(Đà Nẵng). Đội TECH WARRIORS (với các thành viên Lê Công Trường, lớp 23DT4, Nhóm trưởng, Nguyễn Thanh Long – 23DT3, Lê Xuân Đoàn – 23CDT3), đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi ETE – AUTORACE 2023, do Liên Chi Đoàn Khoa Điện tử – Viễn thông, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. Vòng chung kết cuộc thi đã chính thức diễn ra hôm chủ nhật, 3/12/2023. Đây là lần thứ, 3 Liên chi Đoàn khoa Điện Tử – Viễn Thông phối hợp cùng với CLB Nghiên cứu khoa học Pioneer, đăng cai tổ chức cuộc thi, tiếp nối thành công, và tiếng vang của hai cuộc thi trước.
Điểm hội tụ của kết nối sáng tạo
Theo lời một thành viên đội vô địch TECH WARRIORS, “kỷ niệm đáng nhớ nhất của chúng em là Robot bị cháy mắt line, cả nhóm thức xuyên đêm để canh chỉnh, lập trình, phải thử đến 6 loại động cơ khác nhau để cuối cùng, chọn ra động cơ phù hợp nhất”. Chia sẻ này cho thấy sức cuốn hút đam mê sáng tạo của cuộc thi, dù chỉ là một sân chơi ở cấp Khoa.
Trong lần thứ 3, Ban tổ chức đã thiết kế các thử thách để mang đến một cuộc thi thật sự hấp dẫn, lý thú khơi dậy khao khát chinh phục của các bạn sinh viên. Đó là những thử thách trên đường đua: Di chuyển trong line; di chuyển qua những line đứt khúc; Vượt dốc và vượt chướng ngại vật… Đây cũng là áp lực, khó khăn của Ban tổ chức.
“Chúng tôi phải cân não trong họp hành thảo luận, đề xuất các checkpoint (điểm thử thách) sao cho phù hợp và có tính phân loại khả năng chinh phục của mỗi đội, hẳn nhiên các checkpoint bao giờ cũng là yếu tố thử thách mang lại sức hấp dẫn, đặc biệt là chất lượng cho cuộc thi”. Điều này đòi hỏi các đội thi phải sử dụng nhiều kỹ năng và kiến thức hơn để tạo ra những dòng code sao cho chiếc xe của đội mình phải tự động di chuyển về đích nhưng phải vượt qua một cách thuận lợi các chướng ngại vật trên.
Cũng tại cuộc thi năm nay, Ban tổ chức không thực hiện bấm giờ bằng tay một cách thủ công, dễ có sai số. Một hệ thống đếm giờ tự động (khi robot) vượt qua các checkpoint đã được thiết kế, đảm bảo tính công bằng rất cao. Các bạn sinh viên trong Ban tổ chức, đã làm xuyên đêm, lập trình xong, chạy thử hệ thống (test), cho đến khi an tâm về tính chính xác mới hài lòng”, TS.Đào Duy Tuấn – Giảng viên, Bí thư Liên Chi Đoàn Khoa Điện tử – Viễn thông, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, chia sẻ.
Thành công của 2 cuộc thi trước, khuyến khích các đội tham gia, nỗ lực duy trì tiếng vang và chất lượng sáng tạo của sân chơi ETE – AUTORACE lần này. Với hơn 5 tháng chuẩn bị cho vòng loại lẫn chung kết, 30 đội thi đã có nhiều ngày đêm miệt mài, những đồng đội nhiệt huyết, sáng tạo bên nhau, hăng say chuẩn bị phần thi của Team mình, sao cho giành được ưu thế hơn hẳn các Team bạn. Sự gia tăng của số lượng đội thi năm nay, cũng đã làm cho vòng đua trở nên nóng hơn. Ngay từ vòng loại, tất cả đều hồi họp chờ những màn trình diễn mãn nhãn, cũng như bản lĩnh tranh tài của 30 đội thi.
Ở mùa thi thứ 3, ETE – AUTORACE ghi nhận thêm một yếu tố rất HOT, đó là thành viên của 30 đội thi, không chỉ có sinh viên trong nhà (khoa Điện tử – Viễn thông), mà có cả các bạn từ Khoa khác, tham gia trong đội hình tranh tài. Bên cạnh đó, cuộc thi đặt biệt có 2 đội đến từ K2023, là sinh viên năm đầu, tuy nhiên, toàn Đội thể hiện quyết tâm cao, bằng một niềm đam mê công nghệ lớn lao.
Đây cũng là minh chứng cho thành công của cuộc thi. ETE – AUTORACE đã trở thành điểm hội tụ của kết nối sáng tạo.
‘Năng lực chuyên môn các đội năm nay khá đồng đều, chất lượng tốt, các bạn sinh viên đến từ ngành Kỹ thuật máy tính, có tư duy lập trình vững, tính toán hiệu quả và đấu pháp phù hợp, tinh thần đồng đội các bạn đều rất cao, hết lòng “vì màu cờ, sắc áo”, do vậy các robot thi đấu ổn định, các robot thi đấu ấn tượng nhất, đã giành giải cao”, TS.Đào Duy Tuấn nhận xét.
Học được nhiều từ sân chơi
“Qua cuột thi tụi em có được rất nhiều bài học, đặc biệt là những kinh nghiệm gặt hái từ lỗi lầm khi tự mình lắp ráp, thiết kế xe, sửa code. Chúng em cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Ban đầu, linh kiện điện tử của nhóm rất hạn chế về độ bền, chất lượng không ổn định, gây ra các lỗi về phần cứng gần như thường xuyên. Nhóm thay đổi, mua và dùng linh kiện tại một Shop uy tín hơn thì mới ổn. Đây là bài học về thiết bị. Ngoài ra, chúng em đã nhận được sự giúp đỡ, quan tâm của các anh chị, sự hỗ trợ từ các bạn khác nhóm. Thêm nhiều bài học mới về kinh nghiệm rất bổ ích cho nhóm”, đại diện KTMT boys cho biết.
Phó Ban Tổ chức cuộc thi, sinh viên Hoàng Bảo Long bày tỏ: “ETE – AUTORACE là một sân chơi công nghệ dành cho các bạn trẻ. Tại cuộc thi, sinh viên được thực hành từ phần mềm đến phần cứng, phát triển mạnh khả năng tư duy và sáng tạo, khả năng làm việc nhóm, rèn luyện nhiều kỹ năng mềm rất cần thiết cho sinh viên ngành Kỹ thuật máy tính và Điện tử – Viễn thông”.
“Ở cuộc thi, em được giao lưu với các bạn sinh viên khoa Điện tử – Viễn thông, các anh chị cựu sinh viên, qua đó, đánh thức tinh thần học hỏi, dám đặt bản thân trước nhiều thử thách, tự mình phải tìm phương án giải quyết vấn đề trong thời gian ngắn. Cuộc thi thực sự gắn kết thêm tình đoàn kết với các bạn trong lớp, trong Khoa, chúng em có cơ hội nhắc nhở nhau cố gắng vận dụng nội dung lý thuyết của các học phần, vào thực hành làm robot dự thi”, bạn Đặng Đức Chính, lớp 21KTMT2 cho biết.
Luật lệ cuộc chơi ETE AUTORACE 2023 đúng là dễ mà khó, các đội thi đấu trên sa hình nguyên bản như Ban tổ chức đã thông báo. Cấp độ khó được nâng dần, chẳng hạn vòng tứ kết, thi đấu đối kháng, trên sa hình được bổ sung thêm thử thách là các nét đứt đoạn tại cung tròn; đến vòng bán kết, việc mở rộng các đường nét đứt đoạn là thử thách mới.
Xe (robot) của các đội thi cần phải lần lượt vượt qua các checkpoint để tính điểm, bao gồm các đường kẻ ngang, đường đứt đoạn, đường vòng cung, dốc và hầm. Khó nhất, ở check point cuối cùng, các đội phải cho xe vượt qua vật cản ngay giữa đường. Mỗi thách thức đều gây tò mò, thắc mắc (liệu Robot đội mình có vượt qua được hay khổng?), xen lẫn thích thú, kỳ vọng (nhất định sẽ chinh phục được).
“Đề bài của BTC đưa ra độ khó cho chúng em, đó chính là các checkpoint, nhưng khó nhất là ở trạm về đích. Đường rất hẹp, phải tính toán đường đi và góc của của xe trong thời gian ngắn, phù hợp, không để xe đụng vào vật cản (checkpoint).
Ngay khi có thông báo của Ban tổ chức, đội Tech warriors chúng em liền lên ý tưởng, thiết kế PCB dò line cho 11 mắt line. Tuy nhiên, giải pháp không phù hợp với sa hình của cuộc thi, phải là mạch dò cho 5 mắt line. Khổ nhất, giai đoạn này chúng em đang theo học quân sự, thời gian làm robot mới rất ngắn, khá áp lực và thách thức. Toàn đội hạ quyết tâm chạy đua với thời gian, cuối cùng, robot đã chạy ổn, đội em đã thành công và giành chiến thắng”, bạn Lê Công Trường, lớp 23DT4, Nhóm trưởng, thổ lộ.
Quá trình thiết kế xe cho phù hợp với sa hình và chọn linh kiện chính là khâu khó khăn nhất mà hầu hết các đội đều gặp phải. Theo bạn Bùi Trịnh Thế Viên (Nhóm MA TỐC ĐỘ), cả nhóm đã cùng nhau vẽ mạch, tìm linh kiện vi điều khiển (có thiết kế gọn nhẹ), rồi chọn cảm biến tương thích, lập trình sao cho phù hợp với sa hình. Nhưng khó khăn nhất là chọn cảm biến và nguồn, chỉ cắm nhầm linh kiện thôi, sẽ dẫn đến cháy, hỏng. Công việc đòi hỏi am hiểu, cẩn thận, rất tỉ mỉ.
Kết quả chung cuộc ETE – AUTORACE 2023:
Giải nhất: TECH WARRIORS, các thành viên: Lê Công Trường, lớp 23DT4, Nhóm trưởng ; Nguyễn Thanh Long – 23DT3, Lê Xuân Đoàn – 23CDT3.
Giải nhì: MA TỐC ĐỘ, các thành viên: Nguyễn Xuân Trường – 22KTMT2, Nhóm trưởng; Bùi Trịnh Thế Viên- 22KTMT2.
Giải ba: TRINARY, các thành viên: Nguyễn Thị Uyên Phương, lớp 22KTMT1, Nhóm trưởng; Nguyễn Văn Quý – 22KTMT1và Nguyễn Trọng Nhân – 22KTMT1.
Giải khuyến khích: KTMT Boys, các thành viên: Hồ Nguyên Tâm, 22KTMT1, Nhóm trưởng; Trần Viết Thắng- 22KTMT1; Trần Duy Nguyên-22KTMT1 và Kim Gia Bảo – 22KTMT2.
Học được gì qua sân chơi (hay ý nghĩa của cuộc thi) vẫn là điều Ban tổ chức, người chơi và cả giới truyền thông cùng quan tâm và tìm hiểu đến cùng. Được hỏi, bạn Nguyễn Thị Uyên Phương, lớp 22KTMT1, đội trưởng Trinary, đã đầy cảm xúc, nhớ và kể lại. “Em cùng các bạn học hỏi được nhiều điều, nhất là làm robot (xe thi đấu), làm xe nhiều khó khăn lắm.
Trước hết là khả năng về chi phí đầu tư, rồi chọn mua linh kiện, bắt tay vào thiết kế cần đến kiến thức toán, vật lý, thuật toán PID cân chỉnh bám line, độ cân bằng bánh xe, đảm bảo xe vận hành như ý. Và cứ mỗi lần khắc phục được lỗi, tình bạn trong nhóm càng kết gắn cao hơn. Mỗi người đều rèn luyện tính kiên nhẫn của riêng mình, rồi bản thân phải biết đồng lòng cho việc chung. Lý do chọn tên nhóm: lấy cảm hứng từ tiếng Anh cây nhị phân Binary, trong môn học Cấu trúc Dữ liệu và Giải thuật, nhóm em có 3 bạn nên chọn tên nhóm cây tam phân – TRINARY, thể hiện quyết tâm chiến thắng của đội.
Nhiều “member” rất đáng yêu của các Nhóm cùng có chung khẳng định rằng, “cuộc thi là một trải nghiệm để học hỏi kiến thức điện tử, nuôi dưỡng đam mê, sau này có thể theo ngành vi mạch. Một ngành công nghiệp đang trở thành đề tài thời sự luôn luôn nóng hổi mấy tháng nay”, bạn Nguyễn Tiến Đạt lớp 23DT2 (Nhóm MA TỐC ĐỘ), lần đầu tham gia cuộc thi, thay mặt nhóm bạn, bày tỏ.
Đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trong năm 2023 Khoa Điện tử – Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã hoàn tất nội dung, các bước chuẩn bị, và sẽ chính thức mở chuyên ngành Vi điện tử – Thiết kế vi mạch vào năm đến. Cuộc thi ETE – AUTORACE 2023 dã và đang lan tỏa, cổ vũ mạnh mẽ cho những đam mê của các bạn sinh viên quyết theo đuổi lĩnh vực này. Sân chơi đã thực sự truyền cảm hứng cho tinh thần tự học, ham học hỏi, tự tìm tòi nghiên cứu, kỹ năng giải quyết từ tình huống đến các vấn đề phức tạp, phương pháp làm việc theo nhóm. Đây cũng là chuỗi yêu cầu căn bản để có những kỹ sư vi mạch thạo việc./.
Trung Đức