Chuyển đổi số đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi phương diện của đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, việc nâng cao khả năng thích ứng xã hội của người dân, các nhóm xã hội đối với tiến trình này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Từ một cuộc nghiên cứu cắt ngang, khảo sát 364 người dân Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết này sử dụng phần mềm SPSS phiên bản 25.0 để phân tích một cách tương đối toàn diện, khách quan mức độ nhận thức, hiểu biết và thái độ của người dân Thành phố đối với chuyển đổi số, cụ thể là các nền tảng số.
Kết quả cho thấy, sự hiểu biết của người dân đối với 27 loại công nghệ số lõi, phổ biến hoặc được thiết kế riêng cho cư dân Thành phố là tương đối thấp (trung bình: 5.06/10 điểm). Kiểm định One-way ANOVA cho thấy, các nhóm có thu nhập thấp, hộ nghèo, sinh kế bấp bênh đối diện với “bất bình đẳng số” nhiều hơn so với các nhóm còn lại. Tuy đối mặt với nhiều khó khăn, rào cản như tính bảo mật, an toàn mạng (76.1%), tin xấu, độc, giả (36.6%),… nhưng phần đa các ý kiến đều thể hiện sự ủng hộ và đánh giá tích cực về những tiện ích to lớn, chưa có tiền lệ có được từ quá trình chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Qua đây, chính quyền Thành phố cần đẩy mạnh truyền thông, tăng cường tập huấn năng lực số cho người dân; đồng thời chú ý giảm thiểu gánh nặng số cho các nhóm thiểu số trong xã hội.
Đặt vấn đề
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4) và quá trình chuyển đổi số đã trở thành quy luật, là hiện thực của xã hội; đã và đang tác động trực tiếp, toàn diện đến mọi mặt của đời sống xã hội. Dù còn nhiều quan điểm khác nhau nhưng chuyển đổi số được hiểu là quá trình thay đổi một cách tổng thể và toàn diện phương thức hoạt động (cách sống, làm việc, quản lý và phương thức lao động, sản xuất) của xã hội trên môi trường số gắn liền với ứng dụng các công nghệ số tuy nhiên phải giữ được giá trị và triết lý cốt lõi. Do đó, mọi thành phần, nhóm xã hội, cơ quan, tổ chức đều ít nhiều chịu tác động sâu sắc của CMCN4 và quá trình chuyển đổi số. Ở Việt Nam, chuyển đổi số vẫn là vấn đề khá mới mẻ và chỉ mới được thảo luận sôi nổi từ năm 2018.
Để có thể tận dụng thời cơ của CMCN4, sớm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại đến năm 2045, trở thành quốc gia hùng cường, ngay từ năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trên cơ sở đó, trong năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 chiến lược quan trọng để cụ thể hoá Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đó là Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng về ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến năm 2030.
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, trong những năm qua, đây là một trong số địa phương tiên phong trong việc xây dựng chương trình, đề án thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện; đẩy mạnh triển khai xây dựng đô thị thông minh, thành phố thông minh, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, quan tâm đến quá trình hiện đại hoá nền hành chính,… với nhiều kết quả khả quan. Uỷ ban Nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 6179/QĐ-UBND ngày 23/11/2017 phê duyệt Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 03/7/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh tầm nhìn đến năm 2030,… Tuy vậy, các kết quả này vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn và cả tiềm ẩn nguy cơ tạo nên tính thiếu bền vững cho quá trình chuyển đổi số cũng như sự thích ứng xã hội của người dân, chính quyền. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp Thành phố tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến thời gian gần đây vốn là tiêu chí quan trọng nhất đánh giá chính quyền số vẫn chưa được như kỳ vọng. Nghịch lý phản ánh khả năng thích ứng xã hội của người dân đối với chuyển đổi số còn được thể hiện ở chỗ: Số người sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương theo báo cáo của PAPI năm 2020 và 2021 khá thấp so với nhiều địa phương khác dù tỷ lệ tiếp cận và sử dụng Internet của người dân cao hàng đầu cả nước. Ngoài ra, tiêu chí “cung cấp dịch vụ công”, “quản trị điện tử” theo Báo cáo PAPI năm 2021 của Thành phố Hồ Chí Minh đạt điểm số ở nhóm cao nhưng khả năng tiếp cận, sử dụng các tiện ích này của các nhóm xã hội vẫn còn nhiều điều phải xem xét, nghiên cứu. Đây chính là thách thức trong quá trình thích ứng của người dân Thành phố đối với tiến trình chuyển đổi số.
Ở góc độ khoa học, nghiên cứu về thích ứng xã hội đối với chuyển đổi số, thông qua các chiều cạnh căn bản như nhận thức, thái độ, sự hiểu biết cũng như khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ số vẫn là chủ đề khá mới mẻ và phức tạp trong lĩnh vực khoa học xã hội. Hiện chủ đề này còn nhiều sự thiếu hụt và khoảng trống về nội dung, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu. Dường như vẫn còn khá hiếm hoi các nghiên cứu về thích ứng xã hội của người dân đối với quá trình chuyển đổi số được thực hiện ở đô thị phát triển bậc nhất và đang triển khai quyết liệt, toàn diện, thực chất để xây dựng đô thị thông minh, chương trình chuyển đổi số như Thành phố Hồ Chí Minh.
Do đó, bài viết tập trung phân tích nhận thức và thái độ của người dân đối với tiến trình chuyển đổi số, cụ thể là đối với chức năng, tính tiện ích của các loại công nghệ số căn bản, các nền tảng số phổ biến hiện nay cũng như các ứng dụng số được thiết kế riêng cho cư dân Thành phố:
Phương pháp nghiên cứu:
Nghiên cứu này đã tiến hành khảo sát xã hội học bằng bản câu hỏi được thiết kế sẵn nhằm thu thập thông tin cần thiết để phân tích khả năng thích ứng xã hội của người dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với tiến trình chuyển đổi số, nền tảng số được thể hiện ở chiều cạnh nhận thức – thái độ. Mẫu được chọn mẫu theo kiểu phi xác suất (non-probability sampling) và có chủ đích với có 364 người dân của Thành phố Hồ Chí Minh tham gia nghiên cứu này. Theo đó, có 53.8% nam, 46.2% nữ; 98.9% dân tộc Kinh và 1.1% dân tộc thiểu số; 84.6% có trình độ đại học, sau đại học, 15.4% ở các trình độ khác; 60.3% đủ chi tiêu hàng tháng, 29.7% thu nhập hàng tháng không đủ chi tiêu; 90.1% thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng và 9.9% là hộ nghèo theo chuẩn mới của Thành phố. Dữ liệu được phân tích trên phần mềm SPSS phiên bản 25.0.
Kết quả và bàn luận
Hiểu biết của người dân Thành phố đối với chuyển đổi số
Mức độ nhận thức và sự hiểu biết của người dân về các chức năng, tiện ích cũng như ý nghĩa tồn tại của các loại công nghệ số, nền tảng số và tiện ích số là điều kiện quan trọng, có ảnh hưởng đến khả năng thích ứng xã hội của họ đối với quá trình chuyển đổi số. Ở phần này, nhóm nghiên cứu tập trung xây dựng, khảo nghiệm mức độ hiểu biết của người dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với một số loại công nghệ số cơ bản, gần gũi và tương đối phổ biến ở các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, được các cơ quan quản lý Nhà nước khuyến cáo tiếp cận, sử dụng; đặc biệt, một số ứng dụng số được thiết kế dành riêng cho công dân Thành phố khai thác, sử dụng trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh thời gian qua (xem Biểu đồ 1).
Biểu đồ 1: Mức độ hiểu biết (điểm) và số giờ sử dụng công nghệ số/ngày của người dân Thành phố
Ghi chú: Mức độ ủng hộ: Điểm trung bình (1.0 – 1.80): Rất không ủng hộ; Điểm trung bình (1.81 – 2.61): Không ủng hộ; Điểm trung bình (2.62 – 3.42): Phân vân; Điểm trung bình (3.43 -4.23): Ủng hộ và Điểm trung bình (4.24 – 5.0): Rất ủng hộ.
Nguồn: Kết quả khảo sát.
Kết quả khảo sát cho thấy, trong số 364 người dân được khảo sát, mức độ hiểu biết về 27 loại công nghệ số ở Biểu đồ 1 là tương đối thấp, ở mức điểm trung bình (5.06 điểm/10 điểm). Ở thang đánh từ 0 đến 10 điểm, phần đa các ý kiến được khảo sát đều ở thang điểm thấp và trung bình. Trong đó, mức độ hiểu biết của người dân thuộc nhóm tốt nhất chủ yếu tập trung vào một số loại công nghệ số phổ biến, khá quen thuộc lâu nay trong sinh hoạt xã hội lần lượt như điện thoại thông minh có kết nối Internet/Wifi (6.26/10 điểm), mạng xã hội (6.25/10 điểm), máy vi tính (6.13/10 điểm). Một số ứng dụng, tiện ích số khác có mức độ hiểu biết của người dân tương thấp hơn, đáng kể như apps Google Maps (5.96/10 điểm), thẻ căn cước công dân gắn chip (5.95/10 điểm) hay apps Internet-banking (5.92/10 điểm). Từ Biểu đồ 1, một số vấn đề đáng lo ngại về sự hiểu biết, nhận thức của người dân đối với tiến trình chuyển đổi số nói chung, đặc biệt đối với tính năng, tiện ích của một số loại công nghệ số khá phổ biến, được khuyến cáo sử dụng hay được thiết kế riêng cho cư dân Thành phố. Cụ thể:
Trước hết, nhiều ứng dụng số, tiện ích số được các cơ quan quản lý nhà nước khuyến cáo, tuyên truyền, vận động người dân sử dụng như là giải pháp từng bước xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, xây dựng xã hội số, công dân số và lối sống số như apps định danh điện tử VN-eID (5.62/10 điểm), apps VssID thẻ bảo hiểm y tế điện tử (5.35/10 điểm) có điểm số hiểu biết khá thấp. Cá biệt, mức hiểu biết các ứng dụng số sau đây còn dưới mức trung bình như hộ chiếu điện tử (4.76/10 điểm), các cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến có mức hiểu biết rất thấp: Cổng dịch vụ công của Thành phố (4.47/10 điểm), Cổng dịch công quốc gia (4.24/10 điểm), Cổng dịch vụ công Bộ Công an (4.19/10 điểm),… trong khi các tiện ích số này liên quan trực tiếp hằng ngày đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; đồng thời là giải pháp được kỳ vọng tháo gỡ mặt trái, tồn tại của nền hành chính quan liêu, nhũng nhĩu trước đây. Lấy việc sử dụng VN-eID làm ví dụ, qua thông tin báo chí, nhiều người dân Thành phố cho rằng vẫn còn nhiều bất cập như sai sót dữ liệu về thông tin cư trú, không thể tích hợp với giấy phép lái xe ô tô, xe máy, bị gây khó dễ khi người dân nộp thuế, làm thủ tục tại sân bay, làm thủ tục khám chữa bệnh và bất ngờ hơn, trong ứng dụng xuất hiện “người lạ” là con, cháu, chủ hộ. Đây chính là rào cản đối với quá trình tiếp cận, sử dụng và niềm tin của người dân vào chuyển đổi số mà Thành phố đang nỗ lực thực hiện.
Kế đến, nhiều ứng dụng số được thiết kế riêng phục vụ cho người dân Thành phố hướng đến xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số nhưng chính người dân cũng chưa thực sự quan tâm tìm hiểu và vì vậy mức độ hiểu biết, nhận thức rất thấp (dưới 5.0/10 điểm) (xem Biểu đồ 1). Trên Trang thông tin điện tử “Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh”, nhiều ứng dụng số, tiện ích số đã được thiết kế riêng cho cư dân Thành phố, chẳng hạn như “apps thông tin xe buýt Thành phố” (4.51/10 điểm), “apps thông tin quy hoạch Thành phố” (4.47/10 điểm), “apps các vấn đề giao thông của Thành phố” (4.47/10 điểm), “apps UDI Maps cảnh báo ngập” (4.21/10 điểm) hay “Cổng 1022” (3.7/10 điểm),… có điểm số phản ánh mức độ hiểu biết về tiện ích, tính năng của các ứng dụng này rất thấp. Đặc biệt, Cổng dịch vụ công trực tuyến của Thành phố Hồ Chí Minh tại địa chỉ: https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn/, nơi đầu mối tiếp nhận, tư vấn và giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính công theo hình thức trực tuyến 1 phần hay toàn trình hơn 1000 thủ tục hành chính khác nhau ở nhiều lĩnh vực, tích hợp 40 phần mềm một cửa điện tử của các sở, ngành, quận, huyện làm một nhằm hướng đến quản trị hiện đại và chính quyền số, phục vụ trực tiếp quyền và lợi ích chính đáng cho người dân và doanh nghiệp nhưng mức độ hiểu biết, nhận thức của các chủ thể này chưa thực sự tốt (4.47/10 điểm).
Các phát hiện quan trọng trên đây cho phép nhóm nghiên cứu đặt ra vài giả thuyết. Đầu tiên, phải chăng công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách xây dựng thành phố thông minh và hơn 2 năm gần đây về chuyển đổi số, đặc biệt là các sản phẩm, ứng dụng công nghệ số phục vụ trực tiếp cho người dân Thành phố trong quá trình này là chưa tốt và hữu hiệu? Kế đến, nếu giả thuyết đầu tiên bị bác bỏ thì liệu rằng, người dân Thành phố đang gặp khó khăn, rào cản nhất định trong tìm hiểu, tiếp cận và sử dụng các ứng dụng số, tiện ích số (ở Biểu đồ 1) trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội? Các giả thuyết này sẽ lần lượt được kiểm chứng ở các phần tiếp theo trong nghiên cứu này.
Tiến hành kiểm định One-Way ANOVA giữa mức độ nhận thức, hiểu biết về việc sử dụng điện thoại thông minh có kết nối Internet/Wifi (có điểm số nhận thức cao nhất trong số 27 loại công nghệ số ở Biểu đồ 1) với tình trạng thu nhập hằng tháng của người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, về mặt thống kê:
Bảng 1: Kiểm định sự khác biệt giữa mức độ hiểu biết về sử dụng điện thoại thông minh có kết nối Internet/Wifi với tình trạng thu nhập hằng tháng
Ghi chú: * mức ý nghĩa thống p-value = 0.05.
Nguồn: Kết quả khảo sát.
– Có sự khác biệt về mặt thống kê giữa mức độ hiểu biết, nhận thức về tính tiện ích, công dụng của điện thoại thông minh có kết nối Internet/Wifi ở các nhóm dân cư có mức thu nhập khác nhau hằng tháng tại Thành phố Hồ Chí Minh (mức ý nghĩa nghiên cứu p-value = 0.00). Theo đó, nhóm cư dân hằng tháng đủ chi tiêu và có dư, hay vừa đủ chi tiêu (không có dư) hoặc khi đủ, khi không đủ chi tiêu có mức độ hiểu biết về tiện ích, tính năng của điện thoại thông minh có kết nối Internet/Wifi cao và tốt hơn hẳn so với nhóm cư dân không đủ chi tiêu hằng tháng (xem Bảng 1).
– Như vậy, trong trường hợp này, dường như yếu tố kinh tế – thu nhập hằng tháng có ảnh hưởng đáng kể đến mức độ nhận thức, hiểu biết của người dân đối với quá trình chuyển đổi số nói chung mà cụ thể là đối với các tính năng, sự tiện dụng của các loại công nghệ số căn bản ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trong nghiên cứu này, qua khảo sát 364 người dân ở các nhóm xã hội khác nhau cho thấy, có 9.9% số này có mức thu nhập trung bình hàng tháng từ dưới 3 triệu đồng (theo chuẩn nghèo đa chiều mới của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025) và 29.7% ở tình trạng thu nhập không đủ chi tiêu mỗi tháng. Do vậy, để cải thiện khả năng tiếp cận, thích ứng với chuyển đổi số mà cụ thể nhất thông qua gia tăng sự hiểu biết, truy cập và khai thác tốt các tính năng của các tiện ích số, các giải pháp cải thiện thu nhập, hỗ trợ cho nhóm cư dân nghèo, bấp bênh, thiếu sinh kế, nhóm thiểu số, yếu thế của Thành phố Hồ Chí Minh,… cần được xem xét trong tổng thể chương trình, kế hoạch xây dựng thành phố thông minh và quá trình chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: kinh tế số, chính quyền số và xã hội số.
Ở mục này, ý kiến và cảm nhận của người dân Thành phố về những khó khăn, rào cản đối với bản thân họ trong quá trình thích ứng với chuyển đổi số, đặc biệt là tiếp cận, sử dụng các loại công nghệ số căn bản được phân tích ở Biểu đồ 1., cũng được quan tâm nghiên cứu. Phân tích các rào cản và khó khăn này sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng một mặt lý giải cho sự thiếu hụt, sút kém về nhận thức, hiểu biết của người dân Thành phố đối với sự tồn tại, tính tiện ích của các loại công nghệ số hiện hữu; đồng thời cũng gợi ý các giải pháp cần được xem xét để tháo gỡ (xem Biểu đồ 2).
Biểu đồ 2.2 cho thấy có 2 nhóm tác nhân chủ yếu (chủ quan và khách quan) tạo nên khó khăn, cản trở cho người dân Thành phố khi tiếp cận, trải nghiệm và khai thác các tiện ích của công nghệ số trong tiến trình chuyển đổi số nhưng yếu tố khách quan có phần nghiêm trọng hơn cả. Ở nhóm yếu tố khách quan, băn khoăn và lo lắng nhất của người dân Thành phố chính là vấn đề bảo mật và lừa đảo trên không gian mạng (76.1%), thông tin giả, xấu, độc, trái pháp luật tràn lan (36.6%). Một số khó khăn khác thuộc về rào cản kỹ thuật và năng lực tiếp cận công nghệ số, tuy tỉ lệ ít hơn nhưng cũng được đề cập như trục trặc công nghệ khi dùng (22.5%), không hiểu biết hết các tính năng (21.1%), chất lượng Internet/Wifi đường truyền (18.3%),… Ở các yếu tố chủ quan, rào cản tài chính để mua công nghệ (21.1%), sức khoẻ thể chất (15.5%).
Báo cáo của Bộ Công an gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an tại Phiên họp thứ 14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 đã nêu rõ: Tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, mặc dù thủ đoạn không mới, song cách thức tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, với số lượng lớn bị hại tại nhiều địa phương trên cả nước, nổi lên với các thủ đoạn như: Thông qua hoạt động của các sàn đầu tư chứng khoán, giao dịch vàng trên thị trường ngoại hối (forex), giao dịch tiền “ảo”, vàng “ảo”, ngoại tệ “ảo”, dự án bất động sản… hoặc hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép qua mạng để quảng cáo. Ngoài ra, phổ biến là thủ đoạn đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng trực tuyến, nhận việc làm tại nhà, bỏ tiền tạm ứng hoặc thanh toán trước đơn hàng, sau đó được nhận tiền công cộng với lãi đơn hàng và tiền thưởng; tuy nhiên, sau khi thanh toán đơn hàng và đặt hàng, người lao động bị chiếm đoạt số tiền tạm ứng hoặc thanh toán đơn hàng. Nghiêm trọng hơn chỉ trong hai năm 2019 – 2020, Bộ Công an phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới gần 1.300 GB, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm. Rõ ràng, đây chính là các thách thức, rào cản không hè nhỏ mà mỗi người dân, trong đó có người dân Thành phố khi phải nỗ lực thích ứng với tiến trình chuyển đổi số hiện nay.
Biểu đồ 2: Ý kiến về khó khăn, rào cản của người dân Thành phố khi tiếp cận, sử dụng một số loại công nghệ số (%)
Nguồn: Kết quả khảo sát.
Nghiên cứu cũng cho thấy sự ảnh hưởng đáng kể của sự trợ giúp từ gia đình cho đến các thành viên khác trong cộng đồng, xã hội đối với việc tiếp cận, sử dụng công nghệ số tại Thành phố Hồ Chí Minh. Biểu đồ 2 cho thấy, có đến 35.2% cho rằng họ đang đối mặt với sự phản đối từ gia đình, 15.5% không ai giúp đỡ khi cần hỗ trợ. Các rào cản này càng trở nên trầm trọng và thách thức hơn đối với các nhóm xã hội yếu thế như người cao tuổi, phụ nữ, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn,… của Thành phố trong tiến trình thu hút và tạo điều kiện để người dân thụ hưởng tốt nhất các thành quả của quá trình chuyển đổi số. Phân tích sâu thêm về vấn đề này, nghiên cứu tiến hành kiểm định mối tương quan thống kê giữa các khó khăn, rào cản mà người dân Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp phải với một số đặc điểm nhân khẩu học (độ tuổi, học vấn, giới tính, thu nhập/tháng, dân tộc,…). Kết quả có nhiều phát hiện quan trọng củng cố cho quan điểm cần có sự chú tâm đối với nhóm xã hội yếu thế để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số, cụ thể:
– Xét về giới tính: Nữ giới: (60.0%) có mức độ khó khăn do chưa hiểu biết đầy đủ tính năng của công nghệ số nhiều hơn nam giới (40.0%). Ngoài ra, nữ giới lo lắng nhiều hơn về cách bảo mật và nạn lừa đảo trên mạng (51.9%) so với nam giới (48.1%). Tương tự, nhóm nữ cũng cho thấy, các thông tin xấu, giả, độc hại hay trái pháp luật làm họ lo lắng (57.7%) so với nhóm nam giới (42.3%) khi tiếp cận với các tiện ích số hiện đại. Đáng chú ý, nghiên cứu cũng cho thấy, mức độ cảm nhận khó khăn, các rào cản về kinh tế – tài chính như không có đủ tiền đăng ký Internet/Wifi, áp lực phải đi làm kiếm sống,… khi tiếp cận, sử dụng công nghệ số giữa 2 nhóm là tương đồng nhau (50%).
– Xét về độ tuổi: Nhìn tổng thể, người càng lớn tuổi (được sinh ra từ trước năm 1990) gặp nhiều rào cản về hiểu biết chức năng công nghệ số (53.3%), yếu tố thể chất sinh lý (63.6%), thiếu người hướng dẫn, giúp đỡ để biết cách sử dụng (63.6%) so với nhóm dân số trẻ tuổi hơn (sinh từ sau năm 1991). Tương tự, nhóm cao tuổi hơn cho thấy có sự lo lắng nhiều hơn về vấn nạn lừa đảo, bảo mật an toàn số (51.9%), hay thông tin xấu độc, tin giả trên mạng Internet (57.7%) so với nhóm trẻ tuổi hơn. Đáng quan tâm, cảm nhận về các rào cản do thiết kế kỹ thuật của các ứng dụng số như tính hiện đại, khó dùng (75.0%), màu sắc, cỡ chữ, kiểu chữ không hợp (71.4%), chủ yếu tiếng nước ngoài (71.4%),… ở nhóm trung, cao niên cao hơn hẳn so với nhóm thanh thiếu niên.
Như vậy, rõ ràng, nếu giải quyết không tốt vấn đề này, nhiều hệ quả mới, chưa có tiền lệ có thể nảy sinh như nguy cơ “bất bình đẳng số”, “tách biệt số” và tạo ra gánh nặng “kép” cho các nhóm yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi hơn nêu trên trong xã hội hiện đại và số hoá. Điều này tạo nên thách thức mới cho mục tiêu phát triển bao trùm cũng như triết lý “người dân là trung tâm của quá trình chuyển đổi số” vốn được thể hiện xuyên suốt, thống nhất trong các chủ trương và các văn bản chính sách các cấp ở Việt Nam.
Thái độ của người dân đối với quá trình chuyển đổi số
Ở phần này, nghiên cứu tập trung phân tích thái độ và ý kiến riêng của người dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với quá trình chuyển đổi số xã hội cũng như về tính cần thiết tất yếu của việc tồn tại các ứng dụng số, tiện ích số trong đời sống xã hội.
Nghiên cứu cho thấy, trong số 364 người dân Thành phố được khảo sát, phần đa các ý kiến đều thể hiện sự ủng hộ, đồng tình và đánh giá tích cực về những tiện ích mang lại từ quá trình chuyển đổi số, trực tiếp nhất là thông qua các ứng dụng số (xem Bảng 3).
Bảng 3: Cảm nhận của người dân Thành phố về tác động của chuyển đổi số và công nghệ số mang lại đối với cuộc sống của họ
Nguồn: Kết quả khảo sát.
Trong đó, các cảm nhận, đánh giá tích cực giữa vai trò chủ đạo, có tỷ lệ cao nhất, lần lượt là “thuận tiện hơn” (95.5%), “vui vẻ hơn” (90.9%), “hài lòng hơn” (89.9%) và “nhiều hy vọng hơn” (73.9%). Các cảm nhận tiêu cực và bi quan về quá trình chuyển đổi số cũng như các lợi ích mang lại của công nghệ số tuy có nhưng chiếm tỷ lệ không cao (dưới 25.0%). Đây cũng là lý do giải hiện Việt Nam có tỷ lệ ngày càng cao người dân tiếp cận, sử dụng công nghệ số: 156.0 triệu dân (chiếm 158.3% dân số) dùng điện thoại di động, 72.10 triệu dân (73.2% tổng dân số cả nước) sử dụng Internet và 76.95 triệu dân (tương đương 78.1% dân số toàn quốc) dùng mạng xã hội.
Để củng cố cho lập luận này, nghiên cứu phân tích mức độ ủng hộ của 364 người dân Thành phố được mời tham gia khảo sát đối với việc ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Kết quả chi tiết được thể hiện ở Bảng 4.
Bảng 4: Mức độ ủng hộ của người dân Thành phố về việc ứng dụng công nghệ số trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ghi chú: Mức độ ủng hộ: Điểm trung bình (1.0 – 1.80): Rất không ủng hộ; Điểm trung bình (1.81 – 2.61): Không ủng hộ; Điểm trung bình (2.62 – 3.42): Phân vân; Điểm trung bình (3.43 -4.23): Ủng hộ và Điểm trung bình (4.24 – 5.0): Rất ủng hộ.
Nguồn: Kết quả khảo sát.
Kết quả cho thấy, trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội như kinh tế, lao động việc làm, quản lý hành chính nhà nước, văn hoá và xã hội cũng như chăm sóc sức khoẻ đều ghi nhận sự ủng hộ của người dân Thành phố đối với việc ứng dụng các công nghệ, tiện ích số (giá trị TBC = 4.023). Trong đó, việc ứng dụng công nghệ số với các phầm mềm học trực tuyến, thư viện điện tử, dạy học trực tuyến,… được người dân Thành phố Hồ Chí Minh “rất ủng hộ” (GTTB = 4.30). Dạy học trực tuyến (online), dạy học lai ghép (Hybrid), dạy học phối hợp (blended) trực tuyến với trực tiếp (trực diện) là giải pháp được nhiều quốc gia và các tổ chức giáo dục lựa chọn trong thời kỳ COVID-19. Ở Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chỉ tính riêng khai giảng năm học 2021 – 2022, nhiều số tỉnh, thành phố đã tổ chức khai giảng trực tuyến hoặc trên truyền hình; hơn 20 triệu học sinh, sinh viên và gần 2 triệu nhà giáo các cấp học chưa thể tiếp tục dạy học và học theo phương thức dạy học trực tiếp. Do đó, việc chuyển sang dạy học trực tuyến trong đại dịch dù khá mới mẻ, bở ngỡ, còn nhiều bất cập, khó khăn nhưng trong bối cảnh đại dịch đã cơ bản giải quyết được nhu cầu học tập và thể hiện khả năng thích ứng linh hoạt của ngành giáo dục, nhà trường, học sinh, sinh viên, gia đình và toàn xã hội.
Một số hàm ý chính sách
Đẩy mạnh và đổi mới công tác truyền thông về chuyển đổi số để người dân, doanh nghiệp hiểu biết, đồng thuận và khai thác tốt hơn các tiện ích của quá trình này trên các phương diện khác nhau của đời sống xã hội.
Hình thức truyền thông
Cần đa dạng hơn các hình thức tuyên truyền trong người dân Thành phố, kết hợp truyền thông đại chúng với truyền thông xã hội. Theo đó, chú ý sử dụng ngay chính thành tựu chuyển đổi số, công nghệ số để phục vụ trở lại quá trình truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết về chuyển đổi số như thông qua mạng xã hội Facebook, nhóm Zalo, qua TiTok với các ấn phẩm đa dạng, ấn tượng như infophgraphic, bản tin ngắn, mini game,… Ngoài ra, truyền thông liên cá nhân cũng cần được phát huy. Để thực hiện được gợi ý giải pháp này, cần chú ý phát huy vai trò của thiết chế gia đình, dòng tộc hay thiết chế nhà trường. Vì vậy, cần chú ý tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn giữa thế hệ trẻ (con, cháu) đối với thế hệ cao tuổi (ông bà, cha mẹ) trong gia đình, dòng tộc; giữa thầy cô và học trò, giữa học sinh sinh viên và cha mẹ, thành viên khác trong gia đình,…
Bên cạnh đó, Thành phố cũng cần nghiên cứu, phát huy vai trò của các thiết chế tôn giáo (nhà chùa, nhà thờ,…), tổ chức chính trị – xã hội (đặc biệt Đoàn Thanh niên) kết hợp cùng các thiết chế tự quản quần chúng ở cơ sở như khu phố, tổ dân phố, ấp, xóm và Tổ Công nghệ số cộng đồng ở xã, ấp, khu phố hiện nay để đẩy mạnh công tác truyền thông, hỗ trợ người dân gia tăng sự hiểu biết, nhận thức đầy đủ và dễ dàng tiếp cận, khai thác các tiện ích số và công nghệ số lõi.
Ngoài ra, các sản phẩm truyền thông cần chú ý cải thiện tính “cá nhân hoá”, thân thiện, dễ tiếp cận, thao tác và khai thác thông qua các giải pháp kỹ thuật, thiết kế đến từng nhóm xã hội sử dụng, nhất là các nhóm yếu thế, thiệt thòi, dễ rơi vào “bất bình đẳng số” như nhóm dân tộc thiểu số, nhóm người cao tuổi, nhóm khuyết tật, nhóm có sinh kế bấp bênh… Đây là điều có tính nguyên tắc đảm bảo phát triển bao trùm, mục tiêu thịnh vượng và không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số.
Nội dung truyền thông
Cần đặc biệt chú ý đẩy mạnh truyền thông về lợi ích, thuận tiện và sự cần thiết phải tiếp cận, sử dụng tiện ích số, ứng dụng số, dịch vụ công trực tuyến,… đối với người dân, doanh nghiệp so với các cách tiếp cận truyền thống trước đây. Phải nhấn mạnh và làm thuyết phục về tính cấp bách, cần thiết và lợi ích trước mắt lẫn lâu dài khi có khả năng thích ứng tốt với tiến trình chuyển đổi số cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhận thức và hiểu biết của người dân Thành phố, nhất là đối với về các loại công nghệ số, tiện ích số do chính quyền khuyến cáo, vận động sử dụng hoặc được thiết kế riêng cho cư dân Thành phố là rất thấp. Do đó, thời gian tới, trọng tâm truyền thông cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về tính tiện ích, cách thức tiếp cận, sử dụng các ứng dụng số, tiện ích số phổ biến, căn bản và cần thiết nhất trong đời sống của người dân Thành phố, qua đó từng bước hình thành lối sống số: Định danh điện tử VN-eID, apps VssID thẻ bảo hiểm y tế điện tử, bệnh án điện tử, sổ sức khoẻ điện tử, sử dụng các cổng dịch vụ công trực tuyến Thành phố, quốc gia hay của bộ, ngành. Đăc biệt, cần truyền thông mạnh hơn và hướng dẫn người dân quen dần và từng bước khai thác tốt các apps được thiết kế riêng cho cư dân Thành phố trên Trang thông tin điện tử “Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh” như “apps thông tin xe buýt Thành phố”, “apps thông tin quy hoạch Thành phố”, “apps các vấn đề giao thông của Thành phố”, “apps UDI Maps cảnh báo ngập” hay “Cổng 1022”.
Tiếp tục củng cố, tạo lập niềm tin, tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh mạng và khả năng xử lý rủi ro (lừa đảo, tin xấu độc, hàng giả hàng kém chất lượng…) trong không gian số
Qua nghiên cứu cho thấy, lo lắng, băn khoăn nhất của người dân Thành phố chính là bảo mật, lừa đảo và an toàn trên không gian mạng. Đáng chú ý, Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định 1 trong 6 nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng cho chuyển đổi số chính là tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Do vậy, để tạo lập, củng cố niềm tin và hỗ trợ tiếp cận, khai thác tiện ích trong không gian số cho người dân, thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung:
Một là, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các địa phương trong nước trong việc xây dựng các bộ quy tắc ứng xử, tạo lập niềm tin trong môi trường số, hình thành văn hóa số gắn liền với bảo vệ các giá trị đạo đức căn bản của nhân loại và văn hóa truyền thống của Việt Nam, bản sắc của cư dân Thành phố.
Hai là, xây dựng cơ chế hợp tác, đối thoại để giải quyết các vấn đề phát sinh; cơ chế hợp tác giữa Nhà nước và các hội, hiệp hội nghề nghiệp và doanh nghiệp trong xây dựng và thực thi chính sách về bảo mật, an toàn thông tin nhất là đối với Facebook, Google hay các nền tảng mạng xã hội khác đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và Thành phố.
Ba là, xây dựng và triển khai hệ thống xác định, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng và kịp thời xử lý, gỡ bỏ. Yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp hạ tầng và nền tảng số có sứ mệnh bảo đảm thông tin đáng tin cậy, an toàn, lành mạnh, phát triển hệ thống nền tảng, hạ tầng, mạng lưới gắn với bảo đảm an toàn, an ninh mạng, có khả năng tự sàng lọc, phát hiện tấn công, bảo vệ ở mức cơ bản.
Bốn là, xây dựng và triển khai hệ thống đánh giá tín nhiệm số đối với hệ thống thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến để đánh giá và công bố công khai mức độ an toàn, tin cậy cho người dân được biết một cách rộng rãi.
Năm là, từng bước nghiên cứu, thúc đẩy hoạt động bảo hiểm rủi ro cho chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng và giao dịch trên không gian mạng.
Sáu là, xây dựng và triển khai hệ thống giám sát, cảnh báo sớm nguy cơ, điều phối ứng cứu sự cố mất an toàn, an ninh mạng cho các cơ quan, tổ chức và người dân, doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của cả người sử dụng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trước những rủi ro và khi xảy ra sự cố.
Tăng cường chương trình tập huấn, trang bị kiến thức và kỹ năng số căn bản và cần thiết cho người dân (bao gồm cả cán bộ, công chức) Thành phố
– Xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, chính quyền số cho cán bộ, công chức, người lao động trong hệ thống chính trị. Các chương trình đào tạo cần được thực hiện vừa tích hợp, vừa chuyên biệt, chuyên sâu. Tập huấn kiểu tích hợp, lồng ghép được thể hiện trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thường kỳ của Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương hoặc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức như bồi dưỡng theo chức danh, theo ngạch công chức, theo vị trí việc làm; chương trình lý luận chính trị sơ, trung, cao cấp,… Đối với hình thức tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu là các khoá ngắn, trung hoặc dài hạn về các chuyên đề chuyên sâu cho nhóm này như: lãnh đạo, quản lý số; quản trị trong bối cảnh số; an toàn, an ninh trong môi trường số; hạ tầng số; nguồn nhân lực số; các chuyên đề riêng về kinh tế số, chính quyền số và xã hội số; bài học kinh nghiệm (thành công và thất bại) trong chuyển đổi số của quốc tế; chiến lược và tiến trình chuyển đổi số Việt Nam,…
– Cung cấp các khoá học đại trà, trực tuyến mở và miễn phí (MOOCS) cho người dân Thành phố để cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục nhờ công nghệ số, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số. Các nội dung kiến thức, kỹ năng này cần được thiết kế, xây dựng thành kho bài giảng trực tuyến, mở và dễ tiếp cận được tích hợp trên các cổng thông tin của các cơ quan quản lý Thành phố; dễ tiếp cận và thân thiện với nhiều nhóm người dùng.
– Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, tập huấn nâng cao kỹ năng số cho người lao động khu vực doanh nghiệp, người quản trị doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất.
Kết luận
Thông qua nghiên cứu cắt ngang, khảo sát xã hội học 364 người dân Thành phố cho thấy mức độ hiểu biết của họ về chuyển đổi số và khai thác tính năng của các loại công nghệ số căn bản là chưa tốt. Tuy vậy, trái lại, họ lại thực sự cảm nhận, sự ghi nhận, đánh giá tích cực, khách quan về vai trò, sự thay đổi tích cực đáng kể, toàn diện trên các phương diện của đời sống xã hội trong quá trình chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh. Kết quả này hàm ý sự đồng tình, ủng hộ tương đối cao của người dân Thành phố cũng như sự kỳ vọng lớn của họ đối với việc triển khai các chủ trương, chính sách, giải pháp đồng bộ nhằm sớm hiện thực hoá xây dựng xã hội số, xã hội thông minh, đô thị đổi mới sáng tạo “văn minh, nghĩa tình” của Thành phố Hồ Chí Minh thời gian tới. Điều này cũng gián tiếp nhấn mạnh, nếu được quan tâm, các giải pháp chính sách được triển khai đồng bộ sẽ góp phần thu hút sự tham gia, cộng hưởng; từ đó góp phần cải thiện đáng kể khả năng thích ứng xã hội của người dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với quá trình chuyển đổi số trên các trụ cột kinh tế, chính trị – quản lý và xã hội thời gian tới như kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền Thành phố đã đặt ra./.
TS.Bùi Nghĩa, ThS. Phạm Mai Phương & ThS. Nguyễn Hữu Hoàng
Tài liệu tham khảo:
1.Bộ Thông tin và Truyền thông (2021). Cẩm nang chuyển đổi số (tái bản có chỉnh sửa, cập nhật, bổ sung năm 2021), Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
2.Lê Thị Mai Hoa (2021). “Dạy học trực tuyến để ứng phó với dịch COVID-19”, Tạp chí Tuyên giáo điện tử, đường dẫn truy cập: https://tuyengiao.vn/khoa-giao/giao-duc/day-hoc-truc-tuyen-de-ung-pho-voi-dich-covid-19-135538
3.Hồ Tú Bảo, Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Nhật Quang (2020). Hỏi đáp về chuyển đổi số, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
4.PV (2022). “Tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật đang diễn biến rất phức tạp”, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, đường dẫn: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tinh-trang-tan-phat-tin-gia-tin-sai-su-that-dang-dien-bien-rat-phuc-tap 119220809093329549.htm
5.Chí Thạch (2023). “Người dân gặp khó khăn khi sử dụng VNeID”, Báo Sài Gòn giải phóng online, đường dẫn truy cập: https://www.sggp.org.vn/nguoi-dan-gap-kho-khan-khi-su-dung-vneid-post701267.html
We Are Social & KEPIOS (2022). Digital 2022 (Viet Nam), tr.16.