Ngày 10/8/2023, đã diễn ra tọa đàm khoa học chủ đề “Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Luật bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Tọa đàm do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng chủ trì tổ chức.
Phát biểu đề dẫn cuộc tọa đàm, GS TS Lê Văn Lợi – Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh: Bên cạnh các thành tựu đạt được, thực tiễn công tác bảo vệ môi trường ở nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập: Tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững; sản xuất và tiêu dùng có lúc, có nơi chưa gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trương; việc chấp hành Luật bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh môi trường của các hộ sản xuất, kinh doanh, nhất là ở các làng nghề còn yếu kém, trách nhiệm của nhiều doanh nghiệp còn thấp, vẫn chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ bảo vệ môi trường.
Trước bối cảnh trên, kinh nghiệm quản lý môi trường của thành phố Đà Nẵng có thể là bài học tốt cho các tỉnh, thành khác trong cả nước. Tọa đàm lần này diễn ra tại Đà Nẵng, nhằm mục tiêu kịp thời tham mưu và hoàn thiện các chính sách về bảo vệ môi trường cho Đảng và Nhà nước, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
Bảo vệ môi trường là mục tiêu ưu tiên nhất quán
“Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển. Nhiều chủ trương, chính sách được ban hành và thực thi. Ngay từ năm 1998, Bộ chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; năm 2004 Bộ chính trị ban hành thêm Nghị quyết số 41-NQ/TW về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, GS TS Lê Văn Lợi khẳng định.
Được biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng thể hiện rất rõ quan điểm: “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Bên cạnh đó, quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo xuyên suốt của Đảng cũng thể hiện qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, năm 2020; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đầu năm 2022.
Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng phát triển bền vững về môi trường ở Việt Nam. Và thực tế cũng cho thấy, bên cạnh tăng trưởng kinh tế tương đối cao, công tác bảo vệ môi trường đã đạt được nhiều kết quả tích cực: diện tích che phủ rừng được đã khôi phục, ý thức bảo vệ môi trường của chính quyền, doanh nghiệp và người dân đã từng bước được nâng lên. Kinh tế tuần hoàn đã được chú ý phát triển ở một số địa phương.
Kinh nghiệm Đà Nẵng góp phần hoàn thiện chính sách bảo vệ môi trường
GS TS Lê Văn Lợi khẳng định, Đà Nẵng là thành phố đầu tàu của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung, có tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh; và các cấp chính quyền Đà Nẵng cũng rất quyết liệt trong bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế.
Đà Nẵng đã huy động các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, vốn vay ODA, vốn của doanh nghiệp cho việc đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị để nâng cao năng lực quan trắc, phân tích môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường, kiểm soát ô nhiễm; đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, vì một mục tiêu bao trùm, “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030”, Đà Nẵng luôn đưa ra sáng kiến, hành động cụ thể và cũng luôn đạt được tính thống nhất trong quan điểm chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền và nhát là người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, trong tham gia quản lý, xử lý, bảo vệ môi trường cho thành phố. Góp phần làm nên Đà Nẵng, một thành phố xanh-sạch-đẹp, một thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Trong những năm gần đây, Đà Nẵng luôn dẫn đầu bảng xếp hạng các tỉnh, thành về chỉ số bảo vệ môi trường. Mới đây (tháng 6/2023), cũng tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo quốc tế “Sáng kiến địa phương – Hợp tác và Phát triển vì Môi trường Việt Nam”.
Với tinh thần Xanh của mục tiêu tăng trưởng, của phát triển, hội thảo đặt ra vấn đề lớn, rằng “Kinh nghiệm Đà Nẵng góp phần hoàn thiện chính sách bảo vệ môi trường ở tầm quốc gia”.
Ban tổ chức phân tích và cho rằng, hội thảo sẽ tập trung đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy đối với việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn; khả năng chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang tăng trưởng xanh ở Đà Nẵng. Điều này đưa đến những phân tích, đánh giá toàn diện các kết quả đạt được, song hành, là những vấn đề đặt ra trong quá trình tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội XIII và Luật bảo vệ môi trường của cấp ủy Đảng các cấp, đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt là đánh giá, đúc kết bài học kinh nghiệm về nhận thức và vai trò của các cấp uỷ các cấp, các ngành trong cụ thể hoá những nội dung quan trọng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng như của Luật Bảo vệ môi trường trên chính địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Hội thảo cũng thu hoạch những bài học kinh nghiệm (thành tựu) và những vấn đề đặt ra (hạn chế, bất cập, nguyên nhân) từ thực trạng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp trên địa bàn Tp Đà Nẵng thành tựu hạn chế.
Và nội dung rất quan trọng khác, đó là bối cảnh kinh tế, xã hội mới, định hướng phát triển các mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu đô thị sinh thái; giải pháp lãnh đạo thực hiện Nghị quyết XIII về bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp ở TP Đà Nẵng trong thời gian tới sẽ bao gồm những giải pháp, mô hình về cách làm như thế nào ? Từ Đà Nẵng, các địa phương bạn trên cả nước được gợi ý mô hình, sáng kiến nào là phù hợp với đặc thù riêng của mỗi vùng miền, mỗi tỉnh, thành phố.
Rút ra gì từ những mô hình của Đà Nẵng: Kinh tế tuần hoàn – Ứng phó Biến đổi khí hậu
Theo Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu KTXH Đà Nẵng, ông Đặng Đình Đức, trong thực tế các mô hình kinh tế tuần hoàn (mà Đà Nẵng) đã triển khai hoặc thí điểm (triển khai) đều ở quy mô nhỏ, và phần lớn chưa được đo lường, đánh giá để có thể nhân rộng. Thậm chí, các sáng kiến về kinh tế tuần hoàn đã được triển khai hoặc thí điểm (triển khai) vẫn ít được biết đến, và chưa hề được nhân rộng. Đà Nẵng vẫn “chưa rà soát được tổng thể” để “lựa chọn được lĩnh vực trọng tâm ưu tiên nguồn lực” mà (tập trung) phát triển, sau đó, “tạo lan tỏa đến các lĩnh vực còn lại” của nền kinh tế (thành phố).
Do vậy, ngoài nhận thức, kiến thức và kỹ năng của người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và các bên (có liên quan đến kinh tế tuần hoàn) là chưa đầy đủ; các bên có trách nhiệm cũng chưa có tầm nhìn, mục tiêu và lộ trình để thực hiện. Bởi còn thiếu các chương trình điều tra kinh tế xã hội bài bản và nguồn lực cho thực hiện chuyển đổi sang phát triển kinh tế tuần hoàn còn thiếu và yếu. Trong khi đó, khâu tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tín dụng xanh để đầu tư chuyển đổi dây chuyền sản xuất sang công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, lại còn những hạn chế, khoảng cách.
Rõ ràng, cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật về kinh tế tuần hoàn tuy đã có, nhưng chưa triển khai được vào thực tế; nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn chưa được phát triển.
Ngay cả hệ thống quản lý chất thải rắn của thành phố, cho đến hiện nay, vẫn chưa hỗ trợ cho nhiệm vụ thực hiện “tuần hoàn chất thải”; hệ thống thu gom còn yếu, tỷ lệ tái chế thấp. Một số tài sản, công trình công cộng chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả . Trong khi đó, lại chưa huy động tối đa sự tham gia của người dân, lhu vực tư nhân vào các hoạt động quản chất thải, thị trường dịch vụ môi trường chưa phát triển.
Trong khuôn khổ hội thảo, chủ đề “Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; cũng được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đưa ra, với những nhìn nhận sát thực tế.
Trong đó về nguồn lực, Đà Nẵng đã và đang thúc đẩy, huy động hiệu quả các nguồn (từ tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ tài chính đến kêu gọi ủng hộ, chia sẻ bằng các hình thức hỗ trợ kỹ thuật), nhằm triển khai thành công đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” trên địa bàn, giai đoạn mới. Tổng kinh phí dự kiến huy động cần đạt được (giai đoạn 2021-2024) là trên 83 tỷ đồng (tài trợ, hỗ trợ). Vấn đề cần đặt ra là “phải xem xét tăng cường nguồn lực tài chính từ trung ương cho địa phương”, Đà Nẵng mới hy vọng có đủ “nguồn lực”, thực hiện các chương trình mục tiêu về môi trường.
Thành phố Đà Nẵng là 1 trong 5 địa phương được xếp hạng thực hiện bộ chỉ số PEPI ở mức tốt (mức cao nhất). Năm 2021, thành phố Đà Nẵng có kết quả đạt vị trí thứ nhất (tại Quyết định số 3979/QĐ-BTNMT ngày 30/12/2022). Do vậy, Đà Nẵng nói riêng, các địa phương được xếp hạng mức tốt đối với bộ chỉ số PEPI, rất cần “chính sách đặc thù”, để hoàn thành xây dựng các mục tiêu về môi trường. Đơn cử như Đà Nẵng đã xác định mục tiêu của thành phố về xây dựng “thành phố môi trường”, là hướng tới “đô thị sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý môi trường biển”.
Nhưng trong thực tế, do chưa đủ nguồn lực, kể cả về mặt kỹ thuật và tài chính, trong thực hiện các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu (công trình và phi công trình), các khâu tổ chức điều tra cơ bản tài nguyên, hệ sinh thái, lập quy hoạch các nguồn tài nguyên, đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng môi trường,…trên địa bàn thành phố, ngành chức năng Đà Nẵng luôn gặp rất nhiều khó khăn.
Công tác đầu tư hệ thống giám sát, quan trắc về khí tượng thủy văn, khí tượng hải văn, chất lượng môi trường, hệ thống kiểm soát tình trạng xâm nhập mặn, lũ, lũ quét trên các lưu vực sông, tình trạng hải văn, xói lở bờ biển còn rất hạn chế (thậm chí mạng lưới quan trắc rất mỏng và công nghệ thủ công), bởi nguồn kinh phí đầu tư ban đầu quá lớn.
Bên cạnh đó, để khuyến khích đầu tư liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu (đối với lĩnh vực Y tế địa phương); không riêng Đà Nẵng, nhiều địa phương đang cần cơ chế, chính sách cụ thể, chuyên biệt đối với lĩnh vực y tế. Có vậy mới khai phóng, huy động được nguồn lực./.
Trần Ngọc