Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Quảng Nam: Thúc đẩy kết nối nguồn hàng xuyên Á



ĐNA -

QUẢNG NAM, (theo VGP), Từ tháng 8/2021, cặp cửa khẩu Nam Giang – Dak Taook giữa tỉnh Quảng Nam và Sekong (Lào) đã được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thương mại xuyên biên giới, kết nối nguồn hàng từ Lào, Thái Lan đến các cảng biển khu vực miền Trung. Từ sự tăng trưởng của thương mại điện tử, đặc biệt là hệ thống hải quan điện tử quá cảnh ASEAN (ACTS) từ năm 2020 đã giúp cho hoạt động vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới giữa các quốc gia ASEAN trở nên xuyên suốt và thuận tiện hơn, trở thành xu hướng mới của các nhà vận chuyển quốc tế.

Vận chuyển trái cây từ nông trường Lào qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang, Quảng Nam – Ảnh: VGP

Thúc đẩy kết nối nguồn hàng xuyên Á
Theo Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, hơn 8.700 phương tiện vận tải thông quan qua cửa khẩu với tổng lượng hàng hóa lên đến 57.909 tấn; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 48,45 triệu USD, tăng 125% so với cùng kỳ năm 2022. Công ty Giao nhận – Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) là một trong số những doanh nghiệp vận chuyển, lưu thông hàng hóa nhiều nhất qua cửa khẩu Nam Giang, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo cửa khẩu này.

THILOGI đang đẩy mạnh đầu tư đồng bộ hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics trọn gói nhằm thu hút nguồn hàng của các doanh nghiệp tại vùng Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan xuất khẩu qua cảng Chu Lai, góp phần kết nối thương mại xuyên Á.

Ngày 7/9, hơn 16.000 tấn quặng bauxite của Công ty Thanh Phát (doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng nông, lâm, khoáng sản) đã được vận chuyển trực tiếp từ huyện Dak Cheung, tỉnh Sekong, Lào qua cửa khẩu Nam Giang về cảng Chu Lai để xuất khẩu sang Trung Quốc, đánh dấu sự tham gia cung ứng dịch vụ logistics trọn gói của cảng Chu Lai (gồm vận tải đường bộ, thủ tục thông quan, lưu bãi, cảng biển…) cho mặt hàng khoáng sản.

Đại diện Công ty Thanh Phát cho biết: “THILOGI khai thác tuyến đường Sekong – cửa khẩu Nam Giang – cảng Chu Lai đã rút ngắn được quãng đường hơn 170 km so với vận chuyển qua cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum). Nhờ dịch vụ trọn gói cùng các chính sách hậu mãi phù hợp, phương án làm hàng tối ưu đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường”.

Hiện nay, cảng Chu Lai đang đẩy mạnh khai thác nguồn hàng xuất khẩu như nông sản (sắn lát, trái cây), lâm sản (nguyên liệu giấy, mủ cao su), khoáng sản (quặng sắt, quặng bauxite) tại các tỉnh Sekong, Savannakhet, Champasak, Salavan (Lào) và Ubon Ratchathani, Sisaket, Yasothon (Thái Lan) theo tuyến đường Đông Bắc Thái Lan/Nam Lào – Champasak/Attapeu – Sekong – cửa khẩu Dak Taook (Lào) – Nam Giang – Chu Lai (Quảng Nam).

Ông Phan Văn Kỳ – Giám đốc cảng Chu Lai cho biết: “Tất cả các thủ tục thông quan đều được Chi cục Hải quan tại cửa khẩu Nam Giang và cửa khẩu cảng Kỳ Hà hướng dẫn và hỗ trợ giải quyết nhanh chóng thông qua hệ thống hải quan điện tử, triển khai thu thuế 24/7”.

Cảng Chu Lai đầu tư mở rộng hệ thống kho bãi với tổng diện tích gần 280.000m2, phục vụ nhu cầu lưu trữ của khách hàng – Ảnh VGP

Nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng cảng biển xanh, thông minh
Nhằm thu hút nguồn hàng xuất nhập khẩu từ các nước thuộc hành lang kinh tế Đông Tây, cảng Chu Lai đang tăng cường hợp tác với các hãng tàu, phát triển các tuyến hàng hải kết nối trực tiếp đến các cảng quốc tế. Bên cạnh đó, cảng cũng mở rộng chức năng kinh doanh các xí nghiệp nhằm hoàn thiện dịch vụ cảng biển, đem đến các giải pháp logistics trọn gói cho khách hàng với mức phí cạnh tranh.

Hiện nay, cảng Chu Lai đang đẩy mạnh đầu tư, số hóa quy trình, ứng dụng công nghệ, phần mềm trong khai thác cảng như Eport – Cổng thông tin điện tử cảng Chu Lai, phần mềm khai thác hàng rời, đồng thời xây dựng các phương án làm hàng, sử dụng các nhiên liệu bảo vệ môi trường, góp phần hình thành cảng biển xanh, thông minh và phát triển bền vững.

Đặc biệt, bến cảng 5 vạn tấn với hệ thống thiết bị hiện đại (cẩu STS và RTG) đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục để sớm đưa vào sử dụng. Các kho bãi phục vụ lưu trữ một số mặt hàng nông, lâm, khoáng sản có dư địa phát triển từ Lào, Campuchia, Thái Lan tiếp tục được mở rộng, tạo tiền đề đưa cảng Chu Lai trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hóa quốc tế, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương và khu vực lân cận.

Thao Le