(ĐÀ NẴNG). “Tuổi trẻ Đại học Đà Nẵng sáng tạo vì phát triển bền vững” là chủ đề Festival Sáng tạo trẻ lần V- Năm 2023, vừa diễn ra sáng nay (11/11/2023), tại trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng.
5 mùa Festival, hơn 180 sản phẩm, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo góp mặt
Festival là ngày hội, cơ hội giao lưu, giúp các bạn sinh viên quan tâm, có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, được chia sẻ, giới thiệu các sản phẩm, đề tài nghiên cứu. Ban Công tác Học sinh Sinh viên Đại học Đà Nẵng cũng sẵn sàng, tạo môi trường gặp gỡ giữa các bạn trẻ với giới doanh nghiệp khoa học công nghệ, đặc biệt, là phiên trao đổi với diễn giả uy tín về vấn đề đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp, GS. Trương Nguyện Thành, Đại học Utah.
“Festival Sáng tạo trẻ năm 2023 được tổ chức trong không khí rộn ràng của những ngày đầu năm học mới 2023 – 2024, hướng đến kỷ niệm 41 năm Nhà giáo Việt Nam 20/11 và 30 năm ngày thành lập Đại học Đà Nẵng (1994-2024). Đây là lần V, sự kiện được tổ chức, đánh dấu những kỷ niệm “sinh hoạt khoa học và học thuật” thật đáng nhớ, không chỉ đối với các em sinh viên đam mê khoa học công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; mà ngay cả với các Thầy Cô giáo, những Người đã có công đào tạo, hướng dẫn và truyền lửa đam mê này đến các em”, PGS.TS Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, chia sẻ.
Qua 5 lần tổ chức Festival Sáng tạo trẻ với các chủ đề, quy mô khác nhau, đã có hơn 180 sản phẩm dự án là sản phẩm nghiên cứu khoa học, Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên Đại học Đà Nẵng, tham gia triển lãm. Ở 4 lần tổ chức “Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học Đại học Đà Nẵng”, đã tiếp nhận 86 đề tài nghiên cứu khoa học xuất sắc của sinh viên đến từ các trường đại học thành viên, các đơn vị thuộc và trực thuộc; đã trao 30 giải thưởng đến các sinh viên và nhóm sinh viên với tổng kinh phí (của 4 lần trao giải) là 350 triệu đồng.
80 đề tài tham gia cuộc thi khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên
Được biết, năm 2023, đã có hơn 80 đề tài tham gia cuộc thi khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên Đại học Đà Nẵng. Qua 5 vòng thi (vòng cơ sở – vòng đào tạo cơ bản – vòng đào tạo chuyên sâu và bình chọn – bán kết và chung kết), lần lượt có 15 đề tài (ở bán kết), và 5 đề tài xuất sắc tranh tài tại vòng Chung kết.
Ban tổ chức đã quyết định trao giải Nhất (với giải thưởng trị giá 15 triệu đồng) cho đề tài “Thiết bị chẩn đoán và giám sát vị trí điểm rò rỉ trong hệ thống đường ống dẫn chất lỏng”. Nhóm tác giả: Ngô Đăng Hùng; Phạm Thanh Vỹ; Dương Thị Thanh Hà; Nguyễn Văn Vinh; Phạm Phương Nhi; sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật và Trường Đại học Kinh tế.
Giải Nhì (có giải thưởng trị giá 7 triệu đồng), được trao cho đề tài “Vệ sĩ bồn nước”; nhóm tác giả: Nguyễn Thanh Phúc; Hoàng Anh Sơn; Nguyễn Đức Trí; Hồ Thị Thu Hằng; Huỳnh Quỳnh Anh, học sinh-sinh viên trường THPT Phan Châu Trinh và Trường Đại học Bách khoa.
Ban tổ chức cũng đã trao 1 giải ba (trị giá giải thưởng 3 triệu đồng); 2 giải khuyến khích (mỗi giải 2 triệu đồng), 1 giải bình chọn trên Fanpage cuộc thi (1 triệu đồng), 1 giải Ấn tượng và 1 giải tiềm năng (mỗi giải 1 triệu đồng). Tổng giá trị giải thưởng cho các em: 30 triệu đồng.
“Cuộc thi Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên được tổ chức từ năm 2021, là “sân chơi” dành cho các bạn sinh viên đam mê khởi nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ. Cuộc thi được Hội Sinh viên Đại học Đà Nẵng khởi xướng, và tổ chức, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, cao đẳng và đại học trên địa bàn thành phố hưởng ứng, tham gia”, Ths. Đinh Thị Mỹ Hạnh – Trưởng Ban Công tác Học sinh Sinh viên Đại học Đà Nẵng, cho biết.
Nhiều kết quả nghiên cứu được công bố quốc tế; nhiều sản phẩm ứng dụng hữu ích
Trong khuôn khổ Festival lần V, đã diễn ra lễ trao giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Đại học Đà Nẵng” năm học 2022-2023.
Năm học 2022-2023, giải thưởng “Sinh viên Nghiên cứu Khoa học cấp Đại học Đà Nẵng lần IV, nhận được 22 đề tài xuất sắc của sinh viên từ hội đồng cấp cơ sở. Hội đồng khoa học đánh giá các đề tài lọt vào vòng chấm chọn xét giải thưởng, đều mang tính sáng tạo, ứng dụng cao.
2 Giải Nhất (với giải thưởng gồm Giấy khen của Giám đốc Đại học Đà Nẵng và tiền thưởng 20.000.000đ), được trao cho đề tài “Tỷ lệ sinh mổ của các bà mẹ và các yếu tố liên quan” của Nhóm sinh viên Khoa Y – Dược, gồm Lê Thọ Minh Hiếu; Trương Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Thị Tường Vi. Giảng viên hướng dẫn: TS.BS. Hoàng Thị Nam Giang.
Đề tài “Antecedents of online celebrity brand equity on Tiktok and follower’s booking intention: A case study in the hotel industry in Vietnam” của sinh viên Đỗ Thị Thu Uyên, trường Đại học Kinh tế. Giảng viên hướng dẫn: ThS. Trần Thị Kim Phương.
2 đề tài đã giành hai giải Nhì (với giải thưởng gồm Giấy khen của Giám đốc Đại học Đà Nẵng và tiền thưởng 15.000.000đ), gồm:
“Nghiên cứu và xây dựng mô hình trí tuệ nhân tạo chẩn đoán bệnh sốt rét tự động thông qua hình ảnh phết máu ngoại vi cùng hệ thống lưu trữ kết quả chẩn đoán trên nền tảng Blockchain và các công nghệ mật mã tiêu biểu” của Nhóm tác giả là sinh viên trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn Phạm Vũ Thu Nguyệt; Nguyễn Quang Chung; Hồ Thanh Phong và Nguyễn Văn Tô Thành. Giảng viên hướng dẫn: TS. Nguyễn Quang Vũ.
Đề tài “Impact of green trade barriers on Vietnamese Agricultural Export to Major Trading Partners” của các bạn Võ Thị Thiên Ân; Trương Ngọc Diệu An; Bùi Lê Như Hòa và Trần Thị Thảo Nhi, sinh trường Đại học Kinh tế. Giảng viên hướng dẫn: TS. Nguyễn Thị Thủy.
Ban tổ chức còn trao 2 giải Ba (Giấy khen của Giám đốc Đại học Đà Nẵng, tiền thưởng 8.000.000đ cho mỗi giải); 3 giải Khuyến khích (Giấy khen của Giám đốc Đại học Đà Nẵng, tiền thưởng 5.000.000đ cho mỗi giải). Tổng kinh phí khen thưởng cho các đề là 101 triệu đồng.
Qua 4 lần tổ chức, giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Đại học Đà Nẵng đã xuất hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên được công bố trên các tạp chí Quốc tế uy tín thuộc danh mục WoS/Scopus được xếp hạng Q1, Q2. Nhiều kết quả nghiên cứu, sản phẩm KHCN có giá trị, khả thi ứng dụng hữu ích phục vụ cộng đồng.
“Tháng 12 năm 2021, Đại học Đà Nẵng chúng tôi tổ chức hội thảo “Hoạt động Khoa học công nghệ: Chặng đường 2016-2020 và Định hướng đến 2030”. Tại đây, nhiều ý tưởng, hiến kế, giải pháp khả thi để phát triển thế mạnh nghiên cứu khoa học một cách bền vững và thúc đẩy đóng góp của Đại học Đà Nẵng cho phát triển kinh tế – xã hội địa phương, quốc gia trong bối cảnh giai đoạn đến với hàng loạt các khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ.
Trong định hướng phát triển hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn tiếp theo, bên cạnh các hoạt động nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, Đại học Đà Nẵng luôn xác định yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong sinh viên, phải đúng nghĩa là một khâu đột phá”, PGS.TS Lê Quang Sơn khẳng định.
Festival Sáng tạo trẻ lần V- năm 2023 của tuổi trẻ Đại học Đà Nẵng có 15 gian trưng bày – triển lãm, giới thiệu hơn 60 đề tài, sản phẩm giành giải thưởng ở các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học Đại học Đà Nẵng, năm học 2022-2023, các cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo các cấp…
Sinh viên tham gia hiện thực đề tài nghiên cứu của Thầy
Đó là đề tài nghiên cứu về công nghệ LiFi, sử dụng đèn LED chiếu sáng để cung cấp dịch vụ truyền dữ liệu tốc độ cao, đã đạt giải 3, cuộc thi thiết bị tự làm do Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức ở quy mô toàn quốc. Tác giả nghiên cứu là TS. Trần Thế Sơn – Phó Hiệu trưởng VKU, Đại học Đà Nẵng, cùng 2 cộng sự là TS Nguyễn Vũ Anh Quang và TS. Đặng Quang Hiển.
Một Nhóm nghiên cứu sinh viên, do TS Trần Thế Sơn và TS.Vương Công Đạt hướng dẫn, đã bắt tay hiện thực hóa nghiên cứu này cung cấp Internet tốc độ cao, băng thông rộng lên đến hàng trăm Gb/s cho đô thị.
“Chúng tôi đã chính thức đăng ký với Hội đồng khoa học cấp thành phố, đề tài “Triển khai công nghệ Li-Fi cung cấp internet băng thông rộng cho đô thị thông minh”, và đang chờ ý kiến từ Hội đồng.
Công nghệ này triển khai thành công được xem là một cuộc cách mạng trong truyền dẫn, khi các băng tần vô tuyến dùng cho nhiều dịch vụ viễn thông hiện nay (di động 5G, thông tin vệ tinh, viba) … đã gần như cạn kiệt. Công nghệ này cũng mở ra một băng tần mới cho truyền dẫn dữ liệu, đáp ứng những đòi hỏi của truyền thông “xanh”, không gây tác hại đến sức khỏe con người”, TS. Trần Thế Sơn – Phó Hiệu trưởng VKU, Đại học Đà Nẵng, chủ nhiệm đề tài, chia sẻ.
“Em cùng các bạn Trần Văn Thanh, Nguyễn Hoàng Huy, đều là sinh viên lớp 20CE, khoa Kỹ thuật máy tính và Điện tử, được các Thầy (TS Trần Thế Sơn và TS.Vương Công Đạt), chọn tham gia quá trình hiện thực hóa nghiên cứu nói trên, nhằm cung cấp Internet tốc độ cao cho người dùng.
Với đề tài này, em và các bạn được mở mang kiến thức rất nhiều, truyền dẫn dữ liệu không chỉ có Wifi, Bluetooch. Bắt tay vào công việc, chúng em tự học, tự nghiên cứu rất nhiều để có thể nghiên cứu, điều chế thiết kế mạch (chia tần số). Chúng em sẽ theo đuổi và đi cùng với nghiên cứu của các Thầy. Một tin làm chúng em rất vui, đó là sắp đến, nếu được các cơ quan khoa học, cơ quan quản lý của thành phố cho phép, đề tài sẽ tiến đến lắp đặt thiết bị tại nhiều nơi, cải thiện tốc độ Internet cho người dùng. Đặc biệt, Đà Nẵng là một thành phố du lịch, nhu cầu sử dụng internet công cộng khá cao”, bạn Trần Văn Vũ, sinh viên 20CE, khoa Kỹ thuật máy tính và Điện tử, cảm xúc cho biết.
Mới đây, mô hình thiết bị hỗ trợ truyền dẫn wifi, góp phần nâng tốc độ truyền dẫn, đã có mặt tại triển lãm nhân dịp ra mắt NIC- Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.
Diễn giả uy tín về vấn đề đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp, GS. Trương Nguyện Thành, Đại học Utah, trong dịp này đã có bài nói chuyện với các bạn sinh viên Đại học Đà Nẵng.
GS Trương Nguyện Thành sinh năm 1962, ông được phong GS cao cấp (cấp cao nhất trong 3 cấp GS ở Hoa Kỳ) khi 41 tuổi (năm 2002). Trước đó, từ năm 1992, ông đã là GS chính thức, giảng dạy môn Hóa lượng tử tại Đại học Utah. Năm 1990, ông bảo vệ thành công luận án và được Đại học Minnesota, cấp bằng Tiến sĩ khoa học ngành Hóa và Tính toán. Khi về làm việc tại Đại học Utah, ông từng tham gia giảng dạy, làm công tác tuyển sinh và quản lý sinh viên cao học khoa Hóa. Ông được trân trọng nhìn nhận “là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực Hóa tính toán và phát triển hạ tầng cơ sở tính toán”. Về Việt Nam (2016), ông từng giữ chức Phó Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen.
T.Ngọc