Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Lễ đón chính thức Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte



ĐNA -

(CHÍNH PHỦ), Sáng 2/11/2023, tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Sau lễ đón chính thức, hai Thủ tướng tiến hành hội đàm tại Trụ sở Chính phủ và chứng kiến lễ trao một số văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, cơ quan của hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam – Ảnh: VGP 

Cũng trong sáng 2/11, sau lễ đón chính thức, hai Thủ tướng tiến hành hội đàm tại Trụ sở Chính phủ và chứng kiến lễ trao một số văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, cơ quan của hai nước.

Đây là lần thứ 3, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thăm chính thức Việt Nam, sau các chuyến thăm vào năm 2014 và 2019. Từ sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hà Lan (12/2022), các bộ, ngành liên quan của hai nước đã nỗ lực triển khai hiệu quả các cam kết và thỏa thuận hợp tác của chuyến thăm, thể hiện qua hoạt động trao đổi đoàn sôi nổi trong năm 2023, nhiều văn kiện hợp tác mới được ký kết, các cơ chế hợp tác song phương tiếp tục được duy trì.

Đây là lần thứ 3, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte duyệt Đội Danh dự QĐNDVN. Ảnh: VGP

Tại hội đàm, hai bên sẽ cùng nhau trao đổi về các biện pháp nhằm tạo đột phá trong quan hệ hai nước; làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Toàn diện và Đối tác Chiến lược trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu và nông nghiệp bền vững; phối hợp chặt chẽ giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Cũng trong chương trình chuyến thăm, dự kiến hai nhà lãnh đạo sẽ có nhiều hoạt động chung, như tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp công nghệ cao, Diễn đàn Kinh tế xanh…

Hơn một thập kỷ qua, quan hệ Việt Nam-Hà Lan đã đạt được nhiều bước tiến vượt bậc. Hai nước đã trở thành Đối tác Chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực (2014), nâng cấp lên Đối tác Toàn diện (2019). Cùng với đó, Hà Lan đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất, là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Âu. Hà Lan chiếm chiếm 48,7% vốn đầu tư của EU tại Việt Nam.

Hà Lan cũng đã triển khai nhiều chương trình thiết thực hỗ trợ Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất giáo dục đào tạo, y tế, chống biến đổi khí hậu, vượt qua đại dịch COVID-19…

Đây là lần thứ 3, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thăm chính thức Việt Nam, sau các chuyến thăm vào năm 2014 và 2019 – Ảnh: VGP.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Hà Lan diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973- 2023), khẳng định thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm của hai nước nhằm tạo động lực mới cho quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hà Lan trong giai đoạn tới, mở rộng cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực mới; cùng hợp tác và phát triển tự cường, bền vững, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Việc đoàn doanh nghiệp công nghệ cao của Hà Lan tháp tùng Thủ tướng Mark Rutte trong chuyến thăm Việt Nam lần này cũng sẽ mở ra chương mới trong gắn kết kinh tế sâu rộng, hiệu quả giữa hai nước trong những năm tới, nhất là hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, vi mạch điện tử.

Tại hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyến thăm của Thủ tướng Mark Rutte có ý nghĩa quan trọng đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023), góp phần đẩy mạnh, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hà Lan; đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị, chân thành và đối tác tin cậy giữa hai nước, là điển hình của mối quan hệ năng động, hiệu quả và thiết thực; khẳng định hai nước quyết tâm cùng hợp tác, phát triển tự cường và bền vững, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Mark Rutte khẳng định, Việt Nam là đối tác ưu tiên, quan trọng của Hà Lan tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; bày tỏ vui mừng thăm chính thức Việt Nam lần thứ ba và gặp lại Thủ tướng Phạm Minh Chính sau gần một năm kể từ chuyến thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12/2022; cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và nồng hậu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và nhân dân Việt Nam dành cho đoàn.

Thủ tướng Hà Lan nhấn mạnh hai nước có mối quan hệ lâu đời hơn 400 năm trước khi các thương thuyền của Hà Lan cập cảng Hội An; nhắc lại ấn tượng tốt đẹp về chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2019 và cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; gửi lời hỏi thăm chân tình đến Tổng Bí thư.

Trong không khí tin cậy, chân thành và cởi mở, hai Thủ tướng đã trao đổi toàn diện về tình hình phát triển kinh tế-xã hội mỗi nước, các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương và trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Thủ tướng Hà Lan bày tỏ ấn tượng trước “những thành tựu kỳ diệu” của Việt Nam trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19 và kể từ chuyến thăm năm 2019 của ông.

Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao nỗ lực của hai bên trong việc hiện thực hóa các cam kết và thỏa thuận hợp tác kể từ sau chuyến thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Phạm Minh Chính (12/2022) với hoạt động trao đổi đoàn sôi động, các cơ chế hợp tác tiếp tục được triển khai và một số văn kiện hợp tác mới đã được ký kết.

Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường tin cậy chính trị thông qua trao đổi đoàn cấp cao, tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế và thỏa thuận hợp tác song phương, đồng thời nghiên cứu thiết lập các cơ chế mới nhằm làm sâu sắc hợp tác chuyên ngành giữa hai nước; khẳng định kinh tế-thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước, nhất trí tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh đoàn gần 30 doanh nghiệp công nghệ cao hàng đầu Hà Lan tháp tùng Thủ tướng Mark Rutte góp phần hiện thực hóa các cơ hội hợp tác giữa hai nước; đề nghị Hà Lan ủng hộ EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) và khuyến khích các doanh nghiệp Hà Lan đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh của Hà Lan như công nghệ cao, cảng biển, hạ tầng chiến lược…

Thủ tướng Hà Lan nhấn mạnh, các doanh nghiệp Hà Lan quan tâm đến Việt Nam có ổn định chính trị và môi trường đầu tư-kinh doanh thuận lợi; nhất trí tích cực đẩy nhanh quá trình phê chuẩn Hiệp định EVIPA; đánh giá cao nỗ lực phát triển nghề cá bền vững của Việt Nam và khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các nước thành viên EU hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục đẩy mạnh khuôn khổ Đối tác Chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước, nông nghiệp bền vững, góp phần chung tay ứng phó với các thách thức toàn cầu, nhất là hợp tác trong các lĩnh vực khai thác cát ngoài khơi, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước, thủy lợi, phòng chống thiên tai…

Thủ tướng Mark Rutte các di sản văn hóa, cũng như các hình ảnh về các thành tựu kinh tế, xã hội, đối ngoại… của Việt Nam – Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hà Lan cùng các nước G7 hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, tài chính, nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế nhằm triển khai hiệu quả Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), thiết lập cơ chế hợp tác ba bên về nông nghiệp, góp phần giải quyết các vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.

Về phần mình, Thủ tướng Hà Lan bày tỏ quan tâm hỗ trợ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu; khẳng định hỗ trợ Việt Nam triển khai Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Kế hoạch chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long, hoàn thiện khung pháp lý về quản lý nguồn nước.

Hai bên nhấn mạnh khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo là các lĩnh vực mang tính đột phá; nhất trí khai thác tối đa các tiềm năng hợp tác hai nước về công nghệ cao, sản xuất vi mạch điện tử, thiết bị bán dẫn, xây dựng nền tảng số và hệ sinh thái viễn thông, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này; nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, như thăm dò, khai thác bền vững các khoáng sản quan trọng; quốc phòng-an ninh; hải quan; hàng hải; logistics; đẩy mạnh giao lưu nhân dân…

Nhân dịp này, Thủ tướng Mark Rutte đánh giá cao vai trò của cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan là một bộ phận quan trọng của xã hội Hà Lan; nhất trí với đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam hội nhập thành công ở Hà Lan, là cầu nối quan trọng trong quan hệ hữu nghị, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của cả hai bên.

Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm; nhất trí tiếp tục phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và khu vực, đặc biệt là Liên Hợp Quốc, khuôn khổ ASEAN-EU…

Thủ tướng Hà Lan đánh giá cao chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng Hà Lan đã chính thức trở thành Đối tác Phát triển của ASEAN, mong muốn Hà Lan tham gia sâu hơn, có nhiều sáng kiến để góp phần thúc đẩy quan hệ ASEAN-EU nói chung và ASEAN-Hà Lan nói riêng.

Hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao 4 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, hiệp hội hai nước trong các lĩnh vực thăm dò và khai thác bền vững các khoáng sản quan trọng, hải quan, đầu tư, thương mại… – Ảnh: VGP

Về Biển Đông, hai bên nhất trí ủng hộ bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, ủng hộ tiến trình đàm phán COC thiết thực, hiệu quả giữa ASEAN và Trung Quốc.

Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao 4 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, hiệp hội hai nước trong các lĩnh vực thăm dò và khai thác bền vững các khoáng sản quan trọng, hải quan, đầu tư, thương mại…

Thế Cương