Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Chính thức khai trương và vận hành Trung tâm IOC Đà Nẵng: Mô hình “thông minh” mới và khác



ĐNA -

Ngày 14/8/2023, Trung tâm IOC (Intelligent Operation Center) Đà Nẵng – hợp phần quan trọng được xác định trong Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh của Đà Nẵng và trong Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh của Bộ Thông tin và Truyền thông, đã chính thức khai trương, đi vào vận hành. Trước đó, thành phố Đà Nẵng đã có thời gian thí điểm triển khai (theo dạng mini IOC); trung tâm chuyên ngành camera giao thông (OC giao thông), camera an ninh (OC an ninh).

Cắt băng khánh thành Trung tâm IOC Đà Nẵng. Ảnh trong bài: T.Ngọc.

Theo ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng: “Trung tâm này kế thừa kết quả triển khai, đặc biệt là hạ tầng và dữ liệu số; là hạt nhân lan toả, thúc đẩy mục tiêu đến năm 2030 “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN” được xác định tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045”.

IOC Đà nẵng – một mô hình “thông minh” mới và khác
Khác với nhiều địa phương trên cả nước, thành phố Đà Nẵng xây dựng Trung tâm IOC theo mô hình kế thừa cơ sở dữ liệu hiện có, trang bị công cụ phân tích (tập trung) tại 1 nơi (IOC cấp thành phố ); các quận, huyện, sở ngành (hay trung tâm điều hành OC) được phân quyền dùng chung, cung cấp thông tin cảnh báo để chỉ đạo, điều hành, xử lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Thông qua các dữ liệu được gửi về để sử dụng phân tích, IOC thành phố phát hiện và cảnh báo sớm các vấn đề, tình huống bất thường liên quan đến hoạt động của đô thị, thông tin cho các cơ quan chức năng để xử lý; dữ liệu này cũng hỗ trợ cho Trung tâm chỉ huy tập trung của thành phố (được thành lập nhằm xử lý các tình huống khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh,…)

“Khai trương Trung tâm IOC hôm nay chính là điểm nhấn quan trọng và là bước tiến lớn trong quá trình triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh của thành phố Đà Nẵng. Sự kiện đưa vào hoạt động Trung tâm IOC hôm nay cũng thể hiện cam kết, quyết tâm cao nhất của lãnh đạo thành phố trong triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.

Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng: Sự kiện này thể hiện cam kết, quyết tâm cao nhất của lãnh đạo thành phố.

Song song với yêu cầu triển khai chuyển đổi số trong các lĩnh vực; đồng thời, thành phố Đà Nẵng cũng triển khai mô hình chính quyền đô thị, trong đó, rất cần giám sát việc thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp, uỷ quyền; do vậy, chính quyền thành phố Đà Nẵng thực sự cần có một Trung tâm giám sát, điều hành như thế này. Và chúng tôi đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ triển khai từ năm 2020”, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh.

Người dân, doanh nghiệp luôn là trung tâm đáp ứng và phục vụ của mọi ứng dụng thông minh
Theo ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, với cách tiếp cận Chính sách, Khung kiến trúc để định hướng; Hạ tầng, Dữ liệu làm nền tảng; Ứng dụng thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đánh giá hiệu quả; Trung tâm IOC là nơi thu thập, tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị trên tất cả các lĩnh vực để giám sát, phân tích, hiển thị, từ đó giúp lãnh đạo các cấp chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách, tối ưu hóa quá trình ra quyết định và quản lý hiệu quả các nguồn lực của thành phố, cung cấp các dịch vụ chất lượng cho người dân, doanh nghiệp.

Được biết, Trung tâm IOC Đà Nẵng là mô hình mới, áp dụng công nghệ mới, sử dụng dữ liệu số; đặc biệt là yêu cầu cao về quy trình, nghiệp vụ liên ngành; nên sau thời gian thí điểm, rút kinh nghiệm về hiệu quả; Đà Nẵng chính thức đưa vào vận hành với quy mô giai đoạn 1.

“Việc triển khai Trung tâm IOC là mô hình mới, mức độ tích hợp cao, phức tạp; chưa có tiền lệ, chưa có hướng dẫn mô hình hoàn chỉnh, toàn diện cả về kiến trúc hệ thống, bộ máy tổ chức vận hành cho các địa phương tham khảo áp dụng.

“Cách tiếp cận của Đà Nẵng là thí điểm quy mô nhỏ, vừa làm vừa điều chỉnh, hoàn thiện, từng bước tối ưu và mở rộng, … “ – ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

Do đó, để đảm bảo kế thừa hạ tầng, dữ liệu, các ứng dụng hiện có của thành phố, đảm bảo về hiệu quả đầu tư và hoạt động của Trung tâm IOC, cách tiếp cận của thành phố là thí điểm quy mô nhỏ, vừa làm vừa điều chỉnh, hoàn thiện, từng bước tối ưu và mở rộng, tuân thủ theo Khung Kiến trúc”, ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, chia sẻ.

Trong giai đoạn 1 vận hành, IOC thành phố vẫn là Trung tâm giám sát điều hành cấp cao nhất của thành phố, là đầu mối thu thập thông tin, dữ liệu từ các IOC chuyên ngành, quận huyện và các hệ thống ứng dụng, cảm biến IoT, phân tích, đưa ra số liệu tổng hợp về tình hình hoạt động của thành phố. Từ đó, lãnh đạo thành phố có thông tin chỉ đạo và điều hành, đồng thời chia sẻ thông tin cho các cơ quan liên quan phục vụ quản lý nhà nước, công khai, minh bạch cho người dân, doanh nghiệp phục vụ triển khai chính quyền đô thị. IOC quận huyện, IOC chuyên ngành giữ vai trò là các trung tâm giám sát, điều hành theo địa bàn địa lý của quận, huyện; theo lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành.

Tuỳ vào chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước, các IOC được phân cấp tiếp nhận các thông tin, dữ liệu do IOC thành ph phân tích và chia sẻ để phục vụ công tác giám sát, điều hành, dữ liệu, .. Các ứng dụng, hệ thống của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng cũng sẽ được Trung tâm IOC thu thập, sử dụng lại, kết nối tập trung và thực hiện giám sát trên hệ thống, tạo ra các nhóm dịch vụ đô thị thông minh từ nhiều nguồn khác nhau như dữ liệu từ ứng dụng chính quyền điện tử (dịch vụ công, phản ánh – góp ý, y tế – khám chữa bệnh, giáo dục, chỉ tiêu kinh tế – xã hội,…).

Hệ dữ liệu từ các hệ thống quản lý đô thị thông minh (quan trắc môi trường, thu gom, xử lý nước thải, theo dõi mưa, ngập, giám sát tàu cá, phân tích camera,…) và dữ liệu từ các doanh nghiệp, từ cộng đồng triển khai… (đo mưa, camera…). Việc giám sát, cảnh báo, điều hành vừa theo hình thức biểu diễn trực quan trên biểu đồ (dashboard) vừa trên bản đồ số với thông tin hiện trường từ các thiết bị cảm biến IoT.

Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ, ngành TƯ và Thành phố Đà Nẵng tham quan Trung tâm IOC Đà Nẵng.

Đối với người dân, ngoài thụ hưởng các nhóm dịch vụ đô thị thông minh do chính quyền và ngành chức năng thành phố cung cấp; còn được trực tiếp sử dụng các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh trên ứng dụng Danang mart City, kịp thời. Người dân luôn nhận được thông báo khi có các tình huống xấu, khẩn cấp xảy ra trên địa bàn… Điều này góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho cộng đồng.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng xác định xây dựng thành phố thông minh là quá trình lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn trưởng thành và phát triển; cùng chiến lược tiếp cận theo 3 trục “Hạ tầng – Dữ liệu và Thông minh”. Với phương châm “Chính sách, Khung kiến trúc để định hướng; Hạ tầng, Dữ liệu làm nền tảng; Ứng dụng thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đánh giá hiệu quả”.

“Các ngành, địa phương phải chia sẻ, đồng bộ, cập nhật dữ liệu chuyên ngành đầy đủ, chính xác, kịp thời về Trung tâm IOC phục vụ chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo thành phố, tránh tình trạng cát cứ dữ liệu, đảm bảo tuân thủ mô hình quản trị dữ liệu đã ban hành.

Trung tâm IOC hoạt động dựa trên dữ liệu, là nơi tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị trên tất cả các lĩnh vực để giám sát, phân tích, hiển thị và hỗ trợ ra quyết định, chỉ đạo điều hành. Do đó, triển khai Trung tâm IOC là trách nhiệm của tất cả sở, ngành, địa phương.

Trung tâm IOC hoạt động dựa trên dữ liệu.

Người đứng đầu các ngành, địa phương có phân công bộ phận, cá nhân để sử dụng thông tin, dữ liệu từ IOC trong hoạt động, trong họp giao ban, phục vụ chỉ đạo, điều hành; đặc biệt là trong nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, xử lý đơn thư của công dân.

Từ thông tin phân tích của Trung tâm IOC, tổ chức cung cấp các thông tin, thông báo, hướng dẫn cần thiết cho liên quan đến an sinh, đời sống xã hội, tiện ích/dịch vụ công,… qua App danang Smart city, Cổng Thông tin điện tử thành phố, Đài phát thanh Truyền hình thành phố và các kênh chính thống khác” – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh yêu cầu.

Đại diện Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) khẳng định thêm rằng “Trong hệ sinh thái Thành phố thông minh, Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) là hạt nhân cốt lõi. Đây là bộ “vi xử lý” có chức năng kết nối giữa các chủ thể: Người dân, Doanh nghiệp và Chính quyền thành phố. Nhờ có hệ thống này, các ý kiến góp ý, phản ánh của người dân, doanh nghiệp được chính quyền dễ dàng tiếp nhận và xử lý. Thông qua IOC, khối lượng thông tin dữ liệu lớn, đa lĩnh vực nhanh chóng được phân tích, tổng hợp, giúp hỗ trợ các cấp lãnh đạo đưa ra quyết định, chỉ đạo, điều hành kịp thời. Đồng thời công cụ này cũng sẽ tạo áp lực để các ngành, các lĩnh vực cùng chuyển đổi số, thúc đẩy hiện thực hoá các mục tiêu về Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số.

“Trung tâm IOC Đà Nẵng thức đẩy các ngành, các lĩnh vực cùng chuyển đổi số, thúc đẩy hiện thực hoá các mục tiêu về Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số” – đại diện Viettel.

Đặc biệt, khác với những dự án trước, Trung tâm IOC thành phố Đà Nẵng là Trung tâm giám sát, điều hành thông minh đầu tiên mà Viettel triển khai trên mô hình toàn diện, với phạm vi quy mô lớn nhất bao gồm IOC cấp thành phố, 07 trung tâm điều hành (OC) cấp quận/huyện và các OC chuyên ngành (y tế, giáo dục, công thương,…). Đây cũng là dự án có quy mô lớn đầu tiên, sau khi Viettel và UBND TP Đà Nẵng chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác (về Chuyển đổi số và Xây dựng thành phố thông minh, vào tháng 10/2021)./.

T.Ngọc