Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Thiền sư – Đại Danh y Tuệ Tĩnh – Cuộc đời tu hành và sự nghiệp xây dựng nền y học cổ truyền Việt Nam

ĐNA -

Ngày 25/6/2023, tại Ban Tôn giáo Chính phủ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo đã tổ chức tọa đàm khoa học Thiền sư – Đại Danh y Tuệ Tĩnh – Cuộc đời tu hành và sự nghiệp xây dựng nền y học cổ truyền Việt Nam. Tới dự tọa đàm có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà văn, Chư Tôn Đức tăng ni, các tổ chức đơn vị… và các cơ quan thông tấn báo chí. Tọa đàm có gần 30 bài viết tham luận của các tác giả gửi để tham gia cuộc tọa đàm khoa học này. Tuy nhiên do thời gian, nên Ban tổ chức đã lựa chọn 12 bài viết tiêu biểu tham luận tại Toạ đàm.

Thiền sư Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh sinh năm 1330, ở tổng Văn Thái, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là tỉnh Hải Dương). Ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ và được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy nuôi dạy. Lúc 22 tuổi, dưới triều vua Trần Dụ Tông, ông thi đậu Thái học sinh nhưng ông không ra làm quan mà xuất gia đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Những ngày đi tu cũng là những ngày ông chuyên học thuốc, làm thuốc, cứu người, chữa bệnh cho dân.

Khung cảnh Tọa đàm khoa Thiền sư – Đại Danh y Tuệ Tĩnh – Cuộc đời tu hành và sự nghiệp xây dựng nền y học cổ truyền Việt Nam

Những năm ở trong nước, Tuệ Tĩnh đã chăm chú nghề thuốc: trồng cây thuốc, sưu tầm kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian, huấn luyện y học cho các tăng đồ. Ông đã tổng hợp y dược dân tộc cổ truyền trong bộ sách giá trị là bộ Nam dược thần hiệu chia làm 10 khoa. Đặc biệt, ông có bộ Hồng Nghĩa giác tư y thư (2 quyển) biên soạn bằng quốc âm, trong đó có bản thảo 500 vị thuốc nam, viết bằng thơ Nôm Đường luật, và bài “Phú thuốc Nam” 630 vị cũng bằng chữ Nôm.

Ông Trần Khánh Dư – Nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam), cho biết: Ý tưởng về cuộc tọa đàm khoa học này được ông ấp ủ từ vài chục năm trước. Năm 1987 khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuẩn bị tổ chức Đại hội Giáo hội toàn quốc, lúc ấy đời sống vật chất, xã hội về mọi mặt hết sức khó khăn, việc chữa bệnh bằng thuốc tây quả là rất khó. Vì thế đã có ý kiến đề xuất Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát động trồng thuốc Nam trong vườn chùa để chữa bệnh và phong trào xây dựng Tuệ Tĩnh đường trong Giáo hội Phật giáo được khởi động. Là người trực tiếp giúp Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện các công việc, trong đó có việc xây dựng Tuệ Tĩnh đường, nên ông đã dành thời gian tìm hiểu về Thiền sư Tuệ Tĩnh. Đến năm 2011 và những năm tiếp theo, liên tục có những bài viết, bài thơ của một số nhà văn, nhà thơ tâm huyết về lời trối trăng của Thiền sư. Có ý kiến cho rằng, dân tộc Việt Nam còn nợ một lời trăng trối của một vị Thiền sư, Đại Danh y, cụ Tổ của ngành Nam Y Dược Việt Nam, đã vì sự hòa hiếu của hai dân tộc mà phải bị đi cống nước người và gửi thân ở đó. Lại có ý kiến nhỏ trái chiều mang tính như là một gợi ý, lời khẩn cầu của Tuệ Tĩnh có thật hay không?

Ông Trần Khánh Dư, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo chính phủ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo khai mạc Tọa đàm khoa học Thiền sư – Đại Danh y Tuệ Tĩnh – Cuộc đời tu hành và sự nghiệp xây dựng nền y học cổ truyền Việt Nam và báo cáo Đề dẫn của Tọa đàm này.

Cũng theo ông Trần Khánh Dư, để chuẩn bị tốt cho buổi tọa đàm khoa học này, Trung tâm đã tổ chức hai cuộc điền dã về một số nơi để thu thập thêm thông tin.

Các đại biểu dự Tọa đàm đã phát biểu, tham luận khẳng định cốt cách của Thiền sư Tuệ Tĩnh, ảnh hưởng của ông, những giá trị y dược mà ông để lại cho hậu thế cần phải được phát huy, lan tỏa trong một không gian rộng lớn hơn nữa. Theo đó, Tuệ Tĩnh là vị Thiền sư – một thầy thuốc có ý chí kiên cường vượt qua số phận, có lý tưởng sống cao đẹp, có lòng yêu nước và tự tôn dân tộc cao độ, là tấm gương sáng cho mọi thế hệ noi theo. Triết lý chữa bệnh của Tuệ Tĩnh là dùng Nam dược trị Nam nhân là một triết lý đúng và đến ngày nay vẫn rất phù hợp. Giá trị Y học – Y dược Đông y mà ông đã kiến trúc nên và để lại cho hậu thế vô vùng giá trị. Bên cạnh đó, ông còn là một trong những diễn giả, nhà thơ song ngữ Hán – Nôm sớm nhất trong lịch sử…

Chủ tọa Tọa đàm khoa học: Tiến sĩ Bùi Hữu Dược, Giảng viên cao cấp Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chính Minh (bên phải); ông Trần Khánh Dư, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo chính phủ , Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo (ngồi giữa); và, Thượng tọa Tiến sĩ Thích Thanh Huân, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (bên trái).

Nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Ấn cho rằng: Thiền sư Tuệ Tĩnh đã tổng kết được nhiều phương pháp chữa bệnh của người Việt, xây dựng nên lý thuyết của nền y học dân tộc cổ truyền Việt Nam trong tác phẩm đồ sộ “Nam dược thần hiệu”, mà hơn 600 năm qua, tác phẩm ấy vẫn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của nền y học dân tộc Việt Nam.

Thạc sĩ, Đại đức Thích Thiện Thông, Trụ trì chùa Hồng Quang (Bà Rịa – Vũng Tàu) nhấn mạnh: Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh đã không dừng lại ở vị trí một thầy thuốc chữa bệnh, tổ chức cơ sở chữa bệnh trong nhà chùa và làng xóm. Có tài liệu cho biết, trong hơn 30 năm hoạt động ở nông thôn, Tuệ Tĩnh đã xây dựng 24 ngôi chùa, biến các chùa này thành nơi hoằng pháp truyền bá đạo Phật vừa là nơi làm y xá chữa bệnh.

Đại đức Thạc sĩ Thích Thiện Thông (bên phải), trụ trì chùa Hồng Quang (xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo trình bày tham luận với chủ đề .

Từ việc khẳng định nhân cách, cốt cách và những giá trị y dược Thiền sư Tuệ Tĩnh để lại, tại Tọa đàm, các đại biểu cũng tập trung bàn về việc hậu thế ngày nay nên ứng xử như thế nào với lời trăng trối của người xưa; ứng xử với những di tích mà tiền nhân đã khởi dựng; đề nghị các tổ chức hữu trách quan tâm và sớm lập hồ sơ đệ trình UNESCO xét vinh danh Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh là Danh nhân Văn hóa thế giới trong một tương lai không xa; thực hiện đề án phim tài liệu về Thiền sư Tuệ Tĩnh để ghi lại dấu ấn lịch sử và lưu truyền cho các thế hệ mai sau, để tri ân tiền nhân…

Lan Anh