Theo WSJ, Cuộc phản công không như kỳ vọng của Ukraine đang ảnh hưởng đến nhiều tính toán chính trị của Tổng thống Biden trước khi Mỹ bước vào giai đoạn quan trọng của cuộc bầu cử tổng thống 2024. Nguy cơ về một cuộc xung đột không hồi kết có thể thử thách chiến lược của Tổng thống Joe Biden khi rót hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Nó cũng thách thức khả năng tiếp tục cung cấp vũ khí của phương Tây cho Kiev, đồng thời là cái cớ để các đối thủ chính trị tăng cường công kích ông Biden.
“Nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp, rõ ràng việc cung cấp vũ khí sẽ trở nên dễ dàng hơn”, John Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, người ủng hộ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev, nói. “Nhưng chính quyền Biden thực tế không có lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục cung cấp vũ khí”.
Việc bỏ rơi Ukraine và cho phép Nga giành chiến thắng, dù chỉ một phần, sẽ là “thất bại chính sách nghiêm trọng của Tổng thống Biden”, ông nhận định.
Tuy nhiên, giữ nguyên lộ trình hỗ trợ Ukraine lại tiềm ẩn một số rủi ro đối với ông Biden. Tổng thống Biden đã đặt nhiều kỳ vọng vào Ukraine, khi thông qua các gói viện trợ an ninh trị giá hơn 43 tỷ USD cho Kiev, với niềm tin rằng Nga sẽ “nhanh chóng bị đánh bại”.
Nhưng nỗ lực của ông đang đối mặt thách thức tại quốc hội từ một số đảng viên Cộng hòa. 13 thượng nghị sĩ Cộng hòa hôm 20/7 yêu cầu sửa đổi dự luật chi tiêu quốc phòng hàng năm, qua đó hạn chế khả năng tài trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, yêu cầu này không thành công và ủng hộ dành cho Ukraine vẫn mạnh mẽ trong các đảng viên Cộng hòa khác tại quốc hội.
Áp lực đối với Tổng thống Biden càng gia tăng khi ông phải tiến tới cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào năm sau. Hai trong số những ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa là cựu tổng thống Donald Trump và Thống đốc Florida Ron DeSantis đều đã ngụ ý rằng họ có thể sẽ giảm hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Trong khi đó, Nga cho thấy họ không có dự định ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột. “Tôi không nghĩ rằng họ thực sự quan tâm đến bất kỳ cuộc đàm phán nào về một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine vào thời điểm này”, Thomas Graham, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, trụ sở tại New York, Mỹ, nhận định.
“Kỳ vọng của tôi là các bạn sẽ thấy Ukraine đạt được tiến bộ đáng kể trong chiến dịch phản công, giúp họ có được một thỏa thuận thương lượng ở đâu đó dọc theo chiến tuyến”, Tổng thống Biden nói trong chuyến thăm Helsinki, Phần Lan, hồi đầu tháng.
Nhưng cuộc phản công của Ukraine, được phát động hồi đầu tháng 6, đến nay vẫn chưa đạt được bước đột phá nào đủ sức nặng để buộc Nga phải thay đổi ý định.
Với việc cả Nga và Ukraine đều không chịu nhượng bộ, Nhà Trắng hiện có rất ít lựa chọn ngoài việc tiếp tục chiến lược hiện nay, hy vọng về một bước đột phá chiến trường dành cho Kiev hoặc những rạn nứt chính trị mới ở Moskva, theo giới phân tích.
Giới chức Mỹ thừa nhận cuộc phản công đang diễn ra chậm chạp, nhưng lưu ý rằng còn quá sớm để đánh giá hiệu quả cho đến khi Ukraine triển khai thêm các lữ đoàn chiến đấu của mình, đặc biệt là những đơn vị đã được huấn luyện tại các căn cứ ở châu Âu.
“Nếu Ukraine triển khai lực lượng dự bị nhưng không thành công, lúc đó chúng ta sẽ phải quyết định con đường phía trước của mình”, một quan chức Mỹ nói.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 23/7 trên CNN, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết chiến dịch phản công của Ukraine vẫn ở giai đoạn đầu và Washington sẽ tiếp tục quan sát tình hình trong vòng vài tháng tới.
Sau nhiều tuần ém quân, Ukraine đã bắt đầu tung ra lực lượng chính với hàng nghìn lính và hơn 100 thiết giáp phương Tây để mở mũi tiến công lớn ở khu vực đông nam. “Đây là phép thử lớn. Kiev nói rằng chiến dịch này có thể kéo dài 1-3 tuần nếu thành công”, một quan chức Mỹ nói.
Nhiệm vụ của Kiev là rất khó khăn, một quan chức cấp cao châu Âu nhận xét, thêm rằng chính phủ của ông không đặt kỳ vọng quá cao về việc lực lượng Ukraine có thể đẩy lùi quân đội Nga khỏi toàn bộ lãnh thổ hay giành lại Crrimea.
Một thách thức khác mà Mỹ và các đồng minh phải đối mặt là dự trữ vũ khí chủ chốt đang cạn kiệt. Washington gần đây đã tìm cách giải quyết một phần vấn đề bằng cách cung cấp cho Kiev đạn chùm.
Phát biểu trước báo giới vào tuần trước tại Diễn đàn An ninh Aspen, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho hay Mỹ và phương Tây phải tiếp tục cung cấp vũ khí càng nhiều và càng nhanh càng tốt tới tay Ukraine.
Theo một nhà ngoại giao phương Tây ở Washington, Mỹ có thể phải chấp nhận rằng xung đột ở Ukraine sẽ không sớm kết thúc và các đồng minh cần chuẩn bị tiếp tế vũ khí cho Kiev trong nhiều năm.
“Câu trả lời duy nhất là chúng ta cần huy động nguồn lực trên quy mô công nghiệp để phát đi thông điệp rõ ràng tới cả Ukraine và Nga rằng Kiev sẽ luôn có những thứ họ cần”, nhà ngoại giao này nói.
Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ và đồng minh có quyết tâm tiếp tục hỗ trợ không nếu chiến dịch phản công của Ukraine vẫn bế tắc. Ưu tiên hàng đầu của Ukraine hiện tại là nhận tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất và nhanh chóng có được tiêm kích F-16.
Ukraine tin rằng đây là những vũ khí có thể giúp họ phá vỡ thế bế tắc trên chiến trường, nhưng các thành viên NATO ngần ngại chuyển giao chúng, do lo ngại sẽ khiến Nga phản ứng mạnh và châm ngòi đụng độ trực tiếp.
Phát biểu vào tuần trước tại Diễn đàn An ninh Aspen, Phó thủ tướng Canada Chrystia Freeland đã công khai bày tỏ lo lắng về nguy cơ các đồng minh phương Tây từ bỏ nỗ lực hỗ trợ Ukraine khi cuộc chiến kéo dài, làm cạn kiệt nguồn lực của họ. “Thực ra, nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi về Ukraine lại nằm ở chính chúng tôi”, bà nói.
Chy Lê