Ngày 18/7/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 866/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, kế hoạch Chính phủ đề ra phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đất hiếm sẽ được khai thác tại 9 mỏ ở các tỉnh phía Bắc bao gồm Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái. Việt Nam đặt mục tiêu tăng sản lượng đất hiếm lên 2,02 triệu tấn khoáng sản chưa qua chế biến mỗi năm vào năm 2030. Sau năm 2030 sẽ có thêm thêm từ 3 đến 4 dự án khai thác mới nhằm nâng sản lượng đất hiếm thô lên 2,11 triệu tấn vào năm 2050.
Cũng trong kế hoạch, Việt Nam cũng sẽ đầu tư vào các cơ sở khai thác đất hiếm, với mục tiêu sản xuất hàng năm từ 20.000 tấn đến 60.000 tấn oxit đất hiếm riêng rẽ (REO) vào năm 2030. Kế hoạch trên nhằm mục đích tăng sản lượng REO hàng năm lên từ 40.000 tấn đến 80.000 tấn vào năm 2050.
Dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho thấy Việt Nam sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới – ước tính khoảng 22 triệu tấn – chỉ đứng sau Trung Quốc. USGS cho biết sản lượng đất hiếm của Việt Nam đã tăng lên 4.300 tấn vào năm ngoái, tăng từ con số 400 tấn vào năm 2021.
Đất hiếm được đánh giá là loại khoáng sản mang tính chiến lược, có giá trị đặc biệt. Là một nhóm các nguyên tố được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất điện tử, pin, chế tạo máy, công nghiệp hóa chất, luyện kim, chăn nuôi, trồng trọt khiến chúng trở nên quan trọng đối với quá trình chuyển đổi toàn cầu sang các nguồn năng lượng sạch hơn và trong lĩnh vực quân sự.
Điều kỳ diệu ở đất hiếm là chúng có thể tại ra loại nam châm mạnh hơn nhiều lần so với nam châm thông thường. Nếu không có các nguyên tố đất hiếm như neodymium, praseodymium và lanthanum, động cơ xe điện và ổ cứng máy tính sẽ không hoạt động được.
Bất chấp tên gọi, hầu hết các loại đất hiếm đều tương đối phong phú nhưng chúng không phải lúc nào cũng dễ dàng khai thác. Đến nay, Trung Quốc là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới nhờ nỗ lực phát triển ngành công nghiệp này trong nhiều thập kỷ.
Một nhà phân tích năng lượng tại ngân hàng đầu tư Benchmark của Mỹ, cho biết: “Đất hiếm và nhiều loại khoáng sản khác là nền tảng của quá trình chuyển đổi xanh mà chúng ta đang thấy ở Trung Quốc, Mỹ và khắp nơi trên thế giới”.
Năm ngoái, Trung Quốc chiếm khoảng 70% sản lượng đất hiếm của thế giới. Trung Quốc hiện sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới với tổng cộng 44 triệu tấn. Đứng ở vị trí thứ hai là Việt Nam với 22 triệu tấn, tiếp đến là Brazil với 21 triệu tấn. Một số nước như Nga, Ấn Độ, Mông Cổ cũng có đất hiếm nhưng trữ lượng ít hơn.
Trong khi đó, trữ lượng đất hiếm của Mỹ chỉ bằng hơn 5% của Trung Quốc. Năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ đánh giá khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng quan trọng của quốc gia và chỉ ra rằng, sự phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất nguyên liệu thô và nam châm từ đất hiếm là một lỗ hổng chiến lược. Ông Biden phát biểu vào năm ngoái: “Thực tế là chúng ta không thể xây dựng tương lai nếu phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên liệu cung cấp năng lượng cho các sản phẩm của ngày hôm nay và mai sau”.
Chy Lê