(Hà Tĩnh). Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Sau năm năm thực hiện, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của người dân từ chỗ “thụ động, trông chờ, ỷ lại” sang “tự lực, tự chủ, sáng tạo”.
Đến nay, toàn tỉnh có 239 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, các sản phẩm sau khi được công nhận đã được nâng cao về chất lượng, từng bước thay đổi mẫu mã đáp ứng với thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó doanh số bán hàng tăng lên, điển hình có những sản phẩm tăng 2-3 lần so với trước khi tham gia Chương trình. Nhiều lao động trẻ đã quay trở về quê hương và khởi nghiệp từ Chương trình OCOP, dẫn dắt người nông dân phát triển kinh tế, các cơ sở OCOP đã tạo việc làm cho hơn 2000 lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động dán tiếp.
Để Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn, tỉnh tiếp tục khai thác có hiệu quả tài nguyên bản địa; khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang tính đồng bộ đã được đặt ra tại kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2025.
Kế hoạch đặt chỉ tiêu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; tập trung phát triển, nâng hạng các sản phẩm OCOP, phấn đấu có tối thiểu 20% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, 5% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao.
Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phấn đấu có ít nhất 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.
Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử, website, facebook, zalo,…); phấn đấu mỗi huyện, thành phố, thị xã có tối thiểu 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đảm bảo Quy chế quản lý Điểm giới thiệu, bán sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh Hà Tĩnh được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số 4086/QĐ-UBND ngày 01/12/2020.
Ngoài mục đích phát triển kinh tế, Chương trình OCOP còn có ý nghĩa trong giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở khu vực nông thôn như: Giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo, niềm tự hào của người dân và hình thành các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và kiến thức tiếp cận thị trường.
Phát huy nguồn lực cộng đồng như tri thức quản trị, các giá trị văn hóa truyền thống lối sống của cư dân nông thôn, công nghệ, nguyên liệu địa phương và sự tham gia giám sát của cộng đồng.
Trong thời gian tới để có thêm nhiều huyện, thị xây dựng thành công sản phẩm OCOP, UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò lãnh đạo cấp ủy chính quyền các cấp trong nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia xúc tiến thương mại qua các hội chợ triển lãm, hoạt động du lịch, đưa sản phẩm OCOP vào chương trình hành động phát triển kinh tế – xã hội, gắn với xây dựng NTM của địa phương.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP đến các doanh nghiệp, HTX, các hộ sản xuất, kinh doanh, nhất là những sản phẩm thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP; tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP đã được công nhận, cũng như hỗ trợ các chủ thể nâng cấp sản phẩm; hỗ trợ chủ thể thực hiện tư vấn hoàn thiện sản phẩm về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, hồ sơ sản phẩm để đánh giá sản phẩm…
Với sự nỗ lực cố gắng của người dân, cộng đồng người sản xuất cùng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng bộ và Chính quyền các cấp, tin tưởng rằng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm ở Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả cao hơn, rõ nét hơn, thật sự làm trụ cột cho phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng tỉnh Hà Tĩnh sớm trở thành tỉnh nông thôn mới như kế hoạch đề ra.
Tăng Anh Thành