếu thiện chí của các thế lực thù địch đối với vấn đề này ở Việt Nam thời gian qua. Từ đó, bài viết đã đưa ra cứ liệu khoa học, thực tiễn nhằm góp phần phản bác, đấu tranh trước các lập luận xuyên tạc, sai trái đó.
TS.Bùi Nghĩa – ThS. Nguyễn Hữu Hoàng & ThS. Nguyễn Thị Thuỳ Nhung-ThS. Hồ Thức Tài/Học viện Chính trị KV2
Danh mục tài liệu tham khảo:
*Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và
con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, HN.
*Hà Anh (2020), “Việt Nam tăng vượt bậc trong Báo cáo Chỉ số hạnh phúc của Liên
hợp quốc”, Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đường dẫn:
https://bvhttdl.gov.vn/viet-nam-tang-bac-trong-bao-cao-chi-so-hanh-phuc-nam-
2020-20200322081743578.htm, ngày truy cập: 12/5/2023.
*Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII
(tập 1), Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, HN.
*Nguyễn Hữu Hoàng (2021), “Góp phần bàn về tính chính đáng trọng thực hiện vai trò
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với chính sách công”, Tạp chí Khoa
học: Chính sách và Quản lý, Vol. 37, No. 2(2021), tr. 1-8
*Trần Văn Huấn, Nguyễn Hữu Hoàng (2023), “Nhìn lại làn sóng thứ 4 đại đại dịch
COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bài học kinh nghiệm và khuyến nghị
chính sách”, Tạp chí Khoa học chính trị, số 01/2023, tr. 52-58
*Vũ Văn Hiền (2020), Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống
phá Đại hội XIII của Đảng (tâp 1), Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, HN.