(San Francisco). Chiều ngày 15/11/2023 (theo giờ địa phương, San Francisco, Hoa Kỳ), trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. UBND thành phố Đà Nẵng và Synopsys đã chính thức ký kết và trao đổi Bản ghi nhớ hợp tác liên quan đến phát triển lĩnh vực bán dẫn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đây cũng là MOU đầu tiên, giữa Chính quyền một thành phố với Synopsys.
Từ San Francisco, Hoa Kỳ, Phó Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) thành phố Đà Nẵng Lê Hoàng Phúc, thành viên Đoàn Công tác thành phố Đà Nẵng, cho biết: bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND thành phố Đà Nẵng và Synopsys được ký kết trong khuôn khổ chương trình Tọa đàm bàn tròn Kết nối doanh nghiệp Hoa Kỳ và các địa phương Việt Nam (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN), phối hợp tổ chức.
Trước đó, Synopsys đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch và phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam (26/8/2022), Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP).
Đặc biệt, ngay trong chuyến thăm và làm việc với một số tập đoàn công nghệ Hoa Kỳ (tập trung tại thung lũng Silicon-California, Hoa Kỳ) gồm Synopsys, Meta, Nvidia, của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính (18/9/2023); Synopsys đã ký kết biên bản ghi nhớ về phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam với và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC); ký kết biên bản ghi nhớ, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam với Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (đơn vị chủ trì, tham mưu xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2035, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông). Đặc biệt, Synopsys cam kết hỗ trợ NIC tiến đến thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip ngay tại Việt Nam.
Nền tảng cơ sở quan trọng trong hợp tác phát triển ngành vi mạch bán dẫn
Bản ghi nhớ giữa UBND thành phố Đà Nẵng và Synopsys lần này, trở thành nền tảng cơ sở quan trọng, để hai bên cùng phối hợp triển khai các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; mở rộng mạng lưới hợp tác trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Tận dụng, tranh thủ tốt cơ hội, khi quan hệ hợp tác Hoa Kỳ – Việt Nam, được nâng lên tầm “Đối tác chiến lược toàn diện”, sẵn sàng đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư, tái cấu trúc chuỗi cung ứng công nghiệp vi mạch, bán dẫn trên toàn cầu; chính quyền và các ngành hữu quan Đà Nẵng đã có những ưu tiên trong nghiên cứu, tham vấn ý kiến các chuyên gia, hướng đến xây dựng chính sách, cơ chế, mở đường phát triển lĩnh vạch vi mạch, bán dẫn. Thành phố đã tổ chức hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn thành phố Đà Nẵng”, vào tháng 10/2023; và hiện đang nỗ lực xây dựng đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng”. Các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng, cũng chuyển động nhanh, mở mới, đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo các ngành, chuyên ngành gần với lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định rõ, Đà Nẵng sẽ “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số”.
“Khu công nghệ cao Đà Nẵng là khu công nghệ cao duy nhất tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên và là 1 trong 3 khu công nghệ cao đa chức năng của cả nước. Đến nay, Khu công nghệ cao của chúng tôi đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đầu tư các của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thành phố Đà Nẵng khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ nghiên cứu, xem xét đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là vi mạch bán dẫn”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng, Trưởng Đoàn Công tác thành phố Đà Nẵng, đã trao đổi như trên, cùng giới doanh nghiệp Hoa Kỳ về các cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao trên địa bàn thành phố.
Cũng tại chương trình Tọa đàm bàn tròn Kết nối doanh nghiệp Hoa Kỳ và các địa phương Việt Nam, Phó Giám đốc IPA Đà Nẵng, ông Lê Hoàng Phúc khẳng định thêm: Thành phố Đà Nẵng xác định Hoa Kỳ là thị trường chiến lược trong công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Đà Nẵng là địa phương có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế với những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế so sánh cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư theo hướng đồng bộ; nguồn lao động dồi dào và có trình độ tay nghề cao; môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện; môi trường sống an bình, chất lượng cao.
Theo theo investdanang.gov.vn, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có mặt tại tọa đàm, đã đánh giá cao tiềm năng phát triển lĩnh vực công nghệ cao tại Đà Nẵng và bày tỏ mong muốn sớm có cơ hội đến thành phố nghiên cứu đầu tư, triển khai, mở rộng các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Lãnh đạo Đà Nẵng, các sở, ngành cũng đã trao đổi, làm õ nhưng vấn đề đại biểu doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm, như thủ tục, chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ của thành phố trong đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng; cam kết hỗ trợ các công ty quan tâm tìm kiếm đối tác địa phương, hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất trên địa bàn thành phố.
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng tìm hiểu về điều kiện sống và làm việc, chất lượng môi trường, chất lượng sống tại Đà Nẵng và đã đánh giá cao thông tin được cung cấp. Lượng thông tin này giúp cho các đại biểu, doanh nghiệp Hoa Kỳ hiểu thêm về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao của Đà Nẵng.
“Lãnh đạo thành phố mong muốn được lắng nghe các ý kiến góp ý về các cơ chế, chính sách cũng như giải pháp để phát huy các lợi thế, xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn, đồng thời cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư, triển khai các dự án, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố, hướng đến mục tiêu cùng chia sẻ các giá trị và lợi ích chung”, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố, ông Hồ Kỳ Minh, nhấn mạnh.
Được biết, vào sáng ngày 15/11/2023, Đoàn công tác của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng có buổi gặp và làm việc với lãnh đạo Công ty Qorvo, một trong những nhà cung cấp chip bán dẫn hàng đầu trên thế giới cho các giải pháp về nguồn và kết nối.
“Hiện nay Đà Nẵng đang tập trung triển khai xây dựng đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn”, chúng tôi cũng thành lập Tổ công tác và tư vấn liên ngành, có sự tham gia của các sở, ngành và một số chuyên gia, Tổ sẽ tham mưu xây dựng đề án và các nội dung liên quan. Đà Nẵng cũng nghiên cứu sâu, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn trên địa bản thành phố. UBND thành phố kỳ vọng Qorvo sớm xem xét, mở rộng phạm vi hoạt động tại Đà Nẵng, bên cạnh Văn phòng của Qorvo đã có (tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh)”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, ông Hồ Kỳ Minh trao đổi cùng lãnh đạo Công ty Qorvo.
Theo theo investdanang.gov.vn, Phó Chủ tịch Qorvo, bà Debra Howard, xác nhận Đà Nẵng có tiềm năng phát triển lớn ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là có nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản. Lãnh đạo Qorvo cũng sẽ sớm đến thăm, tìm hiểu, nghiên cứumôi trường đầu tư lĩnh vực bán dẫn tại Đà Nẵng. Lãnh đạo Công ty Qorvo đề xuất hính quyền Đà Nẵng xem xét hỗ trợ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn trên địa bàn thành phố, nhất là các chương trình đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch nói riêng và điện – điện tử nói chung; bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng lĩnh vực chip bán dẫn.
“Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với kinh tế số là 1 trong 5 lĩnh vực mũi nhọn mà Đà Nẵng ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển. Năm 2022, kinh tế số của Đà Nẵng đã đóng góp 19,76% vào GRDP.
Đến nay, Đà Nẵng có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số (trung bình 2,3 doanh nghiệp công nghệ/1.000 dân, đứng thứ 2 toàn quốc, chỉ xếp sau TP. Hồ Chí Minh và gấp 3 lần trung bình toàn quốc) với khoảng 46.000 nhân lực công nghệ số.
Định hướng phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn, đến năm 2030, Đà Nẵng xác định ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch”. – Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố, ông Hồ Kỳ Minh chia sẻ.
Trung Đức