Thứ hai, Tháng mười hai 30, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng: Tháo dỡ toàn bộ kè sông Hàn của 2 dự án Marina Comples và Olalani mới là hợp lòng dân



ĐNA -

Giữa những ngày đầu  tháng 11/2021, dư luận Đà Nẵng một lần nữa lại dậy sóng bởi một Hội thảo lần 2 về câu chuyện 2 năm trước đây chưa giải quyết được. Đó là Hội thảo về 2 dự án lấn sông Hàn (dự án Bất động sản – Bến du thuyền Đà Nẵng Marina Complex do Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư và dự án Olalani do Công ty cổ phần Mỹ Phúc làm chủ đầu tư). Cả 2 lần hội thảo phản biện xã hội này đều được UBMTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng chủ trì tổ chức.

2 dự án Marina Comples và Olalani

Vì sao cần một quy trình ?
Nhớ lại cuộc chủ trì Hội thảo về lấn sông Hàn cách đây 2 năm, đó là ngày 07/5/2019, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex) và dự án Khu nghỉ dưỡng và căn hộ cao cấp Olalani Riverside Towers trên địa bàn quận Sơn Trà do bà Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đặng Thị Kim Liên chủ trì hội nghị. 

Lúc đó  thì dự án lấn sông Marina Complex này đã trải qua 2 lần đánh giá tác động môi trường (vào các năm 2011 và 2017), các kết quả đánh giá đến thời điểm đó đều khẳng định việc thực hiện dự án không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn và các vấn đề môi trường khác. 

Vấn đề rất nóng năm đó là trước Hội thảo chục ngày, ngày 28/4/2019 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo kiểm tra, xử lý thông tin báo chí đăng tải việc Đà Nẵng cho “lấn sông Hàn để triển khai dự án”, vì đã 10 ngày trôi qua mà chưa thấy Đà Nẵng trả lời Thủ tướng, nên bước vào Hội thảo năm đó không khí rất râm ran. 

Tại Hội thảo có 14 ý kiến thì 8 ý kiến phản đối gây gắt việc lấn sông, yêu cầu phải tháo dỡ toàn bộ bờ kè lấn sông này;  6 ý kiến đồng tình với việc lấp sông Hàn làm dự án, trong đó ý kiến đồng tình lấp sông của vị tiến sĩ trong Tổ cố vấn Chính phủ. 

Tại Hội nghị này nhiều nhà khoa học, chuyên gia đã nêu hai luồng ý kiến trái chiều, tranh luận nảy lửa. Một bên (8 ý kiến phản bác) cho rằng nếu triển khai sẽ  ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy tự nhiên của sông Hàn. Các dự án này đã lấn sông, chèn ép sông Hàn, sông Cổ Cò… sẽ gây rất nhiều trong dư luận và đề nghị dừng triển khai. Các nhà khoa học (trong đó có kiến trúc sư Hồ Duy Diệm – Chủ tịch Hội bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam) đã dẫn chứng những tư liệu khoa học về ảnh hưởng của đồng chảy. Ngoài ra ông Diệm còn nhấn mạnh đến sự chỉ đạo của trung ương theo Nghị quyết 43 NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị  mới ban hành là phải: “… Khơi thông sông cổ Cò và hệ thổng hạ tầng đường thuỷ… thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động về thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng…”, dẫn chứng nội dung Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 01/02/2019 của Thủ tướng là phải .”… lựa chọn quỹ đất phát triển, tái phát triển đô thị, Đánh giá môi trường chiến lược tích hợp với kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng,  giảm thiểu các thiệt hại trong trường hợp thiên tai hoặc biến đổi môi trường lớn xảy ra…” để bảo vệ cho quan điểm của mình.

Bên (6 ý kiến đồng tình) trong đó có tiến sĩ Trần Đình Thiên (Thành viên Tổ cố vấn Chính phủ) cho rằng dự án không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn, cần tiếp tục thực hiện dự án bởi đã được cấp phép, đầy đủ hồ sơ pháp lý, tránh thiệt thòi cho nhà đầu tư, ảnh hưởng công tác mời gọi xúc tiến đầu tư của thành phố…

Nói thì “đầy đủ hồ sơ pháp lý”, nhưng các chuyên gia nhà khoa học bên “6 ý kiến đồng tình” này lại không đưa ra được  văn bản nào có tính pháp lý cao hơn nội dung “cấm” của Điều 9 Luật Tài nguyên nước năm 2012: ”  Cấm đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây trái phép gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh, rạch”, mà đối phương đã đưa ra và yêu cầu chứng minh

Ông Tô Văn Hùng giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường cho rằng, 02 dự án này: Olalani được thành phố duyệt từ năm 2008, Marina Complex duyệt từ năm 2011, trước khi Luật Tài nguyên nước năm 2012 ra đời nên không vì phạm luật.

Phản bác lại ý kiến đó, Hội thảo đã nêu ý kiến: Luật 2012 chính là hoàn thiện lại của Luật 1998. Điều 9 Luật 1998 có ghi: “Nghiêm cấm mọi hành vi làm suy thoái, cận kiệt nghiêm trọng nguồn nước; ngăn cản trái phép sự lưu thông của nước…”

Hội thảo năm 2019 đã rơi vào một tình thế thảm hại buộc phải công khai trước công luận, đó là phải tháo dỡ ngay công trình kè lấn sông Hàn trái luật pháp này! 

Trong một diễn biến rất nóng như vậy tại Hội thảo năm 2019, đáng lẽ Mặt trận phải thực hiện nhiệm vụ được giao là “báo cáo kết quả giám sát với cấp ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cùng cấp để các cơ quan, tổ chức được báo cáo cho ý kiến về việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát”, nhưng trong khi chưa có ý kiến của HĐND và UBND thành phố về khẳng định có tháo dỡ toàn bộ bờ kè lấn sông Hàn trái luật pháp hay vẫn để lại những bờ kè bất hợp pháp đó, đặc biệt cũng đã 2 năm UBND thành phố Đà Nẵng chưa trả yêu cầu ngày 28/4/2019 của Thủ tướng về việc chỉ đạo kiểm tra, xử lý thông tin báo chí đăng tải việc lấn sông Hàn, tức là những thông tin kết luận chính thức từ Chính phủ về vấn đề lấn sông Hàn là chưa có, thậm chí dư luận xã hội đang bức xúc thì ngày 16/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức lần 2 về phản biện xã hội các dự án lấn sông Hàn Đà Nẵng.

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Đà Nẵng, việc điều chỉnh lần này phù hợp với định hướng của Đồ án quy hoạch chung của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 15/3/2021. Hội nghị phản biện lần này đã được nghe 10 ý kiến phản biện của các đại biểu, đa số đều đồng tình, ủng hộ và thống nhất với chủ trương của UBND thành phố về phương án điều chỉnh quy hoạch các dự án ven sông Hàn, phù hợp với định hướng của Đồ án quy hoạch chung thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định vừa kể, góp phần làm thay đổi diện mạo trung tâm thành phố, xứng tầm là một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Điều này cũng đáp ứng được nguyện vọng chung của nhân dân thành phố là mong muốn việc điều chỉnh quy hoạch, xây dựng cảnh quan kiến trúc của các dự án ven sông Hàn phải phù hợp với quy hoạch, cảnh quan thiên nhiên, tăng diện tích cây xanh, không gian công cộng và mỹ quan tăng thêm sự sinh động, lung linh cho sông Hàn, đảm bảo môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực và phát triển bền vững của thành phố.

Tuy nhiên, theo đề dẫn của Sở Xây dựng, trong dự tính, nếu muốn điều chỉnh, thu hồi 2 dự án lấn sông Hàn, Đà Nẵng phải bồi thường 2.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp nên phương án được tính đến là cho phép xây cao ốc với mật độ phù hợp. Đại diện Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho rằng, cả hai dự án được TP kêu gọi đầu tư hơn chục năm trước. Hai chủ đầu tư của dự án này đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với đất ở và đất thương mại – dịch vụ trước đó.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Đà Nẵng, nhìn nhận, việc phải bỏ ra đến 2.000 tỷ đồng để đền bù cho nhà đầu tư là cần phải cân nhắc trong bối cảnh hiện nay.

Vì vậy, nên xem xét điều chỉnh phương án theo hướng để vừa không phải bồi thường một khoản tiền lớn cho các nhà đầu tư, vừa đảm bảo ưu tiên dành không gian xanh ở hướng sát sông Hàn và bố trí đường cảnh quan ven sông để phục vụ cộng đồng. Theo ông Tiếng, đây là chuyện đã rồi: “”Từ nay về sau, tôi mong chúng ta cẩn trọng hơn khi quyết định chấp thuận các dự án đầu tư, nhất là đầu tư các dự án ven sông, ven biển. Tránh để xảy ra tình huống bỏ thì thương, vương thì tội cho các thế hệ lãnh đạo kế nhiệm”. Kết thúc ý kiến phát biểu của mình, ông Tiếng nhắc lại câu nói của Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam về việc lấp lấn sông Đồng Nai để làm dự án: “Dù ai làm và lợi ích của ai, không thể nào nói lấp lấn sông là hợp lý được”.

Trước đó, Mặt trận thành phố cũng đã tổ chức đoàn khảo sát thực địa các dự án ven sông Hàn tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các ngành liên quan. Qua khảo sát, đa số đại biểu đều biểu thị sự tán thành với phương án điều chỉnh quy hoạch của UBND thành phố. 

Với 2 dự án lấn sông Hàn gây bức xúc cho dân kéo dài, để “đo đếm” được lòng dân, Mặt trận chỉ cần phát động 1 cuộc thăm dò  với câu hỏi  “Tháo dỡ toàn bộ 2 dự án lấn sông Hàn  “Có” hay “Không”?,  thì chắc chắn chỉ sau một thời gian ngắn sẽ có kết quả. Kết quả đó chính là lòng dân./.

Chy Lê